Thứ Năm, 25 tháng 2, 2016

Cần hơn 3.600 tỉ đồng phát triển vùng Tứ giác Long Xuyên



(TBKTSG Online) - Tình hình hạn, mặn đang diễn ra gay gắt ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đòi hỏi Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phải sớm hoàn thiện “Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên”, một dự án đã được Chính phủ giao thực hiện từ tháng 1-2016, với số vốn sơ bộ cần có trên 3.600 tỉ đồng.

Cảnh đắp đê cứu lúa vụ 3 ở Tứ giác Long Xuyên thuộc tỉnh An Giang trong mùa lũ năm 2011. 

Ông Nguyễn Phong Quang, Phó trường ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, đã yêu cầu đại diện các đơn vị dự họp tại Cần Thơ vào sáng nay, 24-2, đến ngày 10-3 tới, phải gửi đề án chi tiết của mình để Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ hoàn chỉnh dự án nêu trên.
Ông Nguyễn Phong Quang nhấn mạnh rằng, không phải chỉ để đối phó với hạn và mặn trong năm nay, mà đề án này nhằm phát triển lâu dài vùng Tứ giác Long Xuyên. Ông Quang cho biết, “Từ ngày 18-1-2016, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ chủ trì, phối hợp với các địa phương và các bộ ngành liên quan lập đề án gửi Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN & PTNT) thẩm định báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.

Vùng Tứ giác Long Xuyên rộng gần 489.000 hecta thuộc địa bàn hai tỉnh An Giang, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ, là vùng sản xuất lương thực quan trọng của cả nước, có diện tích lúa khoảng 350.000 hecta, chiếm 25% diện lúa của ĐBSCL.

Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ họp  tại Cần Thơ sáng nay ngày 24-2-2016 để thúc đẩy dự án.

Tuy vậy, theo ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh An Giang - đơn vị chấp bút dự án sơ thảo này - 10 năm qua vùng Tứ giác Long Xuyên đã gánh chịu hậu nặng nề của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, hạn hán, thiếu lũ lớn… Ngoài ra, các công trình hạ tầng về thủy lợi, giao thông trong vùng đã không còn phù hợp với chương trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, trong đó có nhiệm vụ chuyển bớt lúa sang rau màu, nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn trái, xây dựng nông thôn mới.

“Ví dụ như phải có đường thoát lũ từ kinh Trà Sư (An Giang) đến kinh Tha La (Kiên Giang) dài 45 km đồng bộ với việc không được đắp đê bao làm lúa vụ 3 mà chỉ làm hai vụ lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản cùng các mô hình khác với hệ thống giao thông nội đồng kiên cố”, ông Thư nói.

Hoặc như ở vùng Bảy Núi khô hạn, phải đưa nước vào cho 20.000 hecta cùng với chuyển đổi mùa vụ ngoài lúa. Ngoài ra, các cánh đồng lúa trong vùng Tứ giác Long Xuyên đang là những cánh đồng manh mún của riêng ba tỉnh, cần được chuyển thành những cánh đồng lớn liên tỉnh.

“Đây là dự án liên tỉnh, liên vùng, mỗi tỉnh không thể làm riêng”, ông Thư nhấn mạnh.

Ông Trần Quang Củi, Phó giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Kiên Giang, cho rằng dự án phát triển lâu dài vùng Tứ giác Long Xuyên phải tập trung giải quyết ba vấn đề là thoát lũ, nguồn nước và ngăn mặn chung cho ba tỉnh.

“Nếu An Giang làm nhiều cống trên kinh dọc sông Hậu thì Kiên Giang sẽ bị ảnh hưởng vì diện tích nằm trong vùng Tứ giác Long Xuyên của hai tỉnh xấp xỉ nhau. Quan trọng là nguồn nước từ sông Hậu về Kiên Giang phải phục vụ được cả cho sản xuất và dân sinh”, ông Củi nói.

Theo GS.TS Tăng Đức Thắng, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu khoa học thủy lợi Việt Nam, dự án Tứ giác Long Xuyên “phải làm liên vùng”. Ông cho biết dù quy định vùng này mỗi năm chỉ làm hai vụ lúa đông xuân và hè thu nhưng nay đã có tới 60.000 hecta lúa vụ ba với cao trình bao đê trên ba mét. “Nếu tiếp tục như vậy thì Long Xuyên, Cần Thơ, Kiên Giang sẽ bị ngập vào mùa lũ”, GS Thắng nhấn mạnh.

Dù nhiều vấn đề còn phải bàn chung quanh “Báo cáo tóm tắt dự án”, nhưng tổng số vốn của dự án sơ thảo này đã hơn 3.626 tỉ đồng.
Trong khi nhiều đại biểu đề xuất tìm vốn từ nguồn trái phiếu chính phủ là chính thì ông Nguyễn Phong Quang ở Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ nhấn mạnh: “Trước hết phải hoàn thiện dự án, vì cho tới giờ vẫn chưa xong. Còn vốn thì trên cơ sở này, Chính phủ sẽ quyết định”.


Tin đã đăng tại TBKTSG Online 24-2-2016:
http://www.thesaigontimes.vn/142750/Can-hon-3600-ti-dong-phat-trien-vung-Tu-giac-Long-Xuyen.html

Ý kiến của GS Võ Tòng Xuân (qua email vào tối ngày 24-2):

From: Vo-Tong Xuan 
Sent: Wednesday, February 24, 2016 10:39 PM
To: HKim Gmail 
Subject: Re: Moi doc

Huỳnh Kim mến, 

Đã đến lúc các lãnh đạo của nước ta nên đổi mới tư duy. Giai đoạn "Tất cả cho an ninh lương thực" đã làm xong sứ mệnh lịch sử của nó, và nay cần chuyển sang giai đoạn làm giàu cho nông dân. 

Chúng ta không nên bắt nông dân cứ trồng lúa mãi bằng mọi tốn kém quá mức - tốn tiền của nhân dân, tốn tài nguyên nước của thiên nhiên. Tại sao ta cứ đổ tiền của và sức người vào cây lúa để sản xuất một sản phẩm giá rẻ mạt để nuôi thế giới? Vùng ven biển là vùng không thích nghi trồng lúa trong mùa nắng khô ráo. Nhưng vì lợi ích nhóm mà người ta đã cố làm thủy lợi ở mọi nơi kể cả tốn hàng chục nghì tỉ đồng để làm ngot hóa các vùng mặn mong để trông lúa thay vì để nước mặn tự nhiên cho nuôi thủy sản đắt tiền như tôm cua cá...

Trong nhiệm kỳ ĐH XII này, chúng tôi mong Đảng ta đổi mới tư duy cho nông dân được làm giàu thay vì cứ tiêu phí hàng chục ngàn tỉ đồng quí hiếm để trồng lúa bán gạo giá rẻ mạt là cho nông dân đến giờ vẫn khổ. Ngày nay dân nghèo vì trồng lúa tại vùng mặn, nhà nước phải nhận trách nhiệm.

GS Võ-Tòng Xuân

Prof. Dr. Vo-Tong Xuan
Rector Emeritus, An Giang University
Rector, Nam Can Tho University
Mb: 098 851 4762
----------------------------- 
Chair, Board of Directors
Thanh Thanh Cong Sugarcane Research and Development Center
Chau Thanh Dist., Tay Ninh
------------------------------

Vinpearl Safari Phú Quốc vẫn đang hoạt động bình thường




Trước tin có hàng ngàn động vật hoang dã chết và bỏ chuồng thoát ra rừng làm ảnh hưởng tới "sở thú" Vinpearl Safari Phú Quốc (thuộc Tập đoàn Vingroup), đại diện chính quyền địa phương và doanh nghiệp này vừa cho biết Vinpearl Safari Phú Quốc vẫn đang hoạt động bình thường. Còn chuyên gia thì khẳng định thú hoang dã phải được thuần hóa trước khi nuôi thả.

Trả lời chúng tôi qua điện thoại vào đầu giờ chiều ngày 22-2, ông Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Kiên Giang, nói: "Số liệu mà thông cáo báo chí của Vingroup nói là đúng sự thật". Ông đề nghị nhà báo hỏi thêm đại diện chính quyền huyện đảo vì "anh em ở huyện nắm cụ thể hơn".

Trả lời điện thoại của chúng tôi ngay sau đó, ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phú Quốc, nói: "Sau những thông tin trên mạng, nhân chuyến công tác của anh Nghị tại Phú Quốc, hôm qua chúng tôi đã đi kiểm tra tại chỗ vườn thú Safari, thì thấy mọi hoạt động đang diễn ra bình thường, khách tham quan vẫn đông, cả ngàn người". 

Ông Hưng xác nhận: "Về số lượng thú bị chết và bỏ chuồng như số liệu công bố của Vingroup là chính xác. Chỉ có hơn 100 cá thể chim thú bị chết, còn động vật quí hiếm như tê giác, cọp, hươu cao cổ… tôi thấy vẫn sống khỏe mạnh". Về việc có hàng trăm con khỉ bỏ chuồng vào rừng, ông Hưng nói: "Tôi thấy họ đang bao lưới lại không cho khỉ nhỏ bỏ ra ngoài nữa".
Về qui trình chăm sóc thú ở đây, ông Hưng nói: "Họ kiểm tra rất ngặt theo qui trình, có khu riêng, có bác sĩ riêng. Ở vùng này có nhiều suối, không thiếu nước, nên họ làm hệ thống vệ sinh và xử lý nước sạch sẽ".


 Vượn cáo đuôi khoang đang chơi với nhân viên Vinpearl Safari Phú Quốc. Ảnh: VÂN ĐÌNH
 Ông Huỳnh Quang Hưng cũng cho biết: "Chính quyền huyện đã có buổi làm việc với chủ đầu tư Safari Phú Quốc. Chúng tôi yêu cầu họ khẩn trương điều tra rõ nguyên nhân thú chết; có giải pháp bảo đảm thú khỏe mạnh, vệ sinh môi trường tốt hơn và phải tăng cường quản lý, bảo vệ an toàn cho du khách tham quan".

Bình luận về lý do thú hoang dã chết, TS Dương Văn Ni, chuyên gia quản lý môi trường thuộc Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên – Đại học Cần Thơ, nói: "Nhóm đặc hữu là chuyện bình thường. Vì mỗi loài hoang dã có tính đặc hữu riêng, có thể đánh giá mức đặc hữu thay đổi từ 0% -100%. Loài nào 100% mà dời đi chỗ sống khác thì chết. Thí dụ như rồng Komodo sống trên đảo ở Malaysia, đi đảo khác thì chết. Đặc hữu thấp thì dời đâu cũng được. Ngược lại đặc hữu là tính trung bình. Thí dụ gạo thơm Chợ Đào ở Tiền Giang đưa xuống Cà Mau trồng thì vẫn sống nhưng không còn thơm nữa. Mà phần lớn thú hoang dã có mức đặc hữu từ trung bình đến cao. Thành thử thú có tính đặc hữu cao mà phải di dời thì chết là bình thường".

TS Dương Văn Ni nói thêm: "Cho nên phải khảo sát trước, phải thuần hóa rồi mới nuôi thả. Thí dụ cá tai tượng vớt dưới sông lên nếu không thuần mà thả vào hồ nuôi liền thì chết ngắt. Trường hợp của Safari Phú Quốc, nếu các chuyên gia qua châu Phi đặt hàng, nuôi thuần các loài thú hoang dã có đặc hữu cao một thời gian rồi mới chuyển về Phú Quốc thì khác với chuyện mua thú ngoài hoang dã đem về thả nuôi".

Trước đó, vào sáng ngày 21-2, phòng Truyền thông của Tập đoàn Vingroup đã phát đi thông cáo báo chí, nêu rõ: "Những ngày vừa qua, trên mạng xã hội có thông tin về con số động vật chết tại Vinpearl Safari lên đến hàng ngàn con là hoàn toàn sai sự thật. Trên thực tế, sau một thời gian đi vào vận hành, có hơn 100 cá thể gồm chim và thú bị chết do ảnh hưởng của quá trình vận chuyển dài, các cá thể bị giảm sút sức khỏe, chưa thích nghi được với môi trường, thổ nhưỡng và khí hậu".

Về số lượng thú bị thất thoát, thông cáo này giải thích: "Thực tế chỉ có 135 con khỉ nhỏ (nguồn gốc Việt Nam, mỗi con khỉ có trọng lượng từ 150gr-200gr) đã thoát khỏi các chuồng khỉ do thiết kế ô lưới dự kiến dành cho các loại khỉ to hơn. Đây là loài khỉ bản địa phân bổ tự nhiên tại Phú Quốc. Hằng ngày đàn khỉ này vẫn về ăn tại vườn thú và khi ăn no lại vào rừng. Ngoài khỉ thì không có bất cứ loài thú nào chạy ra khỏi Vinpearl Safari".

Nguồn tin trên cũng cho biết sau gần hai tháng hoạt động, Vinpearl Safari đã có những cá thể thú quý đầu tiên chào đời như mèo đốm châu Phi (tên khoa học Leptailurus serval, xuất xứ Nam Phi), linh dương Bongo (tên khoa học Tragelaphus Eurycerus, xuất xứ từ Mỹ). 

Gần hai tháng qua, "sở thú" này đã đón tiếp hàng ngàn lượt khách tham quan mỗi ngày, nhiều nhất vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Đến hôm nay, Vinpearl Safari vẫn hoạt động bình thường và đang chuẩn bị đăng cai hội thảo Quản lý bảo tồn loài của Hiệp hội Vườn thú Đông Nam Á. 

Đại diện Vingroup còn nhấn mạnh: "Là thành viên Hiệp hội vườn thú Việt Nam (VZA), Hiệp hội Vườn thú Đông Nam Á (SEAZA) và Hệ thống thông tin loài quốc tế (International Species Information System), Vinpearl Safari không chỉ tuân thủ nghiêm ngặt qui trình quản lý, vận hành của một Safari quốc tế mà còn nhận được sự hỗ trợ tích cực của các chuyên gia bảo tồn động vật, chuyên gia thú y và các tổ chức bảo vệ động vật trong và ngoài nước". 

Công viên Chăm sóc và bảo tồn Động vật Vinpearl Safari do Tập đoàn Vingroup đầu tư tại rừng Gành Dầu, bắc đảo Phú Quốc (Kiên Giang), rộng 500 héc-ta, khai trương ngày 24-12-2015, là vườn thú bán hoang dã đầu tiên tại Việt Nam. Ngoài phục vụ du lịch, "sở thú" này còn đặt mục tiêu bảo tồn tài nguyên động vật, thực vật hoang dã đồng thời làm giáo cụ trực quan về giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng trong lĩnh vực này.

Theo kế hoạch giai đoạn 1, Vinpearl Safari Phú Quốc chăm sóc và bảo tồn khoảng 3.000 cá thể động vật thuộc 150 chủng loài, trong đó có các loại thú quý hiếm (đều có giấy CITES) gồm linh dương sừng thẳng Ả Rập, hổ, sư tử, vượn cáo đuôi khoang, vượn cáo trắng đen, tê giác, voi… 



* Bài đã đăng báo Cần Thơ thứ Ba, 23-2-2016:
http://www.baocantho.com.vn/?mod=detnews&catid=2041&p=0&id=175549


Trang 2 báo Saigon Times Daily 23-2-2016:


Bản dịch của Lạc Long:


Saigon Times Daily, trang 2, ngày 23-2-2016

Tin đồn về việc thú chết hàng loạt tại Vinpearl Safari bị phủ nhận


Vingroup đã bác bỏ tin đồn không có căn cứ rằng hàng ngàn con thú ở Vinpearl Safari Phú Quốc đã chết do phải di chuyển quãng đường dài và phải đột ngột thay đổi thói quen sống đồng thời cho biết chỉ hơn 100 cá thể đã chết.

Con số hơn 100 cá thể chết cũng được nhà chức trách địa phương xác nhận với Daily khi được hỏi về con số do Vingroup, chủ sở hữu của Vinpearl Safari trên hòn đảo nghỉ dưỡng thuộc Kiên Giang.

Vingroup, chủ đầu tư của vườn thú bán hoang dã đầu tiên tại Việt Nam, cho biết trong một tuyên bố hôm chủ nhật rằng tin đồn đang lan truyền trên mạngxã hội về việc hàng ngàn con thú chết tại vườn thú là sai sự thật.

“Trên thực tế, từ lúc công viên mở cửa, có hơn 100 cá thể bao gồm cả chim và động vật bị chết do việc vận chuyển kéo dài. Sức khỏe của những cá thể này yếu đi và không thể thích ứng được với khí hậu cũng như môi trường sống mới”, tuyên bố của Vingroup cho biết.

Thêm vào đó, chỉ 135 con khỉ nhỏ, trọng lượng từ 150 – 200 gram đã trốn khỏi công viên do chuồng lưới được thiết kế cho những loại khỉ to hơn. Những con khỉ này là loài bản địa tại Phú Quốc và chúng vẫn quy lại công viên để kiếm thức ăn mỗi ngày, theo Vingroup.

Bí thư tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị, trong cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại với Daily ngày hôm qua cho biết thống kê do Vingroup đưa ra là chính xác. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị liên lạc với chính quyền huyện đảo Phú Quốc để biết thêm thông tin.

Trả lời phỏng vấn qua điện thoại với Daily, Phó Chủ tịch thường trực huyện đảo Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cũng xác nhận con số thống kê nêu trên.

“Chúng tôi vừa đến vườn thú hôm qua, thấy vẫn hoạt động kinh doanh bình thường. Có rất đông khách, tới cả ngàn người”, ông Hưng nói.“Tôi thấy những loại thú quý hiếm như tê giác, hổ, hưu cao cổ vẫn khỏe mạnh”.

Cũng theo ông Hưng, chính quyền huyện đã đề nghị chủ đầu tư Vinpearl Safari điều tra về nguyên nhân chết của các loại chim, thú đồng thời có biện pháp bảo vệ môi trường,tăng cường quản lý và đảm bảo an toàn cho du khách.

Vinperal Safari rộng 500 hecta, nằm ở bắc đảo, được mở cửa cuối năm qua. Mỗi ngày, vườn thú chào đón rất đông khách tham quan.

Có khoảng 3000 cá thể trong giai đoạn 1, bao gồm một số loài thú quý hiếm từ nước ngoài.

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

U Minh Thượng trở thành khu Ramsar thứ 8 của Việt Nam


Ngọc Hùng

Cò cổ trắng tại vườn quốc gia U Minh Thượng. Ảnh: WWF cung cấp


(TBKTSG Online) - Ngày 22-2, Vườn quốc gia (VQG) U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, chính thức trở thành khu Ramsar thứ 8 của Việt Nam và thứ 2.228 của thế giới.

Theo thông cáo báo chí do Quỹ Thiên nhiên hoang dã (WWF) Việt Nam phát đi hôm nay ngày 22-2, với việc trở thành một khu Ramsar quốc tế, Vườn quốc gia U Minh Thượng sẽ có nhiều cơ hội để quảng bá hình ảnh đặc biệt của mình ra cộng đồng thế giới, trở thành điểm đến hấp dẫn cho các du khách trong và ngoài nước trong tương lai.

Thông cáo báo chí cho biết, đây cũng là cơ hội để kêu gọi sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong việc nghiên cứu, bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái đầm lầy ngập nước với thảm thực vật thủy sinh, được xem như hệ sinh thái tiêu biểu của vùng đầm lầy đất than bùn vùng U Minh khi xưa, một trong số ít nơi còn tồn tại đất than bùn ở Nam Bộ nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang phải chịu tác động của biến đổi khí hậu thì vùng đầm lầy than bùn lại có ý nghĩa lớn trong việc giảm nhẹ nguy cơ này do có khả năng lưu trữ và tích tụ khí thải C02 trong đất than bùn cao hơn hẳn các loại đất khác.

Lễ trao Bằng công nhận khu Ramsar cho Vườn quốc gia U Minh Thượng theo Công ước Ramsar (Công ước Quốc tế về bảo tồn và sử dụng hợp lý các vùng đất ngập nước và công nhận các chức năng sinh thái nền tảng và các giá trị giải trí, khoa học, văn hóa và kinh tế của các sinh cảnh này) được UBND tỉnh Kiên Giang, Bộ Tài nguyên và Môi trường và WWF-Việt Nam tổ chức vào ngày hôm nay 22-2-2016.

WWF là một trong những tổ chức phi chính phủ về bảo tồn hàng đầu thế giới, với 5 triệu người ủng hộ và một mạng lưới toàn cầu đang hoạt động trên hơn 100 quốc gia. Nhiệm vụ của WWF là ngăn chặn sự xuống cấp của môi trường thiên nhiên của trái đất và xây dựng một tương lai trong đó con người sống hoà hợp với thiên nhiên, bằng cách bảo tồn đa dạng sinh học của thế giới, đảm bảo rằng việc sử dụng bền vững những nguồn tài nguyên có thể tái sử dụng, và thúc đẩy việc giảm ô nhiễm và tiêu thụ lãng phí.

8 khu Ramsar của Việt Nam


Việt Nam tham gia Công ước Ramsar vào năm 1989, là thành viên thứ 50 và là quốc gia đầu tiên trong vùng Đông Nam Á tham gia công ước này. Hiện tại, Việt Nam có tất cả 8 khu Ramsar của thế giới; đó là:


1 - Vườn quốc gia Xuân Thủy - Nam Định được công nhận vào năm 1988, là một khu rừng ngập mặn thuộc Khu dự trữ sinh quyển châu thổ Sông Hồng.


2 - Hệ đất ngập nước Bàu Sấu nằm trong Vườn quốc gia Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai được công nhận là khu Ramsar thứ 2 của Việt Nam năm 2005.


3 - Năm 2011, hồ Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn trở thành khu Ramsar thứ 3 của Việt Nam.


4 - Năm 2012, Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) được công nhận là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam với tổng chu vi hơn 70km, là mô hình thu nhỏ cảnh quan thiên nhiên của vùng Đồng Tháp Mười nguyên sơ.

5 - Năm 2013, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau được công nhận là khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam có diện tích hơn 41.800ha. Đây là vùng đất ngập mặn ven biển, tuy không đa dạng về chủng loài nhưng có những đặc thù riêng về hệ động, thực vật.

6 - Tháng 11-2014, Vườn quốc gia Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) trở thành khu Ramsar thứ 6, cũng là khu Ramsar biển đầu tiên của Việt Nam.

7 - Tháng 11-2015, Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Long An) được công nhận là khu Ramsar  thứ 7 của Việt Nam và thứ 2.227 của thế giới.

8 – Hôm nay 22-2-2016, Vườn quốc gia (VQG) U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, chính thức trở thành khu Ramsar thứ 8 của Việt Nam và thứ 2.228 của thế giới.


Bài đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/142587

Tham gia Công ước Ramsar, Tràm Chim được gì?


(TBKTSG) - Vườn quốc gia Tràm Chim vừa được Công ước Ramsar công nhận là khu Ramsar thứ tư của Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới. Dịp này, TBKTSG đã phỏng vấn Thạc sĩ NGUYỄN HỮU THIỆN, chuyên gia sinh thái với hơn 20 năm kinh nghiệm về bảo tồn đất ngập nước ở ĐBSCL...




TBKTSG: Theo ông, vì sao Tràm Chim được công nhận là khu Ramsar của thế giới?

- Ông NGUYỄN HỮU THIỆN: Tràm Chim xứng đáng với danh hiệu Ramsar vì thỏa mãn được 5 trong số 9 tiêu chí của Ramsar. Ngoài ra, tổ chức BirdLife còn xếp Tràm Chim là một trong các “Vùng chim quan trọng” (IBA - Important Bird Area) ở Việt Nam. Ngày nay gần như toàn bộ cảnh quan Đồng Tháp Mười xa xưa đã biến mất, chỉ còn sót lại một vài khu quan trọng như Tràm Chim ở Đồng Tháp, Láng Sen ở Long An. Việc gìn giữ các khu còn lại như thế có ý nghĩa nhiều mặt về đa dạng sinh học, sinh thái, du lịch, văn hóa, nghiên cứu khoa học. Tràm Chim cũng là nơi cung cấp tài nguyên thiên nhiên cho cộng đồng xung quanh và đặc biệt là nơi giữ lại hình ảnh của Đồng Tháp Mười xa xưa cho các thế hệ mai sau chiêm ngưỡng và suy ngẫm về công lao của tiền nhân mở cõi ở vùng đất phương Nam này.

TBKTSG: Hệ sinh thái đất ngập nước của Tràm Chim có gì đặc biệt so với các khu Ramsar khác?

- Đây là một trong những mảnh cuối cùng còn sót lại của Đồng Tháp Mười xa xưa, một cánh đồng hoang rộng tới gần một triệu héc ta, trải dài từ Đồng Tháp qua Tiền Giang và Long An ngày nay. Đồng Tháp Mười xưa là thiên đường của muôn loài, kể cả cá sấu và khỉ. Có những địa danh ở Đồng Tháp Mười xưa còn gợi lại hình ảnh hoang dã này như Bưng Sấu Hì là vùng bưng trũng ngày xưa có nhiều sấu, hay kênh Cà Dâm, và gò Lâm Vồ đặt theo tên loài cây Cà Dâm và cây Lâm Vồ mà ngày nay hiếm thấy. Đồng cỏ của Tràm Chim là loại cảnh quan khó tìm thấy ở nơi đâu khác trong lưu vực Mê kông. Ngoài ra, cánh đồng lúa ma ở Tràm Chim là diện tích lúa ma còn sót lại lớn nhất ở ĐBSCL.

Đặc biệt ở Tràm Chim có quần thể sếu đầu đỏ hàng năm đến sinh sống trong mùa khô, từ khoảng tháng Giêng Dương lịch khi mực nước bắt đầu cạn trong đồng cho đến đầu mùa mưa vào khoảng cuối tháng năm. Sếu đầu đỏ chính là chim hạc mà ta thường thấy tượng loài chim này đứng trên lưng rùa trong các chùa chiền của Việt Nam. Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, hạc được xem là linh thiêng; người sống có đức độ thì khi qua đời sẽ được chim hạc đến rước linh hồn về trời, tức là “cưỡi hạc quy tiên”.

TBKTSG: Như vậy, cái lợi của việc Tràm Chim được công nhận là khu Ramsar là gì?

- Được công nhận là Ramsar là một cơ hội tốt cho công cuộc bảo tồn đất ngập nước ở Tràm Chim. Một khu đất ngập nước được Ramsar công nhận có tầm quan trọng quốc tế thì cái lợi đầu tiên là danh tiếng của khu đó và kể cả của quốc gia cũng sẽ được tăng lên nhờ được nhắc đến nhiều hơn ở các diễn đàn quốc tế về bảo tồn và sử dụng khôn khéo đất ngập nước. Tràm Chim được xem là khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới. Con số 2.000 cũng sẽ gây được sự chú ý đặc biệt cho Tràm Chim. Ngoài ra, khi thành khu Ramsar, Tràm Chim sẽ có cơ hội nhận được sự hỗ trợ của các chuyên gia về chuyên môn cũng như cho việc áp dụng các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận. Tràm Chim sẽ có cơ hội nhận được những khoản hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ nhỏ của Công ước Ramsar và tăng sự chú ý của các quỹ bảo tồn khác.

TBKTSG: Từng làm việc nhiều năm tại Tràm Chim, theo ông, các nhà khoa học đã giúp giải quyết được những vấn đề chính nào ở Tràm Chim?


Tràm Chim (gần 7.500 héc ta, trong đó gồm khoảng 1.800 héc ta rừng tràm, còn lại là đồng cỏ ngập nước theo mùa, đầm lầy sen, súng, và mặt nước) là nơi duy trì sự đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái cho cả vùng Đồng Tháp Mười, và là vùng đất ngập nước tiêu biểu của ĐBSCL. Về đa dạng sinh học, Tràm Chim có 231 loài chim (trong đó quý nhất là chim hạc), 191 loài thực vật, và khoảng 150 loài cá nước ngọt. Đồng cỏ ngập nước theo mùa ở Tràm Chim mang tính đa dạng sinh học cao. Lúa ma mọc hoang dã ở Tràm Chim là sinh cảnh tốt cho cá, chim và là nguồn gen cần bảo tồn.


- Trong những năm qua, Vườn quốc gia Tràm Chim đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Cần Thơ, Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM, Tổ chức Bảo vệ hạc quốc tế (ICF), Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF)... và của rất nhiều chuyên gia trong và ngoài nước. Nhờ đó chúng ta đã giải quyết được những vấn đề quan trọng đe dọa đến hệ sinh thái của Tràm Chim, trong đó quan trọng nhất là việc thí điểm thành công việc thực hiện quản lý nước phù hợp, duy trì chế độ thủy văn hai mùa, tuân thủ theo quy luật tự nhiên của Đồng Tháp Mười. Người dân địa phương cũng đã được tổ chức thành nhóm để sử dụng tài nguyên một cách có kiểm soát bên trong vườn quốc gia.

TBKTSG: Nhưng dường như các nhà khoa học vẫn chưa yên tâm với vấn đề “nước nôi” ở Tràm Chim?

- Vấn đề lớn nhất đe dọa hệ sinh thái Tràm Chim mà hiện nay vẫn chưa được giải quyết đó là các đê bao xung quanh Tràm Chim quá cao theo kiểu “chống lũ triệt để”. Các đê này được nâng vào năm 2003 lên cao đến 4-5 mét trên mặt đất nhằm trữ nước quanh năm bên trong Tràm Chim để phòng cháy. Hệ thống đê bao thấp khoảng 2 mét so với mặt đất xung quanh Tràm Chim như trước năm 2003 là cần thiết để duy trì độ ẩm thích hợp, bù cho lượng bốc hơi mặt thoáng, thoát hơi qua lá, và thấm qua đê trong mùa khô. Trong bối cảnh thủy văn toàn vùng Đồng Tháp Mười đã thay đổi, nếu không có hệ thống đê bao thấp xung quanh thì vào mùa khô, mực nước sẽ xuống thấp hơn mặt đất khoảng 1,5-2 mét thì cây cỏ sẽ chết khô. Hệ thống đê bao thấp trước 2003 vẫn cho nước lũ tràn qua được. Tuy nhiên từ khi hệ thống đê bao này được nâng cao lên thì Tràm Chim bị cách ly với môi trường bên ngoài.

Vì nước lũ không tràn qua đê được nên trứng cá và cá con từ nước sông Mê kông chỉ vào được Tràm Chim một cách rất hạn chế qua các cửa cống. Lượng cá giảm cũng kéo theo sự suy giảm số lượng chim nước vì thiếu thức ăn. Nếu tình trạng đê cao này kéo dài thì lượng cá bên trong sẽ nghèo kiệt và số lượng chim nước ở Tràm Chim chắc chắn sẽ suy giảm theo thời gian.

Giải pháp cho vấn đề này có thể là hạ thấp cao trình một số đoạn đê xuống như trước đây hoặc xây một số tuyến đập tràn để cho nước có thể tràn qua trong mùa lũ để mang vào trứng cá và cá con và tạo điều kiện cho xác bã thực vật bên trong phân hủy tốt hơn để cải thiện môi trường nước và cũng để giảm rủi ro cháy với cường độ cao. Chúng ta cũng cần chú ý là chuyện cháy định kỳ hàng năm với cường độ thấp là một yếu tố cần thiết cho hệ sinh thái đất ngập nước như ở Tràm Chim.


Ramsar là gì?
Công ước Ramsar là một công ước liên chính phủ được ký vào ngày 2-2-1971 ở thành phố Ramsar (Iran) và có hiệu lực từ năm 1975 với mục đích khuyến khích bảo tồn và sử dụng khôn khéo hay bền vững các khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế.


Hiện nay Ramsar có gần 160 quốc gia thành viên, trong đó Việt Nam là thành viên thứ 50 từ năm 1989. Trên thế giới hiện có 2.000 khu Ramsar (Tràm Chim là khu Ramsar thứ 2.000) với tổng diện tích khoảng 190 triệu héc ta, lớn hơn tổng diện tích của Pháp, Đức, Tây Ban Nha, và Thụy Sỹ cộng lại.


Ramsar có tất cả 9 tiêu chí để công nhận, được chia thành hai nhóm tiêu chí chính bao gồm (a) sự độc đáo và hiếm có của vùng đất ngập nước (b) tầm quan trọng quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học, nhấn mạnh đến cá và chim nước.


Các cam kết chính của một quốc gia thành viên Ramsar là: quốc gia đó phải đưa ít nhất một khu đất ngập nước thành khu Ramsar khi gia nhập công ước; quy hoạch sử dụng đất của quốc gia phải có xem xét, cân nhắc về bảo tồn đất ngập nước và khuyến khích việc sử dụng khôn khéo đất ngập nước; thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước, nằm trong hay ngoài danh sách Ramsar; hợp tác quốc tế liên quan đến việc thực hiện công ước, bảo tồn các vùng đất ngập nước, nguồn nước, các loài có phạm vi xuyên biên giới.


Công ước Ramsar không phải là một ràng buộc pháp lý mà chủ yếu dựa vào sự kỳ vọng thực hiện các cam kết ấy. Một số quốc gia đã đưa những cam kết Ramsar vào hệ thống pháp luật của chính mình để tuân thủ tốt hơn.


Bài đã đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/73122/