Từ ảnh của Trương Công Khả |
1.
Tuần rồi, ngồi lai rai bên bờ sông Hậu với nhà thơ Lê Chí và nhà báo Võ Đắc Danh - “dân Cà Mau thứ thiệt” - mới biết thêm thông tin về bài báo “Vũng lầy bất tận” của ông Vưu Nghị Lực đăng báo Tuổi Trẻ hôm 9-4-2006.Té ra, theo lời anh Võ Đắc Danh, ông Vưu Nghị Lực viết bài đó từ tháng 12-2005 và nhờ anh Danh gởi báo Pháp Luật TPHCM nhưng báo này không đăng. Tới ngày 8-4, khi Tuổi Trẻ đăng bài “Cánh đồng bất tận không phản động, nhưng…”, phỏng vấn hai ông Dương Việt Thắng và Trần Văn Hiện, trưởng và phó ban Tuyên giáo tỉnh Cà Mau, thì bản thảo bài của ông Vưu Nghị Lực mới đến tay biên tập viên báo Tuổi Trẻ. Thế là cả hai bài báo ấy đã tạo nên một scandal sôi nổi mở màn cho 5 ngày liền tờ Tuổi Trẻ chạy diễn đàn “Đối thoại với Cánh đồng bất tận”, thu hút hằng trăm ý kiến bạn đọc.
Anh Võ Đắc Danh cũng từ Cà Mau ra đi sau anh Lê Chí vài năm, làm cho báo Người Lao Động, rồi Pháp luật TPHCM và nay là báo Sài Gòn Tiếp Thị. Bút ký Đồng cỏ chát của anh mấy năm trước, là một bài báo, cũng “dữ dội” không thua truyện Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư. Bữa hôm đó, nhìn cảnh tàu ghe tấp nập ra vào bến Ninh Kiều của Cần Thơ, thấy ánh mắt hai anh buồn buồn, như là nhớ quê Cà Mau lắm.
Và rồi, chẳng nghe ai bàn tiếp chuyện vì sao ban Tuyên giáo tỉnh Cà Mau lại ra văn bản hôm 27-3, đòi hội văn nghệ tỉnh này “kiểm điểm nghiêm khắc” tác giả truyện Cánh đồng bất tận. Cũng không còn thấy nhắc gì tới bài báo lên án gay gắt tác giả này của ông Vưu Nghị Lực, phó giám đốc Sở Văn hóa thông tin tỉnh Cà Mau. (Bài báo mà, có lẽ người ta nhớ nhất câu cuối: “Tôi biết Nguyễn Ngọc Tư hiện đang ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Cà Mau, nhưng qua Cánh đồng bất tận, cô đã bắt đầu lưu vong, lưu vong với chính văn nghiệp của mình!”). Có lẽ hai anh đã “quá buồn” rồi chăng?
2.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư viết xong Cánh đồng bất tận vào tháng 7-2005, khi cô 29 tuổi (5 năm sau khi cô trúng giải nhất cuộc thi “Sáng tác văn học tuổi 20” với tập truyện Ngọn đèn không tắt). Truyện này dài khoảng 17.000 chữ, đăng ba kỳ liền trên báo tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) hồi tháng 8 và 9-2005. Tới cuối năm đó, báo Tuổi Trẻ trích đăng lại và tạo nên dư luận xã hội mạnh đến nỗi báo phải mở hẳn một diễn đàn kéo dài một tuần, mà đại đa số độc giả đã lên tiếng ủng hộ Cánh đồng bất tận. Sau đó nhà xuất bản Trẻ ấn hành Cánh đồng bất tận và nay con số phát hành tập truyện đã lên 25.000 bản và nghe nói sắp in tiếp 10.000 bản nữa sau diễn đàn mới nhất này.Diễn đàn “Đối thoại với Cánh đồng bất tận” kỳ này khép lại vào ngày 13-4. Báo Tuổi Trẻ hôm đó cho biết, có 868 ý kiến tham gia, trong đó có 13 ý phê phán/855 ủng hộ tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư. Bản tin này nhấn mạnh: “Chia sẻ với nỗi đau, nỗi nhọc nhằn lam lũ của những phận người trong tác phẩm, đại đa số bạn đọc cũng đã đồng cảm với tác giả trong khát vọng nhân văn và nhận ra “cái phao của lòng nhân ái” (như chữ dùng của nhà văn Trần Kim Trắc trong bài viết “Cánh đồng bất tận có nhiều phù sa”)… Bên cạnh đó, rất nhiều ý kiến đã nói lên sự kinh ngạc và bất bình, đã phân tích nhiều luận điểm để tranh luận lại một cách nhìn, cách đọc, cách đánh giá tác phẩm văn học của ông trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Cà Mau, đặc biệt là phản bác đối với bài viết của thạc sĩ Vưu Nghị Lực”.
Ngoài Tuổi Trẻ, nhiều tờ báo giấy và báo điện tử ở trong và ngoài nước cũng lên tiếng nhân chuyện này; đọc xong thấy tỉ lệ phê phán/ủng hộ Cánh đồng bất tận cũng “xem xem” như ở báo Tuổi Trẻ. Còn riêng ý kiến của giới “quan chức văn nghệ” thì sao? Xin trích ý kiến của ba vị:
Nhà văn Hữu Thỉnh – chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Cánh đồng bất tận chuyển tải được nhiều thông điệp nghệ thuật sâu sắc hàm chứa nhiều tầng nghĩa khác nhau… Thông điệp của Tư ở đây là con người sống phải biết khoan dung và tha thứ. Chỉ có lấy ân báo oán thì con người mới có thể nguôi ngoai được lòng thù hận và nỗi đau, nhờ đó, người sẽ người hơn, sẽ lớn lên. Ông bà mình đã dạy thế, và Tư đã chuyển tải thông điệp đó một cách tài tình, đau đớn. Đây là một truyện ngắn giàu tính nhân văn”. (theo báo Tuổi Trẻ 12-4).
Nhà thơ Lê Chí, trưởng ban công tác Hội nhà văn Việt Nam tại ĐBSCL: “Dân chủ, nói nôm na là tính công khai, minh bạch. Điều đó, với Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, ít nhất đã được chứng minh khá sôi động trong dư luận bạn đọc trên dưới năm nay. Mỗi người cảm nhận sự hay, dở ở truyện có thể khác nhau, nhưng có một điều rất đáng được nhìn nhận, đó là thái độ tin cậy của đông đảo bạn đọc cả nước đối với Cánh đồng bất tận và tài năng của một tác giả nữ rất trẻ ở vùng đất cuối cùng của đất nước”. (theo Tuổi Trẻ 12-4).
Nhà văn Nguyễn Thanh – chủ tịch Hội Văn nghệ Cà Mau: “Theo tôi, mấy ông có sơ suất là làm cái báo cáo này gởi cho Hội Văn học nghệ thuật, đề nghị kiểm điểm. Câu chữ thông báo thì khá nặng nề. Có câu “cấm xuất bản”, tại sao lại cấm người ta. Cấm là bậy!... Đưa tới đưa lui, có nhiều ý kiến bất lợi như ý kiến của anh Vưu Nghị Lực hay ý kiến của bà Kim Dân. Các anh phải hết sức lưu ý, nhiều ý la quá tay”. (báo Tuổi Trẻ 11-4).
3.
Còn có thể trích thêm nhiều ý kiến khác nữa, gồm cả những ý kiến phê phán Cánh đồng bất tận. Nhưng theo chỗ tôi biết, hết thảy những ý kiến này đang có trên các trang web như Tuổi Trẻ Online, VnExpress… và đặc biệt là trang web www.viet-studies.org của giáo sư kinh tế Trần Hữu Dũng ở đại học Wright State, bang Ohio, Mỹ - nơi đang lưu giữ rất nhiều thông tin về tác giả Nguyễn Ngọc Tư. Do vậy, để khép lại bài này, tôi xin được chép lại hai chuyện:Thứ nhất, từ Cần Thơ, tôi mới nhận được tin từ Cà Mau, rằng ban Tuyên giáo tỉnh Cà Mau vừa có một công văn thứ hai, khẳng định những gì mình đã làm là… không sai.
Thứ hai, mời các bạn đọc lại đoạn phỏng vấn sau đây trên báo Tuổi Trẻ ngày 16-4-2006, do nhà báo Thúy Nga thực hiện với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư:
* Trong cuộc đối thoại với Cánh đồng bất tận, gửi cho Tuổi Trẻ, nhiều người nói rằng họ rơi vào sự phân vân. Là độc giả họ mong muốn được đọc những tác phẩm mỗi lúc một sâu sắc hơn, mãnh liệt hơn của chị; nhưng mặt khác, nhân danh một người đàn ông – một người đàn bà có xung quanh mình cả một gia đình đông đúc, với mẹ cha, con cái, anh em, họ lại nghĩ về chị “về một thái độ thỏa hiệp phải chăng. Thôi, thì đành…”. Nguyễn Ngọc Tư có nỗi phân vân đó?
- Lâu rồi, tôi phát hiện việc tôi viết văn không chỉ đem đến niềm vui, tự hào cho cha mẹ, bạn bè, chồng con tôi mà còn đem đến những lo lắng, bất an. Buồn cười, lần nào tôi gặp nạn gì đó thì tôi cũng phải an ủi ngược lại ba má mình. Có thể tôi đã quen với “trường văn trận bút”, còn những người thân thì không tránh được cảm giác ngộp, choáng váng. Lúc gặp chuyện, họ lại quên tôi là người viết văn, chỉ nhớ tôi là đứa con gái bé bỏng, thiêt thòi… Nhưng tôi thì không thể xử sự như vậy, ngoài gia đình, tôi còn là một người viết văn. Đó là cuộc sống rất khác thường. Tôi hay nghĩ, không viết câu chuyện ấy, số phận ấy thì những nhà văn khác có viết giùm mình không? Tại sao mình chờ đợi, đùn đẩy cho người khác trong khi mình làm được?
Cần Thơ, 19-4-2006
Bài báo cũ
Bài báo này đăng trên báo Diễn Đàn (Hoa Kỳ)
số 162 (tháng 5-2006) : http://www.diendan.org/tai-lieu/bao-cu/so-162/canh-111ong-bat-tan-o-nha