(TBKTSG) - Vườn quốc gia Tràm Chim vừa được Công ước Ramsar công nhận là khu Ramsar thứ tư của Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới. Dịp này, TBKTSG đã phỏng vấn Thạc sĩ NGUYỄN HỮU THIỆN, chuyên gia sinh thái với hơn 20 năm kinh nghiệm về bảo tồn đất ngập nước ở ĐBSCL...
TBKTSG: Theo ông, vì sao Tràm Chim được công nhận là khu Ramsar của thế giới?
- Ông NGUYỄN HỮU THIỆN: Tràm Chim xứng đáng với danh hiệu Ramsar vì thỏa mãn được 5 trong số 9 tiêu chí của Ramsar. Ngoài ra, tổ chức BirdLife còn xếp Tràm Chim là một trong các “Vùng chim quan trọng” (IBA - Important Bird Area) ở Việt Nam. Ngày nay gần như toàn bộ cảnh quan Đồng Tháp Mười xa xưa đã biến mất, chỉ còn sót lại một vài khu quan trọng như Tràm Chim ở Đồng Tháp, Láng Sen ở Long An. Việc gìn giữ các khu còn lại như thế có ý nghĩa nhiều mặt về đa dạng sinh học, sinh thái, du lịch, văn hóa, nghiên cứu khoa học. Tràm Chim cũng là nơi cung cấp tài nguyên thiên nhiên cho cộng đồng xung quanh và đặc biệt là nơi giữ lại hình ảnh của Đồng Tháp Mười xa xưa cho các thế hệ mai sau chiêm ngưỡng và suy ngẫm về công lao của tiền nhân mở cõi ở vùng đất phương Nam này.
TBKTSG: Hệ sinh thái đất ngập nước của Tràm Chim có gì đặc biệt so với các khu Ramsar khác?
- Đây là một trong những mảnh cuối cùng còn sót lại của Đồng Tháp Mười xa xưa, một cánh đồng hoang rộng tới gần một triệu héc ta, trải dài từ Đồng Tháp qua Tiền Giang và Long An ngày nay. Đồng Tháp Mười xưa là thiên đường của muôn loài, kể cả cá sấu và khỉ. Có những địa danh ở Đồng Tháp Mười xưa còn gợi lại hình ảnh hoang dã này như Bưng Sấu Hì là vùng bưng trũng ngày xưa có nhiều sấu, hay kênh Cà Dâm, và gò Lâm Vồ đặt theo tên loài cây Cà Dâm và cây Lâm Vồ mà ngày nay hiếm thấy. Đồng cỏ của Tràm Chim là loại cảnh quan khó tìm thấy ở nơi đâu khác trong lưu vực Mê kông. Ngoài ra, cánh đồng lúa ma ở Tràm Chim là diện tích lúa ma còn sót lại lớn nhất ở ĐBSCL.
Đặc biệt ở Tràm Chim có quần thể sếu đầu đỏ hàng năm đến sinh sống trong mùa khô, từ khoảng tháng Giêng Dương lịch khi mực nước bắt đầu cạn trong đồng cho đến đầu mùa mưa vào khoảng cuối tháng năm. Sếu đầu đỏ chính là chim hạc mà ta thường thấy tượng loài chim này đứng trên lưng rùa trong các chùa chiền của Việt Nam. Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, hạc được xem là linh thiêng; người sống có đức độ thì khi qua đời sẽ được chim hạc đến rước linh hồn về trời, tức là “cưỡi hạc quy tiên”.
TBKTSG: Như vậy, cái lợi của việc Tràm Chim được công nhận là khu Ramsar là gì?
- Được công nhận là Ramsar là một cơ hội tốt cho công cuộc bảo tồn đất ngập nước ở Tràm Chim. Một khu đất ngập nước được Ramsar công nhận có tầm quan trọng quốc tế thì cái lợi đầu tiên là danh tiếng của khu đó và kể cả của quốc gia cũng sẽ được tăng lên nhờ được nhắc đến nhiều hơn ở các diễn đàn quốc tế về bảo tồn và sử dụng khôn khéo đất ngập nước. Tràm Chim được xem là khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới. Con số 2.000 cũng sẽ gây được sự chú ý đặc biệt cho Tràm Chim. Ngoài ra, khi thành khu Ramsar, Tràm Chim sẽ có cơ hội nhận được sự hỗ trợ của các chuyên gia về chuyên môn cũng như cho việc áp dụng các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận. Tràm Chim sẽ có cơ hội nhận được những khoản hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ nhỏ của Công ước Ramsar và tăng sự chú ý của các quỹ bảo tồn khác.
TBKTSG: Từng làm việc nhiều năm tại Tràm Chim, theo ông, các nhà khoa học đã giúp giải quyết được những vấn đề chính nào ở Tràm Chim?
Tràm Chim (gần 7.500 héc ta, trong đó gồm khoảng 1.800 héc ta rừng tràm, còn lại là đồng cỏ ngập nước theo mùa, đầm lầy sen, súng, và mặt nước) là nơi duy trì sự đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái cho cả vùng Đồng Tháp Mười, và là vùng đất ngập nước tiêu biểu của ĐBSCL. Về đa dạng sinh học, Tràm Chim có 231 loài chim (trong đó quý nhất là chim hạc), 191 loài thực vật, và khoảng 150 loài cá nước ngọt. Đồng cỏ ngập nước theo mùa ở Tràm Chim mang tính đa dạng sinh học cao. Lúa ma mọc hoang dã ở Tràm Chim là sinh cảnh tốt cho cá, chim và là nguồn gen cần bảo tồn.
- Trong những năm qua, Vườn quốc gia Tràm Chim đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Cần Thơ, Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM, Tổ chức Bảo vệ hạc quốc tế (ICF), Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF)... và của rất nhiều chuyên gia trong và ngoài nước. Nhờ đó chúng ta đã giải quyết được những vấn đề quan trọng đe dọa đến hệ sinh thái của Tràm Chim, trong đó quan trọng nhất là việc thí điểm thành công việc thực hiện quản lý nước phù hợp, duy trì chế độ thủy văn hai mùa, tuân thủ theo quy luật tự nhiên của Đồng Tháp Mười. Người dân địa phương cũng đã được tổ chức thành nhóm để sử dụng tài nguyên một cách có kiểm soát bên trong vườn quốc gia.
TBKTSG: Nhưng dường như các nhà khoa học vẫn chưa yên tâm với vấn đề “nước nôi” ở Tràm Chim?
- Vấn đề lớn nhất đe dọa hệ sinh thái Tràm Chim mà hiện nay vẫn chưa được giải quyết đó là các đê bao xung quanh Tràm Chim quá cao theo kiểu “chống lũ triệt để”. Các đê này được nâng vào năm 2003 lên cao đến 4-5 mét trên mặt đất nhằm trữ nước quanh năm bên trong Tràm Chim để phòng cháy. Hệ thống đê bao thấp khoảng 2 mét so với mặt đất xung quanh Tràm Chim như trước năm 2003 là cần thiết để duy trì độ ẩm thích hợp, bù cho lượng bốc hơi mặt thoáng, thoát hơi qua lá, và thấm qua đê trong mùa khô. Trong bối cảnh thủy văn toàn vùng Đồng Tháp Mười đã thay đổi, nếu không có hệ thống đê bao thấp xung quanh thì vào mùa khô, mực nước sẽ xuống thấp hơn mặt đất khoảng 1,5-2 mét thì cây cỏ sẽ chết khô. Hệ thống đê bao thấp trước 2003 vẫn cho nước lũ tràn qua được. Tuy nhiên từ khi hệ thống đê bao này được nâng cao lên thì Tràm Chim bị cách ly với môi trường bên ngoài.
Vì nước lũ không tràn qua đê được nên trứng cá và cá con từ nước sông Mê kông chỉ vào được Tràm Chim một cách rất hạn chế qua các cửa cống. Lượng cá giảm cũng kéo theo sự suy giảm số lượng chim nước vì thiếu thức ăn. Nếu tình trạng đê cao này kéo dài thì lượng cá bên trong sẽ nghèo kiệt và số lượng chim nước ở Tràm Chim chắc chắn sẽ suy giảm theo thời gian.
Giải pháp cho vấn đề này có thể là hạ thấp cao trình một số đoạn đê xuống như trước đây hoặc xây một số tuyến đập tràn để cho nước có thể tràn qua trong mùa lũ để mang vào trứng cá và cá con và tạo điều kiện cho xác bã thực vật bên trong phân hủy tốt hơn để cải thiện môi trường nước và cũng để giảm rủi ro cháy với cường độ cao. Chúng ta cũng cần chú ý là chuyện cháy định kỳ hàng năm với cường độ thấp là một yếu tố cần thiết cho hệ sinh thái đất ngập nước như ở Tràm Chim.
Ramsar là gì?
Công ước Ramsar là một công ước liên chính phủ được ký vào ngày 2-2-1971 ở thành phố Ramsar (Iran) và có hiệu lực từ năm 1975 với mục đích khuyến khích bảo tồn và sử dụng khôn khéo hay bền vững các khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế.
Hiện nay Ramsar có gần 160 quốc gia thành viên, trong đó Việt Nam là thành viên thứ 50 từ năm 1989. Trên thế giới hiện có 2.000 khu Ramsar (Tràm Chim là khu Ramsar thứ 2.000) với tổng diện tích khoảng 190 triệu héc ta, lớn hơn tổng diện tích của Pháp, Đức, Tây Ban Nha, và Thụy Sỹ cộng lại.
Ramsar có tất cả 9 tiêu chí để công nhận, được chia thành hai nhóm tiêu chí chính bao gồm (a) sự độc đáo và hiếm có của vùng đất ngập nước (b) tầm quan trọng quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học, nhấn mạnh đến cá và chim nước.
Các cam kết chính của một quốc gia thành viên Ramsar là: quốc gia đó phải đưa ít nhất một khu đất ngập nước thành khu Ramsar khi gia nhập công ước; quy hoạch sử dụng đất của quốc gia phải có xem xét, cân nhắc về bảo tồn đất ngập nước và khuyến khích việc sử dụng khôn khéo đất ngập nước; thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước, nằm trong hay ngoài danh sách Ramsar; hợp tác quốc tế liên quan đến việc thực hiện công ước, bảo tồn các vùng đất ngập nước, nguồn nước, các loài có phạm vi xuyên biên giới.
Công ước Ramsar không phải là một ràng buộc pháp lý mà chủ yếu dựa vào sự kỳ vọng thực hiện các cam kết ấy. Một số quốc gia đã đưa những cam kết Ramsar vào hệ thống pháp luật của chính mình để tuân thủ tốt hơn.
Bài đã đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/73122/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét