Cuộc chiến ở bán đảo xanh là tiểu thuyết đầu tay của nhà báo Nguyễn Việt Sử, làm việc ở Báo Bạc Liêu với bút danh Việt Sử. Sách do NXB Trẻ ấn hành vào đầu quý 1/2014 sau tập truyện ký Phía sau những con người bình dị của cùng tác giả in năm 2012.
Lam Thạnh vào những năm 80 của thế kỷ 20 chỉ sản xuất độc canh cây lúa… Nhiều người quanh năm phải đi làm thuê, làm mướn để kiếm sống. Hộ khá hơn chỉ đủ lúa ăn trong gia đình trong một năm, số lúa dư ra thì Ban nông nghiệp xã đo bồ và bắt phải bán cho Nhà nước để lấy tem, phiếu hàng hóa…
Từ cái cảnh đo bồ, không ít hộ nông dân có lúa dư ban đêm phải đào hầm cất giấu. Vậy mà cũng bị ấp, xã phát hiện, bắt họ phải bán hết số lúa dư cho nhà nước. Vì thiếu lương thực, nhiều gia đình phải ăn cháo độn rau. Cứ sau mỗi vụ mùa, gần như mỗi nhà đều xuống xuồng để chèo chống về tận rừng đước để đốn củi, bắt ba khía, hoặc qua tận miệt U Minh Thượng để đốn sậy, chặt cây tràm bán lấy tiền mua gạo…
Như bao vùng quê khác, thời kỳ bao cấp, Lam Thạnh có biết bao nhiêu chuyện kỳ quái nhưng không ai xử. Cán bộ xã, ấp vô tư quy chụp, gán ghép đổ trút lên đầu người dân. Những cán bộ nào không cùng phe cánh chỉ cần cán bộ có chức có quyền phán cho một câu xem như giũ áo về quê cắm câu.
Đó là những chuyện ở Cà Mau, Bạc Liêu cũng như ở nhiều địa phương khác của hơn 30 năm trước, bối cảnh mà tác giả dựa vào để hư cấu nên cuốn tiểu thuyết này. Có thể nói, Cuộc chiến ở bán đảo xanh là tiểu thuyết của dòng hiện thực phê phán theo kiểu truyền thống, lấy chân - thiện - mỹ làm nền. Đó là cuộc đấu tranh dai dẳng và khắc nghiệt để giành lấy công lý cho những người nông dân nghèo vốn thấp cổ bé họng trong một vùng quê giàu truyền thống cách mạng vừa thoát ra từ chiến tranh dấn thân vào cuộc sống mới.
Trong tuyến nhân vật chính của tiểu thuyết có Út Vinh, một nhà báo trẻ của tỉnh nhà, người muốn đưa ra ánh sáng bao nỗi đoạn trường của quê hương mình với nhiều thăng trầm và ngộ nhận. Theo đó là những nhân vật thiện và ác rạch ròi đầy “cá tính” đến mức thành “quái kiệt” ít thấy ở những địa phương khác. Như nhận xét của nhà văn Lê Đình Trường trong Lời bạt tiểu thuyết này: Có những nhân vật mà hành vi của họ thuộc hàng quái kiệt, độc giả không ngờ được hoàn cảnh xã hội đưa đẩy, nhào nặn ra tính cách các nhân vật ấy. Những món quà đầy ngụ ý, biểu trưng của sự ám chỉ của Sáu Núi gửi tặng đồng chí bí thư tỉnh; Sáu Mấy đã từng đọc qua 52 cuốn Lê-nin toàn tập… Và: Sự hỗn mang là mảnh đất màu mỡ cho những bất công, những chủ trương ấu trĩ; những sự chống lưng của một số người có chức có quyền, nảy sinh cường hào mới ở nông thôn, dẫn đến sự chi phối mạnh mẽ của địa chủ mới trong đời sống nông thôn thời bấy giờ.
Cuộc chiến ở bán đảo xanh chỉ dày 162 trang nhưng ngồn ngộn những mảng hiện thực như vậy, có cả một chuyện tình trắc trở, thành ra hấp dẫn người đọc. Nhà báo Việt Sử gửi gắm gì trong cuốn tiểu thuyết này? Anh trả lời chúng tôi qua email: Gởi gắm của tôi thì nhiều nhưng tựu trung là trong cuộc sống, dù làm bất kỳ việc gì, giữ cấp bậc cao đến đâu cũng phải cư xử với nhau có tình người và tử tế.
Nghề báo đã để lại nhiều dấu ấn trong tiểu thuyết này, nhất là ở văn phong rạch ròi, tỉnh táo. Và cũng qua trải nghiệm của một người làm báo, vào cuối truyện, tác giả đã để cho nhân vật chính của mình, Út Vinh, thốt lên những lời đầy ám ảnh này: Nghề nào cũng vậy, phải trải qua quá trình gian khổ, lao động vất vả thì mới đi tới vinh quang. Nhưng cũng chưa hẳn là vinh quang vì vạn vật tồn tại trên thế gian này chỉ là tương đối, không có cái gì là tuyệt đối cả. Nếu như hôm nay thế này, thì ngày mai lại là thế khác… Hỉ, nộ, ái, ố… đó là cuộc sống.
Bài đã đăng tại:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140121/tieu-thuyet-cua-mot-nha-bao-o-bac-lieu.aspx
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét