Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

Nhìn về cụ Phan



Thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản được NXB Hồng Đức và Tạp chí Xưa & Nay tái bản lần thứ ba vào quý 4/2013. Sách tập hợp các tham luận của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và lịch sử tại hai hội thảo về cụ Phan Thanh Giản, tổ chức ở Vĩnh Long (11.1994) và TP.HCM (8.2003).


Nhìn về cụ Phan

Lật lại 7 trang Niên biểu Phan Thanh Giản ở gần cuối sách, chợt ngậm ngùi nhớ tới câu thơ của cụ Nguyễn Du, “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Cuộc đời của cụ Phan gắn liền với vận nước qua 3 triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Triều Minh Mạng cụ được vua khen “lòng ngay chí chắc, học rộng tài cao”. Tới triều Tự Đức thì nước nhà bắt đầu điêu linh trước buổi hoàng hôn của thời phong kiến và áp lực thôn tính của thực dân Pháp.

Phan Thanh Giản sinh năm 1796 tại Vĩnh Long trong một gia đình nông dân nghèo bỏ quê Bình Định vào đây sinh sống. Là người đầu tiên ở Nam kỳ đậu tiến sĩ vào năm 1826, Phan Thanh Giản đi làm quan, từ triều đình Huế đến các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Ninh Bình, Quảng Nam, Bình Thuận, Thái Nguyên, Bình Phú, Vĩnh Long… Năm 51 tuổi (1847), cụ được bổ nhiệm Hình bộ Thượng thư (Bộ trưởng Tư pháp thời nay) và là thành viên Viện Cơ mật của triều đình. Cụ đã từng đi sứ sang Trung Hoa, Pháp, Tây Ban Nha; là một vị quan nổi tiếng thanh liêm cương trực và yêu nước thương dân.

Bi kịch bắt đầu khi Phan Thanh Giản ký Hòa ước Nhâm Tuất ngày 5.6.1862 nhường cho Pháp 3 tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa. Sau đó, vào cuối tháng  6.1867, lại để mất 3 tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên. Ở trang 239 (niên biểu), sách viết: 1867. Quân Pháp chiếm đóng các tỉnh Vĩnh Long, Châu Đốc và Hà Tiên. Để tránh một cuộc đổ máu vô ích, Phan Thanh Giản ra lệnh cho các đội quân dưới quyền ông đầu hàng. Tiếp đó, sách ghi: Phan Thanh Giản gửi về triều đình tờ sớ cuối cùng với toàn bộ ấn tín của ông và trang phục triều đình. Sau 17 ngày nhịn ăn, ông tự tử bằng thuốc phiện pha giấm thanh. Ông từ trần ngày 4.8.1867.

Mấy mươi bài tham luận in trong cuốn sách này đều nói về công, tội và nhân cách của cụ Phan Thanh Giản trong một hoàn cảnh lịch sử nhất định của đất nước. GS Hoàng Như Mai, trong bài Đọc thơ Lương Khê, sau khi bình giải 3 bài thơ Ký nội; Đi sứ sang Pháp; Việc nước không thành viết ở đoạn kết: Thơ của Phan Thanh Giản là tiếng đoạn trường của một người công minh, chính trực, nhân nghĩa, yêu nước thương dân, nhưng ra làm quan trong thời kỳ đất nước rối ren, triều đình ngu hèn nên bị đẩy vào thế lưỡng nan, rốt cuộc thành tội nhân của lịch sử!

GS Văn Tạo, trong bài Sự nghiệp và vai trò lịch sử của Phan Thanh Giản, sau khi phân tích về “sự nghiệp dựng nước” và “trách nhiệm giữ nước” của cụ Phan, đã nhấn mạnh: Khẳng định cụ Phan Thanh Giản là một nhà yêu nước, thương dân, trọng dân; Công lao xây dựng đất nước và đức liêm chính của cụ Phan, trong điều kiện lịch sử lúc đó thật đáng ca ngợi, phải đánh giá là xuất sắc; Việc cụ ký hòa ước về 3 tỉnh miền Đông cũng như để thất thủ 3 tỉnh miền Tây là những sai lầm nghiêm trọng, nhưng cần thấy trách nhiệm chính của việc làm mất đất đó là thuộc triều đình Tự Đức mà cụ chỉ là người thừa hành và liên đới trách nhiệm.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp, ở An Giang, kể: “Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu - vốn là người cực kỳ nghiêm khắc trong cái nhìn “địch - ta” - từng làm hai bài thơ điếu Phan Thanh Giản, lời lẽ hết sức thống thiết, tuy có trách cứ họ Phan nhưng cũng đánh giá ông rất cao: Lịch sĩ Tam triều độc khiết thân (Nghĩa là: Một người từng trải 3 triều vua duy nhất còn trong sạch)”.

Còn nhà văn Sơn Nam thì tha thiết: “Xin đề nghị, trong chương trình Sử học cho học sinh, nên có một bài nói về ông, đủ tình đủ lý, gọi là tình huống đặc biệt của vùng Nam bộ khi phải hội nhập với vùng Đông Nam Á và Tây phương quá sớm so với các vùng khác trong cả nước. Ông để lại cho đời sau chút gì khó quên, khó xóa nhòa, gọi là tâm linh, phóng khoáng, thơ mộng”.

Mời xem thêm
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140318/nhin-ve-cu-phan.aspx

Cần Thơ: tập trung phát triển đường bay nội địa trước

(TBKTSG Online) - Thành phố Cần Thơ sẽ kết hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương khác và các hãng hàng không tập trung cho kế hoạch mở rộng mạng đường bay nối các địa phương ở miền Trung, Tây Nguyên trước khi tính đến các đường bay quốc tế.


Tại hội nghị xúc tiến mở đường bay đến Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ ngày 17-3.



Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online sau khi chủ trì Hội nghị Xúc tiến mở các tuyến hàng không đến thành phố Cần Thơ sáng nay (17-2), ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, nói trong mùa hè này sẽ cố gắng mở các tuyến bay nội địa nối Cần Thơ với Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đà Lạt trước khi tính toán các tuyến quốc tế đi Xiêm Riệp, Phnôm Pênh (Campuchia), Bangkok (Thái Lan), Đài Loan, Hàn Quốc.

Nội dung ông Quang nói đã được ký kết ghi nhớ vào cuối hội nghị giữa đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, UBND thành phố Cần Thơ, Cục Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam, UBND tỉnh Khánh Hòa, UBND thành phố Đà Nẵng, UBND tỉnh Lâm Đồng, Công ty cổ phần Hàng không VietJet, Công ty cổ phần Hàng không Jetstar Pacific và Công ty Du lịch Viettravel.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng không Việt Nam sẽ “Báo cáo Chính phủ xây dựng và ban hành cơ chế đặc thù đối với Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ về mức, thời gian áp dụng giảm giá các loại giá dịch vụ” để thu hút các hãng hàng không mở đường bay đến sân bay này.

Ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục hàng không Việt Nam, nói Cần Thơ là thị trường mới đầy tiềm năng với các đường bay quốc tế như Singapore, Thái Lan, Maylaysia, Campuchia, Hồng Kông, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng như với khách châu Âu. "Với các lợi thế về du lịch, văn hóa lịch sử, cảng hàng không Cần Thơ có nền tảng và điều kiện khai thác quốc tế ổn định và hiệu quả”, ông Cường nói.

Ông Walter Liang từ Eva Airways (Đài Loan) cho biết, Eva Airways đang khai thác tuyến TPHCM - Đài Loan; và nhấn mạnh rằng các đường bay Cần Thơ - Đài Bắc, Cần Thơ - Hoa Kỳ là mục tiêu của Eva Airways vì “Cần Thơ là nơi có tiềm lực lớn cho du lịch hàng không”.

Năm 2013, ĐBSCL đón hơn 20 triệu khách du lịch, trong đó có 1,6 triệu khách quốc tế, đạt doanh thu hơn 5.000 tỉ đồng, nhưng số lượng khách đến ĐBSCL qua sân bay Cần Thơ còn quá ít. “Trong năm 2013, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ chỉ mới tiếp nhận 238.000 hành khách, quá ít so với công suất thiết kế 3 triệu lượt khách và 5.000 tấn hàng hóa mỗi năm”, ông Quang cho biết.

Ông Phạm Quý Tiêu, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, cho rằng nằm ở trung tâm ĐBSCL, thành phố Cần Thơ có tiềm năng kinh tế và du lịch rất lớn nhưng cho đến nay, ngoài các tuyến bay nội địa nối TPHCM, Phú Quốc, Côn Đảo, cảng hàng không quốc tế Cần Thơ mới chỉ tiếp nhận một số chuyến bay quốc tế thuê chuyến đưa khách từ Đài Loan đến vào dịp Tết. "Như vậy, thực tế khai thác cảng này chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương và các chính sách của ngành hàng không”, ông Tiêu nói.

Để thu hút các chuyến bay đến Cần Thơ, Tổng giám đốc Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), ông Lê Mạnh Hùng, nhấn mạnh rằng Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ sẽ được áp dụng những ưu đãi về chính sách vận tải, giá, phí; chính sách về hải quan, quản lý xuất nhập cảnh.

Ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở Văn hóa thể thao du lịch thành phố Đà Nẵng nói, rất nhiều du khách ở Đà Nẵng và miền Trung muốn bay thẳng đến Cần Thơ thay vì phải qua TPHCM rồi đi tiếp 3-4 tiếng đường bộ như lâu nay, vì như thế họ sẽ tiết kiệm được 20% chi phí và thời gian. Do vậy, ông Cường đề nghị các hãng hàng không xem xét khai thác mỗi tuần ba chuyến Đà Nẵng - Cần Thơ ngay trong mùa hè này với máy bay A320 vào thời gian cao điểm và ATR72 vào thời gian thấp điểm. “Chúng tôi cam kết đặt chỗ khứ hồi cố định từ 20 - 25% cho mỗi chuyến bay”, ông Cường nói.

Theo ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, nếu các đường bay mới được mở sẽ giúp rút ngắn thời gian và chi phí cho người dân.

Mời xem thêm