Huỳnh Kim
Thực tế biến đổi khí hậu (BĐKH) và xâm nhập mặn ở ĐBSCL đã làm cho việc trồng lúa bị đe dọa; thiệt hại rõ nhất là vào đợt hạn hán lịch sử năm 2016. Trong hoàn cảnh đó, các nhà khoa học và các địa phương tiếp tục bắt tay nhau làm ra được những giống lúa và bàn phương thức canh tác thích ứng với BĐKH, trong đó có cây lúa chịu được mặn, phèn, hạn và ngập nước.
Có thể kể một số giống nổi
bật của Viện Lúa ĐBSCL, Đại học Cần Thơ, Viện Khoa học kỹ thuật nông
nghiệp miền Nam …
đã được nông dân chọn trồng. Thí dụ OM6976, giống lúa "nữ hoàng xuất khẩu", được trồng nhiều ở Long An, Kiên Giang, An Giang... năng suất 6-9 tấn/ha, chịu
mặn
và phèn tốt; làm được nhiều vụ, hợp với các tiểu
vùng sinh thái ĐBSCL. Hoặc các giống OM2517, OM5629, OM8017, OM992, OM8108, OM6677, OM10252, OM6162, OM4900, OM5451, IR42, IR48, IR65185, IR
65195, IR52713 và bộ giống lúa thơm ST do nhóm của kỹ sư Hồ Quang Cua
(Sóc Trăng) chọn tạo. Riêng ở huyện Hồng Dân (Bạc Liêu), Trung tâm thực nghiệm và chuyển giao khoa học công
nghệ huyện này đã cùng với Đại Học Cần Thơ làm ra 2 giống lúa chịu được độ mặn cao từ lúc trổ cho đến khi chín: Một Bụi Đỏ và Sỏi Phá Quang Kỳ.
Ngoài các giống cao sản có gen lúa mùa cho gạo ngon, bán được giá, nhiều nhà khoa học cùng các địa phương và bà con nông dân còn đang ra sức bảo tồn cho được hàng chục trong số hơn 1.600 giống lúa cổ truyền của ĐBSCL đã có từ hơn 300 năm nay. Thí dụ các giống Nàng Tây, Nàng Tri, Nàng Đùm, Lá Rừng, Lá Rừng, Chệt Cụt, Tàu Binh... ở vùng lúa nổi An Giang, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang, Cần Thơ. Hay các giống Châu Hạng Võ, Huyết Rồng, Tài Nguyên, Trắng Tép, Trắng Lùn, Tàu Hương, Móng Chim... ở vùng lúa cấy hai lần thuộc Vĩnh Long, Sa Đéc, Ô Môn, Vị Thanh, Long Mỹ, Phụng Hiệp, U Minh. Hoặc các giống ở vùng lúa cấy một lần dọc bờ biển Long An, Gò Công, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau như Ba Thiệt, Trái Mây, Tầm Vuột Lựa, Chùm Ruột Lựa, Cà Dung, Một Bụi, Nếp Bà Bóng, Đốc Phụng Lùn, Nàng Keo, Nàng Thơm...
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ (Đại học Cần Thơ), “đây là nguồn vật liệu di truyền hiếm có và là tài nguyên sinh vật quí giá, cần có kế hoạch nghiên cứu, khai thác, sử dụng tốt phục vụ sản xuất, lợi dụng đặc tính thích nghi đặc biệt với điều kiện khô hạn, ngập úng, phèn mặn”.
Ngoài ra, trong điều kiện tác động của BĐKH, theo PGS.TS Lê Anh Tuấn ở Đại học Cần Thơ, cây lúa có thể bị thiệt hại từ 6 yếu tố: gia tăng nhiệt độ, khô hạn, mưa bất thường, ngập úng, nước biển dâng - xâm nhập mặn và thiên tai bất thường.
Do vậy, song song với việc chọn tạo giống mới, các nhà khoa học luôn khuyến cáo việc trồng lúa phải phù hợp với các từng tiểu vùng sinh thái và điều kiện xã hội ở ĐBSCL. Không thể lặp lại những cái giá đắt của việc tập trung trồng lúa bất chấp sinh thái, thổ nhưỡng dù giá lúa thấp và nông dân chịu thiệt.
Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, sản xuất lúa trong thời BĐKH ở ĐBSCL cần giữ 5 nguyên tắc: không trồng lúa trong mùa khô tại các vùng nhiễm mặn; không lãng phí xây kênh dẫn nước ngọt để “ngọt hoá” vùng mặn; tích cực sử dụng nước mưa để sản xuất lúa vùng nhiễm mặn; vùng nước ngọt trồng lúa bằng phương pháp tưới xen kẽ để tiết kiệm nước ngọt; thay thế hệ thống 3 vụ lúa/năm bằng lúa/màu (mùa khô) hoặc lúa/cá hay tôm càng xanh (mùa mưa); bón phân lót trước khi sạ cấy nhằm giảm bốc khí nhà kính để giảm BĐKH.
Đây cũng là điều mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong kết luận hội nghị Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH tại Cần Thơ ngày 27-9-2017, đã nhấn mạnh: “ĐBSCL phải phát triển thuận thiên là chính”.
* Đã đăng Báo Tuổi Trẻ 21-3-2018: