Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

Trong cõi người ta


Cặm cụi với nhau mỗi ngày, không hay cuối năm đã tới. Vậy là ta đã cùng nhau sống qua hai mùa mưa nắng phương Nam, bốn mùa xuân hạ thu đông phương Bắc, hơn  mười cơn bão miền Trung. Như hạt bụi, như cơn gió, ta hòa vào đời ta, vào đời nhau, vào từng sát-na cuộc sống phố phường thôn quê núi non biển cả. Và ta cùng nhau đi trong vũ trụ, như bài thơ hai câu mô tả Trái Đất hay lạ lùng của nhà thơ Huy Cận tặng bạn thơ Xuân Diệu:

Trái đất ba phần tư nước mắt
Đi như giọt lệ giữa không trung

Trong cuộc “đi”, cuộc “tồn tại” đó, đôi khi ta cảm thấy mệt nhoài chuyện áo cơm vì nền kinh tế nước nhà xuống lên lũ lụt. Đôi khi, như lúc này đây, nhắm mắt lại, lim dim tưởng tượng ta đang bay cùng muôn loài trong vũ trụ thì lại cháy lên câu hỏi ngàn năm: Tồn tại hay không tồn tại? Ta sống có ý nghĩa gì trong cõi đời này?

Lại lim dim chìm đắm suy tư cùng nước mắt đã hóa thành giọt lệ của trái đất  đang đi trong không trung kia, ta bừng tỉnh hiểu ra rằng tồn tại này chính là cõi người ta. Những chuyện đại loại như số phận, niềm tin, lí trí, tình cảm, ngẫu nhiên, tất nhiên, sức mạnh, dục vọng, hạnh phúc, khổ đau… hết thảy rồi cũng trôi chảy trong cõi người ta. 

Thế nhưng ý nghĩa cuộc sống này là gì nếu không phải là sự ngẫu nhiên của số phận và từ đó mới có sức mạnh của niềm tin”. Đó là một câu xuất thần và ám ảnh trong một bài báo bàn toàn chuyện kinh tế toàn cầu và tự do thương mại, của một người bạn. Và cũng như hai câu thơ trên, nó làm thức dậy tình yêu cuộc sống. Rằng đừng mãi toan tính và ham muốn tham lam đến tận cùng lí trí nữa. Mà quên rằng thực ra mình đang trôi đi, chảy đi và cháy lên như dòng sông và ngọn lửa giữa đất trời này. Ở đó, có những điều nho nhỏ chỉ có được với con người, tỉ như một giọt máu đào hơn ao nước lã hay miếng khi đói bằng gói khi no.

Và như vậy, xin gửi tặng bạn đọc thêm mấy dòng thơ lãng đãng này, trong cõi người ta:


1.

Ta yêu nhau và ta huyễn hoặc nhau
Dấu phẩy lập lờ lai rai thực dụng 
Dấu chấm hoài nghi hẹn hò mộng mị
Cô đơn tận cùng là những dấu than
Khi cả hai đã hòa nhập điêu tàn


2. 

Khi cả hai đã hòa nhập điêu tàn
Mới bừng tỉnh chẳng bao giờ hai là một
Rốt cuộc trọn một đời ta có mặt
Là tình tang huyễn hoặc cô đơn 


3.

Ồ vâng ạ cô đơn và huyễn hoặc
Thế mà hay cho em bước theo cùng
Bờ vực thẳm lỡ chàng chóng mặt
Em níu chàng khỏi rớt xuống thâm cung





















Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

Ngẫm nghĩ ngày Xuân


Đất


Ta nghèo bởi ta chưa hiểu đất
Đất sinh sôi ta sống chai lỳ
Đất bao dung ta thiếu lòng tha thứ
Đất mở đường ta lầm lũi bước đi
















Trời


Ta hít thở từng sát-na vạn vật
Lim dim đối diện với chính mình
Vũ trụ bềnh bồng trời cao có mắt
Hết hoàng hôn trời lại bình minh















Người


Rừng có chim muông trời có mây
Chung quanh thành phố có đêm ngày
Trong ta em bước đi nhè nhẹ
Ta có em trời đất không hay






















Thứ Tư, 22 tháng 1, 2014

GS.TS Võ Tòng Xuân: Đại học Nam Cần Thơ phục vụ nhu cầu phát triển nhân lực dài hạn và cấp tốc của ĐBSCL


Sau Đại học Tây Đô ra đời năm 2006, Cần Thơ có thêm trường đại học tư thục thứ hai, Đại học Nam Cần Thơ, khai giảng khóa đầu tiên ngày 30-10-2013, nhân kỷ niệm 10 năm TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương. Tết này, báo Cần Thơ phỏng vấn GS.TS VÕ TÒNG XUÂN - thành viên Hội đồng Sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Quyền Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ, xoay quanh chuyện này…

* Thưa Giáo sư, Đại học Nam Cần Thơ ra đời trong dịp kỷ niệm 10 năm TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương. Dường như đây là chuyện tất nhiên của ĐBSCL? 

GS.TS Võ Tòng Xuân
- GS.TS VÕ TÒNG XUÂN: Trường Đại học Nam Cần Thơ ra đời vào lúc nhân loại đang đi vào thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21; nước ta đang đối đầu với những thách thức gia nhập toàn cầu, đặc biệt với cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015. Ngay từ những năm đầu của thiên niên kỷ mới, ranh giới giữa các quốc gia trên thế giới đang bị lu mờ vì tác động của mậu dịch tự do và sự phát triển thần tốc của công nghệ thông tin và tin học. Dân của các nước sẽ chỉ còn những người biết quản lý và người không biết quản lý. Đây là một thách thức lớn đối với nước ta và với nền giáo dục Việt Nam nói riêng, phải đào tạo cho được những người lao động tương lai có đủ khả năng hội nhập kinh tế thế giới.   

Thời gian qua, dư luận xã hội đã nhận xét, nền giáo dục Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đang bị tụt hậu so với những vùng khác trong nước và thế giới. Chất lượng học sinh phổ thông tham dự các cuộc thi tuyển quốc gia vào các trường đại học chưa được cải tiến đáng kể. Chất lượng học sinh và sinh viên tốt nghiệp từ các trường cao đẳng và đại học vẫn còn phải cải tiến nhiều hơn nữa mới bảo đảm có được việc làm khi ra trường. Đây là nỗi lo chung của tất cả những ai có trách nhiệm trong sự nghiệp giáo dục. 

Rất may mắn là sau cuộc đổi mới thứ nhất bằng chính sách phát triển nông nghiệp theo kinh tế thị trường, đất nước ta sắp đổi mới lần thứ hai với chính sách “Đổi mới giáo dục cơ bản và toàn diện” của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI. Trường Đại học Nam Cần Thơ sẽ vận dụng chính sách đổi mới này hiệu quả nhất.   

* Như vậy Đại học Nam Cần Thơ sẽ đi theo mô hình nào? 

- GS.TS VÕ TÒNG XUÂN: Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) cho phép trường tuyển sinh chính quy đa cấp và đa ngành, một loại hình đào tạo giống như ở Hoa Kỳ là mỗi vùng lớn trong tiểu bang đều có một trường đại học cộng đồng có đủ các chương trình đào tạo vừa dài hạn vừa ngắn hạn, phục vụ nhu cầu phát triển nhân lực dài hạn và cấp tốc của vùng. 

Do trường mới thành lập, nên trong năm đầu tiên, trường tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển. Bậc đại học, cao đẳng tổ chức xét tuyển từ kết quả thi đại học và cao đẳng theo đề chung của Bộ GD-ĐT. Bậc trung cấp chuyên nghiệp, trường nhận hồ sơ xét tuyển từ học sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc đã học hết chương trình THPT nhưng chưa tốt nghiệp. Ở khóa 1 này, với hơn 2.000 thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển, đã có 968 thí sinh trúng tuyển vào các bậc học ở các ngành dược sỹ, kiến trúc, kế toán, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, kỹ thuật công trình xây dựng, luật, địa chính, y sỹ…

Hiện nay, trường cũng đang liên kết với Đại học Ngân hàng TP.HCM đào tạo trình độ thạc sĩ ngành tài chính ngân hàng và liên kết với Đại học Vinh đào tạo trình độ đại học văn bằng 2 và hệ vừa làm vừa học các ngành luật, quản lý đất đai, quản lý tài nguyên và môi trường, kỹ thuật xây dựng công trình giao thông và công nghệ thực phẩm.

Cắt băng khánh thành Đại học Nam Cần Thơ


* Đó là những ngành mà thực tế đang cần. Nhưng phương pháp giảng dạy thì có đổi mới nhiều không, thưa Giáo sư? 

- GS.TS VÕ TÒNG XUÂN: Trước tiên, trường sẽ tập trung cải tiến phương pháp giảng dạy. Nội dung chính là đổi mới phương pháp soạn giáo trình và giáo án để sinh viên có tài liệu tham khảo và vận dụng tính sáng tạo của họ; hướng dẫn sinh viên tự học, tự tìm tòi các tài liệu để học cho hiểu, nhớ và có nhiều dịp thực tập để vận dụng cho được trong thực tế. Trong trường Đại học Nam Cần Thơ sẽ không còn cảnh vào lớp thầy cô đọc cho sinh viên chép bài, không còn cảnh sinh viên học ngốn mớ chữ chép trong tập để đi thi. Thay vào đó, sinh viên sẽ có các giáo trình, giáo án, các bài tập được in ra và ghi trên mạng Intranet của trường.

Từng bước, mỗi cán bộ giảng dạy và các sinh viên sẽ tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng ĐBSCL, đặc biệt là TP Cần Thơ. Chúng tôi sẽ bám sát các sở khoa học công nghệ và môi trường của các thành phố và tỉnh, vụ khoa học và kỹ thuật của các bộ ngành trung ương và các tổ chức khoa học quốc tế để thực hiện các đề tài khoa học.

Song song với học tập rèn luyện chuyên môn, thanh niên sinh viên cũng sẽ được tạo điều kiện rèn luyện thể lực và văn nghệ bên cạnh những hoạt động về Đảng và đoàn thể.

* Vậy thì trước tiên nhà trường cần phải có đội ngũ giảng viên tương xứng?  

- GS.TS VÕ TÒNG XUÂN: Hiện nay, đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường Đại học Nam Cần Thơ có 132 người; trong đó có 116 giảng viên cơ hữu, gồm 1 GS.TS, 6 PGS.TS, 9 TS, 1 nghiên cứu sinh, 90 thạc sĩ, 4 học viên cao học và 5 cử nhân. Nhưng muốn thực hiện được các mặt chuyên môn như tôi vừa nói thì Đại học Nam Cần Thơ phải có cán bộ có khả năng. Nhu cầu nhân lực chuyên môn là rất bức xúc trong giai đoạn mở đầu này. Do đó, một mặt chúng tôi thuyết phục nhân tài về cộng tác với trường, một mặt chúng tôi tranh thủ sự giúp đỡ của các trường đàn anh đồng thời chuẩn bị cho đi đào tạo và bồi dưỡng nâng cấp trình độ giảng viên mới để phục vụ tốt nhất cho sinh viên.  

* Trong mô hình đại học cộng đồng này, học sinh và sinh viên cùng chung môi trường học tập. Giáo sư có lời khuyên gì với các bạn trẻ ở đây không?  

- GS.TS VÕ TÒNG XUÂN: Tôi muốn nói như vầy, vào đời sinh viên ở đây, các em sẽ được tạo điều kiện để học cho thành công thật sự. Các em không chỉ học vì bằng cấp mà học vì kiến thức, kỹ năng, rèn luyện chân tài trong suốt thời gian dưới mái trường này. Các em sẽ học các ngành chuyên môn mà mình đã chọn, và thêm vào kiến thức chuyên môn đó, các em sẽ học nhuần nhuyễn kỹ năng nghe, hiểu và nói một ngoại ngữ, nhất là Anh ngữ và kỹ năng ứng dụng tin học trong nghề nghiệp và cuộc sống hàng ngày của mình. 

Đại học Nam Cần Thơ - Ảnh: Lạc Long


Như tôi đã nói, trong thế kỷ 21, thế giới sẽ chỉ còn người biết quản lý và người không biết quản lý. Trong thanh niên, học sinh và sinh viên sẽ không phân biệt ai là con nhà nghèo và ai là con nhà khá giả mà chỉ có ai là người có chí học hành, ai là người không chí học hành. Các em không thể đổ thừa vì gia đình khó khăn, đất nước khó khăn mà không học giỏi được. Tiểu sử của nhiều danh nhân xưa nay phần lớn đều bắt đầu từ thuở hàn vi. Là thanh niên của thời đại, các em phải tập cho mình một đức tánh luôn luôn chủ động, sáng tạo ở trong mọi tình huống; đừng để mình bị động, đừng than thân trách phận, phải luôn luôn phát huy mặt mạnh của mọi tình huống để mình có nghị lực tiếp tục học hỏi không ngừng. 

* Giáo sư có thể cho biết, ngay sau Tết này, nhà trường sẽ làm tiếp chuyện gì để giúp các bạn trẻ đi theo hướng đó? 

- GS.TS VÕ TÒNG XUÂN: Các doanh nhân đã đầu tư hơn 60 tỉ đồng cho cơ sở khang trang hiện nay ở giai đoạn 1 của nhà trường. Theo kế hoạch, trường sẽ đầu tư tiếp 50 tỉ đồng xây dựng khu ký túc xá có sức chứa khoảng 2.000 sinh viên và dự kiến giữa năm 2014 sẽ hoàn thành. Ngoài ra, trường cũng sẽ xây dựng thư viện điện tử, có thể hoạt động vào khoảng giữa năm 2015.

* Xin cảm ơn Giáo sư.      


* Bài đã đăng báo Cần Thơ Xuân Giáp Ngọ 2014

Thứ Ba, 21 tháng 1, 2014

Tiểu thuyết của một nhà báo ở Bạc Liêu


Cuộc chiến ở bán đảo xanh là tiểu thuyết đầu tay của nhà báo Nguyễn Việt Sử, làm việc ở Báo Bạc Liêu với bút danh Việt Sử. Sách do NXB Trẻ ấn hành vào đầu quý 1/2014 sau tập truyện ký Phía sau những con người bình dị của cùng tác giả in năm 2012.




Lam Thạnh vào những năm 80 của thế kỷ 20 chỉ sản xuất độc canh cây lúa… Nhiều người quanh năm phải đi làm thuê, làm mướn để kiếm sống. Hộ khá hơn chỉ đủ lúa ăn trong gia đình trong một năm, số lúa dư ra thì Ban nông nghiệp xã đo bồ và bắt phải bán cho Nhà nước để lấy tem, phiếu hàng hóa…

Từ cái cảnh đo bồ, không ít hộ nông dân có lúa dư ban đêm phải đào hầm cất giấu. Vậy mà cũng bị ấp, xã phát hiện, bắt họ phải bán hết số lúa dư cho nhà nước. Vì thiếu lương thực, nhiều gia đình phải ăn cháo độn rau. Cứ sau mỗi vụ mùa, gần như mỗi nhà đều xuống xuồng để chèo chống về tận rừng đước để đốn củi, bắt ba khía, hoặc qua tận miệt U Minh Thượng để đốn sậy, chặt cây tràm bán lấy tiền mua gạo…

Như bao vùng quê khác, thời kỳ bao cấp, Lam Thạnh có biết bao nhiêu chuyện kỳ quái nhưng không ai xử. Cán bộ xã, ấp vô tư quy chụp, gán ghép đổ trút lên đầu người dân. Những cán bộ nào không cùng phe cánh chỉ cần cán bộ có chức có quyền phán cho một câu xem như giũ áo về quê cắm câu.

Đó là những chuyện ở Cà Mau, Bạc Liêu cũng như ở nhiều địa phương khác của hơn 30 năm trước, bối cảnh mà tác giả dựa vào để hư cấu nên cuốn tiểu thuyết này. Có thể nói, Cuộc chiến ở bán đảo xanh là tiểu thuyết của dòng hiện thực phê phán theo kiểu truyền thống, lấy chân - thiện - mỹ làm nền. Đó là cuộc đấu tranh dai dẳng và khắc nghiệt để giành lấy công lý cho những người nông dân nghèo vốn thấp cổ bé họng trong một vùng quê giàu truyền thống cách mạng vừa thoát ra từ chiến tranh dấn thân vào cuộc sống mới.

Trong tuyến nhân vật chính của tiểu thuyết có Út Vinh, một nhà báo trẻ của tỉnh nhà, người muốn đưa ra ánh sáng bao nỗi đoạn trường của quê hương mình với nhiều thăng trầm và ngộ nhận. Theo đó là những nhân vật thiện và ác rạch ròi đầy “cá tính” đến mức thành “quái kiệt” ít thấy ở những địa phương khác. Như nhận xét của nhà văn Lê Đình Trường trong Lời bạt tiểu thuyết này: Có những nhân vật mà hành vi của họ thuộc hàng quái kiệt, độc giả không ngờ được hoàn cảnh xã hội đưa đẩy, nhào nặn ra tính cách các nhân vật ấy. Những món quà đầy ngụ ý, biểu trưng của sự ám chỉ của Sáu Núi gửi tặng đồng chí bí thư tỉnh; Sáu Mấy đã từng đọc qua 52 cuốn Lê-nin toàn tập… Và: Sự hỗn mang là mảnh đất màu mỡ cho những bất công, những chủ trương ấu trĩ; những sự chống lưng của một số người có chức có quyền, nảy sinh cường hào mới ở nông thôn, dẫn đến sự chi phối mạnh mẽ của địa chủ mới trong đời sống nông thôn thời bấy giờ.

Cuộc chiến ở bán đảo xanh chỉ dày 162 trang nhưng ngồn ngộn những mảng hiện thực như vậy, có cả một chuyện tình trắc trở, thành ra hấp dẫn người đọc. Nhà báo Việt Sử gửi gắm gì trong cuốn tiểu thuyết này? Anh trả lời chúng tôi qua email: Gởi gắm của tôi thì nhiều nhưng tựu trung là trong cuộc sống, dù làm bất kỳ việc gì, giữ cấp bậc cao đến đâu cũng phải cư xử với nhau có tình người và tử tế.

Nghề báo đã để lại nhiều dấu ấn trong tiểu thuyết này, nhất là ở văn phong rạch ròi, tỉnh táo. Và cũng qua trải nghiệm của một người làm báo, vào cuối truyện, tác giả đã để cho nhân vật chính của mình, Út Vinh, thốt lên những lời đầy ám ảnh này: Nghề nào cũng vậy, phải trải qua quá trình gian khổ, lao động vất vả thì mới đi tới vinh quang. Nhưng cũng chưa hẳn là vinh quang vì vạn vật tồn tại trên thế gian này chỉ là tương đối, không có cái gì là tuyệt đối cả. Nếu như hôm nay thế này, thì ngày mai lại là thế khác… Hỉ, nộ, ái, ố… đó là cuộc sống.



Bài đã đăng tại:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140121/tieu-thuyet-cua-mot-nha-bao-o-bac-lieu.aspx