Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2018

Lê Chí nhớ cuộc đời

Huỳnh Kim

Vào tuổi “thất thập cổ lai hi”, nhà thơ Lê Chí vừa quay về quê nhà Cà Mau “chơi” với NXB Phương Đông để in cùng lúc hai tập thơ có tựa là “Nhớ” và “Đời”…


Đây là 2 tuyển tập ông tự làm sau 7 tập Cô gái đánh xe bò, Mùa xuân đến sớm, Những con đường im lặng, Khuya xa, Hoa quỳnh, Ngẫm nghĩ cà phê, Thời gian, Hạc. Ông đã dành hơn hai năm chọn ra 93 bài sáng tác trong vòng 40 năm nay; rồi lại chọn ảnh, kiểu chữ, tự thiết kế từng chi tiết từ bìa tới ruột trước khi giao cho họa sĩ trình bày và NXB.


Kỹ càng như thế nhưng khi in xong vẫn còn một lỗi nhỏ trong tập Nhớ, sai chữ d thành chữ t trong chùm thơ viết ở Uzbekistan năm 1988. Vậy là trước khi kí tặng bạn bè, ông tỉ mẫn ngồi xóa từng chữ t, in ra từng chữ d, rồi cắt và dán lên vết xóa, công phu như một người thợ bạc. Ở tập thơ này, 50 bài thơ bàng bạc những suy tư về tình yêu cuộc sống với tâm sự: Câu thơ cũ / gieo vào lòng đất / nẩy mầm khát đợi thời gian. Bàng bạc mà kỹ càng, như 4 câu tác giả chọn làm đề từ in riêng thành hai cặp ở đầu và cuối sách: Theo con đường thiên nhiên / dầu dãi đi qua / Lầm lũi gieo mùa ảo tưởng / gặt nỗi buồn thơ ơi.


Về bài thơ văn xuôi Nhớ đăng ở cuối tập này, nhà văn Trung Trung Đỉnh có lần kể trong bài “Lê Chí và thơ: Tôi xin mượn lời một độc giả của anh, chị Út Loan, trong bữa tiệc trên tầng lầu mất điện giữa Cà Mau: “Tôi đã đọc tập thơ “trúc trắc” của ông Lê Chí rồi. Ông không nói về ai hết mà tự dằn vặt với mình. Thấy khổ quá, buồn quá và cay đắng quá. Nhưng càng đọc, càng nghĩ thì cũng nghe được”. Theo tôi, đó là lời bình luận chân thành và chính xác nhất”.


Còn ở tập thơ Đời, nhà thơ Lê Chí tự sự rằng: Mấy mươi năm buồn vui thao thức / giấc ngủ chưa thành. Rồi ông viết đề từ cho tập thơ: Học cách của sen / tìm thơ từ rơm rạ sình bùn / Nhiều khi rày đây mai đó / dễ đâu người gặp được người. Vẫn là kỹ càng và chu đáo, dù là độc thoại âm thầm hay đối thoại trực diện trước một sự đời, bởi hết thảy đều chạm tới số phận con người. Thí dụ trong bài Đời viết năm 2012 sau khi nhận điện thoại của nhà văn Nguyễn Quang Sáng gọi hỏi thăm vì nghe tin… mình đã chết: Chẳng buồn / cũng chẳng vui / được tin mình vừa chết / bạn già gọi điện hỏi thăm... Mình còn sống hay mình đã chết? / nửa thực nửa ngờ...


Đọc thơ Lê Chí, rồi gặp nhau tại Trại Văn mùa hè 2015 của Viện William Joiner ở Mỹ, Giáo sư Nguyễn Bá Chung đã nhận xét: “Anh có lẽ là một nhân vật hiếm có ở miền Nam, theo cách mạng từ nhỏ nhưng tự chọn cho mình một cuộc hành trình riêng biệt. Có lẽ một trong những cái khó nhất của cuộc đời là không bị sự cuốn hút của đám đông, không chạy theo tài lộc và danh vọng, sẵn sàng chấp nhận một cuộc sống bình thường để sống trung thực với những cái gì bất bình thường nhất của mình. Anh đã để những cái bất bình thường đó đi vào những bài thơ của anh, như những tia nắng mặt trời, làm cây trái sinh sôi và cuộc đời nồng ấm. Sau 1975, những tia nắng đó vẫn còn đầy sức sống, vẫn lan tỏa trong những câu thơ, đánh dấu một chặng đường thật dài, không khỏi trải qua bao khó khăn gian khổ, để bây giờ vẫn đứng đó tỏa hương làm ấm áp cuộc sống”.

* Đã đăng báo Thanh Niên 8-3-2018:




Không có nhận xét nào: