Hồi ký "Xứ Đông Dương" (dày 635 trang, giá bìa 199.000 đồng), vừa được Alpha Books và NXB Thế giới tái bản 5.000 quyển ngay sau đợt ra mắt đầu tiên tháng 3-2016. Sách do Lưu Đình Tuân, Hiệu Constant, Lê Đình Chi, Hoàng Long và Vũ Thúy dịch; Nguyễn Thừa Hỷ hiệu đính.
Có thể nói, sau những sai sót của lần ra mắt đầu tiên, lần này, "Xứ Đông Dương" được hiệu đính kỹ lưỡng, thực sự là quyển sách quý, tái hiện một cách mới mẻ và khác biệt một giai đoạn lịch sử đầy biến động và bi thương của Việt Nam và các nước láng giềng, dưới góc nhìn của một nhà chính trị từng là Toàn quyền Đông Dương, nguyên Tổng thống cộng hòa Pháp.
"Xứ Đông Dương" |
Cuốn sách được viết đúng với thể loại hồi ký như tác giả khẳng định trong Lời mở đầu: "Người ta yêu cầu tôi sắp xếp lại các ký ức của mình, đặc biệt dành cho giới trẻ, cho những con người sẽ là công dân, những người lính của ngày mai". Đọc hết cuốn sách, người đọc sẽ thấy nội dung hấp dẫn, vượt xa khỏi những hồi tưởng mang tính cá nhân, vì cuốn sách đã được tác giả khái quát thành những nhận xét, đánh giá, cách nhìn mang đậm tính chiến lược trong nhiều lĩnh vực của một chính trị gia, một nhà quản lý có nhận thức sâu sắc về thời cuộc. Ngay ở Lời mở đầu, tác giả đã phân tích tường tận bối cảnh phức tạp dẫn đến việc ông được bổ nhiệm Toàn quyền Đông Dương. Đó là những tranh cãi quyết liệt, chia rẽ sâu sắc trong chính giới Pháp về hệ thống thuộc địa Pháp nói chung và xứ Đông Dương nói riêng. Từ mở đầu như vậy, cho đến khi khép sách lại, người đọc có thể hiểu vì sao dưới thời Doumer, hạ tầng cơ sở của Đông Dương được xây dựng ồ ạt. Ông muốn biến Đông Dương thành thị trường tiêu thụ nền công nghiệp Pháp và muốn xây dựng bộ máy thống trị để khai thác triệt để tài nguyên từ thuộc địa Đông Dương. Ví dụ như việc xây dựng cảng Hải Phòng, thành phố Đà Lạt, làm đường sắt nối Đông Dương với Vân Nam (Trung Quốc). Rồi xây cầu Doumer (Long Biên) ở Hà Nội, cầu Hàm Rồng ở Thanh Hóa, cầu Thành Thái (Tràng Tiền) ở Huế, cầu Bình Lợi ở Sài Gòn… Dưới thời cai trị của Paul Doumer, Hà Nội là thành phố châu Á đầu tiên có điện.
Sách gồm Lời nói đầu, phân tích bối cảnh Paul Doumer được bổ nhiệm làm Toàn quyền Đông Dương và bảy chương: Từ Paris đến Sài Gòn; Tổng quan về Đông Dương; Nam Kỳ; Bắc Kỳ; Trung Kỳ; Cao Miên và Ai Lao; Sự trỗi dậy của Đông Dương. Sáu chương đầu tác giả kể chuyện theo lối hồi ký; văn phong sinh động, dồi dào kiến thức về lịch sử, địa lý, thiên nhiên, văn hóa, con người ở những nơi mình đi qua hoặc thăm viếng. Ví dụ ở chương Tổng quan về Đông Dương, cuối phần Đất nước và con người, ông nhận xét: "Người An Nam chắc chắn là tộc người ưu trội so với các dân tộc chung quanh. Người Cao Miên, Ai Lao và Xiêm La đều không thể chống lại được họ. Không một dân tộc nào trong đế quốc các xứ Ấn Độ có những phẩm chất như họ. Phải tới tận Nhật Bản mới có tộc người có phẩm chất của người An Nam và giống như người An Nam. Cả hai đều thông minh, cần cù và dũng cảm. Người lính An Nam là một người lính giỏi, có kỷ luật và dũng cảm. Họ cũng là người lao động mẫu mực, những nông phu giỏi việc đồng áng, những người thợ lành nghề, những nghệ nhân khéo léo và thông minh. So với các dân tộc khác ở châu Á, trên tư cách người thợ và người lính, người An Nam vẫn xếp cao hơn một bậc".
Toàn bộ quyển sách cho thấy Paul Doumer không chỉ là một nhà cai trị, mà còn là một học giả, một chính trị gia sắc sảo mang tham vọng biến Đông Dương thành một nước Pháp ở Viễn Đông. Cho nên, cái nhìn của ông về mọi việc ở Đông Dương thật khác biệt. Thí dụ trong mở đầu phần Khí hậu và đất đai ở chương Nam Kỳ, ông kể: "Tới Sài Gòn ngày 13-2-1897, tôi gặp Nam Kỳ đang vào mùa khô". Sau đó, ông lại nhìn thấy cơ hội kinh thương ở đất Nam Kỳ: "Đất Nam Kỳ chằng chịt hàng nghìn con sông lớn nhỏ, kênh, rạch chạy theo mọi hướng. Nam Kỳ là nơi bằng phẳng nên thủy triều ảnh hưởng như nhau tới tất cả các tuyến đường thủy. Như thế mỗi ngày hoạt động của triều lên và triều xuống làm cho các dòng chảy cứ sáu tiếng chảy theo chiều này và sáu tiếng chảy theo chiều ngược lại. Người An Nam lợi dụng điều đó để vận tải hàng hóa mà không mất công sức gì nhiều… Có lẽ không có quốc gia nào trên thế giới mà cư dân lại được thiên nhiên ưu đãi như Nam Kỳ". Còn trong phần Các tỉnh miền Tây, ông lại ấn tượng về sức sống của cây lúa: "Sau khi đến Nam Kỳ, tôi đi thăm một số vùng đồng bằng trù phú sản xuất lúa gạo và một số vùng trung tâm đáng chú ý và dễ đến như Tân An, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Sa Đéc. Chuyến đi vào lúc đang mùa gặt; một số nơi thậm chí đã gặt xong. Ở những nơi còn chưa thu hoạch, các nhóm thợ gặt tản ra khắp nơi trên cánh đồng để làm việc, ấn tượng về cuộc sống thật mãnh liệt".
Nhìn về phần Sài Gòn và Chợ Lớn, ông viết rất thẳng thắn và khác biệt: "Theo quyền hạn của mình, tôi đã đặt tên "thành phố" cho một số trung tâm dân cư, lỵ sở của các tỉnh, chẳng hạn như thành phố Mỹ Tho, thành phố Biên Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Sa Đéc. Gọi như thế là cường điệu lên rất nhiều đối với các thị trấn nhỏ đó và không chứng tỏ được chút nào bằng quy mô xây dựng cũng như số dân của chúng. Trong thực tế, chỉ có hai thành phố ở Nam Kỳ xứng với tên "thành phố": Sài Gòn, thành phố hành chính, hàng hải và quân sự, do người Pháp tạo lập; và Chợ Lớn, thành phố thương mại và công nghiệp, đã tồn tại trước khi chúng ta tới và có thể nói mang đặc trưng châu Á hơn đặc trưng An Nam. Mọi hoạt động của Nam Kỳ đều đổ dồn về hai thành phố trung tâm gần như nối liền với nhau này…. Năm 1897 tôi đã suy nghĩ làm thế nào để hợp nhất Sài Gòn và Chợ Lớn với nhau dưới một chính quyền thành phố duy nhất". Vừa vào chương Bắc Kỳ, tác giả đã chỉ thẳng vấn đề mà vùng đất này đang vướng mắc: "Không chỉ riêng Hà Nội, mà toàn thể vùng đồng bằng châu thổ Bắc Kỳ đều gặp vấn đề với hệ thống đê điều. Không có những con đê bao quanh cả những dòng sông lớn, những con sông nhỏ và những con kênh nối liền các dòng sông với nhau, thì một phần lớn của vùng đồng bằng châu thổ hẳn sẽ chìm dưới nước trong suốt mùa hè".
"Xứ Đông Dương" còn có những nhận xét cá nhân cảm động, như đoạn cuối câu chuyện Toàn quyền Paul Doumer gặp nhà vua An Nam 18 tuổi: "Tôi gặp vua Thành Thái lần đầu là trong nghi lễ phô trương cho buổi viếng thăm chính thức của tôi. Đó là ngày 11 tháng Ba năm 1897… Ấn tượng của tôi về Thánh Thái trong lần đầu gặp mặt này rất tốt. Vị vua trẻ có vẻ thông minh, luôn nhìn thẳng vào người đối diện, và cái siết tay của ngài khá thân mật. Người ta vẫn tin rằng đôi mắt và bàn tay của một người bộc lộ tính cách của người đó, và mọi người thường có cảm tình với đôi mắt nhìn thẳng, cái nắm tay chặt và chân thành. Trong ánh mắt hay bàn tay của vị vua này không có gì khiến tôi thấy ngài là một người giả dối hoặc độc ác. Một cách tự nhiên tôi tin tưởng và quý mến ngài, và quan điểm này của tôi khá là trái ngược với những gì đồn đại về ngài".
Chương cuối cùng, Sự trỗi dậy của Đông Dương, là bản tổng kết về sứ mệnh Toàn quyền Đông Dương của tác giả. Trước khi rời Hà Nội vào cuối tháng 2-1902, Paul Doumer viết: "Như vậy có thể nói rằng trong năm năm vừa qua, chính quyền trung ương tại Đông Dương đã hoàn thành trọn vẹn bổn phận cai quản một thuộc địa quan trọng… Trong năm năm vừa qua, Đông Dương đã sống và lao động cùng với một tinh thần duy nhất".
"Xứ Đông Dương" rõ ràng là quyển sách dẫn đắt người đọc về quá khứ, dõi mắt theo những khung cảnh sống động và nhiều vết hằn lịch sử của Đông Dương.
Bài đã đăng tại:
http://www.baocantho.com.vn/?mod=detnews&catid=302&id=178403
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét