Thứ Tư, 22 tháng 1, 2014

GS.TS Võ Tòng Xuân: Đại học Nam Cần Thơ phục vụ nhu cầu phát triển nhân lực dài hạn và cấp tốc của ĐBSCL


Sau Đại học Tây Đô ra đời năm 2006, Cần Thơ có thêm trường đại học tư thục thứ hai, Đại học Nam Cần Thơ, khai giảng khóa đầu tiên ngày 30-10-2013, nhân kỷ niệm 10 năm TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương. Tết này, báo Cần Thơ phỏng vấn GS.TS VÕ TÒNG XUÂN - thành viên Hội đồng Sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Quyền Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ, xoay quanh chuyện này…

* Thưa Giáo sư, Đại học Nam Cần Thơ ra đời trong dịp kỷ niệm 10 năm TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương. Dường như đây là chuyện tất nhiên của ĐBSCL? 

GS.TS Võ Tòng Xuân
- GS.TS VÕ TÒNG XUÂN: Trường Đại học Nam Cần Thơ ra đời vào lúc nhân loại đang đi vào thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21; nước ta đang đối đầu với những thách thức gia nhập toàn cầu, đặc biệt với cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015. Ngay từ những năm đầu của thiên niên kỷ mới, ranh giới giữa các quốc gia trên thế giới đang bị lu mờ vì tác động của mậu dịch tự do và sự phát triển thần tốc của công nghệ thông tin và tin học. Dân của các nước sẽ chỉ còn những người biết quản lý và người không biết quản lý. Đây là một thách thức lớn đối với nước ta và với nền giáo dục Việt Nam nói riêng, phải đào tạo cho được những người lao động tương lai có đủ khả năng hội nhập kinh tế thế giới.   

Thời gian qua, dư luận xã hội đã nhận xét, nền giáo dục Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đang bị tụt hậu so với những vùng khác trong nước và thế giới. Chất lượng học sinh phổ thông tham dự các cuộc thi tuyển quốc gia vào các trường đại học chưa được cải tiến đáng kể. Chất lượng học sinh và sinh viên tốt nghiệp từ các trường cao đẳng và đại học vẫn còn phải cải tiến nhiều hơn nữa mới bảo đảm có được việc làm khi ra trường. Đây là nỗi lo chung của tất cả những ai có trách nhiệm trong sự nghiệp giáo dục. 

Rất may mắn là sau cuộc đổi mới thứ nhất bằng chính sách phát triển nông nghiệp theo kinh tế thị trường, đất nước ta sắp đổi mới lần thứ hai với chính sách “Đổi mới giáo dục cơ bản và toàn diện” của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI. Trường Đại học Nam Cần Thơ sẽ vận dụng chính sách đổi mới này hiệu quả nhất.   

* Như vậy Đại học Nam Cần Thơ sẽ đi theo mô hình nào? 

- GS.TS VÕ TÒNG XUÂN: Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) cho phép trường tuyển sinh chính quy đa cấp và đa ngành, một loại hình đào tạo giống như ở Hoa Kỳ là mỗi vùng lớn trong tiểu bang đều có một trường đại học cộng đồng có đủ các chương trình đào tạo vừa dài hạn vừa ngắn hạn, phục vụ nhu cầu phát triển nhân lực dài hạn và cấp tốc của vùng. 

Do trường mới thành lập, nên trong năm đầu tiên, trường tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển. Bậc đại học, cao đẳng tổ chức xét tuyển từ kết quả thi đại học và cao đẳng theo đề chung của Bộ GD-ĐT. Bậc trung cấp chuyên nghiệp, trường nhận hồ sơ xét tuyển từ học sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc đã học hết chương trình THPT nhưng chưa tốt nghiệp. Ở khóa 1 này, với hơn 2.000 thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển, đã có 968 thí sinh trúng tuyển vào các bậc học ở các ngành dược sỹ, kiến trúc, kế toán, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, kỹ thuật công trình xây dựng, luật, địa chính, y sỹ…

Hiện nay, trường cũng đang liên kết với Đại học Ngân hàng TP.HCM đào tạo trình độ thạc sĩ ngành tài chính ngân hàng và liên kết với Đại học Vinh đào tạo trình độ đại học văn bằng 2 và hệ vừa làm vừa học các ngành luật, quản lý đất đai, quản lý tài nguyên và môi trường, kỹ thuật xây dựng công trình giao thông và công nghệ thực phẩm.

Cắt băng khánh thành Đại học Nam Cần Thơ


* Đó là những ngành mà thực tế đang cần. Nhưng phương pháp giảng dạy thì có đổi mới nhiều không, thưa Giáo sư? 

- GS.TS VÕ TÒNG XUÂN: Trước tiên, trường sẽ tập trung cải tiến phương pháp giảng dạy. Nội dung chính là đổi mới phương pháp soạn giáo trình và giáo án để sinh viên có tài liệu tham khảo và vận dụng tính sáng tạo của họ; hướng dẫn sinh viên tự học, tự tìm tòi các tài liệu để học cho hiểu, nhớ và có nhiều dịp thực tập để vận dụng cho được trong thực tế. Trong trường Đại học Nam Cần Thơ sẽ không còn cảnh vào lớp thầy cô đọc cho sinh viên chép bài, không còn cảnh sinh viên học ngốn mớ chữ chép trong tập để đi thi. Thay vào đó, sinh viên sẽ có các giáo trình, giáo án, các bài tập được in ra và ghi trên mạng Intranet của trường.

Từng bước, mỗi cán bộ giảng dạy và các sinh viên sẽ tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng ĐBSCL, đặc biệt là TP Cần Thơ. Chúng tôi sẽ bám sát các sở khoa học công nghệ và môi trường của các thành phố và tỉnh, vụ khoa học và kỹ thuật của các bộ ngành trung ương và các tổ chức khoa học quốc tế để thực hiện các đề tài khoa học.

Song song với học tập rèn luyện chuyên môn, thanh niên sinh viên cũng sẽ được tạo điều kiện rèn luyện thể lực và văn nghệ bên cạnh những hoạt động về Đảng và đoàn thể.

* Vậy thì trước tiên nhà trường cần phải có đội ngũ giảng viên tương xứng?  

- GS.TS VÕ TÒNG XUÂN: Hiện nay, đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường Đại học Nam Cần Thơ có 132 người; trong đó có 116 giảng viên cơ hữu, gồm 1 GS.TS, 6 PGS.TS, 9 TS, 1 nghiên cứu sinh, 90 thạc sĩ, 4 học viên cao học và 5 cử nhân. Nhưng muốn thực hiện được các mặt chuyên môn như tôi vừa nói thì Đại học Nam Cần Thơ phải có cán bộ có khả năng. Nhu cầu nhân lực chuyên môn là rất bức xúc trong giai đoạn mở đầu này. Do đó, một mặt chúng tôi thuyết phục nhân tài về cộng tác với trường, một mặt chúng tôi tranh thủ sự giúp đỡ của các trường đàn anh đồng thời chuẩn bị cho đi đào tạo và bồi dưỡng nâng cấp trình độ giảng viên mới để phục vụ tốt nhất cho sinh viên.  

* Trong mô hình đại học cộng đồng này, học sinh và sinh viên cùng chung môi trường học tập. Giáo sư có lời khuyên gì với các bạn trẻ ở đây không?  

- GS.TS VÕ TÒNG XUÂN: Tôi muốn nói như vầy, vào đời sinh viên ở đây, các em sẽ được tạo điều kiện để học cho thành công thật sự. Các em không chỉ học vì bằng cấp mà học vì kiến thức, kỹ năng, rèn luyện chân tài trong suốt thời gian dưới mái trường này. Các em sẽ học các ngành chuyên môn mà mình đã chọn, và thêm vào kiến thức chuyên môn đó, các em sẽ học nhuần nhuyễn kỹ năng nghe, hiểu và nói một ngoại ngữ, nhất là Anh ngữ và kỹ năng ứng dụng tin học trong nghề nghiệp và cuộc sống hàng ngày của mình. 

Đại học Nam Cần Thơ - Ảnh: Lạc Long


Như tôi đã nói, trong thế kỷ 21, thế giới sẽ chỉ còn người biết quản lý và người không biết quản lý. Trong thanh niên, học sinh và sinh viên sẽ không phân biệt ai là con nhà nghèo và ai là con nhà khá giả mà chỉ có ai là người có chí học hành, ai là người không chí học hành. Các em không thể đổ thừa vì gia đình khó khăn, đất nước khó khăn mà không học giỏi được. Tiểu sử của nhiều danh nhân xưa nay phần lớn đều bắt đầu từ thuở hàn vi. Là thanh niên của thời đại, các em phải tập cho mình một đức tánh luôn luôn chủ động, sáng tạo ở trong mọi tình huống; đừng để mình bị động, đừng than thân trách phận, phải luôn luôn phát huy mặt mạnh của mọi tình huống để mình có nghị lực tiếp tục học hỏi không ngừng. 

* Giáo sư có thể cho biết, ngay sau Tết này, nhà trường sẽ làm tiếp chuyện gì để giúp các bạn trẻ đi theo hướng đó? 

- GS.TS VÕ TÒNG XUÂN: Các doanh nhân đã đầu tư hơn 60 tỉ đồng cho cơ sở khang trang hiện nay ở giai đoạn 1 của nhà trường. Theo kế hoạch, trường sẽ đầu tư tiếp 50 tỉ đồng xây dựng khu ký túc xá có sức chứa khoảng 2.000 sinh viên và dự kiến giữa năm 2014 sẽ hoàn thành. Ngoài ra, trường cũng sẽ xây dựng thư viện điện tử, có thể hoạt động vào khoảng giữa năm 2015.

* Xin cảm ơn Giáo sư.      


* Bài đã đăng báo Cần Thơ Xuân Giáp Ngọ 2014

Không có nhận xét nào: