Thứ Tư, 6 tháng 9, 2017

APEC bàn cách sản xuất nông nghiệp bền vững

Đê bao bị vỡ trong mùa lũ lụt năm 2011 ở Châu Phú, An Giang. Ảnh: Huỳnh Kim

(TBKTSG Online) - Các hội thảo từ ngày 18 đến 20-8 trong Tuần lễ APEC tại Cần Thơ đã bàn các giải pháp sản xuất nông nghiệp bền vững tại 21 nền kinh tế APEC trong hoàn cảnh phải thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và bảo đảm an ninh lương thực (ANLT).

Tại hội thảo “Thách thức đối với an ninh lương thực và tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở khu vực APEC”, các đại biểu đã tập trung trao đổi về quản lý tài nguyên nước tổng hợp xuyên biên giới, thực tiễn quản lý tốt nhất tại các nền kinh tế khu vực APEC và việc kết nối khu vực tư nhân và công cộng, tăng cường trách nhiệm của khu vực tư nhân đối với tài nguyên nước, vai trò của chính phủ và người dân của các nền kinh tế.

Về quản lý, phải thành lập các ủy ban cấp quốc gia để thúc đẩy điều phối liên ngành; lập hội đồng lưu vực sông; áp dụng các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để quản lý tài nguyên nước tổng hợp. Về kỹ thuật, chính phủ phải hỗ trợ đa dạng hóa  cây trồng và các nghiên cứu liên quan tới bảo tồn nguồn nước; ứng dụng công nghệ như hình ảnh vệ tinh và viễn thám, giám sát hạn hán và các dịch vụ thông tin khí hậu; thu nước mưa và dự trữ nước; tăng cường hợp tác giữa khu vực tư nhân và nhà nước…

Tại hội thảo “Công nghệ sinh học nông nghiệp chuyển sang kỷ nguyên số”, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh, phải khuyến khích ứng dụng các công nghệ mới để phát triển nông nghiệp bền vững, trong đó công nghệ sinh học đóng vai trò rất quan trọng – là công cụ để nâng cao năng suất và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp.
Tại hội thảo “Xây dựng hệ thống sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thích ứng – Tiếp cận liên ngành sử dụng thông tin khí hậu phục vụ an ninh lương thực bền vững”, các đại biểu đã thảo luận về việc xây dựng khả năng thích ứng cho hệ thống sản xuất lương thực và các giải pháp tổng hợp quản lý rủi ro khí hậu. Các ý kiến tập trung vào việc phân tích số liệu khí tượng thủy văn, phân tích mô hình cây trồng vật nuôi và đưa ra dự báo cần thiết cho người dân.

Ông Hong-Sang Jung, Giám đốc điều hành Trung tâm Khí hậu APEC đã đề cập tới việc phải đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu để phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế APEC.


Ông Nguyễn Linh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng an ninh lương thực gắn với nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu giúp các nền kinh tế APEC ứng phó hiệu quả hơn các tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và nhấn mạnh về sự cần thiết hơp tác kỹ thuật trong lĩnh vực khí tượng thủy văn hỗ trợ an ninh lương thực trong khu vực.


Tại hội thảo “Giảm thất thoát và lãng phí lương thực, hướng tới một hệ thống lương thực APEC bền vững”, ông  Gong Xifeng, Trưởng nhóm công tác hợp tác kỹ thuật nông nghiệp APEC (ATCWG), nhấn mạnh: “Thất thoát và lãng phí lương thực là vấn đề chung, có tầm quan trọng cả về kinh tế, xã hội và môi trường, vì vậy cần phải kết hợp các nguồn lực công – tư sẵn có của các nền kinh tế APEC để tìm ra cách thức phù hợp để giảm tổn thất và lãng phí lương thực trong toàn chuỗi”.


Theo ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ở các nền kinh tế đang phát triển, những hạn chế về cơ sở vật chất và tác động của biến đổi khí hậu là những yếu tố chính gây thất thoát và lãng phí lương thực. Ông Long nói: “Cần phải có những chính sách khuyến khích đầu tư, ứng dụng của khu vực tư nhân và người tiêu dùng để giảm thất thoát và lãng phí lương thực”.
Trao đổi với TBKTSG Online, PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ, cho biết nhà trường sẵn sàng hợp tác với các đối tác quốc tế để thành lập Trung tâm Khoa học và Công nghệ giảm tổn thất sau thu hoạch. “Chúng tôi mong muốn lập trung tâm này để nghiên cứu và thúc đẩy ứng dụng công nghệ giảm thất thoát và lãng phí lương thực cũng như tăng cường liên kết, hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các đối tác đến từ khu vực công, tư, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, nhà quản lý và hoạch định chính sách để góp phần thực hiện mục tiêu về an ninh lương thực của APEC”, ông Toàn nói.

Theo Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên hiệp quốc (FAO), hiện nay trên thế giới có khoảng 800 triệu người thiếu đói, trong đó ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có khoảng 500 triệu người. Ngoài ra, mỗi năm có khoàng 1/3  lượng lương thực sản xuất ra phục vụ con người bị mất đi hoặc lãng phí – tương đương 1,3 tỉ tấn. Con số này trị giá gần 750 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Nếu cắt giảm được hoàn toàn thất thoát và lãng phí lương thực, chúng ta sẽ có thêm lương thực đủ nuôi sống 2 tỉ người. Chưa kể những tác động tiêu cực tới môi trường của rác thải thực phẩm khi sản xuất nông nghiệp tiêu hao rất nhiều năng lượng, nước, phân bón và làm mất một phần diện tích đất rừng.
Phần lớn lương thực thất thoát xảy ra trong quá trình sau sản xuất, thu hoạch, vận chuyển và bảo quản, có liên quan mật thiết đến thiếu cơ sở hạ tầng ở các nền kinh tế đang phát triển, trong khi lãng phí lương thực lại chủ yếu là vấn đề ở khâu tiếp thị và tiêu thụ ở các nền kinh tế phát triển hơn.
Tuyên bố về an ninh lương thực của APEC vào các năm 2010, 2012, 2014 và 2016 luôn nhấn mạnh sự cần thiết giảm thất thoát và lãng phí lương thực để hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững và đảm bảo an ninh lương thực của các nền kinh tế APEC. Một trong những mục tiêu của Lộ trình an ninh lương thực APEC hướng tới năm 2020 là giảm 10% thất thoát và lãng phí lương thực so với mức thất thoát năm 2011-2012.

Huỳnh Kim

 * Đã đăng TBKTSG Online 20-8-2017:

* Và tại Saigon Times Daily 22-8-2017:



Không có nhận xét nào: