Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2020

HCMC, Mekong Delta establish council to bolster tourism cooperation

Sunday,  7/5/2020, 09:36
By Huynh Kim

The representatives of the tourism cooperation council pose for a photo at a conference held in Can Tho City on July 4. HCMC and the 13 provinces and cities of the Mekong Delta region have established a cooperation council to foster tourism - PHOTO: HUYNH KIM

CAN THO - HCMC and the 13 provinces and cities of the Mekong Delta region have established a cooperation council to foster tourism and create leverage for the regional economic development.

HCMC Chairman Nguyen Thanh Phong serves as the chairman of the council which includes the leaders of the localities.

In the second half of 2020, the cooperation council is set to launch programs to stimulate domestic tourism; build a tourism brand for HCMC and the Mekong Delta region; and build and develop a roadmap to attract international tourists.

Apart from acting as a bridge between the local governments and travel firms to help them expand their market reach, the council will also encourage tour operators to develop new tourist products and raise the number of tourist destinations in their tours to attract more visitors.
 
Also, the council is planned to enhance information technology applications to provide updates and keep a close watch on the virus amid the ongoing Covid-19 pandemic worldwide to ensure the safety of tourists.

Speaking at a conference on tourism cooperation in Can Tho City on July 4, HCMC Chairman Nguyen Thanh Phong said that in the first four months of 2020, Covid-19, the disease caused by the coronavirus, paralyzed the tourism industry.

HCMC welcomed a mere 9.4 million tourists between January and June, dipping by 54.7% year-on-year, and earned over VND34 trillion in tourism revenue, down 49% year-on-year.

Some 13 million travelers visited the Mekong Delta region during the six-month period, dropping by 51% year-on-year, while its revenue from tourism tumbled by 53%.

Through the cooperation, the two-way tourism will be fostered and expected to remove difficulties facing tour operators and related service suppliers, said Phong.
 
Đã đăng trên: The Saigon Times
https://en.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/77472/ 

Sáu giải pháp liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và ĐBSCL

Huỳnh Kim
Thứ Bảy,  4/7/2020, 17:16


(TBKTSG Online) - Hội đồng Liên kết hợp tác phát triển du lịch TPHCM và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ra mắt hôm nay, 4-7, tại TP Cần Thơ, với mong muốn “thành đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng và từng địa phương” với 6 giải pháp riêng.

Hội đồng Liên kết hợp tác phát triển du lịch TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL ra mắt tại Cần Thơ ngày 4-7-2020. Ảnh: Huỳnh Kim


Hội đồng Liên kết hợp tác phát triển du lịch TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL  gồm đại diện lãnh đạo UBND các địa phương này, do ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, làm chủ tịch. Đây là bước tiếp theo sau khi 14 tỉnh, thành này ký kết Thỏa thuận Hợp tác phát triển du lịch tại Bạc Liêu vào tháng 12-2019.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, trong 6 tháng qua, có 4 tháng ngành du lịch “gần như tê liệt vì đại dịch Covid-19”. TPHCM chỉ đón 9,4 triệu lượt du khách (giảm 54,7% so cùng kỳ năm 2019), doanh thu hơn 34.000 tỉ đồng (giảm 49,6%). ĐBSCL đón gần 13 triệu lượt khách, giảm 51 %, doanh thu hơn 10.000 tỉ đồng, giảm 53%. Về lữ hành, có 1.300 doanh nghiệp của TPHCM và hơn 250 doanh nghiệp của ĐBSCL bị ảnh hưởng nghiêm trọng; nhiều doanh nghiệp phải chuyển nghề hoặc đóng cửa.

Tuy vậy, theo ông Phong, 6 tháng qua, 14 tỉnh, thành này đã kết nối thông xử lý Covid-19, ra mắt trang web kích cầu du lịch, thực hiện có hiệu quả ba chương trình kích cầu là Những nẻo đường phù sa, Sắc màu vùng biển, Non nước hữu tình để có được kết quả như trên.

Riêng hai tháng gần đây, sau giãn cách Covid-19, đã có trên 50.000 lượt khách đến với ĐBSCL, tăng 14% so với cùng kỳ. Các hoạt động mở tour mới và đào tạo nhân lực du lịch đã được quan tâm trở lại.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, thời gian qua, mặc dù chi tiêu của du khách nước ngoài đến TPHCM gấp 1,8 lần khách nội địa nhưng doanh thu từ khách nội địa chiếm 60% doanh thu từ khách du lịch của TPHCM. “Do đó, việc phát  triển thị trường du lịch nội địa hiện nay là cơ hội để giảm tác động của đại dịch Covid-19 đối với du lịch”, ông Phong nhấn mạnh.

“Liên kết trong hợp tác phát triển là xu hướng tất yếu trong phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. TPHCM luôn xác định là đối tác phát triển của ĐBSCL. Do vậy, hợp tác phát triển du lịch TPHCM và ĐBSCL thời gian tới sẽ trở thành đòn bẫy cho phát triển kinh tế của vùng và mỗi địa phương” - Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong.

Quang cảnh Hội nghị Liên kết hợp tác phát triển du lịch TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Ảnh:Huỳnh Kim

Ông Nguyễn Thành Phong đề nghị, với lợi thế thỏa thuận liên kết du lịch này, cần thúc đẩy mạnh hơn dòng khách hai chiều. “Nếu 10% dân số TPHCM (khoảng một triệu người) về du lịch tại ĐBSCL và 10% dân số ĐBSCL (khoảng hai triệu người) du lịch tại TPHCM, sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp, xóa dần tâm lý e ngại đi du lịch vì sợ dịch của người dân”, ông Phong nói.


“Chúng ta hoàn toàn có thể đặt mục tiêu trong thời gian tới, thương hiệu du lịch vùng TPHCM và ĐBSCL sẽ được du khách ưa thích hơn và lựa chọn là điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá Việt Nam và Đông Nam Á; phấn đấu đưa tỷ trọng ngành du lịch đóng góp từ 11-17% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của mỗi địa phương”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.


Sáu giải pháp trọng tâm cho 6 tháng cuối năm do Hội đồng Liên kết hợp tác phát triển du lịch TPHCM và ĐBSCL đồng thuận thực hiện:


- Tiếp tục triển khai các chương trình kích cầu du lịch nội địa, trong đó, hỗ trợ kết nối chặt hơn giữa các doanh nghiệp lữ hành, hàng không và chính quyền.

- Xây dựng thương hiệu du lịch vùng TPHCM và ĐBSCL; đến cuối năm nay, bắt đầu truyền thông nhận diện thương hiệu du lịch của vùng.

- Chuẩn bị lộ trình xúc tiến các thị trường quốc tế, trong đó TPHCM có vai trò đầu mối nhận khách đến và đưa về các địa phương ĐBSCL.

- Tăng cường hoạt động hỗ trợ, kết nối từ phía chính quyền nhằm tạo cầu nối thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển du lịch tại các địa phương. Các doanh nghiệp lữ hành, điểm du lịch, cơ sơ kinh doanh du lịch đánh giá lại các sản phẩm du lịch liên kết vùng để tháo gỡ vướng mắc về chính sách.

- Vai trò của các doanh nghiệp du lịch là then chốt trong liên kết. Riêng TPHCM, các doanh nghiệp đầu tàu như Saigon Tourist, Vietravel, Bến Thành và các doanh nghiệp khác cần xúc tiến rộng hơn các sản phẩm liên kết và đầu tư nâng chất điểm đến trong các tour.

-  Trong tình hình dịch bệnh trong nước đang được kiểm soát tốt nhưng trên thế giới còn phức tạp, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong liên kết vùng để trao đổi, chia sẻ nhanh chóng và kịp thời mọi tình huống, bảo đảm an toàn tối đa cho du khách và người làm du lịch.
 
Đã đăng trên: TBKTSG Online
https://www.thesaigontimes.vn/305557/sau-giai-phap-lien-ket-phat-trien-du-lich-giua-tphcm-va-dbscl.html

Hợp tác giữa TPHCM và ĐBSCL, cần bài bản và sâu hơn nữa

Huỳnh Kim
Thứ Tư,  1/7/2020, 13:43

(TBKTSG Online) - Là người dân rời TPHCM về sống làm việc tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ hơn 40 năm nay, chúng tôi nhận thấy, TPHCM và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL luôn cần có nhau trong liên kết phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng giữa hai bên.

Du khách đi chơi chợ đêm tại Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Kim

Câu chuyện tất yếu trong phát triển

13 tỉnh, thành ĐBSCL là vùng kinh tế nông nghiệp - thủy sản, an ninh quốc phòng trọng điểm của cả nước; gần đây đã chú trọng phát triển du lịch, giao thông vận tải, giáo dục đào tạo, khoa học kĩ thuật, tài chính ngân hàng, y tế và môi trường.

Trong nhiệm kỳ 5 năm tới, Đại hội Đảng bộ 13 tỉnh, thành ĐBSCL chắc chắn sẽ đưa các nội dung này vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình - trong mối liên kết với TPHCM.

Chỉ riêng sản phẩm nông – thủy của ĐBSCL, ngoài cung cấp nguồn nguyên liệu chế biến, thực phẩm phục vụ hàng ngày cho thị trường hơn 10 triệu dân TPHCM, lâu nay gần 90% hàng xuất khẩu là phải đi qua các cảng tại TPHCM.

Trong lĩnh vực này, hơn 15 năm nay, với vai trò cầu nối của Sở Công Thương thành phố, đã có nhiều doanh nghiệp từ TPHCM liên kết hợp tác đầu tư về khoa học kĩ thuật, công nghệ sản xuất, kinh doanh và phân phối với nhiều doanh nghiệp tại ĐBSCL.

Tới đây, các lĩnh vực khác về phát triển du lịch, giao thông vận tải, giáo dục đào tạo, khoa học kĩ thuật, tài chính ngân hàng, y tế, môi trường… càng cần được thực hiện thông qua mối liên kết giữa hai vùng.

Qua đây, TPHCM cũng mở thêm con đường kinh doanh với các nước vùng hạ lưu sông Mekong, qua hai cửa ngõ biên giới ở sông Tiền và sông Hậu.

TP Cần Thơ, với vị trí và vai trò “trung tâm ĐBSCL”, “cửa ngõ vùng hạ lưu sông Mekong” theo tinh thần Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị, đã và sẽ là đầu mối liên kết vùng với TPHCM trong tất cả các lĩnh vực kể trên.

Ngay lúc này, tại TP Cần Thơ, nhiều đơn vị có vai trò cấp vùng ĐBSCL về giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, y tế, thương mại, dịch vụ; các doanh nghiệp kinh doanh liên quan tới du lịch, sân bay, bến cảng, khu chế xuất, tài chính, ngân hàng, siêu thị… đang thúc đẩy hoạt động liên kết sau đại dịch Covid-19.

Phần lớn các hoạt động này cũng đang được xúc tiến trong mối liên kết không thể thiếu giữa TPHCM và ĐBSCL theo qui luật cung - cầu về thị trường của hai bên, với thế mạnh riêng bổ sung cho nhau trong liên kết.

Trong đó, thế mạnh liên kết về khoa học công nghệ mới, công nghệ cao, bao gồm cả nguồn nhân lực chất lượng cao là từ TPHCM và thế mạnh liên kết về nguồn nguyên liệu nông thủy sản, nguồn lao động phổ thông, thị trường du lịch nội địa… là từ ĐBSCL.

Ngay cả trong vấn đề thông tin - truyền thông, hiện nay, sau TPHCM và Hà Nội, TP Cần Thơ là nơi có trên 60 cơ quan đại diện báo chí vùng ĐBSCL của nước; trong đó, hầu như các cơ quan báo chí của TPHCM đều có mặt ở Cần Thơ.

Tóm lại, hợp tác và liên kết vùng giữa TPHCM và ĐBSCL là câu chuyện tất yếu trong phát triển.

Vẫn là liên kết vùng

Du khách TPHCM đi chơi chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Huỳnh Kim

Tôi xin dẫn một thí dụ cụ thể trong lĩnh vực du lịch. Tháng 12-2019, tại tỉnh Bạc Liêu, một hội nghị hợp tác phát triển du lịch đã diễn ra và “Thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL” đã được ký kết, do ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí Thư Thành ủy TPHCM và ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM, đồng chủ trì với lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL. 

Sáu tháng qua, từ thực tế hợp tác chủ yếu là để phòng chống đại dịch Covid-19, thì đầu tháng 7 này, lãnh đạo hai bên sẽ họp tại Cần Thơ để bàn việc thúc đẩy hợp tác du lịch sau đại dịch này. Đây là việc mà phần lớn các doanh nghiệp du lịch và du khách của hai vùng đang hết sức quan tâm.


Trong khuôn khổ hợp tác này, ngày 4-7-2020, sẽ ra mắt “Hội đồng Liên kết phát triển du lịch vùng TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL”. Theo đó, hai bên sẽ chú trọng hơn các nội dung cần thiết cho phát triển du lịch ĐBSCL. Trong đó có việc bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho cán bộ quản lí nhà nước về du lịch và cả cho nông dân làm du lịch nông nghiệp ở ĐBSCL; quản lí, điều hành các khách sạn nhỏ, homestay; xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch cho doanh nghiệp du lịch…


Từ những thực tế nêu trên, chúng tôi đề xuất, trong nhiệm kỳ tới, TPHCM và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần sớm hình thành một Trung tâm liên kết về phát triển kinh tế - xã hội vùng TPHCM và ĐBSCL, đóng tại TP Cần Thơ.


Trung tâm này sẽ góp phần thực hiện hiệu quả, chính quy, bài bản hơn các kế hoạch, chương trình liên kết theo chủ trương chung giữa hai bên.

Đã đăng trên: TBKTSG Online

https://www.thesaigontimes.vn/305421/hop-tac-giua-tphcm-va-dbscl-can-bai-ban-va-sau-hon-nua.html

Trò chuyện với vị tướng đi trọn con đường đã chọn

Huỳnh Kim thực hiện
Thứ Hai,  29/6/2020, 11:13 


(TBKTSG) - Thiếu tướng Trần Văn Niên, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 9, vừa cho ra mắt cuốn hồi ký Người lính hát trọn khúc quân hành. Sách do nhà văn Vũ Thống Nhất thể hiện, NXB Quân đội Nhân dân ấn hành. Dịp này, chúng tôi đã trao đổi với tác giả, nay đã 87 tuổi, người thủ trưởng cũ thời chiến tranh biên giới Tây Nam mà chúng tôi quen gọi bằng chú, xoay quanh câu chuyện liên quan tới chiến tranh và hòa bình.


Thiếu tướng Trần Văn Niên (phải) tặng sách cho người lính cũ ngày 19-6-2020. Ảnh: Trung Chánh

TBKTSG: Cảm xúc của chú Tư khi thấy cuốn hồi ký này ra đời?

- Thiếu tướng Trần Văn Niên: Gần hai năm kể lại câu chuyện của 87 năm. Dù còn nhiều sơ sót nhưng tôi hài lòng và vui.

TBKTSG: Vậy chú gửi gắm điều gì ở cuốn hồi ký này?

- Tôi gửi gắm hết vào đây tình cảm quê hương, xứ sở, đồng chí, đồng đội đã gắn bó nhiều năm trong cuộc đời mình mà đến hôm nay nhiều người tuổi cao sức yếu rồi đâu có điều kiện để gặp nhau. Quyển sách này ghi lại những dấu ấn, những kỷ niệm của tôi với tất cả đồng chí đồng đội, với quê hương xứ sở và gia đình thân thương. Thông qua cuốn hồi ký, mong rằng anh chị em thông cảm, có điều gì sơ suất thì bỏ qua cho. Vì tôi cũng đã cố gắng hết sức của mình. Tôi muốn xuất bản quyển hồi ký không phải để bán. Mà mục đích cao nhứt là muốn kể lại câu chuyện tôi đã sống có quê hương, có gia đình, có dòng họ, sống có đồng chí đồng đội; đặc biệt là có sự giáo dục của Đảng, của Bác Hồ, của Quân đội mà tôi đã trưởng thành.

TBKTSG: Là người con của đất Kiên Giang tham gia bộ đội từ năm 17 tuổi, và ở chương cuối, chú có viết là mình đã đi trọn con đường đã chọn?

- Tôi đã tuyên thệ trước Đảng kỳ và trước khi tòng quân. Làm người chiến sĩ, mong muốn của tôi là suốt cuộc đời sẽ cống hiến cho sự nghiệp giải phóng đất nước, đem lại tự do độc lập, hạnh phúc cho đất nước, cũng chính là giải phóng cho tôi và gia đình.

TBKTSG: Tập kết ra Bắc năm 1954, đi học pháo binh ở Trung Quốc và đi Lào chiến đấu, rồi trở lại miền Nam bằng “tàu không số” vào tháng 5-1963, chú có nghĩ rằng chuyến trở về Nam ấy thật là ly kỳ?

- Tôi được hân hạnh, khi tập kết ra Bắc thì đi tàu của Ba Lan. Nhưng khi về tôi đâu có nghĩ rằng đi “tàu không số”. Do yêu cầu nhiệm vụ của chiến trường, phải đi nhanh để về miền Nam tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương, giải phóng đất nước, cho nên tôi ở trong số bảy anh em được chọn đi theo một con đường đặc biệt. Con đường này có thể nói là rủi ro khôn lường, nguy hiểm không biết trước. Đi “tàu không số” là hoàn toàn là bí mật, việc ai nấy làm, việc ai nấy biết. Thậm chí khi bắt đầu cho tàu rời bến thì mỗi khâu, mỗi công đoạn, mỗi tổ chức đều làm nhiệm vụ khác nhau, ở địa điểm khác nhau. Sau mới biết tàu mình đi là tàu sắt, 100 tấn và mọi người luôn sẵn sàng chấp nhận cho nổ tàu, chấp nhận hy sinh nếu gặp địch. Nhưng với tôi thì đây là một vinh dự được đi nhanh về miền Nam để chiến đấu. Chỉ đi trong vòng mấy ngày. Chớ nếu đi đường Trường Sơn thì có khi phải mất bảy tháng, cả năm.

Nhưng ly kỳ là không may, do sóng to gió lớn nên vũ khí đạn dược giấu trong hầm tàu bị nhồi làm bể ống dầu, dầu chảy hết ra hầm tàu mà không ai biết. Phải che buồm đi vòng ngược ra Bắc. Cuối cùng sau khi phán đoán nguyên nhân, phá sàn tàu, vét được số dầu chảy dưới hầm tàu thì mới chạy tiếp, vượt qua vĩ tuyến 17 về đất mũi Cà Mau, lên bến an toàn thay vì phải quay lại Hải Phòng.

TBKTSG: Trải qua cả ba chiến trường ở Đông Dương, chiến trường nào để lại nhiều kỷ niệm nhứt với chú Tư?

- Có thể nói mỗi chiến trường có mỗi đặc điểm. Ví dụ như trong thời kháng chiến chống Pháp, tôi sống chiến đấu ở chiến trường miền Tây Nam bộ. Trong thời gian bốn năm làm chiến sĩ của Tiểu đoàn 410, tôi đã tham gia liền ba chiến dịch lớn của Quân khu 9, chiến đấu không ngơi nghỉ, đương đầu với lực lượng hùng hổ của Pháp.

Sang thời kỳ tập kết ra Bắc thì phải chịu đựng thời tiết ác nghiệt không quen, là thời kỳ gian khổ dầm nắng phơi sương tổ chức luyện tập. Tới khi sang Lào chiến đấu giúp bạn ba năm, tưởng chỉ chiến đấu với quân phản động Lào, ai ngờ đụng đầu với quân đội miền Nam Việt Nam sang giúp cho quân phản động Lào.

Đặc biệt là thời kỳ ở chiến trường miền Nam từ năm 1963-1975, chiến đấu với bom đạn Mỹ là cực kỳ gian khổ, khó khăn, ác liệt. Nhưng nhờ tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh; đánh theo kiểu Việt Nam là “chiến tranh nhân dân” và “bám thắt lưng địch mà đánh” nên cuối cùng mình đã toàn thắng vào ngày 30-4-1975.

TBKTSG: Liền sau hai cuộc kháng chiến, lại tham gia cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, giúp bạn Campuchia đánh tan chế độ diệt chủng Pôn Pốt, chú nghĩ gì về thế hệ trẻ thời kỳ này?

- Ấn tượng nhứt của tôi với thế hệ trẻ thời đó là phần lớn chiến sĩ ta là tân binh chưa qua chiến tranh. Bản lĩnh không thiện chiến như anh em thời chống Mỹ nhưng anh em rất kiên cường, với lòng quyết tâm và ý chí chiến đấu tiếp nối truyền thống của cha anh. Tôi rất cảm phục. Mà thời đó, chúng ta vừa kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và đang đứng trước bao thiếu thốn khó khăn thì lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam do quân Pôn Pốt được nước ngoài rất thâm độc giúp sức, vì nó quyết gây hận thù giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia. Nhờ có thế hệ tuổi trẻ biết tiếp bước cha anh thời đó cho nên chúng ta mới hoàn thành được nghĩa vụ quốc tế cao cả là đã giúp bạn Campuchia hồi sinh từ chế độ diệt chủng.

TBKTSG: Sau chiến tranh, chuyển qua làm kinh tế ở vị trí Tổng giám đốc Tổng công ty miền Tây của Quân khu 9, chú lo lắng gì nhứt lúc đó?

- Rời chiến trường, sau khi đi học tại Học viện Vorosilov của Bộ Tổng tham mưu Liên Xô về, không ngờ tôi được phân công làm Phó tư lệnh Quân khu 9 kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty miền Tây. Phải chi được học về quản lý kinh tế thì thuận lợi hơn. Nhưng tôi quyết tâm học; học từ anh em đi trước, từ thực tế thị trường. Tôi xốc vô công việc mới với sự đồng thuận, sự trao đổi thân tình với tập thể, cấp trên, cấp dưới và học hỏi anh em ở các quân khu bạn, với mục tiêu phải đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất. Thời kỳ đó, gần như tư tưởng bao cấp, làm theo kế hoạch hóa, trên chỉ sao dưới làm vậy còn phổ biến. Nhưng rồi nhờ Đại hội 6 với đường lối đổi mới đã mở ra con đường làm kinh tế đổi mới. Đáng mừng nhứt là Tổng công ty miền Tây đã làm kinh tế thành công.

TBKTSG: Có chuyện này, không ít bạn trẻ giờ ít thích đọc hồi ký cách mạng. Chú Tư có thấy vậy không?

- Tôi nghĩ điều này cũng có. Vì theo tôi, hiện nay đất nước đang xây dựng trong điều kiện mới, đi theo xu hướng của thời đại khoa học kỹ thuật phát triển cao và phải lo cạnh tranh từng ngày, từng giờ, từng phút. Mỗi người trẻ sống trong thời đại bây giờ đang cố gắng bắt kịp những cái mới nhứt, kịp thời nhứt để bổ sung cho cuộc sống, cho sự nghiệp, cho sự trưởng thành của mình. Còn với lịch sử thì anh em cũng rất trân trọng chứ không phải không. Tôi thấy dù ngành giáo dục động viên hết sức nhưng cũng khó khuyến khích anh em vì có phần môn lịch sử khô khan quá.

Tôi muốn tâm sự với anh em rằng, nước mình đang phát triển trên cái nền tảng có tổ tiên, ông cha đi trước, tạo nên cơ đồ sự nghiệp ngày nay. Không có quá khứ thì không có hiện tại. Mà muốn biết được quá khứ để đi lên thì phải nghiên cứu, học hỏi. Học cái tân tiến, cái phát triển là điều cần thiết, nhưng cần trân trọng cái quá khứ đã tạo nên cái hiện tại của mình.

Đã đăng trên: TBKTSG Online
https://www.thesaigontimes.vn/305106/tro-chuyen-voi-vi-tuong-di-tron-con-duong-da-chon.html