Thăm chùa Shwe Dagon
1.
Đêm vừa xuống, chiếc Fokker 70 ghế của Vietnam Airlines rời sân bay Yangon, đảo một vòng rồi hướng về Hà Nội. Anh bạn doanh nhân Sài Gòn dán mắt vào cửa sổ máy bay, nói: “Chỉ thấy chập chờn ánh điện của Yangon, còn ra nông thôn thì tối om”. Bốn ngày trước, khi đáp xuống sân bay này, anh hỏi người bạn mới đi Myanmar lần đầu: “Quang cảnh bên dưới có giống nông thôn miền Tây Nam bộ quê anh không?”. Người bạn quan sát một hồi rồi hỏi lại: “Ruộng đồng mênh mông, sông rạch chằng chịt nhưng sao hiếm thấy xe cộ trên đường hay tàu ghe trên sông như ở bên mình? Dường như thiếu vắng sự giao thương?”. Anh bạn doanh nhân trả lời: “Myanmar mới mở cửa mấy năm nay, nông thôn còn nghèo lắm, chỉ dựa vào cây lúa, thu nhập bình quân mỗi người chỉ khoảng một đô la/ngày”. Anh nói thêm, Myannar sắp sửa tổng tuyển cử và Mỹ vẫn còn cấm vận Myanmar.
Anh Vương Văn Sự là giám đốc Công ty TNHH Vương Sơn ở TP.HCM, chuyên phân phối sản phẩm dinh dưỡng chăn nuôi cho một công ty của Đức. Qua Myanmar chuyến này anh rủ thêm tiến sĩ Dũng, giám đốc sản xuất một công ty dược phẩm và một người bạn thích đi du lịch. Anh Sự nói: “Vì Myanmar chưa làm ăn nhiều với phương Tây nên họ phải đi vòng để mình đưa sản phẩm vào đây. Nếu mình không chuẩn bị trước thì khi thị trường bùng nổ, kẻ đến sau sẽ mất cơ hội”. Bốn năm trước, sau chuyến du lịch ở Mayanmar, anh Sự đã chọn được đối tác tiêu thụ một số sản phẩm do Công ty Vương Sơn cung cấp. Lần này, anh Sự và anh Dũng qua làm việc với ông Win, Tổng giám đốc Công ty Tun Sanba, bàn chuyện mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ra vùng nông thôn Myanmar. Sau buổi họp với ông Win - một giám đốc tư nhân kinh doanh lâu đời tại đây - cả hai doanh nhân Việt Nam này đều tỏ ra lạc quan. Anh Dũng nói: “Ông Win đã đồng ý với những con số mình đưa ra như vậy là tốt rồi”. Anh Sự nói: “Hi vọng là sau tổng tuyển cử vào tháng 11 tới, chính phủ Myanmar sẽ mở cửa làm ăn với thế giới mạnh hơn. Khi đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ không còn phải thanh toán qua nước thứ ba nữa”.
Anh Sự tại Yangon Zoo
2.
Bốn ngày thăm thú Yangon, nhiều hình ảnh trái ngược đọng lại trong lòng du khách. Nông thôn vắng vẻ nhưng thành thị thì lũ lượt xe cộ; từng hàng ô tô nối đuôi nhau chạy trên các đường phố rợp mát bóng cây xanh. Không có xe hai bánh, vì chính phủ giới hạn loại xe này. Thế nhưng đa phần ô tô là xe “nghĩa địa” của Nhật, nhập từ Singapore, Malaysia, Thái Lan… Lái xe theo lề phải nhưng xe thì tay lái trái, phải búa xua. Hằng chục lần đi taxi, chỉ một lần được hưởng máy lạnh, nhưng cũng từ một chiếc Mazda cũ kĩ. Cái cảnh ghế ngồi tả tơi, dây điện lòng thòng, thậm chí nước mưa tạt vào ngập cả gót giày… là chuyện cơm bữa với du khách. Tất nhiên, trong đám đông đó, cũng có nhiều ô tô đời mới. Cảnh này cũng giống như phố phường Yangon. Có vài cao ốc văn phòng, khách sạn mới xen trong vô số nhà chung cư cũ, nơi mà quần áo được phơi lủng lẳng khắp mặt tiền dưới những cái chảo ăng ten mới được cấp phép để thu sóng kĩ thuật số xem ti vi. Có hằng trăm căn biệt thự từ đầu thế kỉ 20 thời Anh cai trị, giờ đang hoang phế hoặc được lợp tôn thay cho những mái ngói đổ nát. Từ những khu biệt thự đầy cây xanh ấy, nhiều đàn quạ đen hay sáo nâu đông hàng trăm con bay ra kiếm ăn ở những khu chợ đông người và những ngôi chùa đông du khách. Dường như đi đâu ở Yangon cũng gặp chim sáo và quạ đen thủng thẳng tìm mồi ở sát bên người. Và dường như đi đâu ở Yangon cũng gặp cảnh đàn ông nhai trầu bỏm bẻm rồi phun phèn phẹc xuống đường. Có anh tài xế taxi ngoài ba mươi tuổi, vừa lái xe vừa trò chuyện tiếng Anh líu lo rồi thò đầu qua cửa xe “phẹc” nước bả trầu một cách điệu nghệ. Người dân có vẻ thong thả lắm; nhai trầu thong thả, đi bộ thong thả dưới mưa với cái dù trên tay dẫu mưa đang nặng hạt; lâu lâu lại thong thả xốc lại cái quần xà rông giữa phố. Họ cũng thong thả mua bán bằng cả đồng kyat và đồng đô la Mỹ. Và hai bên đường đã xuất hiện nhiều tấm biển quảng cáo hàng tiêu dùng toàn tiếng Anh, với hình ảnh những người mẫu trẻ trung xinh đẹp.
Yangon rất quý cây xanh
Biệt thự lợp... tole tại Yangon
Một kiểu quảng cáo độc đáo của kem đánh răng Best-T ở Yangon
Khách sạn bốn sao Parkroyal hơn 200 phòng ở trung tâm Yangon lúc nào cũng đầy. Nhiều nhất là khách đến từ Thái Lan, Trung Quốc, Nhật, Singapore, Malaysia; du khách phương Tây hãy còn thưa thớt. Nhân viên khách sạn luôn nở nụ cười thân thiện và phục vụ khách chu đáo. Như cô Aye Aye Aung, mỗi ngày mặc một bộ trang phục truyền thống sặc sỡ, làm công việc đón và tiễn khách. Mới nghe một người khách hỏi về cây Thanat-kha, Aung đã nhiệt tình giải thích; rằng đó là đặc sản của Myanmar, khi mài thân cây trên đá sẽ cho ra một chất bột vàng dưỡng da rất tốt mà đa phần phụ nữ Myamar ra đường đều bôi lên hai má. Aung còn in tặng cho ông khách một tài liệu về Thanat-kha.
Với cô Aye Aye Aung tại khách sạn Park Royal
Ở Yangon, du khách thường không hài lòng về Internet. Tỉ như tại khách sạn Parkroyal, giá 2 đô/giờ nhưng mạng quá chậm và bị đứt lúc nào không biết. Bữa đó, cả ngày không vô mạng được, anh Sự và anh Dũng thắc mắc thì được giải thích: “Chính phủ tạm dừng để nâng cấp”. Hôm sau qua siêu thị gần khách sạn, hai anh mới hay giá net ở đây là nửa đô la một giờ nhưng vẫn cứ chậm.
Nhớ hôm làm thủ tục xin visa, chị nhân viên ở Lãnh sự quán Myanmar tại TP.HCM mail cho một tài liệu về Myanmar. Trích: “Tháng 1-1824, Anh xâm nhập Myanmar và đến 1886 thôn tính Myanmar hoàn toàn. Ngày 4-1-1948, Anh trao trả độc lập cho Myanmar. Từ 1962, Myanmar chứng kiến nhiều biến động chính trị. Tháng 11-1997, Thống tướng Than Xuề làm Chủ tịch Hội đồng Hòa bình và phát triển quốc gia…”. Cũng trong tài liệu này: “Myanmar giàu tài nguyên, đất đai phì nhiêu với tổng diện tích trồng trọt khoảng 23 triệu héc ta. Nông nghiệp chiếm 40% tổng giá trị xuất khẩu. Từ năm 1988, Myanmar cải cách kinh tế từ hành chính bao cấp sang kinh tế thị trường, ban hành luật đầu tư nước ngoài, cho phép lập lại các doanh nghiệp tư nhân. Đầu tư nước ngoài hiện có 374 dự án từ 25 nước và lãnh thổ. Kim ngạch thương mại chính ngạch giữa Myanmar với các nước ASEAN năm 2006 đạt khoảng 5,5 tỉ đô la Mỹ”.
Myanmar rộng gấp đôi Việt Nam nhưng dân số chưa tới 50 triệu người, với 135 dân tộc và bộ tộc, 89% dân theo đạo Phật. Yangon giờ đã thành cố đô bên bờ biển Andaman. Tháng 1-2006, chính phủ đã dời thủ đô lên khu rừng già Nay Pyi Taw nằm giữa lòng đất nước.
Trên chuyến taxi xục xịch rời khách sạn ra sân bay, bác tài Moe Dee xòe xấp tiền giấy kyat rách nát cũ xì, hai mặt dán đầy băng keo trong, nói như trần tình với khách: “Kinh tế Myanmar đấy! Phải thay đổi thôi. Sắp thay đổi rồi”.
Chỗ quầy làm thủ tục lên máy bay, một cán bộ của Vietnam Airlines nói: “Gần đây, nhiều đoàn doanh nhân Việt Nam đã sang tìm cơ hội làm ăn ở Myanmar. Ngân hàng Đầu tư và phát triển đã mở văn phòng tại Yangon. Hiện nay mỗi tuần có 4 chuyến bay từ Hà Nội sang đây. Ngày 30-10 tới, mỗi tuần sẽ có thêm 4 chuyến bay từ TP.HCM”.
Nghe tin này, anh Vương Văn Sự bèn mua một chiếc áo thun làm quà cho bạn với dòng chữ cách điệu bản đồ Myanmar in trước ngực áo: “Have you been to Myanmar?” (Bạn đã tới Myanmar chưa?).
Với cậu bé bán lúa cho chim ăn tại Yangon
Ven đường phố Yangon
Triển lãm quốc tế đầu tiên về hàng tiêu dùng ở Yangon
Tháp chùa Shwe Dagon cao 100m.
Tại Yangon Zoo
Một khu chung cư ở Yangon
Một góc khu China Town ở Yangon
Một cửa hàng tranh ở Yangon
Một con đường ở Yangon
Chung cư ở Yangon
__________________________________________
Bài đã đăng trên TBKTSG:
và TBKTSG Online:
1 nhận xét:
Ảnh đẹp anh ạ.
em H.Phúc
Đăng nhận xét