Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2020

Trò chuyện với vị tướng đi trọn con đường đã chọn

Huỳnh Kim thực hiện
Thứ Hai,  29/6/2020, 11:13 


(TBKTSG) - Thiếu tướng Trần Văn Niên, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 9, vừa cho ra mắt cuốn hồi ký Người lính hát trọn khúc quân hành. Sách do nhà văn Vũ Thống Nhất thể hiện, NXB Quân đội Nhân dân ấn hành. Dịp này, chúng tôi đã trao đổi với tác giả, nay đã 87 tuổi, người thủ trưởng cũ thời chiến tranh biên giới Tây Nam mà chúng tôi quen gọi bằng chú, xoay quanh câu chuyện liên quan tới chiến tranh và hòa bình.


Thiếu tướng Trần Văn Niên (phải) tặng sách cho người lính cũ ngày 19-6-2020. Ảnh: Trung Chánh

TBKTSG: Cảm xúc của chú Tư khi thấy cuốn hồi ký này ra đời?

- Thiếu tướng Trần Văn Niên: Gần hai năm kể lại câu chuyện của 87 năm. Dù còn nhiều sơ sót nhưng tôi hài lòng và vui.

TBKTSG: Vậy chú gửi gắm điều gì ở cuốn hồi ký này?

- Tôi gửi gắm hết vào đây tình cảm quê hương, xứ sở, đồng chí, đồng đội đã gắn bó nhiều năm trong cuộc đời mình mà đến hôm nay nhiều người tuổi cao sức yếu rồi đâu có điều kiện để gặp nhau. Quyển sách này ghi lại những dấu ấn, những kỷ niệm của tôi với tất cả đồng chí đồng đội, với quê hương xứ sở và gia đình thân thương. Thông qua cuốn hồi ký, mong rằng anh chị em thông cảm, có điều gì sơ suất thì bỏ qua cho. Vì tôi cũng đã cố gắng hết sức của mình. Tôi muốn xuất bản quyển hồi ký không phải để bán. Mà mục đích cao nhứt là muốn kể lại câu chuyện tôi đã sống có quê hương, có gia đình, có dòng họ, sống có đồng chí đồng đội; đặc biệt là có sự giáo dục của Đảng, của Bác Hồ, của Quân đội mà tôi đã trưởng thành.

TBKTSG: Là người con của đất Kiên Giang tham gia bộ đội từ năm 17 tuổi, và ở chương cuối, chú có viết là mình đã đi trọn con đường đã chọn?

- Tôi đã tuyên thệ trước Đảng kỳ và trước khi tòng quân. Làm người chiến sĩ, mong muốn của tôi là suốt cuộc đời sẽ cống hiến cho sự nghiệp giải phóng đất nước, đem lại tự do độc lập, hạnh phúc cho đất nước, cũng chính là giải phóng cho tôi và gia đình.

TBKTSG: Tập kết ra Bắc năm 1954, đi học pháo binh ở Trung Quốc và đi Lào chiến đấu, rồi trở lại miền Nam bằng “tàu không số” vào tháng 5-1963, chú có nghĩ rằng chuyến trở về Nam ấy thật là ly kỳ?

- Tôi được hân hạnh, khi tập kết ra Bắc thì đi tàu của Ba Lan. Nhưng khi về tôi đâu có nghĩ rằng đi “tàu không số”. Do yêu cầu nhiệm vụ của chiến trường, phải đi nhanh để về miền Nam tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương, giải phóng đất nước, cho nên tôi ở trong số bảy anh em được chọn đi theo một con đường đặc biệt. Con đường này có thể nói là rủi ro khôn lường, nguy hiểm không biết trước. Đi “tàu không số” là hoàn toàn là bí mật, việc ai nấy làm, việc ai nấy biết. Thậm chí khi bắt đầu cho tàu rời bến thì mỗi khâu, mỗi công đoạn, mỗi tổ chức đều làm nhiệm vụ khác nhau, ở địa điểm khác nhau. Sau mới biết tàu mình đi là tàu sắt, 100 tấn và mọi người luôn sẵn sàng chấp nhận cho nổ tàu, chấp nhận hy sinh nếu gặp địch. Nhưng với tôi thì đây là một vinh dự được đi nhanh về miền Nam để chiến đấu. Chỉ đi trong vòng mấy ngày. Chớ nếu đi đường Trường Sơn thì có khi phải mất bảy tháng, cả năm.

Nhưng ly kỳ là không may, do sóng to gió lớn nên vũ khí đạn dược giấu trong hầm tàu bị nhồi làm bể ống dầu, dầu chảy hết ra hầm tàu mà không ai biết. Phải che buồm đi vòng ngược ra Bắc. Cuối cùng sau khi phán đoán nguyên nhân, phá sàn tàu, vét được số dầu chảy dưới hầm tàu thì mới chạy tiếp, vượt qua vĩ tuyến 17 về đất mũi Cà Mau, lên bến an toàn thay vì phải quay lại Hải Phòng.

TBKTSG: Trải qua cả ba chiến trường ở Đông Dương, chiến trường nào để lại nhiều kỷ niệm nhứt với chú Tư?

- Có thể nói mỗi chiến trường có mỗi đặc điểm. Ví dụ như trong thời kháng chiến chống Pháp, tôi sống chiến đấu ở chiến trường miền Tây Nam bộ. Trong thời gian bốn năm làm chiến sĩ của Tiểu đoàn 410, tôi đã tham gia liền ba chiến dịch lớn của Quân khu 9, chiến đấu không ngơi nghỉ, đương đầu với lực lượng hùng hổ của Pháp.

Sang thời kỳ tập kết ra Bắc thì phải chịu đựng thời tiết ác nghiệt không quen, là thời kỳ gian khổ dầm nắng phơi sương tổ chức luyện tập. Tới khi sang Lào chiến đấu giúp bạn ba năm, tưởng chỉ chiến đấu với quân phản động Lào, ai ngờ đụng đầu với quân đội miền Nam Việt Nam sang giúp cho quân phản động Lào.

Đặc biệt là thời kỳ ở chiến trường miền Nam từ năm 1963-1975, chiến đấu với bom đạn Mỹ là cực kỳ gian khổ, khó khăn, ác liệt. Nhưng nhờ tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh; đánh theo kiểu Việt Nam là “chiến tranh nhân dân” và “bám thắt lưng địch mà đánh” nên cuối cùng mình đã toàn thắng vào ngày 30-4-1975.

TBKTSG: Liền sau hai cuộc kháng chiến, lại tham gia cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, giúp bạn Campuchia đánh tan chế độ diệt chủng Pôn Pốt, chú nghĩ gì về thế hệ trẻ thời kỳ này?

- Ấn tượng nhứt của tôi với thế hệ trẻ thời đó là phần lớn chiến sĩ ta là tân binh chưa qua chiến tranh. Bản lĩnh không thiện chiến như anh em thời chống Mỹ nhưng anh em rất kiên cường, với lòng quyết tâm và ý chí chiến đấu tiếp nối truyền thống của cha anh. Tôi rất cảm phục. Mà thời đó, chúng ta vừa kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và đang đứng trước bao thiếu thốn khó khăn thì lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam do quân Pôn Pốt được nước ngoài rất thâm độc giúp sức, vì nó quyết gây hận thù giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia. Nhờ có thế hệ tuổi trẻ biết tiếp bước cha anh thời đó cho nên chúng ta mới hoàn thành được nghĩa vụ quốc tế cao cả là đã giúp bạn Campuchia hồi sinh từ chế độ diệt chủng.

TBKTSG: Sau chiến tranh, chuyển qua làm kinh tế ở vị trí Tổng giám đốc Tổng công ty miền Tây của Quân khu 9, chú lo lắng gì nhứt lúc đó?

- Rời chiến trường, sau khi đi học tại Học viện Vorosilov của Bộ Tổng tham mưu Liên Xô về, không ngờ tôi được phân công làm Phó tư lệnh Quân khu 9 kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty miền Tây. Phải chi được học về quản lý kinh tế thì thuận lợi hơn. Nhưng tôi quyết tâm học; học từ anh em đi trước, từ thực tế thị trường. Tôi xốc vô công việc mới với sự đồng thuận, sự trao đổi thân tình với tập thể, cấp trên, cấp dưới và học hỏi anh em ở các quân khu bạn, với mục tiêu phải đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất. Thời kỳ đó, gần như tư tưởng bao cấp, làm theo kế hoạch hóa, trên chỉ sao dưới làm vậy còn phổ biến. Nhưng rồi nhờ Đại hội 6 với đường lối đổi mới đã mở ra con đường làm kinh tế đổi mới. Đáng mừng nhứt là Tổng công ty miền Tây đã làm kinh tế thành công.

TBKTSG: Có chuyện này, không ít bạn trẻ giờ ít thích đọc hồi ký cách mạng. Chú Tư có thấy vậy không?

- Tôi nghĩ điều này cũng có. Vì theo tôi, hiện nay đất nước đang xây dựng trong điều kiện mới, đi theo xu hướng của thời đại khoa học kỹ thuật phát triển cao và phải lo cạnh tranh từng ngày, từng giờ, từng phút. Mỗi người trẻ sống trong thời đại bây giờ đang cố gắng bắt kịp những cái mới nhứt, kịp thời nhứt để bổ sung cho cuộc sống, cho sự nghiệp, cho sự trưởng thành của mình. Còn với lịch sử thì anh em cũng rất trân trọng chứ không phải không. Tôi thấy dù ngành giáo dục động viên hết sức nhưng cũng khó khuyến khích anh em vì có phần môn lịch sử khô khan quá.

Tôi muốn tâm sự với anh em rằng, nước mình đang phát triển trên cái nền tảng có tổ tiên, ông cha đi trước, tạo nên cơ đồ sự nghiệp ngày nay. Không có quá khứ thì không có hiện tại. Mà muốn biết được quá khứ để đi lên thì phải nghiên cứu, học hỏi. Học cái tân tiến, cái phát triển là điều cần thiết, nhưng cần trân trọng cái quá khứ đã tạo nên cái hiện tại của mình.

Đã đăng trên: TBKTSG Online
https://www.thesaigontimes.vn/305106/tro-chuyen-voi-vi-tuong-di-tron-con-duong-da-chon.html
 

Không có nhận xét nào: