Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

Phổ biến Luật Báo chí 2016 ở phía Nam

(TBKTSG Online)- Gần 500 cán bộ quản lý báo chí và lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí các tỉnh, thành phía Nam từ Đà Nẵng trở vào đã nghe phổ biến Luật Báo chí 2016 tại TP. Cần Thơ vào hôm nay, 28-10.

Quang cảnh hội nghị phổ biến Luật Báo chí 2016 tại Cần Thơ ngày 28-10-2106.

Theo ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, Luật Báo chí 2016 (được Quốc hội thông qua ngày 5-4-2016, có hiệu lực từ ngày 1-1-2017), “nhằm khắc phục những nội dung bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn của luật báo chí hiện hành; đồng thời điều chỉnh kịp thời những vấn đề đặt ra trong thực thi hoạt động báo chí, đáp ứng yêu cầu phát triển và quản lý hoạt động báo chí trong tình hình mới”.

So với Luật Báo chí hiện hành, luật mới này có 6 chương, 61 điều (tăng 25 điều), trong đó có 32 điều mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung. Luật này quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; tổ chức và hoạt động báo chí; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động báo chí; quản lý nhà nước về báo chí.

Giới thiệu chi tiết những nội dung này, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và truyền thông), nhấn mạnh rằng “Luật Báo chí 2016 đã bám sát Hiến pháp 2013”, trong đó Điều 25 của Hiến pháp hiến định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, luật mới này quy định công dân có quyền sáng tạo tác phẩm báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí, tiếp cận thông tin báo chí, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí, in và phát hành báo in…

Về đối tượng thành lập cơ quan báo chí, luật mới bổ sung một số đối tượng như cơ sở giáo dục đại học, tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức phát triển công nghệ dưới hình thức viện hàn lâm, bệnh viện tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Luật Báo chí 2016 cũng quy định mở hơn luật hiện hành về hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí; theo đó nguồn thu gồm thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí và các đơn vị trực thuộc cơ quan báo chí.

Luật 2016 cũng bổ sung một số quy định mới về cải chính; như báo chí điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát. Hoặc các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử đã đăng, phát các thông tin của các cơ quan báo chí có nội dung phải cái chính, xin lỗi cũng phải đăng lại cải chính, xin lỗi của các cơ quan báo chí vi phạm.

Luật mới này cũng đã bổ sung, luật hóa những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; ví dụ nhà báo sẽ bị thu hồi thẻ nhà báo khi vi phạm về đạo đức nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Lưu Đình Phúc cũng cho biết Bộ Thông tin và truyền thông đang thu thập ý kiến để trong năm 2016 này, sẽ ban hành nghị định về phát ngôn, cung cấp thông tin báo chí và nghị định về lưu chiểu thông tin điện tử. Theo đó, về phát ngôn, tới đây, từ cấp xã, phường trở lên cũng có người phát ngôn để tạo mọi điều kiện cho phóng viên được tiếp cận thông tin.

Về lưu chiểu thông tin điện tử, ông Phúc nói: “Ví dụ như vụ nước mắm vừa rồi, sau khi phát hiện thì thông tin bị bóc xóa biến mất hết, kể cả trên Google”.

Trả lời thắc mắc của ông Võ Văn Long, Phó Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TPHCM về việc đề án quy hoạch báo chí mà Bộ Thông tin và truyền thông đang triển khai, có quy định bỏ cơ quan chủ quản báo chí cấp sở, ngành ở các tỉnh, thành trong khi luật mới quy định trường đại học cũng có tạp chí, Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc nhấn mạnh: “Vấn đề này, chúng tôi đang thu thập ý kiến của các cơ quan chủ quản và các địa phương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Bộ Chính trị quyết định”.



KHAI TRƯƠNG VINCOMPLAZA ĐẦU TIÊN TẠI BẠC LIÊU


LẠC LONG


 
(TBKTSG Online)- Trung tâm thương mại Vincom đầu tiên tại tỉnh Bạc Liêu - Vincom Plaza Trần Phú – vừa chính thức đi vào hoạt động vào sáng nay, 28-10, với 99% diện tích đã được cho thuê. Bạc Liêu cũng là thành phố thứ 12 trên cả nước có sự hiện diện của hệ thống trung tâm thương mại của Công ty Vincom Retail thuộc Tập đoàn Vingroup.

Công trình này tọa lạc trên đường Trần Phú - trục đường trung tâm về hành chính và thương mại của thành phố Bạc Liêu. Với tổng diện tích mặt sàn gần 6.500 mét vuông, gồm 3 tầng lầu, Vincom Plaza Trần Phú hội tụ đầy đủ các ngành hàng, từ tiêu dùng hàng ngày đến các sản phẩm thời trang, phụ kiện, mỹ phẩm, điện máy, thế giới trẻ em và ẩm thực. 


Trong đó, siêu thị VinMart nằm ở hai tầng rộng gần 2.000 mét vuông gồm hơn 40 ngàn mặt hàng tiêu dùng đa dạng, phong phú và chất lượng. Bên cạnh nguồn hàng giá cả cạnh tranh, nguồn gốc rõ rang, chất lượng đảm bảo, VinMart cũng là hệ thống siêu thị độc quyền cung cấp các sản phẩm nông sản sạch mang thương hiệu VinEco. Tại tầng 2, Trung tâm điện máy & ICT VinPro cung cấp các sản phẩm điện tử, điện lạnh với dịch vụ hậu mãi chuyên nghiệp. 


Ở khu vực mua sắm của Vincom Plaza Bạc Liêu có các nhãn hàng, thương hiệu uy tín như VinDS, Belluni, An Phước Pierre Cardin,  Sabina, Sơn Kim, Merrimen, SJC, Casio, Thế giới kim cương, Silent Night/ Ha Eva, Ngọc Thẩm, PNJ… 

Nơi đây còn có khu vui chơi giải trí tại tầng 3 với Kids Zone, khu Game Center... cùng các nhà hàng ẩm thực 4 phương hấp dẫn như SuShi Box, Chingu, Apollo Coffee, 2!Yummy…

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

Khởi nghiệp từ “tâm”



Lê Minh Hoan

 
Đừng để người khởi nghiệp bơ vơ những ngày đầu trên con đường dài khởi nghiệp.Ảnh: Thành Hoa

(TBKTSG) - Tâm của người khởi nghiệp, của các cấp chính quyền và của toàn xã hội.

Câu chuyện khởi nghiệp gần đây được luận bàn ở cấp độ quốc gia với những “Hệ sinh thái khởi nghiệp”, “Quỹ đầu tư mạo hiểm”, “Quỹ khuyến khích khởi nghiệp”... Đây đó đã đưa ra khẩu hiệu địa phương khởi nghiệp với nhiều chương trình, cơ chế, chính sách thúc đẩy khởi nghiệp. Báo chí truyền thông cũng ngày càng dày hơn những chuyên trang chuyên mục về khởi nghiệp. Các cuộc thi khởi nghiệp được tổ chức với những cấp độ khác nhau, tạo ra những hiệu ứng xã hội. Có lẽ chưa bao giờ khởi nghiệp được quan tâm trên nhiều diễn đàn như vậy.

Không phải là chuyên gia tư vấn về khởi nghiệp, nhưng người viết tiếp cận với vấn đề khởi nghiệp từ câu chuyện của một bạn trẻ ở miệt Hồng Ngự, Đồng Tháp. Bạn thầm lặng khởi nghiệp cho đến khi được nhận giải cao trong cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp lần 2-2016 vừa qua. Ý tưởng khởi nghiệp của bạn trẻ này đã được hiện thực hóa bằng sản phẩm Gạo sạch Tâm Việt - “Cái tâm của người Việt” với câu khẩu hiệu “Gạo ngon từ đất - Gạo chất từ tâm”. Vâng, tất cả bằng chữ “tâm” thật nhẹ nhàng nhưng ẩn chứa nhiều điều sâu lắng trong câu chuyện khởi nghiệp.

Trước hết, là “tâm” của người khởi nghiệp. Đó là cái tâm đối với niềm tin của người tiêu dùng, cái tâm của người trước khi nghĩ về phần mình thì đã nghĩ đến cái lợi cho quê hương, cho cộng đồng. Cái tâm ở đây chính là sự cam kết bằng trách nhiệm, bằng niềm tự hào đối với sản phẩm mình dày công làm ra. Và, cái tâm ở đây còn là sự tâm huyết, sự dấn thân trên con đường khởi nghiệp vốn không bao giờ bằng phẳng, không trải toàn hoa hồng và sự thành công luôn ít hơn rất nhiều so với sự thất bại như nhiều chuyên gia đã tổng kết và cảnh báo.

Đây đó không ít câu chuyện người tiêu dùng bị mất niềm tin vì các sản phẩm làm ra lúc đầu rất tốt nhưng dần vì hám lợi người sản xuất đã không còn giữ đúng như cam kết ban đầu. Thì đó, không ít thương hiệu đã lập lờ về chất lượng, đánh tráo những khái niệm về tiêu chuẩn. Đâu đó có những chuyện cũng vì hám lợi làm tổn thương cộng đồng. Thì đó, những doanh nghiệp đã xả ra môi trường những chất độc hại, ảnh hưởng đến những người chung quanh mình.

Cái “tâm” ở đây còn ở các cấp chính quyền. Cái tâm của người lãnh đạo luôn đồng hành, truyền cảm hứng cho những ý tưởng khởi nghiệp. Hệ thống có “tâm” để cụ thể hóa cam kết đồng hành bằng những việc làm thiết thực chứ không là những khẩu hiệu sáo rỗng, làm theo kiểu phong trào, theo kiểu người ta có mình cũng có. Cái “tâm” của chính quyền phải chuyển hóa thành cả hệ thống vào cuộc, tiếp cận với các dự án khởi nghiệp, từ lắng nghe, chia sẻ, định hướng, tư vấn, phản biện, đến cụ thể hóa bằng các chính sách hỗ trợ cụ thể. Tất cả những hành động đó tạo niềm tin cho người khởi nghiệp, đừng để họ bơ vơ những ngày đầu trên con đường dài khởi nghiệp.

Từ sản phẩm khởi nghiệp đến thương mại hóa sản phẩm là cả một quy trình với xây dựng thương hiệu, xuất xứ hàng hóa, quảng bá xúc tiến thương mại... Cái “tâm” của chính quyền là làm sao để cơ quan này, đơn vị kia không là điểm nghẽn làm nản lòng người khởi nghiệp, để có một sự cam kết chính quyền luôn là chỗ dựa. Mọi hàng rào phải được dẹp bỏ, mọi cánh cửa của cơ quan công quyền phải luôn rộng mở đối với những người khởi nghiệp. Đó là chính là “chính quyền khởi nghiệp”!

Cuối cùng là cái “tâm” của xã hội, của người tiêu dùng. Sản phẩm khởi nghiệp có thể chưa bằng hàng ngoại, chất lượng có thể chưa hoàn hảo. Nhưng hãy hỗ trợ bằng cách tiêu dùng để người khởi nghiệp có thêm động lực và nguồn lực. Người tiêu dùng có quyền hoài nghi về chất lượng sản phẩm nhưng hãy tham gia góp ý, vun đắp để rồi nhận được những sản phẩm hoàn hảo hơn. Sự dễ dãi hoặc sự chỉ trích đều là rào cản đối với người khởi nghiệp.

Đọc đâu đó trên mạng thấy ở xứ này, xứ nọ từng người trong xã hội được ngầm phân công cụ thể, ai sản xuất thì sản xuất cho tốt, ai bán hàng thì phải bán cho được hàng, và người tiêu dùng thì phải mua đồ của xứ sở mình làm ra. Nghĩa vụ của một công dân đối với nền kinh tế đất nước chỉ có vậy thôi, không nhìn ngó và chỉ trích.

Chúng ta mới bắt đầu trên con đường dài của câu chuyện khởi nghiệp. Tất cả bắt đầu bằng chữ “tâm” và sự thành công cũng từ chữ “tâm”, chữ “tâm” của người khởi nghiệp, của các cấp chính quyền và của toàn xã hội.
Cho đi cũng là nhận lại. Niềm tin có thể biến thành động lực, động lực có thể biến thành nguồn lực cho mỗi người chúng ta. Tất cả mọi người đồng hành cùng khởi nghiệp, xã hội khởi nghiệp. Đó cũng chính là “hệ sinh thái khởi nghiệp”. 

Bài đã đăng tại:
http://www.thesaigontimes.vn/152818/Khoi-nghiep-tu-tam.html

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016

Tàu container đầu tiên vào Tân cảng-Cái Cui ở Cần Thơ


Tàu Tân cảng Pioneer V.1031S chở 102 TEU hàng container lần đầu tiên cập cảng Cái Cui ở Cần Thơ trưa ngày 24-10.

(TBKTSG Online) - Chuyến tàu container đầu tiên mang tên Tân cảng Pioneer V.1031S của Công ty Tân cảng Shipping (thuộc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn) từ Hải Phòng vào đã cập Tân cảng – Cái Cui ở Cần Thơ vào trưa nay, 24-10.

Đây cũng là tàu container đầu tiên vào cảng vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và là chuyến tàu thương mại đầu tiên khai trương luồng biển trọng tải lớn vào cửa sông Hậu đi qua luồng Quan Chánh Bố ở Trà Vinh.

Đây cũng là chuyến tàu container đầu tiên từ Hải Phòng vào thẳng ĐBSCL mà không qua phải ghé qua cảng TPHCM nhờ có dịch vụ logistics trọn gói, tiết kiệm được thời gian và chi phí vận chuyển.

Chuyến tàu này (dài 118,02 mét, sức chứa 610 TEU, tổng trọng tải 7.061 tấn), đã đưa 102 TEU hàng nhập và sẽ nhận 85 TEU hàng xuất (tương đương 4.488 tấn) của 19 khách hàng ở Cần Thơ, Đồng Tháp, Trà Vinh, Hậu Giang và Cà Mau.

Công ty Tân cảng Shipping hiện có 4 tàu biển và dự kiến sẽ chạy mỗi tuần một chuyến tuyến dịch vụ Hải Phòng – Đà Nẵng – Cái Cui; sẽ tăng chuyến khi có đông khách từ ĐBSCL không trung chuyển hàng qua TPHCM như lâu nay.



Tại lễ đón tàu, đại diện Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết, sẽ tiếp tục mở tuyến đi các cảng nội Á như Singapore, Hongkong, Thượng Hải… Ngoài ra, Tân cảng – Cái Cui cũng sẽ tiếp nhận tất cả các hãng tàu có nhu cầu cập cảng làm hàng.

Cảng Tân cảng – Cái Cui hiện do Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đầu tư giai đoạn 1; rộng hơn 7 hecta, cầu tàu dài 180 mét, có thể tiếp nhận tàu 20.000 tấn; 2 cẩu Liebherr có thể xếp dỡ 40 container/giờ.

Bài đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/152995/




The Saigontimes Daily

Nông dân nhỏ trên cánh đồng lớn


Lê Hoàng Vũ thực hiện


Tích tụ ruộng đất để làm quy mô trang trại, quy mô cánh đồng lớn. Ảnh: L.H.V

(TBKTSG Online) – Những người nông dân có diện tích đất manh mún, nhỏ lẻ và đối mặt với rất nhiều rủi ro nếu tự mình tổ chức sản xuất. Từ đó, họ cho doanh nghiệp thuê đất để hình thành một cánh đồng lớn để doanh nghiệp tự đầu tư, vận hành. Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang có cuộc trao đổi với TBKTSG Online xung quanh vấn đề này.

TBKTSG Online: Thưa ông, tích tụ đất đai là con đường tất yếu để tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc liên kết sản xuất hiện nay ở An Giang?


- Ông Trần Anh Thư: Sản xuất nông nghiệp phải phân ra làm 2 nhóm lớn. Nhóm tự sản, tự tiêu, tự cung, tự cấp, phổ biến ở các tỉnh miền Trung cũng như truyền thống trước đây. Nhóm thứ hai, hiện các nước có nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới đang làm, đó là sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Để sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa phải thỏa mãn 3 yếu tố: quy mô lớn, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, và chi phí sản xuất thấp nhất để có thể cạnh tranh với các nước khác.

Vì vậy, ngành nông nghiệp An Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung phải chọn lọc một số ngành hàng để đi theo hướng có thế mạnh, có lợi thế so sánh, cũng như có thị trường tốt, từ đó đi vào sản xuất hàng hóa nhằm đáp ứng được các tiêu chí nêu trên. Trong đó, tích tụ ruộng đất là một trong những điều kiện kiên quyết phải làm.

Ông Trần Anh Thư.

Nhiều người cứ nghĩ tích tụ ruộng đất là trở lại với thời kỳ địa chủ và người làm thuê. Trên thực tế, tích tụ ruộng đất hiện nay đã khác xưa. Nhiều nước trên thế giới cũng tích tụ ruộng đất, thể hiện ở nhiều dạng như: những người nông dân nhỏ liên kết lại với nhau để hình thành một cánh đồng lớn, trong đó có doanh nghiệp đứng ra làm một đầu mối. Doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, đảm bảo đầu ra cho nông dân; còn nông dân chỉ việc lo sản xuất. Đây là mô hình thứ nhất, lâu nay chúng ta vẫn làm, đó là liên kết theo chuỗi giá trị hàng hóa. Ở An Giang hiện nay chúng tôi cũng xây dựng chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất lúa gạo, rau màu, cây ăn trái, cá tra…

Mặt khác, cũng có thể tích tụ ruộng đất theo hình thức doanh nghiệp thuê đất của nông dân. Những người nông dân có diện tích đất manh mún, nhỏ lẻ (1.000-2.000 m2), sản xuất chắc chắn sẽ thua lỗ và đối mặt với nhiều rủi ro. Họ cho doanh nghiệp thuê đất để hình thành một cánh đồng lớn, doanh nghiệp tự đầu tư, vận hành. Người nông dân lúc này có hai lựa chọn: một là học nghề để chuyển từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, hai là xin vào làm công nhân nông nghiệp trong các nhà máy, công ty của doanh nghiệp.

Ngoài ra, còn có kênh tích tựu ruộng đất thứ ba là tích tụ các trang trại do các nông dân có tư duy và kỹ năng quản lý tốt, thuê đất của những người nông dân khác để hình thành quy mô trang trại.


Hiện nay vẫn còn rất nhiều hộ chỉ có vài công đất. Như vậy, việc liên kết sản xuất ở các hợp tác xã (HTX) cần phải đặt ra vấn đề gì để đạt được hiệu quả cao?


- Tích tụ ruộng đất không chỉ có một hướng như lâu nay. HTX cũng là một kênh để tích tụ ruộng đất nhưng với cách thức làm khác hơn. HTX lâu nay chúng ta làm là HTX rời rạc, còn HTX này là phải dịch vụ đồng bộ. Nói nôm na là một công ty cổ phần có nhiều nông dân góp vốn lại với nhau.

Hiện An Giang cũng đã triển khai thí điểm một số mô hình HTX như HTX xoài, HTX rau màu, HTX lúa gạo kiểu mới… Ở Đà Lạt thì có HTX Anh Đào. Các HTX này không phải khoanh vùng trong một ranh giới hành chánh của một ấp hay một xã, mà là HTX có nhiều cánh đồng rải đều khắp nơi. HTX không phải do những cán bộ nhà nước về hưu quản lý mà do các doanh nghiệp điều hành, chọn ra một số nông dân có kinh nghiệm đưa vào ban chủ nhiệm…

Vậy An Giang có áp dụng được mô hình tích tụ ruộng đất chưa, thưa ông?


- Tất cả các mô hình vừa nêu trên ở An Giang đều đã triển khai thí điểm và đạt được thành công nhất định như mô hình tích tụ ruộng đất theo quy mô trang trại và Công ty Hoàng Vĩnh Gia tại (huyện Tri Tôn) đã tích tụ được 400 ha đất.

Một dạng mô hình tích tụ ruộng đất thứ hai nữa là liên kết sản xuất, điển hình là mô hình của Tập đoàn Lộc Trời và 5 HTX kiểu mới sản xuất lúa chất lượng cao. Hiện tỉnh cũng đang triển khai thí điểm để trồng chuối, xoài, các loại cây ăn trái, cũng như sắp tới Tập đoàn Lộc Trời triển khai thí điểm sản xuất cây lúa hữu cơ. Quy trình sản xuất cây lúa hữu cơ rất nghiêm ngặt trong việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, chế phẩm…

Về vấn đề tích tụ ruộng đất, ông có những đề xuất như thế nào?


- Về mặt hạn điền thì hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Chính phủ nới rộng ra, không như trước đây. Hiện nay cho phép một người trong hộ gia đình có thể sở hữu tối đa 30 ha. Ví dụ trong hộ gia đình có 4 người thì có thể sở hữu 120 ha, như vậy là tương đối đạt yêu cầu để triển khai dự án sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa.

Khi cho các doanh nghiệp thuê đất, người nông dân không mất đất. Đất của ông bà, cha mẹ để lại vẫn còn. Người nông dân trong thời gian cho doanh nghiệp thuê đất, có thể chuyển sang làm nghề khác, công việc khác. Vì vậy, nhà nước nên có cơ chế, chính sách công nhận quyền sở hữu tạm thời cho các doanh nghiệp khi họ thuê đất.

Cho phép tích tụ ruộng đất để làm trang trại, làm cánh đồng lớn nhưng không đi tới chuyện phát canh thu tô, tự sản xuất, tự canh tác, mà phải ứng dụng mạnh khoa học công nghệ. Doanh nghiệp sẽ phải thuê các nhà khoa học triển khai các ý tưởng và dĩ nhiên họ sẽ ứng dụng ngay, vì thế nên có chính sách trừ lại phần đó trong thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bài đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/152997/

Cần 480 tỉ đô-la để tái cơ cấu kinh tế! Ở đâu ra vậy?



Vũ Quang Việt 

Việt Nam sẽ cần 480 tỉ đô la Mỹ để tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2022. Ảnh: Reuters

(TBKTSG Online) Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu rằng cần 480 tỉ đô la Mỹ (tức 10,567 triệu tỷ đồng) để tái cơ cấu nền kinh tế. Không hiểu đây là phát biểu thật hay đùa, và căn cứ nào để ông Bộ trưởng phát biểu như thế?

Số tiền này là cần cho thời kỳ 2016-2020, tức là mỗi năm cần đến 90 tỉ đô-la Mỹ.

Trong khi GDP năm 2015 là 199 tỉ đô-la Mỹ và tổng tích lũy là 50 tỉ đô-la Mỹ.  Như thế, chi phí tái cơ cấu hàng năm vượt cả tổng tích lũy của nền kinh tế!

Với yêu cầu vốn trong 5 năm như trên thì cũng nhiều hơn hẳn tổng đầu tư của suốt  hơn 10 năm trong thời kỳ 2006-2015 (404 tỷ đô-la Mỹ).

Lấy đâu ra tiền để đáp ứng yêu cầu điều ông Bộ trưởng đưa ra? Phải chăng ông tuyên bố với tinh thần trách nhiệm của một người có trách nhiệm. Đặt ra thế để thấy rằng từ những năm 2006 đến nay, các kế hoạch đầu tư có vẻ vĩ đại, nhưng nền kinh tế ngày càng bị đẩy dần tới chỗ cực kỳ khó khăn: kinh tế dù có tăng trưởng nhưng là tăng trưởng thiếu chất lượng, lạm phát cao trong rất nhiều năm, thiếu hụt ngân sách tiếp tục tăng không kiểm soát được, và tỷ lệ nợ so với GDP không chỉ của Chính phủ và của cả nền kinh tế ngày càng tăng.

Cái đạt được là tính chất thiếu chất lượng của các dự án đầu tư, tiêu rất nhiều tiền quốc gia, nhưng hầu hết đều lỗ vốn và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây bức xúc trong dân chúng.

Số tiền lớn đó, đến 480 tỉ đô-la Mỹ dùng làm gì? Để tái cơ cấu? Các quan chức và báo chí nói rất nhiều đến “tái cơ cấu”, nhưng người đọc như tôi thì vẫn không hiểu tái cơ cấu là gì? Nội dung cụ thể của nó gồm những gì?

Thời trước đây: khi nói đến đổi mới là nói đến thị trường hóa sản xuất với giá cả được tự do hơn thay vì tập trung vào quyền quyết định của một vài quan chức nhà nước. Cụ thể ở nông nghiệp, thị trường hóa là giao đất cho nông dân tự sản xuất và tự tiêu thụ. Cái lợi của đổi mới là rất lớn. Lợi lớn như thế nhưng đâu cần chi, bởi vì thời đó nhà nước khánh kiệt, làm gì có tiền mà chi, chỉ là chuyển đổi cơ chế.

Vậy thì cần hỏi lại: tái cấu trúc có nội dung gì? Mục đích của tái cơ cấu là mang lại lợi ích hay là để chi tiền ra?

Nếu là phát huy vai trò của tư nhân, thì đầu tư là do tư nhân quyết định, đâu cần gì đến vốn nhà nước. Giảm thiểu vai trò của các tập đoàn quốc doanh bằng cách chứng khoán hóa thì lại đưa thêm vốn tiền mặt vào tay nhà nước. Nói tóm lại nếu tái cấu trúc là “cổ phần hóa” thì chính quá trình này tập trung vốn trở lại vào tay nhà nước để đầu tư vào các công trình có công ích thực sự.

Nếu tái cơ cấu là nâng cao vai trò kiểm tra chất lượng của các công trình nhà nước thì thậm chí có thể giảm chi phí mà hiện nay đang bị phung phí, rơi vào tay tham nhũng đồng thời đưa đến công trình chất lượng kém.

Vậy cần phải hiểu tái cơ cấu một cách cụ thể là gì đây? Và đâu là các hành động cụ thể đưa đến yêu cầu 480 tỉ đô-la Mỹ trên?

Bài đăng tại:
http://www.thesaigontimes.vn/152966/Can-480-ti-do-la-de-tai-co-cau-kinh-te-O-dau-ra-vay.html