Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2016

Khi Đại học Cần Thơ kết nối với Cà Mau



(TBKTSG Online) - PGS.TS. Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ trả lời TBKTSG Online về việc liên kết với tỉnh Cà Mau trong đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học.


PGS.TS. Hà Thanh Toàn đang giới thiệu về vị trí tỉnh Cà Mau trên bản đồ ĐBSCL.

TBKTSG Online: Theo ông, Cà Mau có vị thế ra sao trong 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL?


- PGS.TS. Hà Thanh Toàn: Cà Mau có một vị trí rất đặc biệt, ở chóp mũi của đất nước với hai nguồn tài nguyên quý giá là hệ thống rừng phòng hộ, bảo vệ hệ thống sinh quyển và nguồn tài nguyên biển lớn nhất ĐBSCL. Trong số gần 700 km bờ biển ĐBSCL thì Cà Mau chiếm một phần ba. Nhưng vị trí này cũng dẫn tới khó khăn khi Cà Mau đang ở trong xu thế bị tác động mạnh của biến đổi khí hậu; xâm nhập mặn có thể bao phủ toàn bộ Cà Mau.


TBKTSG Online: Vậy làm sao để Cà Mau phát huy được lợi thế và hạn chế rủi ro?

- Từ đặc thù của Cà Mau như vậy, theo tôi, sắp tới cốt lõi là làm sao tăng được nguồn thu từ việc khai thác và bảo tồn tổng hợp nguồn tài nguyên của rừng và của biển Cà Mau. Trong nghị quyết của Đảng bộ tỉnh mới đây có xác định khâu đột phá là xây dựng cho được đội ngũ nguồn nhân lực đủ mạnh cho năm năm tới.


TBKTSG Online: Thưa ông, trường Đại học Cần Thơ tham gia “khâu đột phá” này của Cà Mau ra sao?

- Theo đặt hàng của UBND tỉnh, trường Đại học Cần Thơ đang hỗ trợ Cà Mau xây dựng chiến lược chuyển đổi kinh tế, trong đó có xây dựng lại quy hoạch tổng thể một số ngành nghề đáp ứng với tình hình mới. Để có được nguồn nhân lực thực hiện các chương trình này, phải có chiến lược về đào tạo.

Đào tạo ở đây có hai loại. Thứ nhất là đào tạo cho đội ngũ cán bộ có sẵn; phải nâng cấp trình độ, cập nhật kiến thức đạt chuẩn về chức danh, chuẩn về hội nhập để đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới. Như vậy phải có kế hoạch đào tạo, huấn luyện ngắn hạn hoặc huấn luyện chuyên môn để đáp ứng nhu cầu công việc của cán bộ, công chức hiện tại.

Thứ hai là phải có kế hoạch đào tạo cho đội ngũ kế thừa, cán bộ mới. Để làm được điều này, hiện Cà Mau có một nguồn lực là sinh viên quê Cà Mau đang học tại Đại học Cần Thơ. Trong số gần 33.000 sinh viên chính quy của Đại học Cần Thơ, có 2.670 sinh viên Cà Mau. Với đội ngũ này, nếu chúng ta có một chiến lược thu hút các em về phục vụ quê nhà thì sẽ giải quyết vấn đề nhân lực trong lộ trình từ nay tới năm năm tới.

Có thể đặt hàng hoặc có chiến lược thu hút họ. Thí dụ làm một chiến lược đơn giản là chọn sinh viên năm cuối học khá giỏi trở lên, cấp học bổng từ năm trăm ngàn đến một triệu đồng mỗi tháng với cam kết sinh viên đó học xong trở về phục vụ 5 năm cho tỉnh. Như vậy hàng năm, như năm nay, trong 2.670 sinh viên quê Cà Mau với tỷ lệ tốt nghiệp khoảng 70%, thì chắc chắn Cà Mau sẽ có được đội ngũ mới giúp xây dựng lực lượng kế thừa, được đào tạo có chất lượng.

Riêng đối với những ngành nghề chuyên môn sâu, để có đội ngũ cao hơn thì Cà Mau có thể chọn từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc gửi đi học tiếp thạc sĩ, tiến sĩ. Trong chương trình Mekong-1000, Cà Mau cũng có từ 50-100 người đi dào tạo theo hướng này để có đội ngũ cán bộ chất lượng cao.

Ngoài ra, hiện nay trường Đại học Cần Thơ cũng có những chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu của địa phương. Thí dụ, có hai tiêu chí để cán bộ, công chức đạt chuẩn là phải có tiếng Anh và tin học. Tiếng Anh phải có bằng A2 trong sáu bậc theo chuẩn châu Âu thì vừa qua trường đã đào tạo cho gần 1.000 cán bộ, công chức ở Cà Mau đạt chứng chỉ này. Tương tự sắp tới là về tin học và một loạt các chứng chỉ khác như về quản lý kinh tế, tài chánh... sẽ được đào tạo và cấp chứng chỉ bởi Đại học Cần Thơ.

Như vậy, nếu tỉnh Cà Mau lên kế hoạch mỗi năm cần học bao nhiêu người để “đặt hàng” thì trường Đại học Cần Thơ sẵn sàng đáp ứng tiếp.


TBKTSG Online: Còn về nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật, sự hợp tác giữa hai bên ra sao?

- Riêng với vấn đề nghiên cứu khoa học, hiện nhà trường đang chuẩn bị tổng kết hợp tác giữa Đại học Cần Thơ và tỉnh Cà Mau. Qua hiệu quả những đề tài đã làm và lên kế hoạch đáp ứng những nhu cầu mới do Cà Mau đặt ra thì các nhà khoa học của Đại học Cần Thơ sẵn sàng chuyển những đề tài đó thành những dự án theo nhu cầu khác nhau, giải quyết những vấn đề từ cấp xã, huyện, tỉnh bằng nhiều nguồn lực khác nhau. Trường sẵn sàng cung cấp các nhà khoa học để làm với tỉnh. Nếu có quy mô lớn hơn để giải quyết vấn đề của cả tỉnh, chúng tôi sẽ kéo các dự án quốc tế vào để giải quyết.


TBKTSG Online: Riêng việc hợp tác về kinh tế với Cà Mau, Đại học Cần Thơ có cách làm nào khác hơn?

- Đại học Cần Thơ đang nối kết trực tiếp với nhiều doanh nghiệp về hợp tác đào tạo, đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp. Thí dụ, Đạm Cà Mau đã liên kết với Đại học Cần Thơ đặt hàng tập huấn về kỹ thuật chuyên môn nghiệp vụ cho các phòng ban chức năng. Nhiều doanh nghiệp thủy sản cũng đã đặt hàng Đại học Cần Thơ cung cấp kỹ sư mới ra trường cho họ. Chỉ có cách nối kết đó, doanh nghiệp mới thu hút được sinh viên giỏi về cho mình; cách làm này mình mới làm nhưng các doanh nghiệp quốc tế đã làm lâu rồi.

Thứ nữa, nếu các phòng ban chức năng của tỉnh Cà Mau cần một đầu mối để nối kết các viện trường để giải quyết các vấn đề của tỉnh thì áp dụng kinh nghiệm của Đồng Tháp hiện nay là tốt nhất. Ở Đồng Tháp, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học thì tỉnh giao Sở Khoa học - Công nghệ làm đầu mối; đào tạo con người thì Sở Nội vụ làm tư vấn cho ủy ban, tỉnh ủy. Hai đơn vị này làm đầu mối liên kết với Đại học Cần Thơ; họ chủ động, giao cho người có trách nhiệm, tâm huyết và định kỳ giám sát tất cả. Kinh nghiệm này Đồng Tháp đã làm với Đại học Cần Thơ bảy năm rồi; mô hình này thể hiện rất rõ sự năng động của đội ngũ cán bộ trong tỉnh.

Tỉnh Hậu Giang cũng vậy. Từ khi Hậu Giang tách tỉnh, lãnh đạo tỉnh này đã đặt hàng Đại học Cần Thơ về đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học. Hiện nay, khoảng 70% cán bộ quản lý của Hậu Giang là tốt nghiệp từ Đại học Cần Thơ.

Với Cà Mau, nhiều huyện đang chủ động tìm nguồn cán bộ cho mình. Hai năm trước, chúng tôi cũng đã đến với huyện U Minh, ký hợp tác toàn diện với huyện thực hiện năm đề án, trong đó có quy hoạch lại toàn bộ huyện trong tình hình mới có tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; rồi đề án chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giải quyết nguồn nhân lực. Vừa rồi, chúng tôi ký kết tiếp với huyện Thới Bình. Hai năm trước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau cũng đã đặt hàng Đại học Cần Thơ về giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế Cà Mau. Chúng tôi đã gửi cán bộ xuống sở để cùng làm.


TBKTSG Online: Ông có thêm đề nghị gì với lãnh đạo tỉnh Cà Mau trong việc hợp tác này?

- Tôi mong muốn lãnh đạo tỉnh Cà Mau có chủ trương chung cho tất cả các ban ngành và huyện thị trong tỉnh, giao quyền tự chủ cho từng đơn vị đặt hàng trực tiếp với các nhà khoa học của Đại học Cần Thơ, Viện Lúa ĐBSCL hay các trường đại học của TPHCM để giải quyết những vấn đề kinh tế xã hội của mình. Hoặc là tỉnh đứng ra làm đầu mối mời Đại học Cần Thơ, Đại học Quốc gia TPHCM... xuống làm liên kết đào tạo và nghiên cứu khoa học, giải quyết những chuyên đề của tỉnh như vừa rồi hai trường chúng tôi đã làm với tỉnh Hậu Giang. Chúng tôi sẵn sàng thực hiện. Chúng tôi mạnh nhất về thủy sản mà thủy sản là thế mạnh lớn nhứt của Cà Mau trong kinh tế biển.

Bài đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/154221/

Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2016

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Cái tên bảo chứng cho lượng độc giả


Văn Thành Lê


Đúng 9h, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư bước vào lầu 2, Trung tâm Sách Kim Đồng, là nơi diễn ra buổi ký tặng độc giả nhân tập tản văn Biển của mỗi người và tập truyện Xa xóm Mũi được NXB Kim Đồng tái bản. Gương mặt mộc. Áo sơ mi bỏ trong quần jean. Vai khoác ba lô. Và nụ cười miệt vườn chân chất. Nhà văn xuất hiện trước mọi người, giản dị và gần gũi. 


1. 

Sau lời chào ngắn gọn, cảm ơn sự hiện diện của cô chú, anh chị và các bạn trẻ, Nguyễn Ngọc Tư ngồi vào bàn, ký liên tục gần 3 giờ đồng hồ. Dòng người xếp hàng, từ độc giả 9 tuổi đến độc giả gần gấp 9 lần tuổi ấy, háo hức và hân hoan. 

Nhiều bạn trẻ, tưởng chừng chỉ thích ngôn tình lướt thướt mưa bay cuồng quay sến sẩm đã đến với nhà văn rất chân thành. Mỗi độc giả, ngoài chữ ký vào những cuốn sách mới và cũ là vài câu hỏi thân mật với nhà văn, sau đó tạo dáng chụp hình. Không phân biệt được là độc giả vui khi gặp nhà văn hay nhà văn vui khi gặp độc giả. Có lẽ là cả hai!

Nhà thơ Cao Xuân Sơn, Giám đốc Chi nhánh NXB Kim Đồng tại TP Hồ Chí Minh thở phào: "Đẹp. Quá đẹp. Lúc tám rưỡi anh vào, nhìn nhà để xe mới lèo tèo vài xe, tưởng bể rồi. Thế mà nhoằng cái, hàng xếp mãi vẫn không hết. Nguyễn Ngọc Tư vẫn là cái tên bảo chứng cho lượng độc giả". Không chỉ mình nhà thơ Cao Xuân Sơn lo, bản thân tôi là người làm công tác tổ chức, cũng lo. 

Trước đấy, chưa đầy một tuần, sau khi nâng lên đặt xuống, điều lịch qua chỉnh lịch lại, chúng tôi mới quyết định ngày diễn ra sự kiện và bắt tay vào làm truyền thông. Một vài báo đưa tin. Mạng xã hội được tận dụng tối đa. Có phần cập rập.


Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.


2. 

Nguyễn Ngọc Tư được biết đến từ giải Nhất cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần thứ 2 năm 2000, với tập truyện mỏng, hạn chế về dung lượng chữ nhưng ăm ắp tình người, là Ngọn đèn không tắt. Chánh chủ khảo lần ấy, ông chủ của Chiếc lược ngà, nhà văn Nguyễn Quang Sáng khẳng định: "Qua ngòi bút của Nguyễn Ngọc Tư, những con người lam lũ, giản dị, bộc trực chứa bên trong cả một tâm hồn vừa nhân hậu vừa tinh tế qua cách đối nhân xử thế. Ngọn đèn không tắt là tập truyện vừa hấp dẫn vừa thuyết phục, xứng đáng đoạt giải Nhất". 

Nhưng Nguyễn Ngọc Tư chỉ thật sự "không tắt" sau Cánh đồng bất tận. Truyện vừa này ban đầu được in dài kỳ trên báo Văn nghệ. Và lặn vào lặng thinh như chính tờ báo của giới văn chương cả nước này trong đời sống hiện nay. Chỉ khi Tuổi Trẻ Cuối tuần in lại mới bắt đầu gây xôn xao. Các nhà chuyên môn vào cuộc. Hội Nhà văn vào cuộc. 

Tập truyện được trao giải thưởng Hội Nhà văn, như một lời khẳng định đây là tác phẩm văn chương thực sự, và quan trọng, là hay. Không thể nhìn tác phẩm văn chương như cách dùng kính hiển vi soi vi trùng của các nhà sinh học. 

Tiếp đến, Cánh đồng bất tận nhận giải thưởng Văn học ASEAN, là giải thưởng trước giờ thường thuộc về các cây đa cây đề, sống gần trung ương, như Tố Hữu, Nguyễn Khải, Nguyễn Kiên, Hữu Thỉnh, Đỗ Chu, Trần Đăng Khoa, Ma Văn Kháng, v.v…, chứ không "nghìn trùng xa cách" như Nguyễn Ngọc Tư.

Không dừng lại ở đấy, vài năm sau Cánh đồng bất tận làm nên cơn sốt phòng vé, khi được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên. Rõ ràng điện ảnh là bài toán khác. Nhưng không thể phủ nhận bản thân Cánh đồng bất tận là yếu tố cộng hưởng kéo khán giả vào rạp. Nhiều người đọc đến rạp với tâm thế để xem "cánh đồng" trên phim thế nào, có "bất tận" như truyện không? 

Giờ đây Cánh đồng bất tận đã chạm mốc 150.000 bản in. Con số mà bất kể nhà văn Việt nào mơ giữa ban ngày cũng khó thấy. Đây chắc chắn chưa phải con số cuối cùng. Và trong khoảng đợi truyện từ mặt giấy lên màn ảnh lớn, Nguyễn Ngọc Tư liên tục "nhảy" như kiểu vận động viên chạy 100m vượt rào, với mỗi năm một đầu sách, thậm chí nhiều hơn. Có thể điểm vài tập truyện/ tiểu thuyết là Giao thừa, Sầu trên đỉnh Puvan, Gió lẻ và 9 câu chuyện khác, Khói trời lộng lẫy, Sông, Đảo, Không ai qua sông.

Có dạo Nguyễn Ngọc Tư "bao" trang tản văn trên báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh số Chủ nhật, sau lan sang một số tờ báo khác. Đều đặn. Đắm đuối. Nếu như ngoài Bắc có tản văn Nguyễn Việt Hà, hào hoa, bay bổng, khinh bạc, giàu mùi kiếm hiệp lắm tích truyện Tàu, thì trong Nam là tản văn Nguyễn Ngọc Tư, da diết, chân chất nhưng không thiếu độ quái với cái nhìn sắc lẻm. 

Kết quả là để liệt kê đầy đủ các tập tản văn của chị e là không dễ, vì quá nhiều. Tôi chỉ có thể kể ngẫu nhiên, như Biển của mỗi người, Ngày mai của những ngày mai, Bánh trái mùa xưa, Yêu người ngóng núi, Gáy người thì lạnh, Đong tấm lòng…

3. 

Sáng ấy trời Sài Gòn nhẹ tênh. Hanh hao nắng và hớt hơ gió. Sau khi ổn định công tác tổ chức, tôi được giao nhiệm vụ đi đón nhà văn Nguyễn Ngọc Tư từ khách sạn về địa chỉ 248 Cống Quỳnh, nơi diễn ra sự kiện.

Tôi gọi điện, chị nói không cần đón cầu kì thế, chị có thể tự qua được. Tôi đùa, nói để em đón, chị đi một mình lỡ bị bắt cóc thì tổn hại đến nguyên khí quốc gia. Em sẽ dẫn chị đi đường tắt để không bị những fan cuồng phát hiện. Y hẹn. Mười phút sau tôi đón chị ở sảnh khách sạn. Đây là lần đầu tiên tôi được diện kiến nhà văn, chủ sở hữu của những trang văn được xem là đặc sản của miền sông nước miền Tây. Không khác nhiều với hình dung, chị dễ gần và thân thiện. 

Taxi vừa lăn bánh tôi liền chìa hai cuốn sách mới về phía chị, nhờ chị ký tặng, nói chị ký đề - pa để lát ký cho độc giả đẹp hơn. Trước đấy, phòng truyền thông đặt vấn đề muốn nhà văn Nguyễn Ngọc Tư giao lưu với độc giả 20 - 30 phút trước khi ký tặng. Nhưng chị từ chối. Chỉ ký tặng. Không giao lưu. Rõ ràng và kiên định. 
Như vậy thì hơi khó cho những người tổ chức chương trình. Chúng tôi lo sợ buổi ký tặng trở nên đơn điệu, khó kéo được đông đảo người đọc. Nhưng tôi nhầm. Chỉ cần tên Nguyễn Ngọc Tư thôi là đủ để giải quyết sự hiện diện của độc giả và báo chí.


Một số tác phẩm mới xuất bản của Nguyễn Ngọc Tư.


4.

Nguyễn Ngọc Tư không lợi khẩu ở chỗ đông người. Dường như chị tự biết điều này nên hạn chế tương tác trực tiếp. Hay sau vài cuộc "kinh nghiệm xương máu" rồi nên chị muốn tránh? Nhưng theo dõi các bài phỏng vấn thì thấy, chị sắc sảo và chắc chắn. Thêm nữa là, không thiếu sự hài hước. Rất biết điểm huyệt và bật ngược người hỏi. 

Cứ như chị chủ động trước những câu hỏi chứ không phải bị động như thường thấy ở các nhân vật được hỏi. Viết đến đây tôi nhớ đến câu nói của Goethe: "Trí tuệ con người trưởng thành trong tĩnh lặng, còn tính cách trưởng thành trong bão táp". 

Cứ tưởng tượng, ông trời chỉ cho con người ta một "gói" diễn đạt nhất định, ngôn ngữ viết tốt thì ngôn ngữ nói sẽ hạn chế, và ngược lại. Số người sinh ra lúc ông trời ngủ quên nên vừa viết hay vừa nói giỏi thường không nhiều. Ông bà nhà mình thì nói: chim khôn thường giấu mỏ. 

Nhà văn Nguyễn Minh Châu là ví dụ điển hình, sinh thời ông rất sợ đám đông, có giai thoại kể rằng chỉ nói chuyện trước học sinh cũng khiến ông lúng túng. Ông chỉ tự tin trước trang giấy. Dù với người viết nhiều khi đấy là pháp trường trắng. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư dẫu không lúng túng so với tiền bối, nhưng chị không hào hứng. Có lẽ khôn khéo có sức nặng và chìm xuống, lặn vào câu chữ chứ không ra theo đường miệng. 

Trong bữa trưa nhẹ nhàng ít người sau sự kiện, mới thấy Nguyễn Ngọc Tư "quái" hơn tôi nghĩ. Chị ít nói. Nhưng nói câu nào chết câu ấy. Kiểu "đâm bị thóc chọc bị gạo" tỉnh bơ cho mọi người cười. Và nụ cười của chị thì có thể hóa giải mọi chuyện, có thể hiểu là cười trừ, là thân thiện, là xí xóa. Thật đến không thể thật hơn.
5. 14 giờ. Tôi chở chị ra bến xe khách. Ngồi sau xe, chị hỏi tôi đang đọc gì, đang viết gì? Hai câu hỏi quan trọng đối với mỗi người viết. Hỏi qua lại. Hóa ra Nguyễn Ngọc Tư ngốn sách kinh khủng hơn tôi tưởng. Cứ như chị đọc "báo thù" cho năm tháng trước đây. Và ở miền xa xôi nhất nước, nhưng tình hình văn chương chị vẫn cập nhật với nhiều tin nóng không phải ai cũng biết. Chị nói 6 giờ nữa sẽ về đến nhà. 

Tôi bảo, sao chị không về khuya, ngủ trên xe sáng ra về đến nơi. Chị bảo trên xe không ngủ được, đi như này về nhà ngủ vẫn hơn. Nhưng về khuya thân gái? Chị bảo, chị lo cho bến xe thôi chứ mình thì khỏi lo. Tôi chỉ biết cười. Đúng kiểu giỡn của bác Ba Phi. Đến bến xe, chị xách ba lô, nói: "Cảm ơn cưng!" rồi nhanh chóng lẫn vào đám đông hành khách. 

Từ "cưng" của người miền Tây sao mà ngọt. Cảm giác bâng lâng bảng lảng, tôi chạy xe ngược lại, qua hầm Thủ Thiêm, về nhà cuối tuần! Vậy là qua một sự kiện thật tròn và đầy, thật ấm và nồng, với nhà văn của miền sông nước miền Tây.


Bài đăng tại:
http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/Nha-van-Nguyen-Ngoc-Tu-Cai-ten-bao-chung-cho-luong-doc-gia-417609/