Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2018

“Đổi đời” từ hạt gạo miền Tây

Huỳnh Kim

Kết luận hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại Cần Thơ hôm 27-9-2017, liên quan tới cây lúa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Dứt khoát giảm diện tích lúa ba vụ, không chọn cây trồng sử dụng nước nhiều nhưng giá trị thương mại rất thấp và phải có doanh nghiệp tham gia từ đầu vào quá trình này”. Thủ tướng yêu cầu phải cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp ĐBSCL theo hướng liên vùng, sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả, bền vững, cạnh tranh cao, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Từ hội nghị này, ngày 17-11-2017, Chính phủ đã ra Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Theo đó, ngoài giải pháp chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn, giải pháp xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp phải theo ba trọng tâm: thuỷ sản - cây ăn quả - lúa gắn với các tiểu vùng sinh thái; gắn kết chuỗi sản phẩm hàng hoá, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Hiện nay, 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đang thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết này. Trong đó, lúa gạo phải chuyển sang nâng cao chất lượng, tăng giá trị xuất khẩu, tăng lợi tức cho nông dân, bảo đảm môi trường và tiếp tục góp phần giữ an ninh lương thực.

Tin vui mới nhất trong vụ lúa đông xuân hiện nay là nhiều nông dân ĐBSCL đang bán lúa có giá hơn tháng trước từ 300-500 kg, lời khoảng 30 triệu đồng/ha. Về xuất khẩu, theo Bộ NN-PTNT, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam 2 tháng đầu năm nay đạt trung bình 475 USD/tấn (năm 2017 là 450 USD/tấn), cao hơn giá gạo Thái Lan. Nguyên nhân, theo Bộ NN-PTNT, nhờ chất lượng gạo đã tăng, chủ yếu xuất gạo nếp thơm, ngon so với lâu nay xuất bán gạo thường; với tỷ lệ gạo chất lượng cao chiếm 81% trong cơ cấu xuất khẩu.

Nhiều địa phương đang đầu tư mạnh cho các chương trình này và đã thu được kết quả bước đầu. Ở Kiên Giang, theo chủ tịch UBND tỉnh, ông Phạm Vũ Hồng, trong số hơn 4 triệu tấn lúa nông dân Kiên Giang làm ra năm ngoái, lúa chất lượng cao đã chiếm 75 %. Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cà Mau… cũng đang xúc tiến các dự án, các mô hình sản xuất lúa gạo sạch, hữu cơ, chất lượng cao.

Đồng Tháp đang mở rộng chương trình liên kết làm hơn 25.000 ha lúa chất lượng cao ở  Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười, Cao Lãnh, Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành, Hồng Ngự với 53 doanh nghiệp, công ty tham gia kèm với mô hình sản xuất lúa hiện đại, lợi nhuận cao ở xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười

Ở An Giang, tập đoàn Lộc Trời đang đẩy mạnh chương trình sản xuất lúa gạo bền vững (SRP) để xuất sang Mỹ. Chương trìnhnày được phối hợp với IFC (thành viên của nhóm Ngân hàng thế giới, Viện Nghiên cứu lúa gạo IRRI và Diễn đàn Lúa gạo bền vững quốc tế – SRP). Từ 200 ha đang làm, dự án sẽ thực hiện mô hình chuỗi lúa gạo khép kín, liên kết 25.000 nông hộ, tổ chức lại sản xuất, cung cấp giống, hỗ trợ vật tư nông nghiệp cho nông dân và xây dựng thành những cánh đồng lớn qui mô 60.000 ha/năm.

Ở Cần Thơ, từ hơn 5 năm trước, công ty Trung An đã chế biến gạo thơm ST của Sóc Trăng để xuất khẩu với giá hơn 900 USD/tấn. Nay công ty này có tên là công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An chuyên sản xuất, chế biến và bán mỗi năm khoảng 300.000 tấn gạo ngon với giá có lợi nhất cho nông dân. Đó là các sản phẩm gạo thơm thương hiệu Trắng Tép, Hương Lài, Việt Đài, Lài Sữa, Jasmine, Japonica, Lức Tím Than. Riêng xuất khẩu, các loại gạo này đã được Trung An xuất sang Mỹ, Malaysia, Philippines, Singapore, Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc, Iran, Iraq, Thụy Sĩ, Đức, Ý, Pháp, Úc và Libăng.

Còn nhiều địa phương, doanh nghiệp đang cùng với bà con nông dân làm cho cây lúa, hạt gạo ở ĐBSCL gia tăng được chất lượng và lợi nhuận như vậy. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để cây lúa và hạt gạo Việt Nam, mà 90% là ở miền Tây Nam bộ, thực sự “đổi đời” theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ.
                   
* Đã đăng báo Tuổi Trẻ 7-3-2018:



Không có nhận xét nào: