Thứ Ba, 14 tháng 9, 2010

Tản mạn Myanmar

Thăm chùa Shwe Dagon

1.

Đêm vừa xuống, chiếc Fokker 70 ghế của Vietnam Airlines rời sân bay Yangon, đảo một vòng rồi hướng về Hà Nội. Anh bạn doanh nhân Sài Gòn dán mắt vào cửa sổ máy bay, nói: “Chỉ thấy chập chờn ánh điện của Yangon, còn ra nông thôn thì tối om”. Bốn ngày trước, khi đáp xuống sân bay này, anh hỏi người bạn mới đi Myanmar lần đầu: “Quang cảnh bên dưới có giống nông thôn miền Tây Nam bộ quê anh không?”. Người bạn quan sát một hồi rồi hỏi lại: “Ruộng đồng mênh mông, sông rạch chằng chịt nhưng sao hiếm thấy xe cộ trên đường hay tàu ghe trên sông như ở bên mình? Dường như thiếu vắng sự giao thương?”. Anh bạn doanh nhân trả lời: “Myanmar mới mở cửa mấy năm nay, nông thôn còn nghèo lắm, chỉ dựa vào cây lúa, thu nhập bình quân mỗi người chỉ khoảng một đô la/ngày”. Anh nói thêm, Myannar sắp sửa tổng tuyển cử và Mỹ vẫn còn cấm vận Myanmar.

Anh Vương Văn Sự là giám đốc Công ty TNHH Vương Sơn ở TP.HCM, chuyên phân phối sản phẩm dinh dưỡng chăn nuôi cho một công ty của Đức. Qua Myanmar chuyến này anh rủ thêm tiến sĩ Dũng, giám đốc sản xuất một công ty dược phẩm và một người bạn thích đi du lịch. Anh Sự nói: “Vì Myanmar chưa làm ăn nhiều với phương Tây nên họ phải đi vòng để mình đưa sản phẩm vào đây. Nếu mình không chuẩn bị trước thì khi thị trường bùng nổ, kẻ đến sau sẽ mất cơ hội”. Bốn năm trước, sau chuyến du lịch ở Mayanmar, anh Sự đã chọn được đối tác tiêu thụ một số sản phẩm do Công ty Vương Sơn cung cấp. Lần này, anh Sự và anh Dũng qua làm việc với ông Win, Tổng giám đốc Công ty Tun Sanba, bàn chuyện mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ra vùng nông thôn Myanmar. Sau buổi họp với ông Win - một giám đốc tư nhân kinh doanh lâu đời tại đây - cả hai doanh nhân Việt Nam này đều tỏ ra lạc quan. Anh Dũng nói: “Ông Win đã đồng ý với những con số mình đưa ra như vậy là tốt rồi”. Anh Sự nói: “Hi vọng là sau tổng tuyển cử vào tháng 11 tới, chính phủ Myanmar sẽ mở cửa làm ăn với thế giới mạnh hơn. Khi đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ không còn phải thanh toán qua nước thứ ba nữa”.

Anh Sự tại Yangon Zoo

2.

Bốn ngày thăm thú Yangon, nhiều hình ảnh trái ngược đọng lại trong lòng du khách. Nông thôn vắng vẻ nhưng thành thị thì lũ lượt xe cộ; từng hàng ô tô nối đuôi nhau chạy trên các đường phố rợp mát bóng cây xanh. Không có xe hai bánh, vì chính phủ giới hạn loại xe này. Thế nhưng đa phần ô tô là xe “nghĩa địa” của Nhật, nhập từ Singapore, Malaysia, Thái Lan… Lái xe theo lề phải nhưng xe thì tay lái trái, phải búa xua. Hằng chục lần đi taxi, chỉ một lần được hưởng máy lạnh, nhưng cũng từ một chiếc Mazda cũ kĩ. Cái cảnh ghế ngồi tả tơi, dây điện lòng thòng, thậm chí nước mưa tạt vào ngập cả gót giày… là chuyện cơm bữa với du khách. Tất nhiên, trong đám đông đó, cũng có nhiều ô tô đời mới. Cảnh này cũng giống như phố phường Yangon. Có vài cao ốc văn phòng, khách sạn mới xen trong vô số nhà chung cư cũ, nơi mà quần áo được phơi lủng lẳng khắp mặt tiền dưới những cái chảo ăng ten mới được cấp phép để thu sóng kĩ thuật số xem ti vi. Có hằng trăm căn biệt thự từ đầu thế kỉ 20 thời Anh cai trị, giờ đang hoang phế hoặc được lợp tôn thay cho những mái ngói đổ nát. Từ những khu biệt thự đầy cây xanh ấy, nhiều đàn quạ đen hay sáo nâu đông hàng trăm con bay ra kiếm ăn ở những khu chợ đông người và những ngôi chùa đông du khách. Dường như đi đâu ở Yangon cũng gặp chim sáo và quạ đen thủng thẳng tìm mồi ở sát bên người. Và dường như đi đâu ở Yangon cũng gặp cảnh đàn ông nhai trầu bỏm bẻm rồi phun phèn phẹc xuống đường. Có anh tài xế taxi ngoài ba mươi tuổi, vừa lái xe vừa trò chuyện tiếng Anh líu lo rồi thò đầu qua cửa xe “phẹc” nước bả trầu một cách điệu nghệ. Người dân có vẻ thong thả lắm; nhai trầu thong thả, đi bộ thong thả dưới mưa với cái dù trên tay dẫu mưa đang nặng hạt; lâu lâu lại thong thả xốc lại cái quần xà rông giữa phố. Họ cũng thong thả mua bán bằng cả đồng kyat và đồng đô la Mỹ. Và hai bên đường đã xuất hiện nhiều tấm biển quảng cáo hàng tiêu dùng toàn tiếng Anh, với hình ảnh những người mẫu trẻ trung xinh đẹp.

Yangon rất quý cây xanh


Biệt thự lợp... tole tại Yangon


Một kiểu quảng cáo độc đáo của kem đánh răng Best-T ở Yangon

Khách sạn bốn sao Parkroyal hơn 200 phòng ở trung tâm Yangon lúc nào cũng đầy. Nhiều nhất là khách đến từ Thái Lan, Trung Quốc, Nhật, Singapore, Malaysia; du khách phương Tây hãy còn thưa thớt. Nhân viên khách sạn luôn nở nụ cười thân thiện và phục vụ khách chu đáo. Như cô Aye Aye Aung, mỗi ngày mặc một bộ trang phục truyền thống sặc sỡ, làm công việc đón và tiễn khách. Mới nghe một người khách hỏi về cây Thanat-kha, Aung đã nhiệt tình giải thích; rằng đó là đặc sản của Myanmar, khi mài thân cây trên đá sẽ cho ra một chất bột vàng dưỡng da rất tốt mà đa phần phụ nữ Myamar ra đường đều bôi lên hai má. Aung còn in tặng cho ông khách một tài liệu về Thanat-kha.

Với cô Aye Aye Aung tại khách sạn Park Royal

Ở Yangon, du khách thường không hài lòng về Internet. Tỉ như tại khách sạn Parkroyal, giá 2 đô/giờ nhưng mạng quá chậm và bị đứt lúc nào không biết. Bữa đó, cả ngày không vô mạng được, anh Sự và anh Dũng thắc mắc thì được giải thích: “Chính phủ tạm dừng để nâng cấp”. Hôm sau qua siêu thị gần khách sạn, hai anh mới hay giá net ở đây là nửa đô la một giờ nhưng vẫn cứ chậm.

Nhớ hôm làm thủ tục xin visa, chị nhân viên ở Lãnh sự quán Myanmar tại TP.HCM mail cho một tài liệu về Myanmar. Trích: “Tháng 1-1824, Anh xâm nhập Myanmar và đến 1886 thôn tính Myanmar hoàn toàn. Ngày 4-1-1948, Anh trao trả độc lập cho Myanmar. Từ 1962, Myanmar chứng kiến nhiều biến động chính trị. Tháng 11-1997, Thống tướng Than Xuề làm Chủ tịch Hội đồng Hòa bình và phát triển quốc gia…”. Cũng trong tài liệu này: “Myanmar giàu tài nguyên, đất đai phì nhiêu với tổng diện tích trồng trọt khoảng 23 triệu héc ta. Nông nghiệp chiếm 40% tổng giá trị xuất khẩu. Từ năm 1988, Myanmar cải cách kinh tế từ hành chính bao cấp sang kinh tế thị trường, ban hành luật đầu tư nước ngoài, cho phép lập lại các doanh nghiệp tư nhân. Đầu tư nước ngoài hiện có 374 dự án từ 25 nước và lãnh thổ. Kim ngạch thương mại chính ngạch giữa Myanmar với các nước ASEAN năm 2006 đạt khoảng 5,5 tỉ đô la Mỹ”.

Myanmar rộng gấp đôi Việt Nam nhưng dân số chưa tới 50 triệu người, với 135 dân tộc và bộ tộc, 89% dân theo đạo Phật. Yangon giờ đã thành cố đô bên bờ biển Andaman. Tháng 1-2006, chính phủ đã dời thủ đô lên khu rừng già Nay Pyi Taw nằm giữa lòng đất nước.
Trên chuyến taxi xục xịch rời khách sạn ra sân bay, bác tài Moe Dee xòe xấp tiền giấy kyat rách nát cũ xì, hai mặt dán đầy băng keo trong, nói như trần tình với khách: “Kinh tế Myanmar đấy! Phải thay đổi thôi. Sắp thay đổi rồi”.

Chỗ quầy làm thủ tục lên máy bay, một cán bộ của Vietnam Airlines nói: “Gần đây, nhiều đoàn doanh nhân Việt Nam đã sang tìm cơ hội làm ăn ở Myanmar. Ngân hàng Đầu tư và phát triển đã mở văn phòng tại Yangon. Hiện nay mỗi tuần có 4 chuyến bay từ Hà Nội sang đây. Ngày 30-10 tới, mỗi tuần sẽ có thêm 4 chuyến bay từ TP.HCM”.

Nghe tin này, anh Vương Văn Sự bèn mua một chiếc áo thun làm quà cho bạn với dòng chữ cách điệu bản đồ Myanmar in trước ngực áo: “Have you been to Myanmar?” (Bạn đã tới Myanmar chưa?).


Với cậu bé bán lúa cho chim ăn tại Yangon
Ven đường phố Yangon

Triển lãm quốc tế đầu tiên về hàng tiêu dùng ở Yangon

Tháp chùa Shwe Dagon cao 100m.

Tại Yangon Zoo


Một khu chung cư ở Yangon

Một góc khu China Town ở Yangon

Một cửa hàng tranh ở Yangon

Một con đường ở Yangon
Chung cư ở Yangon


__________________________________________











Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2010

Hồn đảo


Bài này của bạn trẻ Thanh Hà, trong nhóm sáu người của Saigon Times Foundation, lần đầu tiên đi Côn Đảo. Chủ blog viết không hồn nhiên & trầm mặc được như vậy, bèn xin phép tác giả, đưa lên Mong Manh


Tới sân bay Cỏ Ống

Chúng tôi đến Côn Đảo đầu giờ chiều một ngày Chủ nhật giữa tháng 3. Sau nỗi nôn nao náo nức khi nhìn từ máy bay xuống mặt biển xanh trong với hai bờ cát trắng tuyệt đẹp dọc hai bên bãi đáp, chúng tôi ra xe đi về phía trung tâm huyện đảo, nơi nghỉ lưng mỗi ngày ở căn nhà khách mọc lên đầu tiên tại đây.

Thuê xe gắn máy, lên đàng!

Dọc đường gió bụi

Ô trời, những cánh bướm màu cam đẹp quá! Chúng đang đậu chi chít trên những nhánh cây bàng đứng gần nhau dọc hai bên đường. Những cánh bướm giống những điểm nhấn long lanh màu sắc trên nền của núi rừng và biển xanh Côn Đảo. Tôi ngẩn ngơ! Sao những chiếc lá bàng này lại cam cái màu cam đẹp như cánh bướm thế kia? Hay chúng đang mở hội mừng nhóm tôi ra đảo, một nhóm sáu con người ngô nghê háo hức, muốn tạm biệt đất Sài Gòn một chút để ra đây hít một ít khí biển và để cùng ngân ca bài hát về chị Sáu bên mộ chị ở nghĩa trang Hàng Dương… Tôi ngắm hết đám bướm này đến đám bướm kia đầy ngưỡng mộ, lòng thắc mắc sao những cây bàng trong Sài Gòn chẳng thể tạo ra được những đàn bướm giống như thế này. Có cái gì đặc biệt, độc đáo và kỳ lạ ở những cây bàng ở đảo này đây mà!

Thăm di tích nhà tù Côn Đảo

Viếng mộ chị Võ Thị Sáu

Những sắc cam lung linh giờ lại làm nền cho sắc xanh dương, xanh lục và nâu xám của biển, của tán cây, của núi rừng hùng vĩ đang trải ra bao la hơn theo con đường xuống núi. Gió mát thổi tung nụ cười rạng rỡ, thổi tung ánh mắt nhìn mải mê sung sướng, thổi tung hồn thơ. Chừng ấy tâm hồn đang phơi phới theo cái đẹp nín thở của Đảo. Dường như chẳng còn gì là quá khứ hay tương lai, bởi cái hiện hữu của hiện tại đang tràn ngập xung quanh mà chẳng thứ gì chen vào nổi. Tất cả đang sống trọn trong từng giây phút của hiện tại. Hơi thở chẳng cần phải theo dõi mà tự nó nhịp nhàng đều đặn và lâng lâng. Con đường uốn lượn như một làn sương khói, lãng đãng thổi vào lòng người một niềm hạnh phúc chảy trôi.

Lưng chừng núi đá


Cây và người
Hạnh phúc và bình an cứ “sờ sờ” trong mắt, trong tim của mỗi người chúng tôi trong suốt bốn ngày ở Đảo. Khi thì tan đi trong làn nước trong vắt mát rượi của biển, khi thì lồng lộng trong hơi thở của núi rừng, khi thì nhè nhẹ thơm thoảng với lá và hoa. Ngay cả giữa cái bí hiểm, rờn rợn trong không khí tâm linh của những dãy nhà tù hay những dãi đất nghĩa trang cũng chẳng khiến chúng tôi lo sợ, mà chính nó còn làm cái yêu thương chớm nở cho miền đất này nằng nặng hơn. Những giọt nước mắt len lén lăn chảy theo câu chuyện của cô hướng dẫn về sự tù ngục, về sự bất khuất, về sự thành thánh của những con người mà tôi nghĩ trái tim của họ chắc phải bằng ngọc rất sáng, về cái nghĩa của người vợ với chồng, về những “tâm hồn cao thượng”. Nỗi e ngại bàng bạc về ma cỏ mà lắm người ở đất liền thêu dệt đã bốc hơi đâu mất. Chỉ còn lắng đọng cái thổn thức của tình thương và sự cao quý trong những câu chuyện lịch sử nơi đây.

Sau bãi Đầm Trầu

Trước bãi Đầm Trầu

Có lẽ, từ hơi ấm của tình thương và sự hi sinh vì người khác đó mà người dân huyện đảo (khoảng hơn sáu ngàn người) lớn lên với sự thiện lành, trong sáng, tự nhiên như cây cỏ. Chúng tôi hay tròn mắt nhìn nhau khi được người dân khuyên là nên để xe máy bên vệ đường rồi lặn sâu vào rừng mà chơi. Hay khi tối đến trả xe cho bà chủ nhà khách thì được dặn là cứ để nguyên chìa khóa trên xe và dựng ở ngoài sân trong khi cổng thì được mở 24/24. Và hiếm thấy hơn nữa là lúc dừng lại uống nước gần đầu chợ Côn Đảo, ngồi nửa tiếng đồng hồ trước cửa một tiệm vàng khá lớn mà vắng ngắt bóng dáng người trông coi, chúng tôi đem thắc mắc hỏi chú xe ôm ngồi ngay đó thì nhận được nụ cười tươi và lời giải thích rằng trên đảo chẳng ai thèm trộm cướp đâu mà lo. Tôi bỗng chột dạ. Kiểu này mà ở Sài Gòn thì … Người dân ở đây quả chẳng biết gì đến lừa lọc, trộm cắp, tranh quyền, bởi vì lừa lọc ai, trộm của ai và tranh với ai bây giờ? Ở đây chỉ có biển cả, núi rừng, cây cỏ và ... muông thú (chim cò, sóc khỉ, rùa vích ... đủ cả). Vậy là, chỉ có thiên nhiên! Mà, thiên nhiên thì không biết kinh doanh, cho nên là một điểm đến du lịch nhưng du khách cứ thế thoải mái .. tự phục vụ mình là chính, chớ nên quá trông cậy vào câu “khách hàng là thượng đế” mặc dù ở đây ai cũng hiếu khách thừa.

Ra hòn Bảy Cạnh

Vũ điệu Côn Đảo

Côn Đảo về đêm mới bình yên làm sao. Những con đường dài rộng mà chẳng mấy bóng xe. Tha hồ thong dong tản bộ. Rảo bước sau bữa ăn tối toàn đặc sản đảo, ngắm nghía hết sao trời lại đến hàng cây thẳng tắp làm con lươn cho lòng đường, tôi giật mình trước những thân bàng to khỏe đồ sộ bằng hơn hai người ôm, mọc vững chải nối nhau bằng những cành nhánh sum suê. Dáng vẻ hùng vĩ, oai linh và tráng kiện lạ thường của những cây bàng ở đây lôi kéo cảm giác nửa thán phục nửa nao nao, hệt như đang tận mắt nhìn thấy những nhân chứng sống của lịch sử. Tôi đoán mỗi vị này cũng phải hơn trăm tuổi, bởi thân cây gồ ghề nhiều đường nét, nhiều góc cạnh, có những gốc cây rõ ràng đã bị xén bớt vào một chút để đừng tràn lấn ra lòng đường. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy những cây bàng cổ thụ như thế. Mà cây bàng ở đây không chỉ cho bóng mát, mà còn cho người dân xứ này món đặc sản “hạt bàng” ăn bùi, ngon hơn cả đậu phộng. Đa số trong chúng tôi đều mua vài hũ hạt bàng về làm quà, vì nó lạ. Người bán nói cây bàng thì có đầy khắp nước, nhưng món hạt bàng thì chỉ có thể mua được ở Côn Đảo. Giá của món đặc sản này tương đối cao, bởi công sức bỏ ra lượm lặt, tách từng hạt bàng nhỏ bằng một phần ba đốt ngón tay.

Vích Côn Đảo


Những ngày với nắng gió, biển cả, núi rừng trôi nhanh nhẹ như những thoảng mây, khiến cả đám chúng tôi cứ ngẩn ngơ thèm tiếc. Biết làm sao để níu giữ, đành chụm đầu bàn tính kế hoạch cho … một lần sau nào đó, sẽ sắp xếp đi như vầy, như vầy.

Lên Sở Rẫy

Với riêng tôi thì Côn Đảo như một bậc thiền sư, mà đến với ngài tôi tự nhiên thấy mình được giải thoát, được ngộ. Nhất định tôi sẽ quay lại thăm ngài, nhớ lắm cái bao la trong lành và yêu thương. Đã lâu lắm tôi mới tìm lại được cảm giác lãng mạn say đắm với thiên nhiên như thế. Đã hơn một chục năm, kể từ ngày Sa Pa….


Thanh Hà


Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2010

MONG CHO CUỘC ĐỜI TỬ TẾ HƠN


Cách đây 20 năm, Nguyễn Quang Thân rời Hải Phòng lên Hà Nội “lót ổ” để 3 năm sau Dạ Ngân từ Cần Thơ ra, làm một cuộc trùng phùng của một đôi nhà văn 11 năm xa cách. 15 năm Hà Nội, hai người có khoảng 10 đầu sách và nhiều giải thưởng văn chương, tiếp tục làm thành một cặp đôi bền bỉ với ngòi bút và thương hiệu của mình. Nghỉ hưu ở tuần báo Văn nghệ với chức Trưởng ban Văn xuôi, nhà văn Dạ Ngân kéo chồng xuôi Nam ngay, lần này thì chị đã khéo “lót ổ” sẵn từ mấy năm trước. Vẫn cảnh nhà chung cư nhưng họ có vẻ bằng lòng với cuộc sống đạm bạc hiện nay và vẫn tiếp tục chắc tay với nghề văn nghề báo, chỉ mong cho cuộc đời tử tế hơn…




Gặp gỡ vợ chồng nhà văn Dạ Ngân & Nguyễn Quang Thân: 

TBKTSG: Tết này là cái Tết thứ hai về sống ở Sài Gòn. Anh chị thấy cuộc sống đô thị quanh mình có điều gì đáng suy ngẫm không?

- DẠ NGÂN: Thật sự những tháng đầu tôi bị sốc. Vì Sài Gòn đã rất giống Hà Nội, Sài Gòn không như hình dung của tôi. Nói đúng hơn, Sài Gòn đang mất dần hồn cốt và phong độ vốn có của nó. Sự đồng nhất giữa Hà Nội với Sài Gòn khiến cho tôi thấy bất an và tiếc nuối. Về nhiều mặt, Sài Gòn còn bị xập xệ đi nhiều: kiến trúc lộn xộn, môi trường ô nhiễm nặng, hạ tầng cơ sở kém chất lượng, rác rến nhiều lên, tính chuyên nghiệp của nhiều ngành nghề kém đi, phong cách con người pha tạp nặng. Cuộc sống đô thị là thế này sao? Xin đừng đổ cho cho cuộc sống đô thị. Tại vì chúng ta quy hoạch theo tư duy tiểu nông, tại vì chúng ta thiếu kỷ cương, tại vì chúng ta không tôn trọng chính mình và chính nơi mình sinh sống. Nhưng cũng đừng đổ tại dân đông mật ít ruồi nhiều, đừng đổ làn sóng nhập cư không kiểm soát nổi. Mọi sự do chúng ta dở trắng dở đen và bản thân các vị cầm cân nẩy mực cũng vẫn tư duy nhiệm kỳ khiến người dân bị quay tít trong một cái guồng bon chen, hối hả, chộp giật.

- NGUYỄN QUANG THÂN: Ở Hà Nội chúng tôi cũng có một căn hộ trong chung cư Kim Giang, nơi tôi đã viết tiểu thuyết “Con ngựa Mãn Châu”, kịch bản “Cây bạch đàn vô danh” và rất nhiều truyện ngắn, bài báo. Kim Giang là chung cư thời những năm 80, nhà cao nhất cũng chỉ có 4 lầu, cầu thang và lối đi hẹp, nhà nào cũng cố lấn thêm phía trước phía sau thành “chuồng chó”, “chuồng bò”. Trong khu có một chợ nhỏ, có đủ thứ hàng hóa nhưng phần nhiều là hàng loại 2, muốn mua hàng xịn phải “lên phố” hay “vào Hà Nội” như người ta hay nói.
Vào Sài Gòn, hai vợ chồng cũng vẫn sống trong một căn hộ của chung cư Thanh Đa, vẫn những ngôi nhà cao nhất cũng chỉ 4 tầng lầu, được xây từ những năm 70, do một nhà thầu Đức thiết kế và thi công. Nay thì khu chung cư vẫn sáng sủa, nhà cửa vẫn chắc chắn, nhưng cũng bị biến dạng nhiều “theo kiểu Hà Nội”, nghĩa là công viên bên dưới bị xóm liều và nhà để xe lấn gần hết, nhà nào cũng có cái chuồng chó phía sau. Chợ ở đây cũng không to hơn chợ Kim Giang là bao và hàng hóa cũng thế, những món hàng loại 2 cho người ít tiền.

Con gái tôi nói: “Con có cảm tưởng như bố mang cả khu Kim Giang ở Hà Nội theo mình”. Tôi nói: “Con ơi, đó là giao lưu văn hóa”. Quả thật, sau gần ba mươi lăm năm đất nước thống nhất, Sài Gòn đã “Hà Nội” hơn trước khá nhiều. Còn về sự dữ dằn trên đường phố, ở đây có đỡ hơn ngoài kia. Nhưng đó là chưa đuổi kịp đó thôi và chắc là sẽ đuổi kịp một ngày không xa nữa.

TBKTSG: Nhưng đâu thể nói đời sống đô thị làm tha hóa tâm hồn con người ta; rằng chỉ có hướng về nông thôn, về thuở thiếu thời thì ta mới được “trong lành”?

- DẠ NGÂN: Nông thôn ngày xưa nếu soi qua Nam Cao và Ngô Tất Tố thì có trong lành không? Nông thôn bây giờ đã có “Cánh đồng bất tận” làm chuẩn rồi. Tôi không nghĩ người ta hướng lòng mình về nông thôn là vì nơi ấy nhiều trong lành hơn đô thị. Đơn giản vì nông thôn là nhau cuống, nông thôn là tuổi thơ, nông thôn là ký ức, nông thôn là nguồn cội và nông thôn là chỗ khiến sợi dây trắc ẩn trong chúng ta dễ rung lên, thế thôi.

Các nhà vĩ mô phải bắt đầu lại cho nông thôn và cho cả đô thị. Hai mảnh đất ấy ở ta đều bị xáo trộn, tùy tiện và lợi dụng. Nhất định phải có kỷ cương cho đô thị và nhất định phải có những người nông dân hớn hở với đất đai và công việc làm ăn của mình. Làm được như vậy sẽ có đô thị lành mạnh và nông thôn vui tươi, con đường ấy chắc còn xa lắm bởi cái kiểu nửa nạc nửa mỡ của nước mình.

- NGUYỄN QUANG THÂN: Kỷ cương không phụ thuộc vào nông thôn hay thành thị mà là não trạng của một xã hội. Nếu chịu đọc báo sẽ thấy nông thôn cũng đang có đủ màu sắc thường được báo chí ta hăng hái đưa tin: cướp, hiếp, giết và điếm (mại dâm), chỉ có thưa hơn, ít tập trung hơn vì dân cư sống rải rác hơn. Rối loạn kỷ cương kéo dài do “thượng bất chính hạ tắc loạn”, do thói đạo đức giả và thiếu tôn trọng sự thật, nói dối, nói không làm hoặc nói một đàng làm một nẻo. Đặc biệt là thiếu thượng tôn pháp luật ở cả hai phía: người dân (không tuân thủ pháp luật) và công quyền (sử dụng pháp luật không nghiêm minh).

Chắc chắn không thể đổ vấy cho kinh tế thị trường. Bao nhiêu nước người ta có kinh tế thị trường hàng mấy trăm năm nay mà kỷ cương có bị đảo lộn đâu? Ngược lại thì có. Vì kinh tế thị trường biết tôn trọng pháp luật, tôn trọng trí thức, biết trả tiền xứng đáng cho công sức lao động, không thể mua bán quyền lực vô tội vạ. Do đó mà giữ được kỷ cương.

TBKTSG: Dường như đang có một chuyển động âm ỉ: xã hội đang ráo riết làm giàu bằng mọi cách mà ít chăm sóc cho cái nếp sống hướng thiện hơn?

- DẠ NGÂN: Có nên đổ cho đồng tiền và cách người ta làm ra tiền không? Hãy xem các doanh nghiệp tư nhân người ta kiếm tiền. Mồ hôi và cả nước mắt chứ. Nhưng vì xã hội ta cứ lồ lộ những tầng nấc kẻ giàu không lương thiện cho nên môi trường tinh thần của người dân bị nhiễm bẩn đó thôi. Ai đang giàu không bằng mồ hôi, ai ráo riết và bất chấp, người dân biết cả nhưng họ làm được gì nào? Và như đã nói, khi nào xã hội trong lành, ắt sẽ có văn minh và nhân ái.

- NGUYỄN QUANG THÂN: Ở nước ta, cũng như nhiều nước, đều có hai loại người giàu hay “làm giàu”: loại chân chính bằng tài năng và sức lao động (cả lao động chỉ huy hay trí óc) của bản thân. Loại kia, là do ăn cắp, ăn cướp đủ kiểu như tham nhũng, bóc lột, mafia, buôn bán quyền lực…

Giàu có ngày nay có thể không đồng hành với vô đạo đức như một định mệnh. Một số nhà giàu thuộc loại 1 vẫn có lương tâm, họ làm ra tiền để được hưởng một cuộc sống cao cấp cho bản thân, con cháu nhưng cũng đồng thời kiếm công ăn việc làm cho bao nhiêu người khác, giúp phát triển nền kinh tế quốc gia. Không ít người giàu cóp nhặt suốt đời để có một đống của cải rồi làm từ thiện, cho lại người nghèo.

Loại thứ hai thì khỏi phải nói. Chính họ là thủ phạm chính của tình trạng suy thoái đạo đức, bôi bẩn văn hóa, làm tội ác ngày thêm trầm trọng trong xã hội ta ngày nay. Vậy mà nhiều khi họ cũng được giải, được tặng bằng khen huy chương hay thăng tiến vù vù trên nấc thang chức vụ đấy. Kỷ cương đang rối mà!

TBKTSG: Sao người ta có thể giết người chặt xác; xua chó cắn chết một bà già mót cà phê; thích đón nhận những danh hiệu này nọ trong những cuộc “tôn vinh” ồn ã; nhiều đại gia doanh nhân chỉ thấy sức mạnh đồng tiền... Vì sao cái ác, cái vô cảm, cái thói háo danh đang có nhiều đất sống hơn trong xã hội bây giờ?

- DẠ NGÂN: Bây giờ mà yếu bóng vía thì không dám đọc báo nhiều, nhất là các loại báo của ngành công an vì quả thật, người ta dễ giết nhau quá chừng. Bây giờ ra đường bị chèn hay bị va quệt cũng không dám phản ứng mạnh vì mình có thể bị “xử lý” bằng dao ngay. Xã hội quá bất an và bát nháo, không rõ các vị vĩ mô có cải trang để đi thực tế không? Dân chúng không yên, lòng người tao tác mà mở tivi ra là thấy lễ lạt thành tích và các loại danh hiệu, quá phù phiếm, quá phi lý, nhưng nếu kêu thì có thấu không và có thay đổi được gì không?

- NGUYỄN QUANG THÂN: Rất khó trả lời câu hỏi “tại sao?” vì nó quá nhạy cảm. Ai cũng biết nhưng không mấy ai chịu nói hoặc là tìm được cách nói một sự thật đã thành hiển nhiên. Đuổi được mấy cô bướm đêm ở cầu Thị Nghè thì dễ nhưng rất khó lột mũ áo của mấy ông quan tòa chạy án, ăn hối lộ. Bắt cá bé vì sợ cá lớn, tắm từ bụng xuống vì sợ cảm toàn thân. Vậy đó!

TBKTSG: Vậy thì anh chị đang “tải” những câu chuyện “văn hóa xã hội” ấy vào những tác phẩm văn học hoặc những bài báo của mình ra sao?

- DẠ NGÂN: Chúng tôi xem viết báo là trách nhiệm công dân. Nhưng tản văn bây giờ cũng phải uốn éo, mượt mà, đố dám viết như Lỗ Tấn hay Giả Bình Ao bên Tàu đấy. Và không phải bài báo nào cũng được in nguyên hay là được xuất hiện vì các tòa báo cũng có cái trần của họ. Còn văn chương ư, không phải nhà văn nào cũng an tâm ngồi viết những thứ để cất vào hộc tủ, ấy là chưa nói đến chuyện có cảm hứng để viết hay không nữa. Chúng ta hay kêu sao ngành nghệ thuật nào cũng tàng tàng, xập xệ, vậy có được bao nhiêu văn nghệ sĩ thực sự có cảm hứng làm nghề trong hoàn cảnh này?

- NGUYỄN QUANG THÂN: Albert Camus, một nhà văn lớn của Pháp có nói một câu chí lý: “Chức năng của nhà văn là phát biểu không ngừng”. Tôi chỉ biết phát biểu, bằng cách của nhà văn, qua nhân vật, tác phẩm và những bài báo. Người nghe, người đọc tôi là độc giả thân yêu của tôi. Tôi không phải quan lại mà có nhiệm vụ viết sớ. Có thể tôi không thể viết hết những điều mình nghĩ nhưng không gì có thể bắt tôi viết ra những điều khác với điều mình nghĩ. Tôi không muốn phản bội bản thân mình. Tôi nghĩ đó là phần hồn quan trọng nhất trong nhân cách một nhà văn.

TBKTSG: Anh Nguyễn Quang Thân thường viết về số phận của người trí thức Việt Nam. Anh có thể nói qua một chút về những tác phẩm này - có cuốn được dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp; và anh đang trăn trở gì về người trí thức trong xã hội bây giờ?

- NGUYỄN QUANG THÂN: Trí thức không lao động cơ bắp, không sống bằng lao động cơ bắp (trừ thời bao cấp thường phải nuôi heo, dán hộp, vấn thuốc lá hay đạp xích lô). Trí thức thường dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm, mảnh khảnh như cây sậy. Nhưng trí thức có sức mạnh hơn người là “suy nghĩ”. Tôi muốn nói đó là những suy nghĩ độc lập, sáng tạo. Tất nhiên đã là người thì ai cũng suy nghĩ. Nhưng với trí thức, “suy nghĩ” là một nghề. Có những thời suy nghĩ ế ẩm, không có giá nên trí thức thường nghèo. Triết gia nghèo đã đành nhưng thiên tài phát minh như Edison cũng không giàu. Khi người ta không cần những suy nghĩ độc lập, khi người ta không muốn mạo hiểm với những sáng tạo chưa được thử thách, khi người ta bằng lòng và tự mãn thậm chí kiêu ngạo nữa với những suy nghĩ cũ rích, có sẵn thì trí thức trở thành vô duyên, thực tế là vô dụng.

Bi kịch xẩy ra khi trí thức không được sống bằng suy nghĩ của mình. Anh chàng tiến sĩ hóa học của truyện “Vũ điệu cái bô” của tôi phải đi giữ trẻ để kiếm sống (vì ai cũng phải ăn cái đã) thì đó là bi kịch của anh ta và của cả xã hội. Bi kịch cũng xẩy ra khi trí thức không được đóng góp cho xã hội bằng cái nghề suy nghĩ của mình. Ý tưởng sáng tạo của anh ta không ai mua, không ai chấp nhận, không ai nghe, đó là nỗi đau khổ lớn nhất của trí thức. Nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết của tôi có những nhân vật trí thức như thế. Họ rất khó thích nghi với một xã hội có quá nhiều nan vấn với một người ham suy nghĩ.

Cuốn tiểu thuyết “Ngoài khơi miền đất hứa” của tôi được nhà xuất bản Philippe Picquier ở Pháp dịch sang tiếng Pháp và xuất bản năm 1997, nhân vật chính là một trí thức lắm nỗi truân chuyên, từng vào tù vì tình bạn và thường xuyên gặp bế tắc trong cuộc sống. Cuốn tiểu thuyết này đã bán hết và năm 2004, Hội đồng Aquitaine có mời tôi sang Bordeaux một tháng để gặp độc giả cuốn sách. Vì sách đã bán hết nên người ta phải photocopy cho những cuộc thảo luận. Hình như đề tài trí thức, số phận những nhân vật trí thức rất được độc giả nước ngoài quan tâm, ít nhất đó là điều tôi rút ra ở quê hương của triết gia Pascal, người đã nói một câu nói nổi tiếng: “Con người là một cây sậy nhưng là một cây sậy biết suy nghĩ”. Còn “Vũ điệu cái bô” cũng đã được dịch và in ở Pháp (bản dịch của Phan Huy Đường) và ở Mỹ (bản dịch của Rosemary Nguyễn), tôi không biết dư luận nghĩ thế nào nhưng một tiến sĩ khoa học đi giữ trẻ chắc cũng làm họ ngạc nhiên dù đó là sự thật của một thời.

TBKTSG: Còn chị Dạ Ngân thì hay viết về số phận những con người bình thường trong gia đình, nhất là người phụ nữ, nổi bật là tiểu thuyết “Gia đình bé mọn”. Chị có thể nói thêm về họ ở trong xã hội bây giờ?

- DẠ NGÂN: Trong tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi những số phận phụ nữ đi từ chiến tranh ra. Tôi thấy họ vẫn tiếp tục hy sinh và phi thường trong hậu chiến và cả bây giờ. Hãy nhìn vào từng gia đình và một đám đông phụ nữ mà xem. Người phụ nữ Việt Nam rất tự tin, dũng cảm và can cường. Ngay cả việc họ đi lấy chồng ngoại hay mưu sinh bằng con đường làm gái, họ vẫn có phẩm chất hy sinh một cách can cường theo quan niệm của họ. Tôi ngưỡng mộ đối tượng quen thuộc của mình và tôi luôn thấy mắc nợ họ.

Ba năm trời kể từ khi khởi động,“Gia đình bé mọn” bản tiếng Anh mới được phát hành ở Mỹ vào cuối năm 2009 vừa qua. Tôi không có thông tin về đánh giá cuốn sách của giới phê bình ở bên đó nhưng nhiều Việt kiều gặp hoặc thư cho hay bản dịch rất hay và họ phải tìm nguyên tác để đọc và so sánh xem nó thế nào. Theo tôi thế là thành công rồi. Không phải tác giả nào cũng may mắn được một bản dịch hay.

TBKTSG: Anh chị đang dự tính gì trong năm nay?

- DẠ NGÂN: Tháng 3 này tôi sẽ ra mắt bạn đọc 2 đầu sách thể loại tản văn. Và “Gia đình bé mọn” tái bản lần thứ 5. Tôi vẫn đang nghén một cuốn tiểu thuyết về hậu chiến mà không biết khi nào thì mới rảnh rang hẳn được chừng 6 tháng để hoàn thành nó. Vì sao? Vì tuần nào cũng phải viết báo, viết để sống và viết để tồn tại, viết vì niềm vui công dân nữa chứ. Rất khó phân thân vì dù sao mình cũng già rồi, vừa chậm vừa cầu toàn, khó quá. Chỉ mong cho cuộc đời tử tế hơn.

- NGUYỄN QUANG THÂN: Có sách mới không khó, có sách làm nên một cái gì mới mẻ mới thật sự khó khăn trong tình hình văn học hiện nay.

_____________________________________________

Đã đăng trên TBKTSG số Tân Niên 2010

Mời đọc thêm tại:

Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2010

“Tôi thích thiếu một tí…”

(TBKTSG) - Năm 2009, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vẫn sống ở Cà Mau và vẫn lặng lẽ viết sau khi sinh bé trai thứ hai. Truyện Khói trời lộng lẫy của chị vừa in báo xong đã được một hãng phim truyện Việt Nam mua bản quyền làm phim. Chị lại vừa cho ra đời cuốn tản văn Yêu người ngóng núi. Nhân dịp đầu năm, TBKTSG đã trò chuyện cùng chị.


TBKTSG: Yêu người ngóng núi là cuốn sách thứ mười hai của chị, mà sao ở bìa 3 của sách chỉ nói “Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976, là tác giả của Ngọn đèn không tắt, Cánh đồng bất tận và Gió lẻ”. Chị có chia sẻ với Nhà xuất bản Trẻ như vậy không?

- Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Ôi không, chắc là do ý chú biên tập viên của nhà xuất bản. Chứ ý tôi là đừng viết gì ở bìa sách hết. Tôi cũ mèm rồi, có bao nhiêu cay đắng, bao nhiêu vẻ vang người đọc cũng thuộc lòng rồi.

TBKTSG: Vậy còn truyện mới nhất Khói trời lộng lẫy đăng trên tuần báo Văn nghệ và sắp in sách nữa. Cùng với ba tác phẩm kia, chị có thể nói một chút về sự trải nghiệm cuộc đời?

- Đôi lúc bạn bè tôi tới một nơi nào rất đẹp, rất hoang sơ, con người ở đó hồn nhiên và tử tế, khi về thường bảo, Tư nên tới đó, nhanh nhanh kẻo nó hết đẹp. Khi tôi chụp một tấm ảnh ở một đồng cỏ, và tôi biết năm sau vẻ đẹp này không còn nữa. Chỉ tấm ảnh là còn lại, nhưng tấm ảnh không có đầy đủ vẻ đẹp của một đồng cỏ với hoa dại, ong bướm, gió và nắng... Tôi nghĩ tới người nghệ sĩ... Và tôi viết Khói trời lộng lẫy. Thực ra cả Cánh đồng bất tận, Gió lẻ và Khói trời lộng lẫy có lặp lại nhiều tình huống, ở thân phận của những đứa trẻ bị bỏ rơi, ở những ông cha bà mẹ vô tình. Chỉ là, cách ứng xử của nhân vật khác nhau, có đứa trẻ thỏa hiệp, có đứa trẻ trốn chạy, lại có đứa trẻ đương đầu, đối diện với tổn thương. Tại tôi tham, viết một tôi thấy chưa đã, chưa nói hết. Trước viết về sân khấu tôi cũng viết mấy truyện ngắn liền. Nên đôi lúc đi đường thấy toàn dấu chân chính mình. Sợ quá.

TBKTSG: Nhân vật của chị thường có nội tâm day dứt và hay tìm kiếm cho mình những điều giản dị để sống nhẹ nhàng mà không thành. Có phải vì chuyện làm giàu bằng mọi giá lâu nay ám ảnh con người ta quá mức chăng?

- Ám ảnh chớ, tôi lớn lên từ nhà nghèo mà. Nên tôi hay phân thân đi hai hàng, nửa muốn kiếm thiệt nhiều tiền nửa không thích bon chen. Nên tôi phải viết những chuyện từ tôi, trước nhất khuyên răn tôi, trước nhất càm ràm tôi, thương chính tôi. Thấy sống giản dị sao mà khó, nhất là tôi chui vào nhiều... cửa hàng quần áo mà khi đi ra vẫn tay không.

TBKTSG: Năm 2009, chị vẫn chỉ viết văn và khá lặng lẽ nuôi hai đứa con trai còn nhỏ. Với chị, thì như thế nào là “đủ” trong cuộc sống gia đình?

- Tôi thích lúc nào cũng thấy thiếu một tí, vì một tí đó mà mình có động lực làm lụng. Và chỉ một tí thôi nên tâm hồn không quá nặng nề hơn thua. Nhưng bây giờ tôi thấy thiếu nhiều chớ không phải một tí, trẻ con cần đủ thứ. Tôi có tới hai thằng trẻ con.

TBKTSG: Dường như chị đang thích đọc Osho, một nhà luận sư nổi tiếng người Ấn Độ?

- Tôi có đọc sách của ổng như đọc tất cả sách nào mà tôi vớ được, với tính chất tham khảo. Tôi có viết cái truyện ngắn ngủn, đại khái có nói khi người ta không nghe thần thánh, con người thì tạm tin ông này, vì ông không thuộc hẳn về dạng nào. Ấy là ý nghĩ của riêng tôi thôi nghen!

TBKTSG: Đã sang năm 2010. Nếu chọn một từ để nhìn lại mình, chị sẽ chọn từ nào?

- Già. Cũ. Buồn. Chỉ chọn một thôi thì không đủ đâu, lấy ba luôn đi!


_________________________________________________________

Ảnh: Trương Công Khả

Đã đăng trên TBKTSG Online

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2010

Chuyện tình tuổi 90




Tặng Phạm Đình Quát



90 tuổi nhẹ nhàng yêu

Cái thời trai trẻ liêu xiêu thất tình

Hoàng hôn nằm nhớ bình minh

Sài Gòn ngồi nhớ bóng hình Nha Trang

Rằng xưa có gã từ quan

Quê nhà ở lại lang thang một mình

Em chừ quê mẹ điêu linh

Ta chừ lận đận thất kinh Sài Gòn

Ối giời ơi nõn nòn non

Ba mươi năm lẻ có còn ngày xưa

Thôi thì thiếu cũng là thừa

Em tròn tám chục ta vừa chín mươi

Tết này móm mém mỉm cười

Ngày Tình Nhân trùng với ngày Đầu Xuân

Tình nhân cùng với tình quân

Hai ta nhẹ bước rưng rưng tuổi già