Thứ Năm, 8 tháng 1, 2009

Rừng biển cuối trời

Hoa lau trắng bạt ngàn hai bên đường từ Cà Mau vô rừng U Minh hạ. Lâu lắm rồi mới gặp lại lau sậy hoang vu trong hoàng hôn mênh mông như vậy. Thấp thoáng sau những bờ kinh bàng bạt lau sậy và tràm xanh xa tít chân trời là bóng nhà dân thưa thớt. Bạn Cà Mau nói, đất này nhiễm phèn và ngập mặn nên làm lúa hổng có ăn. Dân nghèo lắm, sống nhờ lau sậy trời cho, một ký sậy khô bán được mười lăm ngàn. Mùa khô bà con phơi sậy rợp trời, ghe từ Long Xuyên, Châu Đốc qua đây mua chở về. Từ đây, lau sậy hoá thân thành những cây chổi cỏ quen thuộc mà dường như nhà ai cũng có.


Vùng này cách khu Khí điện đạm Cà Mau vài cây số nhưng dân chưa có điện xài. Cũng vì nghèo mà cánh đàn ông, thanh niên hay buồn và thích nhậu. Ác một cái là thiếu tiền mua rượu mà nhiều người đã phải nhậu với rượu tự chế. Bỏ một viên thuốc lên men Trung Quốc hai ngàn đồng vô một lít nước lạnh, nó sủi bọt lên thành một chai rượu trắng có men thơm. Coi như một lít rượu đế giá bèo, chỉ hai ngàn đồng. Có người đã nhập viện cấp cứu vì món rượu này nhưng viên men sủi bọt vẫn trôi chảy về đây nên bà con vẫn còn ham rượu rẻ.

Nhưng cũng có nông dân không an phận đói nghèo. Cách đó chừng ba chục cây số, giữa rừng tràm, một người đàn ông đang cặm cụi làm giàu. Anh tên là Trần Trung Quốc, 47 tuổi, hơn mười năm trước trôi dạt từ Đầm Dơi về đây nhận giữ rừng cho nhà nước theo kiểu ăn chia 4-6 từ nguồn lợi của 96 héc ta tràm. Bây giờ rừng tràm của anh đã 13 năm tuổi nhưng anh chưa khai thác vì đã có một sân chim sinh thành giữa rừng. Hàng ngàn con sen, cò, diệt, vạc, cồng cộc, điên điển… đang vào mùa sanh đẻ nên anh ngăn không cho khách bơi xuồng vô thăm chim. Dọc các bờ kinh trong rừng tràm, anh trồng được gần một ngàn gốc mận lấy giống từ An Phước, Đồng Nai. Chưa tính ổi, bưởi… riêng giống mận ngọt như đường này, năm ngoái anh Quốc bán được tám chục triệu đồng. Mấy năm nay, thấy khách muốn tham quan rừng tràm U Minh hạ, anh đã kéo điện thoại và biến căn nhà nằm bên bìa rừng của mình thành một điểm đón khách với các món lai rai đặc sản rừng tràm.



Anh Quốc thường chạy vỏ lãi trên sông Cái Tàu mịt mù hai bờ lau sậy để ra huyện U Minh đón khách về rừng. Bảy người chúng tôi bữa đó, sau chừng một giờ lội rừng và bơi xuồng theo tiếng con chim khách đen tuyền bay chầm chậm lả lơi trên những ngọn tràm, thì bụng đã đói cồn cào bên mâm đặc sản. Với ba món nướng là cá lóc, rắn bông súng, chim cúm núm, một món cháo rắn hổ hành nấu với đậu xanh cùng mớ rau rừng, muối ớt, mắm me, rượu đế và mận, người nhà của anh Quốc đã ghi hoá đơn cho khách xấp xỉ một triệu đồng. Ngoài sân nhà, anh Quốc đang lui cui vạt mấy khúc cau để gác ong vì ong rừng thích loại cây này. Khách lại mua mật ong tràm về làm quà, một trăm ngàn đồng một lít. Gác sáu chục nhánh cau, mỗi tháng anh Quốc thu về cỡ năm mươi lít mật…


Anh Quốc lại âm thầm chạy vỏ lãi trên sông Cái Tàu đưa tiễn khách về. Hỏi thì mới hay hai cô con gái lớn của anh đang học cao học ở Cần Thơ và Sài Gòn, anh ở nhà “giữ rừng” cùng với vợ và cậu con trai năm tuổi.

*
**

Đường từ Cà Mau ra Đất Mũi hơn một trăm cây số, ca nô chạy trung bình sáu mươi cây số một giờ, trong khi xe hơi chỉ chạy tới Năm Căn mà phải qua một cái phà và bảy cây cầu. Thế là bao một chiếc ca nô giá trọn gói hai triệu tám. Giá cao nhưng đáng đồng tiền. Vì đi về cả một ngày trời mà hổng ai thấy mệt dù đã nhậu tuý luý ở mũi Cà Mau giữa trưa đầy nắng gió và sóng biển. Cũng chỉ là rượu đế, khô thòi lòi, ốc leng, vọp, cá nâu…


Không ai nói ra, nhưng dường như có một thứ dưỡng chất ngọt ngào, một thứ tình cảm thương yêu nhè nhẹ đang thấm vào lòng mình ở cuối buổi chiều hôm đó, khi rời ca nô bước lên bến đò Bông Hồng giữa lòng thành phố Cà Mau.

Dường như đang vọng lại những lời ca vọng cổ mộc mạc chân tình của cô Dung bán quán ở ngay chỗ tận cùng đất nước.

Nơi đó có cột mốc toạ độ số 0 mà mỗi năm phù sa Đất Mũi mang theo cây đước và cây mắm, trườn mình vươn ra biển cả trăm mét nữa…