Trung Chánh
Phó tổng thư ký Liên hiệp quốc Jan Eliasson kêu gọi các tổ chức quốc tế giúp Việt Nam ứng phó với hạn, xâm nhập mặn. Trong ảnh là nông dân ĐBSCL đang tưới nước chống nóng cho cây trồng của mình. Ảnh: Trung Chánh |
(TBKTSG Online) - Tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cùng UBND tỉnh Bến Tre chiều nay, 5-5, ông Jan Eliasson, Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ), đánh giá cao những nổ lực trong ứng phó với hạn, mặn của Việt Nam và kêu gọi các tổ chức quốc tế “giúp sức” trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc nêu trên được tổ chức ở Bến Tre, ông Jan Eliasson cho rằng nước là vấn đề quan trọng nhất đối với cuộc sống của người dân và vì vậy nó cũng là nguyên nhân để các nước sử dụng chung nguồn nước hợp tác, chứ không phải cạnh tranh với nhau. “Ở nhiều nước có liên quan (sử dụng chung nguồn nước), thì rất cần có chương trình chung cho việc sử dụng nguồn nước”, ông gợi ý.
Theo ông Jan Eliasson, ông đánh giá cao những nỗ lực trong ứng phó với hạn và xâm nhập mặn của Việt Nam và người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong bối cảnh nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông về ĐBSCL thiếu hụt nghiêm trọng như hiện nay.
“Qua đây, chúng tôi cũng thấy mình phải có trách nhiệm trong vấn đề này và chúng tôi cần thúc đẩy mối quan hệ hài hòa giữa các nước trong cùng khu vực (sông Mê Kông) có điều kiện để nguồn nước thông nhau”, ông cho biết.
Theo ông Jan Eliasson, từ lâu ông đã theo sát các thông tin về Việt Nam và hôm nay khi có được một lượng thông tin cụ thể và rõ ràng hơn về những khó khăn do hạn và xâm nhập mặn gây ra cho người dân ĐBSCL, ông hứa sẽ chuyển thông điệp, những khó khăn này đến Hội nghị cấp cao về nhân đạo thế giới và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu chuẩn bị diễn ra để các tổ chức quốc tế có thể giúp Việt Nam.
Trước đó, tại buổi làm việc này, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NNPTNT, cho biết Chính phủ Việt Nam đã và đang huy động mọi nguồn lực để giúp người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của hạn và xâm nhập mặn.
“Quan điểm của Chính phủ là không để cho một người dân nào bị đói và thiếu nước sinh hoạt”, ông nói.
Tuy nhiên, với diễn biến quá phức tạp của hạn và xâm nhập mặn, cho nên toàn vùng ĐBSCL vẫn có hàng ngàn hộ dân bị thiếu nước ngọt để sinh hoạt và có hàng trăm ngàn héc ta diện tích canh tác lúa bị thiệt hại.
Cụ thể, báo cáo của Bộ NNPTNT tại buổi làm việc cho thấy toàn vùng ĐBSCL hiện có 208.800 héc ta lúa, 9.400 héc ta cây ăn trái và 2.000 héc ta thủy sản bị thiệt hị do hạn, mặn; và có 225.800 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
Trước tình hình trên, Bộ NNPTNT đã đề nghị Quốc hội ưu tiên kế hoạch đầu tư trung hạn bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, giai đoạn 2016-2020 để thực hiện các dự án, hệ thống thủy lợi quy mô lớn nhằm phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp; phòng chống giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, dành vốn đầu tư các công trình thủy lợi trọng điểm phòng chống hạn và kiểm soát mặn chưa có nguồn vốn ở ĐBSCL.
Cụ thể, bổ sung gần 18.000 tỉ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2016-2020 để đầu tư các công trình phòng chống hạn và xâm nhập mặn, trong đó các công trình cấp bách cần đầu tư ngay năm 2016-2017 là 2.130 tỉ đồng; bố trí 16.883 tỉ đồng đầu tư các công trình thủy lợi trọng điểm phòng chống hạn, kiểm soát mặn đã đề xuất dự kiến đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, trong đó, vốn ngân sách là 567 tỉ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ là 6.715 tỉ đồng và vốn ODA là 9.601 tỉ đồng.
Nguồn: http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/146041