Thứ Tư, 6 tháng 9, 2017

APEC ra Tuyên bố Cần Thơ

Đối thoại “Chính sách cao cấp về ANLT và nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH”
 trong Tuần lễ APEC Cần Thơ vào ngày 25-8-2017. Ảnh: Huỳnh Kim

(TBKTSG Online)- Kết thúc Tuần lễ APEC tại Cần Thơ vào chiều 25-8-2017, đại diện 21 nền kinh tế APEC đã thông qua “Tuyên bố Cần Thơ” và hai “Kế hoạch hành động”, khẳng định sự hợp tác mạnh mẽ vì an ninh lương thực (ANLT) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Chiều 25-8-2017, các đại biểu đã thông qua “Kế hoạch hành động để thực hiện Chương trình khung nhiều năm về ANLT và BĐKH”; “Kế hoạch hành động để thực hiện Chương trình khung nhiều năm của APEC về phát triển nông thôn - thành thị bền vững nhằm tăng cường ANLT và đảm bảo chất lượng tăng trưởng” và “Tuyên bố Cần Thơ về tăng cường ANLT và nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH”.

Tuyên bố Cần Thơ khẳng định ANLT sẽ tiếp tục là vấn đề quan trọng đối với cộng đồng quốc tế nói chung và khu vực APEC nói riêng cũng như vai trò quan trọng của nền kinh tế APEC trong chuỗi giá trị hiện nay về ANLT toàn cầu. Mối quan hệ giữa ANLT và BĐKH cần được giải quyết thông qua Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình khung nhiều năm của APEC về ANLT và BĐKH.

Trước đó, sáng 25-8-2017, phát biểu khai mạc “Đối thoại chính sách cao cấp về ANLT và nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Đảm bảo ANLT, phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh tác động của BĐKH không phải là những ưu tiên hay kỳ vọng, mà là nhiệm vụ và lộ trình mà APEC cần thực hiện, đồng thời là trách nhiệm của mỗi nền kinh tế thành viên cần gánh vác. Chính phủ Việt Nam rất coi trọng hợp tác trong khuôn khổ APEC và cam kết sẵn sàng phối hợp với các nền kinh tế thành viên và các đối tác phát triển vì hòa bình, ổn định, bền vững và thịnh vượng chung trong khu vực”.

Theo ông Dũng, 21 nền kinh tế thành viên APEC đang chiếm 39% dân số thế giới và 57% GDP toàn cầu, là diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực lớn nhất thế giới, có tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực của các nền kinh tế thành viên, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.

Tuy vậy, trước tình hình thời tiết cực đoan do BĐKH diễn ra hết sức nghiêm trọng trên toàn cầu, việc đảm bảo ANLT cho người dân là một trong những thách thức mà hầu hết các nền kinh tế thành viên phải giải quyết.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng APEC bao gồm các nền kinh tế có nền nông nghiệp phát triển và đang phát triển, có điều kiện thuận lợi để liên kết, hình thành các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị nông sản, thực phẩm trong khu vực.

Tuy nhiên, sự khác biệt về trình độ sản xuất, nguồn lực và công nghệ đang tạo ra các rào cản cho sự phát triển chung, đòi hỏi các nền kinh tế thành viên cần tăng cường hợp tác, tìm kiếm các giải pháp tối ưu hướng tới nền nông nghiệp xanh bền vững, thích ứng với BĐKH và đổi mới công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Dũng, các kế hoạch hành động và Tuyên bố Cần Thơ vừa được thông qua “sẽ là khuôn khổ và cơ sở quan trọng thúc đẩy hợp tác trong khu vực APEC một cách thực chất và hiệu quả”.

Chủ trì cuộc đối thoại này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết tăng cường ANLT và nông nghiệp bền vững, thích ứng với BĐKH được Việt Nam lựa chọn và đề xuất  trong bốn ưu tiên hợp tác trọng tâm của năm APEC 2017.

Ông Hà cũng cho biết ở Việt Nam và cả vùng châu Á - Thái Bình Dương, BĐKH đang tác động tới các vùng nông thôn nghèo cũng như các hoạt động kinh tế nòng cốt trong nông nghiệp, thủy sản và các lĩnh vực vốn là động lực giúp đảm bảo ANLT, xoá đói giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, theo ước tính của Liên hiệp quốc, dân số thế giới dự kiến sẽ tăng từ 7,2 tỉ người hiện nay lên 9,6 tỉ người vào năm 2050 và sản xuất nông nghiệp sẽ cần phải tăng 70% để đáp ứng nhu cầu vào thời điểm đó. Gánh nặng khổng lồ của việc đảm bảo ANLT cho dân số toàn cầu đang tăng nhanh như vậy càng trở nên nặng nề hơn do tác động của BĐKH lên sản xuất lương thực và nông nghiệp.

“Tình hình rất nghiêm trọng và sẽ nghiêm trọng hơn nếu chúng ta không có các giải pháp ứng phó quyết liệt và hiệu quả hơn với sức mạnh hợp tác tích cực và toàn diện của cộng đồng quốc tế nói chung và khu vực APEC nói riêng”, ông Hà nhấn mạnh.
Trả lời TBKTSG Online tại cuộc họp báo vào chiều tối 25-8-2017, liên quan tới vùng nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam là đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh ĐBSCL là nơi bảo đảm ANLT chính lại chịu tác động nặng của BĐKH nên sẽ được Chính phủ tăng cường đầu tư nhiều dự án, chương trình thiết thực trong khuôn khổ Tuyên bố Cần Thơ vừa đạt được.

Huỳnh Kim

  * Đã đăng tại TBKTSG Online 25-8-2017:
* Và tại Saigon Times Daily 28-8-2017:
http://english.thesaigontimes.vn/55829/APEC-Food-Security-Week-wraps-up-in-Can-Tho.html

Bánh miền Tây

(*) Sách do NXB Hội Nhà văn ấn hành, tháng 7-2017, dày 278 trang,
giá bìa 150.000 đồng.
(TBKTSG) - Tại buổi giao lưu ra mắt cuốn Hương vị bánh miền Tây (*) ở Cần Thơ, người chủ biên cuốn sách, anh Đoàn Hữu Đức, thành viên Câu lạc bộ Doanh nhân 2030 thuộc Saigon Times Club, cho biết đây là chuyện kể về hàng trăm loại bánh ở miền Tây Nam bộ gắn với tinh hoa ẩm thực của cộng đồng người Việt - Hoa - Khmer - Chăm từ mấy trăm năm trước, thuở cha ông ta đi mở cõi phương Nam.

Nhóm tác giả đã dành hơn một phần ba tập sách ở phần sau, biên soạn hẳn một chương đề tên là “Các loại bánh ở miền Tây và ca dao”. Ở đây, có hơn một trăm loại bánh được giới thiệu tóm tắt về cách làm kèm những mẩu chuyện địa phương, đặc biệt đã sống đời với năm tháng qua những câu ca dao, câu hò, điệu lý.

Thí dụ về bánh bò: Ghe không tay sao kêu ghe vạch? Bánh không cẳng sao gọi bánh bò? Anh đà đối đặng, hãy chèo đò theo em. Với bánh bầu, có câu: Má bánh bầu xem lâu muốn chửi. Mặt chữ điền trăm rưỡi muốn mua. Bánh canh: Bánh canh con vắn con dài. Lòng thương cha mẹ không nài công lao. Hay là: Vắt vai chạy ngay vô chợ. Kiếm ba đồng tiền trả nợ bánh canh. Với bánh giá chợ Giồng ở Tiền Giang thì có câu: Từ khi em gái lấy chồng. Anh ăn bánh giá chợ Giồng với ai? Còn bánh tét miền Tây lại gắn với câu đố này: Bánh gì trong trắng ngoài xanh. Trồng đậu trồng hành mà thả heo vô?
Bánh hỏi ở miền Tây, được cho là “tương truyền có ở miền Nam từ xưa; khởi thủy gọi là bánh xổi, hấp nóng vừa thổi vừa ăn, lâu ngày đọc trại thành bánh hỏi” thì gắn với câu ca dao: Nước mắm ngon dành ăn bánh hỏi. Qua thương nàng mòn mỏi mấy năm. Hoặc là: Mưa lâm râm ướt dầm lá hẹ. Em thương người có mẹ không cha. Bánh xèo bánh đúc bánh hoa. Bánh hỏi thiếu hẹ như ma không kèn. Riêng ở Sóc Trăng, “ăn bánh hỏi cuộn tôm sang chảnh hơn gỏi cuốn, bì cuốn, vì chẳng cần cái bánh tráng để giữ mấy miếng thịt hay tép lụn vụn rớt ra ngoài”, cho nên có câu: Ai về thẳng tới Năm Căn. Ghé ăn bánh hỏi Sóc Trăng, Bãi Xàu. Mắm nêm chuối chát khế rau. Tôm càng Đại Ngãi cặp vào khó quên.

Hay như với bánh tằm ngọt khoai mì ở Cần Thơ, có câu rằng: Bánh tằm se cọng dài cọng vắn. Xứ Cần Thơ gạo trắng nước trong. Còn bánh phồng thì gắn với câu chuyện này: Em tráng bánh tráng, anh quết bánh phồng. Cảm thông đôi má ửng hồng. Hẹn em ghé chợ Mỹ Lồng ăn cháo về đêm.

Nhóm tác giả cuốn sách này gồm các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, doanh nhân ở miền Tây và TPHCM mê ẩm thực phương Nam như Phù Sa Lộc, Trịnh Bửu Hoài, Ngô Khắc Tài, Nguyễn Ngọc Tuyết, Trần Hữu Hiệp, Hoàng Lan, Vũ Thống Nhất, Huỳnh Biển, Phương Lam, Khánh Tùng, Trần Tiến Dũng, Trần Hữu Dũng, Ngữ Yên, Nguyễn Đình Bổn, Kiến Tri, Trần Anh Phú, Linh Trang, Đoàn Hữu Đức.

Ngoài phần biên khảo trên, họ dành phần lớn tập sách viết riêng về một số loại bánh nổi tiếng của miền Tây; đó là những câu chuyện đầy hương vị của tuổi thơ, quê nhà và tâm tưởng kèm theo những hình ảnh minh họa rạo rực lòng người. Thí dụ một đoạn sau trong bài “Bánh tét miền Tây mắt, miệng, mũi đều thấy ngon” của Ngữ Yên: “Bánh tét nhỏ đòn này tuổi thơ của nhiều người như tôi mấy ai không có. Trong lúc gói bánh còn thừa chút đỉnh nếp, má mới gói một đòn bánh tét nhỏ cho đứa con phụ làm bánh từ đầu cuộc tới giờ. Đứa con vì vậy mà liên tục đi rửa mặt cho tỉnh ngủ, ngáp ngắn ngáp dài, ngồi canh thức nồi bánh cùng với má. Chỉ là sự nôn nao chờ đợi bánh riêng của mình được vớt ra. Bánh nhỏ, chín sớm, được vớt ra trước. Và thế là đem ngâm vào thau nước cho nền, yên tâm đi ngủ”.  

Huỳnh Kim

* Da  dang TBKTSG Online:

Tuần lễ APEC tại Cần Thơ: đối thoại và hợp tác về nông nghiệp

Tham quan gian hàng lúa gạo của thành phố Cần Thơ tại Triển lãm Nông sản sạch 
nhân Tuần lễ APEC Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Kim

(TBKTSG Online)- Ngày 24-8-2017, Tuần lễ APEC tại Cần Thơ tiếp tục ngày làm việc thứ 7 với cuộc đối thoại giữa các bộ trưởng 21 nền kinh tế thành viên APEC và lãnh đạo các doanh nghiệp APEC về sử dụng có trách nhiệm tài nguyên để tăng cường sản xuất lương thực và kinh doanh nông nghiệp bền vững.

Chủ trì đối thoại, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng cuộc đối thoại này đã giúp khẳng định nhận thức chung về vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp APEC, với những cam kết tăng cường hợp tác hơn nữa giữa các bên trong nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực, ứng phó với tình trạng khan hiếm tài nguyên và tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH).

Riêng với Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn cho biết nông nghiệp Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi và là ngành chịu tác động nặng nề do BĐKH. Việt Nam đang triển khai chương trình tái cơ cấu nền nông nghiệp, trong đó có các giải pháp trọng tâm là thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật và tổ chức lại sản xuất theo hướng tăng cường liên kết chuỗi giá trị, giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH.

Đại diện các nền kinh tế APEC nhấn mạnh rằng tham gia các chương trình này, khối doanh nghiệp sẽ giúp huy động được nhiều nguồn lợi xã hội, bao gồm nguồn nhân lực có chuyên môn cao, nguồn tài chính, để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ, ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm sử dụng nguồn lợi hiệu quả và tiết kiệm, giảm thất thoát và lãng phí lương thực.

Dịp này, tại cuộc gặp với bà Kundhavi Kadiresan, Phó tổng giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) kiêm Trưởng đại diện FAO châu Á–Thái Bình Dương, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết FAO là một đối tác quan trọng và là nguồn cung cấp chính các hỗ trợ kỹ thuật cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Ông Lê Quốc Doanh đề nghị FAO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực về chính sách, thể chế (như hỗ trợ xây dựng Luật Trồng trọt và Chăn nuôi); phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo gắn với sáng kiến “Zero hunger”; phòng chống dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm; thích ứng và giảm thiểu tác động của BĐKH, nhất là vùng miền núi phía Bắc.


Bà Kundhavi Kadiresan đánh giá cao những thành tựu của nông nghiệp Việt Nam trong thời gian qua và đề nghị Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm với các nền kinh tế khác trong khu vực và tăng cường hợp tác Nam-Nam. Bà cũng nhấn mạnh FAO là đối tác kỹ thuật và mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam để phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với BĐKH đồng thời xây dựng khung hợp tác Việt Nam - FAO giai đoạn 2017-2021.

Việt Nam và Úc hợp tác về đánh cá và mua bán thanh long

Bên lề cuộc đối thoại chiều 24-8-2017, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên Úc, Thượng nghị sĩ Anne Ruston, đã ký kết “Bản ghi nhớ về phòng chống đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không theo quy định” nhằm tăng cường quan hệ song phương và đặt cơ sở cho việc hợp tác thường xuyên giữa hai chính phủ trong việc giải quyết vấn đề tàu thuyền mang cờ hai nước đánh bắt cá trái phép, không theo quy định và không báo cáo.

Cũng dịp này, hai bên đã tuyên bố về việc hoàn thiện các thủ tục mở cửa thị trường Úc cho trái thanh long của Việt Nam và mở cửa thị trường Việt Nam cho trái anh đào của Úc. Việt Nam đề nghị Úc hỗ trợ xây dựng phòng thí nghiệm tại Việt Nam để xét nghiệm chất lượng tôm sống cho xuất khẩu. Hai bên cũng cam kết phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh các thủ tục tiếp cận cho các nông sản khác, góp phần tăng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước. 
Huỳnh Kim
* Đã đăng TBKTSG Online 25-8-2017:

* Va Daily 22-8-2017:

APEC tại Cần Thơ bắt đầu đồng thuận kế hoạch hợp tác

Các đại diện APEC cắt băng khai mạc triển lãm “Nông nghiệp và 
công nghệ sản xuất nông nghiệp tiên tiến” tại Cần Thơ tối 21-8. 
Ảnh: Huỳnh Kim
(TBKTSG Online) - Tiếp tục Tuần lễ APEC tại Cần Thơ (từ 18 đến 25-8), hôm nay, đại diện các thành viên 21 nền kinh tế APEC bắt đầu đồng thuận nhiều kế hoạch hợp tác liên quan tới bảo đảm an ninh lương thực (ANLT) và biến đổi khí hậu (BĐKH).

Sáng 22-8, nhóm công tác APEC về chính sách an ninh lương thực (PPFS) và nhóm đại dương và nghề cá (OFWG) họp tiếp ngày thứ hai.
Tại nhóm PPFS, do ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đồng chủ trì, vừa thông qua kế hoạch hành động nhiều năm về ANLT và BĐKH và kế hoạch hành động về phát triển nông thôn - đô thị để tăng cường ANLT và tăng trưởng chất lượng. Các kế hoạch hành động là tập hợp các hành động mang tính tự nguyện, không ràng buộc do mỗi nền kinh tế tự đề xuất trên cơ sở ưu tiên trong nước và ngân sách sẵn có của mình và được cập nhật thường xuyên.

Giai đoạn đầu của hai kế hoạch hành động này sẽ tập trung vào các hoạt động tổng quan và đánh giá làm rõ các chính sách, thông lệ tốt nhất, công nghệ và mức độ năng lực hiện có trong nền kinh tế APEC. Các kế hoạch hành động được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các nỗ lực liên kết khu vực để giải quyết các thách thức liên quan đến ANLT, phát triển, thích ứng và giảm nhẹ tác động của BĐKH.

Tại nhóm OFWG (do ông Trần Đình Luân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đồng chủ trì), các thành viên APEC đã thảo luận các vấn đề Việt Nam đưa ra như quan hệ giữa ANLT và BĐKH, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên bền vững và nâng cao sản xuất thực phẩm và dinh dưỡng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm thích ứng với BĐKH.

Đại diện 21 nền kinh tế thành viên APEC cũng đã báo cáo kết quả thực hiện các chính sách, dự án hỗ trợ nghề cá quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa nhằm bảo đảm ANLT, giảm nghèo và ứng phó BĐKH; các vấn đề bảo vệ môi trường như xả thải ra biển; bảo vệ, bảo tồn và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Các đại biểu này cũng báo cáo kết quả, tiến độ triển khai các dự án trong khuôn khổ OFWG cùng kế hoạch triển khai trong thời gian tiếp theo.

Trước đó, chiều ngày 21-8, đã diễn ra lễ ký kết “Ý định thư hợp tác lâu dài trong nghiên cứu nông nghiệp” giữa Bộ NN&PTNT (đại diện là Thứ trưởng Lê Quốc Doanh) và Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR), đại diện là ông Peter Horne, Tổng giám đốc Chương trình Quốc gia ACIAR.
Việt Nam và Úc đã thống nhất chiến lược hợp tác 10 năm, trong đó có định hướng về các lĩnh vực hợp tác nghiên cứu, các khu vực địa lý tập trung, và những ưu tiên tài trợ cho chương trình nghiên cứu giai đoạn 2017-2027 của 21 thành biên APEC.

Trong khuôn khổ Tuần lễ An ninh lương thực APEC 2017 tại Cần Thơ, tối hôm qua, 21-8, đã diễn ra Triển lãm “Nông nghiệp và công nghệ sản xuất nông nghiệp tiên tiến” với sự tham gia của nhiều nền kinh tế thành viên APEC.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, triển lãm này tạo điều kiện cho các nền kinh tế APEC giao lưu, học hỏi cách thức và công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững giữa các nền kinh tế thành viên. Thông qua triển lãm, các nền kinh tế APEC cũng mong muốn chia sẻ kinh nghiệm và thành tựu ứng dụng khoa học hướng tới hình thành một nền nông nghiệp với công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, góp phần vào phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH.

Việt Nam có 8 gian hàng giới thiệu các mô hình công nghệ tiến tiến, cho năng suất chất lượng tốt đồng thời đảm bảo thích ứng với BĐKH, xâm nhập mặn ở ĐBSC như mô hình lúa - tôm, lúa - cá, mô hình canh tác tôm, cá xuất khẩu. Các gian hàng thế mạnh của ngành nông nghiệp Việt Nam như các sản phẩm lúa gạo, sữa, canh tác nông nghiệp sinh thái giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật được nhiều đại biểu APEC quan tâm.

Đặc biệt, triển lãm đã tái hiện các thành tựu nổi bật về phát triển nông nghiệp của nước ta như mô hình nuôi tôm, cá, và lúa chịu mặn, sản phẩm nghiên cứu và ứng dụng của Đại học Cần Thơ và mô hình hoa quả của các nghệ nhân ĐBSCL.
Huỳnh Kim


* Bài đã đăng TBKTSG Online 22-8-2017:
* Và Saigon Times Daily 23-8-2017:


APEC bàn cách sản xuất nông nghiệp bền vững

Đê bao bị vỡ trong mùa lũ lụt năm 2011 ở Châu Phú, An Giang. Ảnh: Huỳnh Kim

(TBKTSG Online) - Các hội thảo từ ngày 18 đến 20-8 trong Tuần lễ APEC tại Cần Thơ đã bàn các giải pháp sản xuất nông nghiệp bền vững tại 21 nền kinh tế APEC trong hoàn cảnh phải thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và bảo đảm an ninh lương thực (ANLT).

Tại hội thảo “Thách thức đối với an ninh lương thực và tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở khu vực APEC”, các đại biểu đã tập trung trao đổi về quản lý tài nguyên nước tổng hợp xuyên biên giới, thực tiễn quản lý tốt nhất tại các nền kinh tế khu vực APEC và việc kết nối khu vực tư nhân và công cộng, tăng cường trách nhiệm của khu vực tư nhân đối với tài nguyên nước, vai trò của chính phủ và người dân của các nền kinh tế.

Về quản lý, phải thành lập các ủy ban cấp quốc gia để thúc đẩy điều phối liên ngành; lập hội đồng lưu vực sông; áp dụng các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để quản lý tài nguyên nước tổng hợp. Về kỹ thuật, chính phủ phải hỗ trợ đa dạng hóa  cây trồng và các nghiên cứu liên quan tới bảo tồn nguồn nước; ứng dụng công nghệ như hình ảnh vệ tinh và viễn thám, giám sát hạn hán và các dịch vụ thông tin khí hậu; thu nước mưa và dự trữ nước; tăng cường hợp tác giữa khu vực tư nhân và nhà nước…

Tại hội thảo “Công nghệ sinh học nông nghiệp chuyển sang kỷ nguyên số”, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh, phải khuyến khích ứng dụng các công nghệ mới để phát triển nông nghiệp bền vững, trong đó công nghệ sinh học đóng vai trò rất quan trọng – là công cụ để nâng cao năng suất và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp.
Tại hội thảo “Xây dựng hệ thống sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thích ứng – Tiếp cận liên ngành sử dụng thông tin khí hậu phục vụ an ninh lương thực bền vững”, các đại biểu đã thảo luận về việc xây dựng khả năng thích ứng cho hệ thống sản xuất lương thực và các giải pháp tổng hợp quản lý rủi ro khí hậu. Các ý kiến tập trung vào việc phân tích số liệu khí tượng thủy văn, phân tích mô hình cây trồng vật nuôi và đưa ra dự báo cần thiết cho người dân.

Ông Hong-Sang Jung, Giám đốc điều hành Trung tâm Khí hậu APEC đã đề cập tới việc phải đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu để phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế APEC.


Ông Nguyễn Linh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng an ninh lương thực gắn với nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu giúp các nền kinh tế APEC ứng phó hiệu quả hơn các tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và nhấn mạnh về sự cần thiết hơp tác kỹ thuật trong lĩnh vực khí tượng thủy văn hỗ trợ an ninh lương thực trong khu vực.


Tại hội thảo “Giảm thất thoát và lãng phí lương thực, hướng tới một hệ thống lương thực APEC bền vững”, ông  Gong Xifeng, Trưởng nhóm công tác hợp tác kỹ thuật nông nghiệp APEC (ATCWG), nhấn mạnh: “Thất thoát và lãng phí lương thực là vấn đề chung, có tầm quan trọng cả về kinh tế, xã hội và môi trường, vì vậy cần phải kết hợp các nguồn lực công – tư sẵn có của các nền kinh tế APEC để tìm ra cách thức phù hợp để giảm tổn thất và lãng phí lương thực trong toàn chuỗi”.


Theo ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ở các nền kinh tế đang phát triển, những hạn chế về cơ sở vật chất và tác động của biến đổi khí hậu là những yếu tố chính gây thất thoát và lãng phí lương thực. Ông Long nói: “Cần phải có những chính sách khuyến khích đầu tư, ứng dụng của khu vực tư nhân và người tiêu dùng để giảm thất thoát và lãng phí lương thực”.
Trao đổi với TBKTSG Online, PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ, cho biết nhà trường sẵn sàng hợp tác với các đối tác quốc tế để thành lập Trung tâm Khoa học và Công nghệ giảm tổn thất sau thu hoạch. “Chúng tôi mong muốn lập trung tâm này để nghiên cứu và thúc đẩy ứng dụng công nghệ giảm thất thoát và lãng phí lương thực cũng như tăng cường liên kết, hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các đối tác đến từ khu vực công, tư, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, nhà quản lý và hoạch định chính sách để góp phần thực hiện mục tiêu về an ninh lương thực của APEC”, ông Toàn nói.

Theo Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên hiệp quốc (FAO), hiện nay trên thế giới có khoảng 800 triệu người thiếu đói, trong đó ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có khoảng 500 triệu người. Ngoài ra, mỗi năm có khoàng 1/3  lượng lương thực sản xuất ra phục vụ con người bị mất đi hoặc lãng phí – tương đương 1,3 tỉ tấn. Con số này trị giá gần 750 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Nếu cắt giảm được hoàn toàn thất thoát và lãng phí lương thực, chúng ta sẽ có thêm lương thực đủ nuôi sống 2 tỉ người. Chưa kể những tác động tiêu cực tới môi trường của rác thải thực phẩm khi sản xuất nông nghiệp tiêu hao rất nhiều năng lượng, nước, phân bón và làm mất một phần diện tích đất rừng.
Phần lớn lương thực thất thoát xảy ra trong quá trình sau sản xuất, thu hoạch, vận chuyển và bảo quản, có liên quan mật thiết đến thiếu cơ sở hạ tầng ở các nền kinh tế đang phát triển, trong khi lãng phí lương thực lại chủ yếu là vấn đề ở khâu tiếp thị và tiêu thụ ở các nền kinh tế phát triển hơn.
Tuyên bố về an ninh lương thực của APEC vào các năm 2010, 2012, 2014 và 2016 luôn nhấn mạnh sự cần thiết giảm thất thoát và lãng phí lương thực để hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững và đảm bảo an ninh lương thực của các nền kinh tế APEC. Một trong những mục tiêu của Lộ trình an ninh lương thực APEC hướng tới năm 2020 là giảm 10% thất thoát và lãng phí lương thực so với mức thất thoát năm 2011-2012.

Huỳnh Kim

 * Đã đăng TBKTSG Online 20-8-2017:

* Và tại Saigon Times Daily 22-8-2017: