Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

ASEM bàn chuyện hợp tác bảo vệ nguồn nước



Thanh niên Cần Thơ dự mít-tinh hưởng ứng “Ngày nước Thế giới 2013”.
Ảnh: Duy Khương


(TBKTSG Online) - Phát biểu khai mạc hội thảo “ASEM quản lý nước và lưu vực sông – cách tiếp cận tăng trưởng xanh” tại Cần Thơ sáng nay 21-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Việc bảo vệ tài nguyên nước chỉ có thể bền vững nếu chúng ta có cách tiếp cận dài hạn, toàn diện và đa ngành, đặt trong chiến lược phát triển bền vững và tăng trưởng xanh của từng quốc gia”.

Ông Dũng đề nghị: “ASEM cần tích cực hơn, chủ động hơn trong việc hỗ trợ và kết nối các chương trình tiểu vùng, khu vực mà các thành viên đang triển khai, nhất là trong các dự án hợp tác Mekong” và khẳng định: “Việc bảo vệ và quản lý nguồn nước nằm trong chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam”.

Bày tỏ quan điểm về hợp tác ở lưu vực sông Mekong trước 51 chuyên gia thành viên Diễn đàn ASEM cùng đại diện của Liên hiệp quốc và nhiều tổ chức quốc tế dự hội thảo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Chỉ trong một thập kỷ vừa qua, Mekong đã trở thành một trong 5 lưu vực sông lớn trên thế giới có dòng chảy bị suy giảm nhiều nhất, tác động trực tiếp đến vựa lúa lớn nhất của Việt Nam” và cam kết: “Chúng tôi cùng các nước ven sông tăng cường hỗ trợ lẫn nhau, đề xuất và triển khai các chương trình hợp tác trong các khuôn khổ Ủy hội sông Mekong quốc tế, Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng, Chiến lược hợp tác kinh tế ACMECS, hợp tác Mekong với các đối tác như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ”.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn kỳ vọng: “Hội thảo này sẽ giúp các nước ASEM cấp thiết nỗ lực chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng bền vững”. Ông mong muốn, vấn đề bảo vệ nguồn nước và lưu vực sông phải được nghiên cứu, đánh giá trong tổng thể chiến lược phát triển bền vững về bảo vệ sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, tiếp cận nguồn nước sạch…

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, thế giới đang có 148 lưu vực sông quốc tế, 273 tầng chứa nước ngầm xuyên biên giới với trên 3.600 thỏa thuận quốc tế liên quan đến nguồn nước xuyên biên giới. Hiện đang có 150 quốc gia cùng chia sẻ và sử dụng chung các nguồn nước. Theo dự báo đến năm 2025, có 1,8 tỉ người dân sống tại khu vực “hoàn toàn khan hiếm nước” và 2/3 dân số toàn cầu sẽ sống trong khó khăn về nguồn cung cấp nước.


Một bến nước ở Rạch Chanh, Cần Thơ - Ảnh: Trần Kim Đính

Giáo sư Brahma Chellaney, Trung tâm nghiên cứu độc lập về chính sách của Ấn Độ, cho rằng khác với châu Á, “châu Âu dẫn đầu trong việc phát triển công nghệ nước sạch, nắm giữ chìa khóa cho một tương lai an toàn hơn cho thế giới”. Ông cho hay, 53/57 lưu vực sông xuyên biên giới ở châu Á không có cơ chế hợp tác như ở châu Âu. Ông đặt câu hỏi: “Làm sao để các quốc gia châu Á có thể ngăn chặn các cuộc tranh giành quyết liệt về nguồn nước?” rồi trả lời: “Các quốc gia châu Á phải đầu tư nhiều hơn việc thể chế hóa hợp tác về tài nguyên lưu vực sông xuyên biên giới”.

Về việc xây đập, Giáo sư Brahma Chellaney cho rằng châu Á là châu lục có nhiều đập nhất thế giới. Ông nói: “Chỉ một nước Trung Quốc, tính sơ đã chiếm hơn một nửa trong số 50.000 đập lớn trên hành tinh này và nó chỉ làm tồi tệ thêm những thách thức về nước”. Ông cũng kêu gọi tiết kiệm nước, nhất là trong nông nghiệp. “Các biện pháp sử dụng hiệu quả nước cho nông nghiệp là phải tăng năng suất trên từng giọt nước”, ông nhấn mạnh.

Hội thảo còn làm việc tiếp trong ngày mai, 22-3, gồm các chuyên đề: “Tài nguyên nước và phát triển bền vững”, “Nước – lương thực – năng lượng: hướng tới sự cân bằng”, “Nước và cuộc sống của người dân”, “Nâng cao hiệu quả hợp tác Á- Âu trong quản lý bền vững nguồn nước” với nhiều tham luận của các đại biểu Việt Nam, Ngân hàng Thế giới, Rumani, Hungary, Hàn Quốc, FAO, Ý, Lào, Indonesia, Trung Quốc, Hà Lan, Thái Lan, Ấn Độ…


Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: Duy Khương


Báo giới chỉ được dự họp phiên khai mạc hội thảo này theo yêu cầu của đại diện ban tổ chức – Bộ Ngoại giao.

* Mời đọc thêm tại TBKTSG Online 21-32-2013:
http://www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/sukien/93363/ASEM-ban-chuyen-hop-tac-bao-ve-nguon-nuoc.html

Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

Chuyện cũ miền Nam



Cuối năm 2012, NXB Trẻ ấn hành tập di cảo thứ tư của học giả Vương Hống Sển (1902-1996) mang tên “Ăn cơm mới, nói chuyện cũ: Hậu Giang – Ba Thắc chứng tích, nhân vật, đất đai thủy thổ của miền Nam cũ”. Cuốn sách gồm 18 câu chuyện, đa phần được viết vào năm 1966, kể chuyện miền Nam hồi hai thập niên đầu thế kỷ thứ XX, thuở mà tác giả đã sống cả một thời tuổi trẻ. 




Sách giữ đúng văn phong truyền cảm và chánh tả rất riêng của cụ Vương thời đó; thí dụ cụ viết Sốc-Trăng chứ không viết Sóc Trăng hoặc Bãi-Xàu thay cho Bãi Xào, hay là Cơ-me thay vì Khmer như bây giờ. 

Thí dụ trong bài “Cánh đồng Cà-Mau, vựa cá mắm thiên nhiên của trời dành cho dân Việt”, cụ mở đầu bằng một đoạn ngắn mà có thể giúp ta hình dung ra được nguồn cội và thủy thổ cả một vùng đồng bằng sông Cửu Long: “Con sông lớn Mỹ-Công (Mékong) từ Tây-Tạng chạy suốt trên bốn ngàn cây số bề dài, như con rồng chín khúc (Cửu-Long-giang), xuyên qua Tây-Tạng, Trung-Hoa, Lào-quốc, Cam-bu-chia và Việt-Nam. Khi nhập vào đất Nam, nó chia làm hai nhánh con sông Tiền và con sông Hậu, và đèo thêm hai cái “túi thật lớn” chứa giữ nước dư ối là vùng Tháp-Mười về sông Tiền và vùng Cà-Mau về sông Hậu. Nhờ hai túi nầy đủ sức chứa nước thặng dư vào mùa nước đổ mà Miền Nam khỏi nạn lụt như Miền Bắc đã bị con sông Nhĩ-Hà làm khổ mỗi năm”. Đọc đoạn này ta có thể giựt mình, vì giờ đây “hai cái túi nước” đó, nay đã bị bao đê làm lúa vụ ba gây lụt lội tưng bừng như hồi năm 2011.  

Về địa danh Cà Mau, cụ Vương viết: “Từ Bạc-Liêu đi một đỗi gặp một cánh đồng thấp phì nhiêu vô cùng, nhưng đặc biệt là nước sông rạch đều một màu đen thâm gần như mực xạ. Tiếng Cao-Miên gọi “swrock tưc khmau”, dịch “sốc nước đen”. Ông bà chúng ta Việt-hóa thành Cà-Mau, chớ không phải “Cà-Mâu” như nhiều đồng bào thường viết”. Kết thúc câu chuyện này, cụ kể: “Cũng vùng Ca-Mau có giống tràm mục lưu-lai nhiều đời, lá rụng cây ngã giữ nước đọng lại rồi nát thành bùn, biến ra một chất “than đá non” “nê-thán” (tourbe), xắn vuông-vắn phơi cho khô, chụm rất tốt. Đó là một nguồn lợi rất lớn về tương lai mà nước ta chưa khái thác vậy”.

Trong bài “Ba-Thắc, Hậu-Giang, năm mươi năm về trước” viết vào tháng 7-1966, cụ Vương giải thích cái tên Ba Thắc và vùng Hậu Giang: “Miền Ba-Thắc, tức là Srock Bassac theo cách đọc của người Cơ-me, gồm các tỉnh trù phú miệt Hậu-Giang, kể từ Châu-Đốc (Thổ gọi Moat-chrut có nghĩa là “miệng heo”) xuống đến mũi Cà-Mau, mấy tỉnh nầy muốn giao thông với Sài-Gòn, thì có tàu sắt gọi xà-lúp (chaloupe) liên lạc chạy đều đều”. 

Ai muốn biết ruộng đất thời đó ở miền Tây Nam bộ giá trị ra sao, xin đọc thử đoạn này trong bài “Phương pháp làm giàu của vài ông chủ điền lớp trước”:“Thuở ấy, trước năm 1930, đồng Rạch-Giá và Cà-Mau đã có người đứng tên xin khẩn, hoặc choán chỗ và khai phá gần hết sạch. Cho nên mặc dù đất trũng có phèn mà các tay kinh doanh đến trễ cũng đổ xô và đua nhau xin khẩn, kẻ thì đất ở Đồng Tháp Mười, kẻ thì dọc hai bên bờ con kinh Phụng Hiệp nầy”. 

Gần đây báo chí có nhắc tới “thương cảng Bãi Xào” ngày xưa, nơi xuất khẩu gạo nổi tiếng của miền Tây, nằm ở Hậu Giang. Trong bài “Nói bắt quàng, lẩm cẩm” viết hồi cuối năm 1965, cụ Vương Hồng Sển - người “sanh trưởng miền quê đất Hậu Giang, chỉ biết nhớ tỉnh nhà Sốc-Trăng” - kể: “Bãi-Xàu ngày nay rất phồn thịnh vì đây là chợ lúa gạo trong xứ, chỗ dự trữ lúa đợi đủ số có ghe chài vận chuyển lên Chợ-Lớn xay ra gạo cho chúng ta ăn. Lúa miệt đồng Bưng-Xà-Mo, đồng Trà-Thê, đồng Mã-Tộc, Giồng Có, đều qui tụ về đây”, rồi giải thích thêm: “Bãi-Xàu có một tên khác rất nên thơ là làng Mỹ-Xuyên, lấy tên con sông chạy ngang đây nối liền rạch Ba-Xuyên (Sốc-Trăng) ra biển cả, nhưng Mỹ-Xuyên chỉ là danh-từ dùng trên mặt giấy tờ gởi lên quan, chớ dân bản xứ vẫn gọi Bãi-Xàu quen miệng”.

 Về ẩm thực quê nhà, cụ Vương miêu tả kĩ càng hơn. Thí dụ như trong bài “Nhớ cá cháy, thèo-lèo, mè-láo là nhớ Hậu-Giang và nhớ Sốc-Trăng”, cụ kể chuyện ăn trứng cá cháy như vầy: “Còn nói về trứng cá cháy, theo ý tôi, trứng cá muối đóng hộp, món ăn đặc biệt của người Nga, gọi caviar, tuy ngon và rất đắt tiền, nhưng không sánh bằng trứng cá cháy và không khoái khẩu dân Việt đâu. Một khứa cá cháy có trứng, kho một lửa, ăn và với bún, ớt xoài chua với một mớ giá đậu xanh lót dưới tô thì đối với hộp caviar tôi không đổi”. Ở cuối bài này, giọng văn của cụ thật là ngậm ngùi, phải chăng bởi thời thế lúc ấy (tháng 9-1966) xứ sở hãy còn chinh chiến: “Nghe đâu con cá cháy cũng ngộ. Còn chiến chinh mãi, cá cháy miệt Đại-Ngãi Trà-Ôn biến đâu mất. Những người ở đó nói với tôi lúc nầy không lưới được con nào. Nó chờ thái bình mới ra mặt. Tuy vậy tôi ráng sống, để chờ một ngày kia hòa bình trở lại, thanh niên ta bớt ham học làm thầy cử thầy kiện và sẽ học nghề nuôi cá cháy để hộp và vô hộp trứng cá cháy bán ra làm món quốc hồn”.                 



* Mời đọc thêm tại báo Thanh Niên 19-3-2013:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130319/chuyen-cu-mien-nam.aspx