(TBKTSG Online)- Gần 500 cán bộ quản lý báo chí và lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí các tỉnh, thành phía Nam từ Đà Nẵng trở vào đã nghe phổ biến Luật Báo chí 2016 tại TP. Cần Thơ vào hôm nay, 28-10.
Quang cảnh hội nghị phổ biến Luật Báo chí 2016 tại Cần Thơ ngày 28-10-2106. |
Theo ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, Luật Báo chí 2016 (được Quốc hội thông qua ngày 5-4-2016, có hiệu lực từ ngày 1-1-2017), “nhằm khắc phục những nội dung bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn của luật báo chí hiện hành; đồng thời điều chỉnh kịp thời những vấn đề đặt ra trong thực thi hoạt động báo chí, đáp ứng yêu cầu phát triển và quản lý hoạt động báo chí trong tình hình mới”.
So với Luật Báo chí hiện hành, luật mới này có 6 chương, 61 điều (tăng 25 điều), trong đó có 32 điều mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung. Luật này quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; tổ chức và hoạt động báo chí; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động báo chí; quản lý nhà nước về báo chí.
Giới thiệu chi tiết những nội dung này, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và truyền thông), nhấn mạnh rằng “Luật Báo chí 2016 đã bám sát Hiến pháp 2013”, trong đó Điều 25 của Hiến pháp hiến định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, luật mới này quy định công dân có quyền sáng tạo tác phẩm báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí, tiếp cận thông tin báo chí, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí, in và phát hành báo in…
Về đối tượng thành lập cơ quan báo chí, luật mới bổ sung một số đối tượng như cơ sở giáo dục đại học, tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức phát triển công nghệ dưới hình thức viện hàn lâm, bệnh viện tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Luật Báo chí 2016 cũng quy định mở hơn luật hiện hành về hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí; theo đó nguồn thu gồm thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí và các đơn vị trực thuộc cơ quan báo chí.
Luật 2016 cũng bổ sung một số quy định mới về cải chính; như báo chí điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát. Hoặc các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử đã đăng, phát các thông tin của các cơ quan báo chí có nội dung phải cái chính, xin lỗi cũng phải đăng lại cải chính, xin lỗi của các cơ quan báo chí vi phạm.
Luật mới này cũng đã bổ sung, luật hóa những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; ví dụ nhà báo sẽ bị thu hồi thẻ nhà báo khi vi phạm về đạo đức nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Lưu Đình Phúc cũng cho biết Bộ Thông tin và truyền thông đang thu thập ý kiến để trong năm 2016 này, sẽ ban hành nghị định về phát ngôn, cung cấp thông tin báo chí và nghị định về lưu chiểu thông tin điện tử. Theo đó, về phát ngôn, tới đây, từ cấp xã, phường trở lên cũng có người phát ngôn để tạo mọi điều kiện cho phóng viên được tiếp cận thông tin.
Về lưu chiểu thông tin điện tử, ông Phúc nói: “Ví dụ như vụ nước mắm vừa rồi, sau khi phát hiện thì thông tin bị bóc xóa biến mất hết, kể cả trên Google”.
Trả lời thắc mắc của ông Võ Văn Long, Phó Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TPHCM về việc đề án quy hoạch báo chí mà Bộ Thông tin và truyền thông đang triển khai, có quy định bỏ cơ quan chủ quản báo chí cấp sở, ngành ở các tỉnh, thành trong khi luật mới quy định trường đại học cũng có tạp chí, Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc nhấn mạnh: “Vấn đề này, chúng tôi đang thu thập ý kiến của các cơ quan chủ quản và các địa phương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Bộ Chính trị quyết định”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét