Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2016

Khi Đại học Cần Thơ kết nối với Cà Mau



(TBKTSG Online) - PGS.TS. Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ trả lời TBKTSG Online về việc liên kết với tỉnh Cà Mau trong đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học.


PGS.TS. Hà Thanh Toàn đang giới thiệu về vị trí tỉnh Cà Mau trên bản đồ ĐBSCL.

TBKTSG Online: Theo ông, Cà Mau có vị thế ra sao trong 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL?


- PGS.TS. Hà Thanh Toàn: Cà Mau có một vị trí rất đặc biệt, ở chóp mũi của đất nước với hai nguồn tài nguyên quý giá là hệ thống rừng phòng hộ, bảo vệ hệ thống sinh quyển và nguồn tài nguyên biển lớn nhất ĐBSCL. Trong số gần 700 km bờ biển ĐBSCL thì Cà Mau chiếm một phần ba. Nhưng vị trí này cũng dẫn tới khó khăn khi Cà Mau đang ở trong xu thế bị tác động mạnh của biến đổi khí hậu; xâm nhập mặn có thể bao phủ toàn bộ Cà Mau.


TBKTSG Online: Vậy làm sao để Cà Mau phát huy được lợi thế và hạn chế rủi ro?

- Từ đặc thù của Cà Mau như vậy, theo tôi, sắp tới cốt lõi là làm sao tăng được nguồn thu từ việc khai thác và bảo tồn tổng hợp nguồn tài nguyên của rừng và của biển Cà Mau. Trong nghị quyết của Đảng bộ tỉnh mới đây có xác định khâu đột phá là xây dựng cho được đội ngũ nguồn nhân lực đủ mạnh cho năm năm tới.


TBKTSG Online: Thưa ông, trường Đại học Cần Thơ tham gia “khâu đột phá” này của Cà Mau ra sao?

- Theo đặt hàng của UBND tỉnh, trường Đại học Cần Thơ đang hỗ trợ Cà Mau xây dựng chiến lược chuyển đổi kinh tế, trong đó có xây dựng lại quy hoạch tổng thể một số ngành nghề đáp ứng với tình hình mới. Để có được nguồn nhân lực thực hiện các chương trình này, phải có chiến lược về đào tạo.

Đào tạo ở đây có hai loại. Thứ nhất là đào tạo cho đội ngũ cán bộ có sẵn; phải nâng cấp trình độ, cập nhật kiến thức đạt chuẩn về chức danh, chuẩn về hội nhập để đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới. Như vậy phải có kế hoạch đào tạo, huấn luyện ngắn hạn hoặc huấn luyện chuyên môn để đáp ứng nhu cầu công việc của cán bộ, công chức hiện tại.

Thứ hai là phải có kế hoạch đào tạo cho đội ngũ kế thừa, cán bộ mới. Để làm được điều này, hiện Cà Mau có một nguồn lực là sinh viên quê Cà Mau đang học tại Đại học Cần Thơ. Trong số gần 33.000 sinh viên chính quy của Đại học Cần Thơ, có 2.670 sinh viên Cà Mau. Với đội ngũ này, nếu chúng ta có một chiến lược thu hút các em về phục vụ quê nhà thì sẽ giải quyết vấn đề nhân lực trong lộ trình từ nay tới năm năm tới.

Có thể đặt hàng hoặc có chiến lược thu hút họ. Thí dụ làm một chiến lược đơn giản là chọn sinh viên năm cuối học khá giỏi trở lên, cấp học bổng từ năm trăm ngàn đến một triệu đồng mỗi tháng với cam kết sinh viên đó học xong trở về phục vụ 5 năm cho tỉnh. Như vậy hàng năm, như năm nay, trong 2.670 sinh viên quê Cà Mau với tỷ lệ tốt nghiệp khoảng 70%, thì chắc chắn Cà Mau sẽ có được đội ngũ mới giúp xây dựng lực lượng kế thừa, được đào tạo có chất lượng.

Riêng đối với những ngành nghề chuyên môn sâu, để có đội ngũ cao hơn thì Cà Mau có thể chọn từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc gửi đi học tiếp thạc sĩ, tiến sĩ. Trong chương trình Mekong-1000, Cà Mau cũng có từ 50-100 người đi dào tạo theo hướng này để có đội ngũ cán bộ chất lượng cao.

Ngoài ra, hiện nay trường Đại học Cần Thơ cũng có những chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu của địa phương. Thí dụ, có hai tiêu chí để cán bộ, công chức đạt chuẩn là phải có tiếng Anh và tin học. Tiếng Anh phải có bằng A2 trong sáu bậc theo chuẩn châu Âu thì vừa qua trường đã đào tạo cho gần 1.000 cán bộ, công chức ở Cà Mau đạt chứng chỉ này. Tương tự sắp tới là về tin học và một loạt các chứng chỉ khác như về quản lý kinh tế, tài chánh... sẽ được đào tạo và cấp chứng chỉ bởi Đại học Cần Thơ.

Như vậy, nếu tỉnh Cà Mau lên kế hoạch mỗi năm cần học bao nhiêu người để “đặt hàng” thì trường Đại học Cần Thơ sẵn sàng đáp ứng tiếp.


TBKTSG Online: Còn về nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật, sự hợp tác giữa hai bên ra sao?

- Riêng với vấn đề nghiên cứu khoa học, hiện nhà trường đang chuẩn bị tổng kết hợp tác giữa Đại học Cần Thơ và tỉnh Cà Mau. Qua hiệu quả những đề tài đã làm và lên kế hoạch đáp ứng những nhu cầu mới do Cà Mau đặt ra thì các nhà khoa học của Đại học Cần Thơ sẵn sàng chuyển những đề tài đó thành những dự án theo nhu cầu khác nhau, giải quyết những vấn đề từ cấp xã, huyện, tỉnh bằng nhiều nguồn lực khác nhau. Trường sẵn sàng cung cấp các nhà khoa học để làm với tỉnh. Nếu có quy mô lớn hơn để giải quyết vấn đề của cả tỉnh, chúng tôi sẽ kéo các dự án quốc tế vào để giải quyết.


TBKTSG Online: Riêng việc hợp tác về kinh tế với Cà Mau, Đại học Cần Thơ có cách làm nào khác hơn?

- Đại học Cần Thơ đang nối kết trực tiếp với nhiều doanh nghiệp về hợp tác đào tạo, đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp. Thí dụ, Đạm Cà Mau đã liên kết với Đại học Cần Thơ đặt hàng tập huấn về kỹ thuật chuyên môn nghiệp vụ cho các phòng ban chức năng. Nhiều doanh nghiệp thủy sản cũng đã đặt hàng Đại học Cần Thơ cung cấp kỹ sư mới ra trường cho họ. Chỉ có cách nối kết đó, doanh nghiệp mới thu hút được sinh viên giỏi về cho mình; cách làm này mình mới làm nhưng các doanh nghiệp quốc tế đã làm lâu rồi.

Thứ nữa, nếu các phòng ban chức năng của tỉnh Cà Mau cần một đầu mối để nối kết các viện trường để giải quyết các vấn đề của tỉnh thì áp dụng kinh nghiệm của Đồng Tháp hiện nay là tốt nhất. Ở Đồng Tháp, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học thì tỉnh giao Sở Khoa học - Công nghệ làm đầu mối; đào tạo con người thì Sở Nội vụ làm tư vấn cho ủy ban, tỉnh ủy. Hai đơn vị này làm đầu mối liên kết với Đại học Cần Thơ; họ chủ động, giao cho người có trách nhiệm, tâm huyết và định kỳ giám sát tất cả. Kinh nghiệm này Đồng Tháp đã làm với Đại học Cần Thơ bảy năm rồi; mô hình này thể hiện rất rõ sự năng động của đội ngũ cán bộ trong tỉnh.

Tỉnh Hậu Giang cũng vậy. Từ khi Hậu Giang tách tỉnh, lãnh đạo tỉnh này đã đặt hàng Đại học Cần Thơ về đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học. Hiện nay, khoảng 70% cán bộ quản lý của Hậu Giang là tốt nghiệp từ Đại học Cần Thơ.

Với Cà Mau, nhiều huyện đang chủ động tìm nguồn cán bộ cho mình. Hai năm trước, chúng tôi cũng đã đến với huyện U Minh, ký hợp tác toàn diện với huyện thực hiện năm đề án, trong đó có quy hoạch lại toàn bộ huyện trong tình hình mới có tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; rồi đề án chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giải quyết nguồn nhân lực. Vừa rồi, chúng tôi ký kết tiếp với huyện Thới Bình. Hai năm trước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau cũng đã đặt hàng Đại học Cần Thơ về giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế Cà Mau. Chúng tôi đã gửi cán bộ xuống sở để cùng làm.


TBKTSG Online: Ông có thêm đề nghị gì với lãnh đạo tỉnh Cà Mau trong việc hợp tác này?

- Tôi mong muốn lãnh đạo tỉnh Cà Mau có chủ trương chung cho tất cả các ban ngành và huyện thị trong tỉnh, giao quyền tự chủ cho từng đơn vị đặt hàng trực tiếp với các nhà khoa học của Đại học Cần Thơ, Viện Lúa ĐBSCL hay các trường đại học của TPHCM để giải quyết những vấn đề kinh tế xã hội của mình. Hoặc là tỉnh đứng ra làm đầu mối mời Đại học Cần Thơ, Đại học Quốc gia TPHCM... xuống làm liên kết đào tạo và nghiên cứu khoa học, giải quyết những chuyên đề của tỉnh như vừa rồi hai trường chúng tôi đã làm với tỉnh Hậu Giang. Chúng tôi sẵn sàng thực hiện. Chúng tôi mạnh nhất về thủy sản mà thủy sản là thế mạnh lớn nhứt của Cà Mau trong kinh tế biển.

Bài đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/154221/

Không có nhận xét nào: