Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2023

Vị Xuyên – từ chiến trường xưa đến điểm du lịch hấp dẫn

Huỳnh Kim

15/10/2023

(SGTT) – Một ngày giữa tháng 10-2023, tác giả có chuyến thăm lại Vị Xuyên – nơi từng là chiến trường khốc liệt suốt 10 năm 1979-1989 ở địa đầu biên cương phía Bắc, giờ đang rộn ràng đón khách thập phương.
Đền thờ các anh hùng liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên nằm trên điểm cao 468, thuộc xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Nguyên Phong

Vị Xuyên, ký ức “thời hoa lửa”

Đền thờ các anh hùng liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên nằm trên điểm cao 468, thuộc xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Lên tới khu nhà tưởng niệm bên vách núi đá dựng, mọi người có thể nhìn thấy các điểm cao 685, 772 và hướng mốc biên giới Việt – Trung, điểm cao 1509.

Nơi đây, các khách du lịch dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương phía Bắc với tâm nguyện “sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”. Một bạn trẻ đã ghi vào sổ tay “Từ 1979 đến 1989, có gần 5.000 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh ở Vị Xuyên. Máu của người lính Việt Nam đã hòa vào lòng đất mẹ để Tổ quốc hoà bình phát triển hôm nay”.

Ảnh: Nguyễn Phong

Dạo đó, vào cuối tháng 7-1985, rời mặt trận 979 ở biên giới Tây Nam, tác giả lên Vị Xuyên để viết phóng sự chiến trường cho báo Quân đội Nhân dân. Còn nhớ, cách đền thờ hôm nay không xa, trong hầm chỉ huy, thiếu tá Trần Bản, phó đoàn trưởng Đoàn Quang Trung, trải bản đồ quân sự, nói dãy núi 1500 phân định rõ ranh giới hai nước với những điểm cao 1545, 1509, 772… thuộc lãnh thổ Việt Nam, nhưng quân Trung Quốc đã lấn chiếm một số điểm cao này và huy động pháo bắn dữ dội vào quân dân ta.

Anh Bản kể chỉ riêng ngày 31-5-1985, quân Trung Quốc đã nả gần 50.000 quả đạn pháo. Với bộ binh, từ 22-5 đến 2-6, bộ đội Đoàn Quang Trung đã 4 lần đánh bại các đợt lấn chiếm của địch. Do đó, con lộ 2 hữu nghị dài 22 cây số “lành lặn” từ Hà Giang ra cửa khẩu ngày nào, tới sáng hôm đó đã bị pháo băm vằm loang lổ.

Anh Bản cho biết bộ đội Đoàn Quang Trung đã cùng các đơn vị địa phương Hà Tuyên (nay là Hà Giang) trấn thủ vùng biên nóng bỏng này và đã đánh thắng mọi hành động lấn chiếm của giặc. Các địa danh sau đây đã gắn liền với đá núi Vị Xuyên, với những tháng ngày chiến đấu kiên cường bảo vệ từng tất đất, mỏm đá biên cương Tổ quốc như ngã ba Thanh Thủy, hang Làng Lò, đồi Bốn Hầm, hang Suối Cụt, đồi Chuối, Cốc Nghè, Cửa Tử, điểm cao 2000, 1000, 1200, bình độ 300, 400, 685, đồi không tên…

 

Lên tới khu nhà tưởng niệm của Đền thờ các anh hùng liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên, mọi người có thể nhìn thấy các điểm cao 685, 772 và hướng mốc biên giới Việt – Trung, điểm cao 1509. Ảnh: Nguyễn Phong

Chiều hôm sau, tác giả đã theo toán vận tải vượt Cửa Tử trên đèo Cốc Nghè để lên các điểm tựa tiền tiêu. Chiều tối, trời mưa nhẹ. Sấm giật rồi pháo địch ùng ùng, đường đạn bay dội vào vách núi ù ù như bão thổi. Đồng chí Thái, lính công binh đi cùng, nói đây là nơi ta và địch đã đánh giáp lá cà nhiều trận để giành lại từng mỏm đá.

Thái kể, với lính vận tải, nhiều đêm, các anh phải lợi dụng ánh chớp của sấm sét hoặc ánh đạn pháo địch nổ hụt phía sau để vọt lên ở tư thế đang bò dốc để kịp rút ngắn đoạn đường. Cánh lính vận tải tính, có cả chục kiểu vận tải tránh đạn pháo ở mặt trận này; không phải chỉ là đi tải, mà còn chạy tải, nhảy tải, bò tải, luồn lách tải… Miễn sao đưa kịp hàng hóa đạn dược lên chốt và cáng thương binh về tuyến sau.

Hôm sau, chúng tôi theo đồng chí Lâm, lính trinh sát quê Gia Lâm, Hà Nội lên “chốt dựng” ở điểm cao 1000. Lâm kể, nơi đây từ 27 đến 31-5-1985, đơn vị anh đã đẩy lùi 3 đợt tiến công lấn chiếm của địch, giữ vững điểm tựa. Tới nơi, một đồng chí chỉ tôi xem một đỉnh núi loang lổ đất đỏ vì pháo địch. Đó là một điểm tựa, nhưng sau mỗi trận pháo lại thấy lính mình loáng thoáng trên đỉnh núi. Là vì ngay sau lưng điểm tựa là một thung lũng.

“Cái khối chắn khổng lồ sau lưng mình buộc đạn pháo lọt thỏm hết xuống đó anh ạ. Cả đạn cối truyền đơn của nó cũng lao xuống đó rồi theo con suối Thanh Thủy cuốn phăng ra sông Lô luôn!” Lâm nói.

Trong hầm chỉ huy đơn vị ở gần điểm cao 1200 hôm đó, chúng tôi càng hiểu hơn địa thế hiểm trở ở nơi này. Ba đỉnh núi nối liền là cụm điểm tựa tiền tiêu của đơn vị, đối mặt với những lô cốt địch thập thò dọc các sườn núi đường biên giới đang bị giặc xâm lấn.

Khoảng 14:00 giờ chiều, anh Thịnh, phó chỉ huy đơn vị, đưa chúng tôi lên chốt trên cùng. Bên điểm cao trước mặt, địch đang bắn tỉa. Đạn rít qua đầu. Pháo từ bên kia biên giới cũng bắt đầu ầm ầm nã xuống khu Bốn Hầm. “Tới giờ hợp xướng của nó rồi đấy!”, anh Thịnh la lên, chúng tôi chạy vào giao thông hào. Đạn pháo từ Bốn Hầm nổ dội lên, cách mấy cây số mà nghe muốn ngạt thở, tức ngực.

Một góc Đền thờ các anh hùng liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên. Ảnh: Nguyên Phong

Tác giả hỏi một chiến sĩ, khẩu đại liên mới triển khai chiều nay của nó đặt ở đâu. Anh áp sát vách hầm, chỉ hướng sườn núi 1200, khuất sau một mỏm đá, nói “Ngay đó đấy. Lúc nãy thủ trưởng Thịnh đã bắn mấy quả M79, nó im, nhưng sau nó lại bắn tiếp”.

Khi pháo lớn đã im hẳn, chúng tôi quay về hầm chỉ huy. Bỗng đại liên địch lại ré lên tành tạch, anh Thịnh nói “Cứ mặc cho nó bắn chỉnh súng trọn hôm nay. Mai ta sẽ tính!”.

Chúng tôi lại quây quần quanh cái bàn làm bằng gỗ hòm đạn. Ở góc hầm, có mấy hộp sắt ủ giá đậu xanh. Bây giờ nhiệm vụ ai người nấy làm. Tranh thủ “trời yên núi lặng” để người chỉ huy tiếp khách phương Nam một chút. Bát nước đường pha viên B1, thuốc lào rít liên tục…

Anh Thịnh hỏi, gian khổ ác liệt nhất ở chiến trường giới Tây Nam, nơi quân tình nguyện Việt Nam đang làm nhiệm vụ giúp bạn Campuchia, là gì. Tôi nói “Sốt rét, mìn và thiếu nước. Cũng như ở đây là pháo với pháo vậy!”. Anh Thịnh trầm ngâm “Vậy là cùng tuyến lửa cả. Xin chia lửa với biên giới Tây Nam! Tôi có nhiều đồng hương Vĩnh Phú ở trong ấy”.

 
Tác giả Huỳnh Kim (trái) tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên ngày 14-10-2023. Ảnh: Nguyên Phong

… Sau chuyến đi ấy, báo Quân đội Nhân dân đăng bài thơ “Trên điểm tựa một ngàn” và bài ghi chép 3 kỳ “Gửi về đồng đội phía Nam”. Cuối bài báo, tác giả đã viết “Lần đầu tiên tôi về với biên cương phía Bắc. Lại là nơi nóng bỏng nhất của đất nước hôm nay. Nơi điểm tựa tiền tiêu này, lửa đã cháy trong tôi. Không chỉ là lửa tội ác của pháo đạn giặc. Còn là lửa sống của đồng đội tôi nơi đây. Lửa chiến đấu hết mình để giữ vững biên cương Tổ quốc. Lửa của tình đồng chí đồng đội và lòng thiết tha yêu quý hòa bình. Mùa lúa chín, con đường làng, lời mẹ dặn lúc ra đi, và em, và bạn, và trường lớp… tất cả là nỗi nhớ lung linh thành ngọn lửa trong ta, cùng cháy lên, nơi đây”.

Vị Xuyên hôm nay – rộn ràng đón khách thập phương

Theo báo Hà Giang, trong 6 tháng đầu năm 2023, Vị Xuyên đón tiếp gần 1.000 đoàn khách với trên 32.560 lượt người đến viếng các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên và điểm cao 468.

 

Anh Tạ Viết Trường, đại diện Ban quản lý Đền thờ các anh hùng liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên đang chia sẻ với du khách. Ảnh: Đỗ Ân

Anh Tạ Viết Trường, đại diện Ban quản lý Đền thờ các anh hùng liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên, cho biết “Mỗi tuần, nơi đây đón khoảng 1.000 lượt khách đến viếng các Anh hùng liệt sĩ. Phần lớn, du khách đều kết hợp ghé thăm các di tích lịch sử trên địa bàn huyện và tham quan Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn”.

“Du khách đến Vị Xuyên có thể dành thời gian chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh ngắm hoa đỗ quyên; khám phá văn hóa độc đáo của người Dao, Tày tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Thanh Sơn, thôn Lùng Tao hay ngắm ruộng bậc thang ngút tầm mắt với những ngôi nhà phủ rêu xanh ở Xà Phìn…”, anh Trường nói thêm.

Tác giả Huỳnh Kim trao đổi cùng anh Tạ Viết Trường về du lịch Vị Xuyên hiện nay. Ảnh: Nguyên Phong

Năm 2023, huyện Vị Xuyên đã khảo sát, xây dựng tuyến du lịch khám phá đỉnh Tây Côn Lĩnh. Được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Bắc” với độ cao 2.428 m so với mực nước biển, sở hữu bức tranh thiên nhiên đẹp với khu rừng nguyên sinh phủ đầy rêu phong, thảm thực vật vô cùng phong phú, rừng chè Shan tuyết cổ thụ và đặc biệt là nơi bạt ngàn hoa đỗ quyên cổ thụ bung nở mỗi độ Xuân về.

Về sản phẩm du lịch tâm linh, hiện nay, trên địa bàn huyện còn có một số ngôi chùa thu hút đông du khách đến tham quan như chùa Sùng Khánh ở thôn Làng Nùng, xã Đạo Đức, có địa thế, cảnh quan đẹp, có lịch sử lâu đời, ở đây còn lưu giữ bảo vật Quốc gia là Bia đá thời Trần và quả chuông được đúc thời Hậu Lê và chùa Bình Lâm, xã Phú Linh lưu giữ bảo vật Quốc gia là quả chuông thời Trần, cao 103cm, đường kính miệng 65cm, quai được cấu tạo bởi hai hình rồng, trên chuông khắc chữ Hán.

 

Những ngôi nhà phủ rêu xanh ở Xà Phìn. Ảnh: Nhóm Hà Giang Trẻ

Ngoài ra, du khách đến Vị Xuyên có thể trải nghiệm tắm suối nước khoáng nóng tại Khu du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng Thanh Hà, xã Quảng Ngần hay tham gia chèo thuyền du ngoạn trên lòng hồ thủy điện Sông Miện, xã Thuận Hòa, đây được ví như hẻm Tu Sản thứ hai của Hà Giang. Một điểm đến khác cũng hấp dẫn không kém đó là Hồ Noong, xã Phú Linh, nằm cách thành phố Hà Giang không xa chỉ khoảng 10km về phía Đông.

Những năm qua, huyện Vị Xuyên tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các sản phẩm du lịch đặc trưng. Đến nay, toàn huyện có 47 cơ sở lưu trú với 417 buồng phòng, 621 giường. Tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2015 – 2020 là 25,8%/năm đối với cơ sở lưu trú và 26,9% đối với số buồng phòng. Huyện ủy huyện Vị Xuyên đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025, huyện thu hút trên 1.000.000 lượt khách thăm quan, du lịch; tốc độ tăng trung bình từ 25%-35%/năm. Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2025 đạt 210 tỉ đồng, tốc độ tăng bình quân hàng năm trung bình từ 75% – 87%/năm.

Đã đăng trên: SG Tiếp thị

https://www.sgtiepthi.vn/vi-xuyen-tu-chien-truong-xua-den-diem-du-lich-hap-dan/

Bàn chuyện văn hóa gắn với phát triển kinh tế xã hội ĐBSCL

Huỳnh Kim 

Thứ Sáu, 29/09/2023

(KTSG Online) – Tại tọa đàm “Văn hóa, kinh tế xã hội và nhân văn đồng bằng sông Cửu Long: đặc trưng, đổi mới và phát triển” được tổ chức ở Trường Đại học Cần Thơ sáng nay (29-9), nhiều chuyên gia nhấn mạnh, các hoạt động kinh tế xã hội phải gắn với văn hoá để đạt mục tiêu phát triển bền vững.

Quang cảnh buổi toạ đàm “Văn hóa, kinh tế xã hội và nhân văn ĐBSCL: đặc trưng, đổi mới và phát triển” được tổ chức tại Trường Đại học Cần Thơ sáng 29-9-2023. Ảnh: Huỳnh Kim

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ diễn đàn về phát triển bền vững ĐBSCL, tầm nhìn 2045, nhằm kết nối các bên liên quan trong nước và quốc tế; đề xuất chính sách, giải pháp cho Chính phủ trong việc phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Trích dẫn Nghị quyết số 120 của Chính phủ “Về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu” năm 2017, GS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ, nhấn mạnh văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng để phát triển đất nước, đồng thời cũng là thước đo, tiêu chí để đánh giá việc phát triển bền vững. Nghị quyết này nêu rõ: “Kiến tạo, phát triển bền vững, thịnh vượng, trên cơ sở chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm cuộc sống ổn định, khá giả của người dân cũng như bảo tồn được những giá trị văn hóa đặc sắc vùng ĐBSCL”.

Theo GS. Hà Thanh Toàn, Đại học Cần Thơ có nguồn lực gần 2.000 cán bộ, giảng viên và hơn 45.000 học viên; đồng thời, khoa học công nghệ tiên tiến, liên ngành, chuyên sâu; cơ sở vật chất được nâng cấp đồng bộ, hiện đại từ nhiều nguồn lực, gần nhất là dự án ODA của Chính phủ Nhật Bản và có mạng lưới các đối tác trong nước và quốc tế phong phú.

“Trường cam kết đồng hành cùng các cơ quan, đơn vị, đặc biệt kết nối các tổ chức quốc tế, để thực hiện tốt nhất sứ mệnh và trách nhiệm xã hội, góp phần phát triển bền vững ĐBSCL theo tinh thần Nghị quyết 120/CP”, GS. Hà Thanh Toàn nhấn mạnh.

Từ hoạt động nghiên cứu và ghi nhận của JICA, ông Yuichi Sugano, Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, cho biết ĐBSCL là trọng tâm của Chính phủ Việt Nam trong kế hoạch hành động vì phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

JICA và Đại học Cần Thơ hiện là đối tác đáng tin cậy trong thực hiện chiến lược này. Tổ chức này đã trang bị để trường phát huy khả năng kết nối với cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền các tỉnh ĐBSCL và các nhà nghiên cứu quốc tế.

Thông qua sự hỗ trợ và đã hợp tác tài chính từ JICA, Đại học Cần Thơ đã xây dựng tổ hợp phòng thí nghiệm công nghệ cao và tiên tiến, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu chung và hợp tác kỹ thuật hướng tới phát triển trường thành một cơ sở giáo dục, nghiên cứu khoa học và chuyển giao kiến thức xuất sắc.

Chợ cổ Cần Thơ về đêm là điểm kinh doanh gắn với văn hoá luôn thu hút du khách thập phương. Ảnh: Huỳnh Kim

Về hợp tác phát triển nguồn nhân lực, các chương trình đào tạo thạc sĩ tập trung vào biến đổi khí hậu đã thu hút hàng trăm sinh viên ĐBSCL đến từ các tỉnh, doanh nghiệp.

Ngoài ra còn có 40 dự án nghiên cứu chung về nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và môi trường gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL.

Nhắc lại chủ đề toạ đàm, ông Yuichi Sugano khẳng định: “Chúng tôi cam kết tiếp tục hỗ trợ Trường Đại học Cần Thơ trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững của ĐBSCL. Chúng tôi tin rằng sự hợp tác của chính quyền địa phương, trường, cộng đồng doanh nghiệp ĐBSCL sẽ là động lực hướng tới sự phát triển bền vững của khu vực”.

Bánh dân gian Nam bộ nay là Lễ hội thường niên của thành phố Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Kim

Theo TS. Bùi Thanh Thảo, Trưởng khoa Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Cần Thơ, đặc trưng con người văn hóa ĐBSCL là nghĩa khí, hào hiệp, tình cảm, bao dung, năng động, sáng tạo, phóng khoáng, tự do, trách nhiệm, lạc quan, yêu đời, tình nghĩa, mến khách.

Để văn hóa là nguồn lực phát triển kinh tế xã hội ĐBSCL, bà Thảo cho rằng, xu hướng kinh tế hóa văn hóa sẽ tạo ra các ngành công nghiệp văn hóa có thể đem lại nguồn thu, lợi nhuận lớn cho phát triển kinh tế xã hội của vùng. Bà kiến nghị nên sử dụng các giá trị, đặc trưng văn hóa ĐBSCL như một sản phẩm hàng hóa đặc biệt trong hoạt động kinh tế.

Lấy ví dụ về hoạt động phát triển du lịch đặc thù cho ĐBSCL, TS. Bùi Thanh Thảo góp ý cần có sự gắn kết với các hoạt động trải nghiệm vùng sông nước, miệt vườn và với giá trị văn hóa đặc trưng về sinh hoạt truyền thống, sinh kế của người dân như nghệ thuật đờn ca tài tử, văn hóa chợ nổi, lễ hội…

Trong khi đó, phát triển kinh tế xã hội hài hoà với văn hoá và môi trường sẽ là động lực cho phát triển bền vững ĐBSCL, theo góc nhìn của TS. Lê Thanh Hoà, Trưởng khoa Đô thị học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG-HCM). Ông cho biết trong các mô hình phát triển vững gắn kinh tế – xã hội – môi trường được áp dụng gần đây thì văn hoá chưa được lồng ghép toàn diện trong bối cảnh phát triển bền vững tổng thể.

“Phân tích các nghiên cứu về phát triển bền vững vùng ĐBSCL cho phép kết luận rằng quan hệ giữa văn hoá và môi trường có vai trò quan trọng cho phát triển bền vững. Văn hoá có thể được tích hợp vào quy hoạch tổng thể vùng, quy hoạch chiến lược và kế hoạch phát triển vùng theo ba mô hình gồm văn hoá là trụ cột độc lập cho phát triển bền vững; văn hoá là động lực cho phát triển bền vững; văn hoá là nền tảng cho phát triển bền vững”, TS. Lê Thanh Hoà nhấn mạnh.

Cuối buổi toạ đàm, Trường Đại học Cần Thơ đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM và ký kết thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội Du lịch ĐBSCL nhằm tối ưu hóa tiềm lực các bên, hướng tới phục vụ cộng đồng hiệu quả hơn.

Đã đăng trên: KTSG Online

https://thesaigontimes.vn/ban-chuyen-van-hoa-gan-voi-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-dbscl/

Trường Đại học Nam Cần Thơ mở rộng hợp tác với doanh nghiệp

Huỳnh Kim

22/09/2023

(SGTT) – Sau hơn 10 năm thành lập, trường Đại học Nam Cần Thơ đã thu hút khoảng 23.500 sinh viên, học viên. Sắp tới, nhà trường tiếp tục mở rộng mô hình “doanh nghiệp trong trường đại học” và hợp tác với doanh nghiệp để sinh viên ra trường dễ có việc làm.
Phát biểu tại lễ khai giảng năm học vào sáng ngày 22-9, TS.LS Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng Trường, cho biết, năm học này DNC đã tuyển thêm hơn 6.000 sinh viên, trong đó có 2 ngành mới là Răng – hàm – mặt và Y học dự phòng.
Lãnh đạo DNC cảm ơn các doanh nghiệp đồng hành cùng DNC vào sáng ngày 22-9-2023. Ảnh: Phạm Đỗ Minh Trung

Như vậy sau hơn 10 năm thành lập, DNC đã thu hút hơn 23.500 học viên, sinh viên. Nhà trường đang đào tạo 41 ngành đại học chính quy, sáu  ngành thạc sĩ, một ngành tiến sĩ; tuyển sinh liên thông, vừa làm vừa học và liên kết với Trường Đại học Khoa học – Công nghệ Malaysia (MUST) đào tạo cử nhân quốc tế quản trị kinh doanh.

Theo ông Dũng, DNC đã đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu giảng dạy, dụng cụ thí nghiệm, học tập hiện đại đồng bộ, giáo trình tiên tiến, phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học trong thời đại 4.0. Ba công trình mới khánh thành phục vụ năm học này là Trung tâm Phát triển và ứng dụng phần mềm DNC, Khu thể thao đa chức năng DNC, Khu thao trường tập luyện kỹ thuật chiến đấu bộ binh và chiến thuật (phục vụ giảng dạy Bộ môn giáo dục quốc phòng – an ninh).

DNC cũng đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm định giáo dục và xếp hạng đối sánh 4 sao theo chuẩn UPM trong ngành giáo dục.

Sau hơn 10 năm thành lập, DNC đã thu hút hơn 23.500 học viên, sinh viên. Ảnh: Huỳnh Kim
Trong hợp tác quốc tế, DNC đang liên kết, hợp tác với nhiều viện, trường của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Hàn Quốc, Philippines… với nhiều hình thức hợp tác song phương, đa phương về giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Từ năm học này, TS.LS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, DNC sẽ mở rộng hợp tác với hàng chục doanh nghiệp trong và ngoài nước và tiếp tục phát triển mô hình “doanh nghiệp trong trường đại học”, là mô hình tiên phong của DNC và cũng là chủ đề mà DNC đã cùng Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức hội thảo từ tháng 7-2020.

Theo đó, DNC đã thành lập các doanh nghiệp như Tập đoàn Nam Miền Nam, Công ty TNHH MTV Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ, Công ty TNHH MTV Thương mại Nam Cần Thơ DNC, Viện Nghiên cứu và Phát triển dược liệu, Trung tâm Phát triển và Ứng dụng phần mềm DNC, Viện Nghiên cứu – đào tạo khoa học sức khỏe DNC.

Mô hình này đã và đang phục vụ thiết thực cho nhu cầu thực hành – thực tập của sinh viên DNC; giúp họ hoàn thiện kỹ năng, nâng cao tay nghề, dễ tìm việc làm và cũng là nơi tiếp nhận sinh viên làm việc sau khi tốt nghiệp. Đây cũng là nơi giúp DNC hoàn thiện chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế.

Trong khuôn viên DNC sáng 22-9-2023. Ảnh: Huỳnh Kim
Tại lễ khai giảng này, nhiều doanh nghiệp cũng đã tài trợ gần 200 triệu đồng để DNC cấp học bổng cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Phát biểu tại lễ khai giảng, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, nhấn mạnh “Tôi luôn tin tưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ sẽ tiếp tục phát huy được giá trị cốt lõi “Trí tuệ – Sáng tạo – Hội nhập và Phát triển” đã đề ra; đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo cho vùng ĐBSCL và cả nước”.

Đã  đăng trên: SG Tiếp thị

https://www.sgtiepthi.vn/truong-dai-hoc-nam-can-tho-mo-rong-hop-tac-voi-doanh-nghiep/

 

Cần Thơ thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng bằng nhiều hoạt động bổ ích

 Huỳnh Kim

 15/09/2023

(SGTT) – Thành phố (TP) Cần Thơ đang tổ chức nhiều chương trình thu hút đông đảo người dân tham gia nhằm phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Sáng nay, 15-9, tại huyện Vĩnh Thạnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) TP Cần Thơ và Ban tổ chức Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc Cần Thơ năm 2023 đã tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi này.

Cảnh trao giải thưởng tại cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc TP Cần Thơ năm 2023. Ảnh: Hoàng Oanh

Ông Lê Thanh Bình, Giám đốc Thư viện TP Cần Thơ, cho biết từ tháng 8-2021, Sở VH-TT-DL Cần Thơ đã có kế hoạch phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng tại địa phương giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm thực hiện quyết định ngày 15-3-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, từ đầu năm học 2022 – 2023, Sở VH-TT-DL và Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Cần Thơ đã ký kết kế hoạch phối hợp phát triển văn hóa đọc trong nhà trường; triển khai đến hệ thống thư viện công cộng các cấp và trường học nhằm thu hút đông đảo lực lượng giáo viên và học sinh tham gia.

Ngoài ra, theo ông Lê Thanh Bình, Thư viện Cần Thơ đã triển khai chương trình phục vụ tài liệu số cho bạn đọc với mô hình Thư viện điện tử. Thư viện phổ biến poster mã QR về nguồn vốn tài liệu số trên Cổng thông tin điện tử Thư viện Cần Thơ và hướng dẫn, khuyến khích, vận động người dân, nhất là giáo viên, học sinh sử dụng và khai thác thư viện này.

Bạn đọc trẻ tại Thư viện TP Cần Thơ. Ảnh: Lạc Long

Về trực quan, ngành VH-TT-DL Cần Thơ còn phục vụ xe thư viện lưu động đa phương tiện tại 45 trường trung học cơ sở thuộc 6 quận, huyện trong thành phố cho 60.900 lượt giáo viên, học sinh. Có 110.900 lượt tài nguyên thông tin từ chương trình này đã đến với người đọc qua việc triển lãm sách in, hướng dẫn đọc sách điện tử (ebook) trên thiết bị di động; đố vui “Ô cửa kiến thức” trên ứng dụng kahoot; ứng dụng STEM làm Tên lửa khí…

Từ năm 2019, Cần Thơ là một trong sáu địa phương của cả nước được Vụ Thư viện chọn triển khai tổ chức cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc. Đến năm 2023, Sở VH-TT-DL và Sở GD-ĐT Cần Thơ phối hợp tổ chức cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc quy mô cấp thành phố.

Cuộc thi kéo dài từ ngày 10-4 đến 10-6-2023, thu hút 5.788 bài thi của học sinh thuộc 64 trường học tham gia. Trong đó, cấp trung học phổ thông có 1.390 bài (24%), cấp trung học cơ sở có 3.607 bài (62,3%), cấp tiểu học có 791 bài (13,7%).

Theo ông Lê Thanh Bình, Giám đốc Thư viện Cần Thơ kiêm trưởng ban giám khảo, nhiều học sinh đã chọn các quyển sách hay, giá trị tư tưởng tốt để viết bài dự thi, như “Những bài học cuộc sống”, “Hãy khiến tương lai biết ơn vì hiện tại bạn đã cố gắng hết mình”, “Tôi, tương lai và thế giới”, “Sống cho điều ý nghĩa hơn”, “Khi bạn đang mơ thì người khác đang nỗ lực”…

Các bài dự thi có dẫn giải, so sánh với thực tế, làm bật lên bài học cuộc đời mà sách đem lại. Từ việc hiểu nội dung của sách, một số em còn nhận ra những hạn chế, yếu kém hoặc liên hệ hoàn cảnh thực tế của bản thân để tự nhắc mình. Lối hành văn trong các bài thi đều trong sáng, giản dị, đúc kết bài học giá trị từ quyển sách để hướng đến cách suy nghĩ, lối sống tích cực, có tính thuyết phục. Các học sinh còn cố gắng sáng tác một tác phẩm thơ/truyện; hầu hết các tác phẩm này đã gửi gắm những thông điệp tích cực, chuyển tải được nội dung khuyến đọc.

Ông Bình cho biết, phần lớn bài thi cũng đã đề xuất giải pháp phù hợp với thực tế như nhà trường cần tổ chức tuyên truyền sách trong chào cờ đầu tuần; tạo các góc đọc sách tiện lợi trong trường; nâng cao nhận thức của các ngành các cấp; thành lập câu lạc bộ, tổ chức các hoạt động lan tỏa văn hóa đọc; tạo “Tủ sách 0 đồng” tại nơi công cộng; ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mạng xã hội để phát triển văn hóa đọc.

Đặc biệt, một số giải pháp mới đã được học sinh đề cập như cần nghiên cứu, khảo sát việc đọc sách hàng năm trong trường học để có kế hoạch dài hạn; phát huy vai trò của tổ ngữ văn, cán bộ thư viện; tận dụng điện thoại, laptop để đọc sách điện tử… “Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy các em mong muốn đóng góp để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, trước hết tại nhà trường”, ông Lê Thanh Bình nhấn mạnh.

Ban giám khảo đã trao 33 giải thưởng cá nhân và 8 giải thưởng tập thể tại cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc TP Cần Thơ năm 2023. Theo bà Lê Thị Thùy Dung – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, tới đây, Sở GD-ĐT và Sở VH-TT-DL cùng với Thư viện TP Cần Thơ tiếp tục tìm thêm giải pháp để lan tỏa niềm đam mê đọc sách đối với thế hệ trẻ; trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm của việc đọc sách và phát triển văn hóa đọc. Từ đó, khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc trong nhà trường và cộng đồng, hình thành thói quen và nâng cao kỹ năng đọc sách cho học sinh.

Đã đăng trên: SG Tiếp thị

https://www.sgtiepthi.vn/can-tho-thuc-day-van-hoa-doc-trong-cong-dong-bang-nhieu-hoat-dong-bo-ich/

Beyond the mandates of an educational institution

By Huynh Kim 

 

Students of Nam Can Tho University pose for a photo beside a solar-powered vehicle manufactured by the university – PHOTO: HUYNH KIM

For a university, the key mandates, needless to say, must be to provide education services, to collaborate with industries in training so as to equip students with job-ready skills, to conduct research and development, or, in catching up with global trends now, to engage in business incubation to make practical contributions to economic development. At Nam Can Tho University in the Mekong Delta city of the same name, such responsibilities are fully assumed. And, beyond such mandates, the private education institution has even excelled in corporate social responsibility (CSR), though it is not genuinely a corporation.

Established in early 2013, Nam Can Tho University after ten years has expanded by leaps and bounds, and aims to be among the top-ranked private instituations in the country in 2025, before becoming a multi-disciplinary institution of regional and international stature in 2030. To realize its ambitious goal, Nam Can Tho University is determined to follow the company-in-university model, and its success on this pathway has enabled the young institution to make great contributions to society, especially in CSR activities.

Corporate dimension 

Dr. Nguyen Tien Dung, chairman of the university council, said the university has made great efforts in promoting the company-in-university model, and has to date established three affiliated companies, namely Nam Mien Nam Group, Nam Can Tho University Medical Center Company Limited, and Nam Can Tho DNC One-Member Company Limited.

With such developments, the university has managed to establish many business-oriened facilities that strongly support scientific research and teaching. These include the R&D Institute of Medical Plants, DNC Automobile Showroom, the Institute for Health Science Research and Training, and a software development center.

Dr. Nguyen Van Quang, rector of the university, explained, “This model provides practice and internship opportunities for students to apply their knowledge and improve their skills, and also offers them job opportunities after graduation.”

Inside the university’s campus, students are often seen riding about on solar-powered vehicles invented and manufactured by DNC Automobile Showroom, or busy demonstrating their skills at the automobile showroom, the R&D Institute of Medical Plants, or the medical center.

The university has also cooperated with numerous well-known corporations to help students improve their knowledge and skills, including TaTa International, Isuzu, Vingroup, Philips Vienam, VietinBank, HDBank, Misa, Viettel, and VNPT.

Prof. Vo Tong Xuan, president emeritus of the university, said the institution is also strengthening cooperation with partners from across the world, including the U.S., Japan, New Zealand, South Korea, Australia and the UK, to enhance scientific research.

Beyond education mandates

Primarily an education institution in the becoming, and after marching vigorously into the business sphere, the university has expanded the scope of its community spirit via various CSR activities.

Since 2020, the university has contributed VND50 billion to the community, according to Council Chairman of the university Nguyen Tien Dung, especially during the height of the Covid-19 pandemic.

In 2020, the school donated 15,000 bottles of sterilization, 7,000 bottles of hand sanitizer, and protective gear, in addition to 2,000 scholarships to students hit hard by the pandemic, with a total value of VND4 billion.

The following year, the university donated VND150 million to the country’s vaccine program, VND1.5 billion to Can Tho City to acquire 1,500 Covid-19 test kits, 20,000 bottles of sterilization, 8,000 bottles of hand sanitizer, and 4,500 facial masks. Also this year, the university awarded VND7 billion worth of scholarships to Covid-affected students, and 1,000 gift packages worth VND400,000 each to students in Can Tho stranded by Covid.  The total donation in kind and in cash made by the university in 2021 amounted to VND15 billion.

Nam Can Tho University’s students make protective gear to donate to Covid 19 frontliners during the peak of the pandemic – PHOTO: NCT UNIVERSITY

At a working session with the university’s management on August 10, 2023, Nguyen Van Hieu, Party Secretary of Can Tho City, praised the institution for its great efforts in supporting the community, alongside maintaining education quality, science-technology development, and socio-economic engagement.

Since last year, Nam Can Tho University has maintained the annual scholarship program worth over VND8 billion for its students. It has also decided to earmark VND1 billion in scholarships for outstanding students from Quang Nam Province, plus a tuition fee reduction of 20% and exemption of lodging charges for all students from this province.

This year, apart from the annual scholarship programs, the university has decided to offer full scholarships worth VND10 billion for students from Laos. The eligible candidates will be exempted from all tuition fees, lodging service charges, extra-curriculum English learning fees and dining charges.

Asked if these community programs are integrated into the university’s strategy, Dr. Nguyen Tien Dung said, “Nam Can Tho University has always considered contributions to the community for social development one of its focal missions throughout the course of the university’s development.”

The university’s community spirit, Dr. Dung said, has had dispersion effects on many of the school’s partners who have also joined the university in lending a helping hand to the community, especially in scholarship programs.

Nam Can Tho University currently offers various levels of tertiary education, from post-secondary to undergraduate and postgraduate studies, enrolling more than 19,000 students in 42 faculties. However, as mentioned earlier, the university has also had various programs integrated into its performance, including corporate operations and social development, the latter being a highlighted property of the institution rarely found in other higher education institutions.

The university has seen community development as a particular endeavor that it will pursue in the coming years to contribute to the country’s sustainable development, acording to the council chairman.

“Nam Can Tho University will certainly further expand community programs in the coming time,” said Dr. Nguyen Tien Dung.

Đã đăng trên: The Saigon Times

https://english.thesaigontimes.vn/beyond-the-mandates-of-an-educational-institution/

Hoạt động CSR nơi mô hình ‘doanh nghiệp trong trường đại học’

Huỳnh Kim 

(KTSG Online) – Sau hơn 10 năm thành lập (25-1-2013 – 2023), Trường Đại học Nam Cần Thơ (DNC) đặt mục tiêu, đến năm 2025 nằm trong nhóm hàng đầu các tổ chức giáo dục ngoài công lập cả nước; năm 2030 là trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, vào Top 20 tại Việt Nam; đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Để làm được điều này, bên cạnh tập trung đầu tư cho phát triển, DNC đang chung tay hợp tác trong và ngoài nước và đẩy mạnh mô hình “doanh nghiệp trong trường đại học” cùng với hoạt động CSR. 

Sinh viên Đại học Nam Cần Thơ chụp ảnh bên xe chạy bằng năng lượng mặt trời do trường sản xuất. Ảnh: Huỳnh Kim

Mở rộng mô hình doanh nghiệp trong trường đại học

Theo TS.LS Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng Trường, từ sau ngày cùng với Tạp chí KTSG tổ chức hội thảo “Phát triển mô hình doanh nghiệp trong trường đại học” (30-7-2020), DNC tiếp tục thúc đẩy thực hiện mô hình này.

Đến nay, DNC đã thành lập ba doanh nghiệp chính để phát triển mô hình “doanh nghiệp trong trường đại học”, đó là Tập đoàn Nam Miền Nam, Công ty TNHH MTV Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ, Công ty TNHH MTV Thương mại Nam Cần Thơ DNC.

Từ ba đơn vị này, DNC đã xây dựng tất cả các công trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học của trường, trị giá hàng nghìn tỉ đồng. Trong đó có thư viện điện tử, ký túc xá, các khu giảng dạy, Viện Nghiên cứu và phát triển dược liệu, Xưởng Cơ khí ô tô với sản phẩm ô tô điện DNC sử dụng năng lượng mặt trời, khu resort giảng viên, Bệnh viện đại học Nam Cần Thơ, Trường trung học phổ thông song ngữ DNC, Viện Nghiên cứu – Đào tạo khoa học sức khỏe DNC, hồ bơi, khu thể thao, Trung tâm phát triển và ứng dụng phần mềm DNC…

TS Nguyễn Văn Quang, Hiệu trưởng DNC, giải thích: “Mô hình này nhằm phục vụ nhu cầu thực hành, thực tập cho sinh viên, góp phần hoàn thiện kỹ năng, nâng cao tay nghề và là nơi tiếp nhận sinh viên DNC làm việc sau khi tốt nghiệp”.

Đến nay, DNC đã được Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) đánh giá là ngôi trường có cơ sở vật chất khang trang, thiết bị hiện đại, khuôn viên trường xanh – sạch – đẹp nổi bật ở đồng bằng sông Cửu Long, đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của Bộ GD-ĐT và tiêu chuẩn 4 sao UPM của ngành giáo dục.

Chúng tôi thường gặp cảnh sinh viên nhà trường đi lại bằng ô tô điện DNC trong khuôn viên nhà trường, cảnh sinh viên chăm chỉ thực hành tại Xưởng cơ khí ô tô, Viện Nghiên cứu và phát triển dược liệu, Bệnh viện đại học Nam Cần Thơ…

Ngoài việc thực hiện mô hình này, DNC còn liên kết với Tập đoàn TaTa International, Tập đoàn Isuzu, Tập đoàn Vingroup, Công ty TNHH Philips Việt Nam, Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Quân y 121, Công ty Dược Hậu Giang, Viettinbank, HDBank, Misa, Viettel, VNPT, Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Cần Thơ, Bệnh viện đại học Y dược TPHCM… đào tạo kỹ năng nghề, kỹ năng mềm cho sinh viên ngay từ năm thứ nhất cho tới khi tốt nghiệp.

Trong hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học, theo GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự DNC, nhà trường đang đẩy mạnh liên kết, hợp tác với nhiều đồng nghiệp tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Malaysia, Philipines, Anh, Úc… “Tới đây, DNC sẽ chọn lọc sử dụng một số chương trình đào tạo đang được giảng dạy tại các trường đại học nước ngoài phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam; đến năm 2025, DNC có 30% giáo trình, bài giảng bằng tiếng Anh dành cho một số ngành đào tạo”, GS Xuân nói.

Trao đổi với KTSG Online về phương tới, TS.LS Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh tới đây nhà trường sẽ mạnh dạn điều chỉnh, đổi mới về quản lý, phương hướng hoạt động, phương pháp đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, kỹ thuật; nâng cao đoàn kết và tăng cường hợp tác đối nội, đối ngoại; đẩy mạnh mô hình “doanh nghiệp trong trường đại học”.

Theo ông Dũng, triết lý giáo dục xuyên suốt của DNC vẫn là “trí tuệ – sáng tạo – hội nhập và phát triển” với phương châm hành động “chất lượng là danh dự của nhà trường”.

Đẩy mạnh hoạt động CSR

Phát biểu tại buổi làm việc mới đây, ngày 10-8-2023, với lãnh đạo nhà trường, ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ, nhấn mạnh qua hơn 10 năm hình thành và phát triển, cùng với việc hoàn thành các nhiệm vụ đào tào, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, cung ứng dịch vụ trong các lĩnh vực sức khỏe, kinh tế xã hội và khoa học kỹ thuật công nghệ, Trường Đại học Nam Cần Thơ đã đóng góp rất lớn cho các hoạt động xã hội và phát triển cộng đồng (CSR).

Theo TS.LS Nguyễn Tiến Dũng, từ năm 2020 đến năm nay, DNC đã đóng góp cho các hoạt động vì cộng đồng khoảng 50 tỉ đồng. Đặc biệt trong giai đoạn đỉnh điểm của dịch Covid-19 và tái thiết lập đời sống sau dịch bệnh, DNC đã đồng hành với TP Cần Thơ và nhiều tỉnh ĐBSCL khác.

Năm 2020, nhà trường đã đóng góp 15.000 chai nước sát khuẩn do DNC sản xuất, 7.000 chai nước rửa tay, mặt nạ chống giọt bắn và hơn 2.000 suất học bổng cho sinh viên nghèo khó khăn do dịch Covid-19 với tổng trị giá trên 4 tỉ đồng (trong số trên 4,5 tỉ đồng CSR cả năm 2020). Trong đó, có 300 chai sát khuẩn (trị giá 15 triệu đồng) tham gia chương trình “Saigon Times – Nối vòng tay lớn” tặng bộ đội biên phòng Kiên Giang vào tháng 9-2020.

Năm 2021, DNC ủng hộ 150 triệu đồng cho chương trình “Cùng Tuổi Trẻ góp vaccine Covid – 19”. Vào tháng 7-2021, nhà trường đã tặng TP Cần Thơ 1.500 bộ kit test nhanh Covid – 19, trị giá 1,5 tỉ đồng. Ngoài ra, DNC còn góp 20.000 chai nước sát khuẩn, 8.000 chai nước rửa tay, 4.500 mặt nạ chống giọt bắn cho TP Cần Thơ.

Thời điểm này DNC còn tặng trên 7 tỉ đồng học bổng khó khăn do dịch Covid-19 cho sinh viên; tặng 1.000 phần quà (400.000 đồng/phần quà) cho sinh viên trường tạm trú tại Cần Thơ chưa thể về nhà do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, sinh viên nội trú tại Ký túc xá DNC được nhà trường hỗ trợ 2 bữa com  mỗi ngày kèm sữa, mì gói, trái cây với tổng giá trị 260 triệu đồng. Hơn 100 cán bộ, giảng viên, sinh viên trường cũmg đã đăng ký tham gia trực các chốt khai báo y tế, thực hiện truy vết và lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng. Tổng số tiền trao tặng cho xã hội năm 2021 là trên 15 tỉ đồng.

Sinh viên DNC thực hiện 1.400 chiếc mũ chống giọt bắn phòng dịch bệnh Covid-19 cho các chốt kiểm soát phòng dịch trên địa bàn TP Cần Thơ.
Từ năm 2022, bên cạnh việc duy trì hơn 8 tỉ đồng học bổng cho tân sinh viên và sinh viên đang theo học tại trường, nhà trường quyết định ủng hộ học bổng cho học sinh giỏi của tỉnh Quảng Nam, mỗi năm 1 tỉ đồng. Đồng thời cấp học bổng 20% học phí và miễn tiền ký túc xá cho toàn bộ sinh viên có hộ khẩu thường trú Quảng Nam theo học tại trường.

Năm 2023, tiếp tục duy trì hơn 8 tỉ đồng học bổng cho tân sinh viên và sinh viên đang theo học tại trường. Đặc biệt, từ năm học 2023 – 2024, trường dành 10 suất học bổng cho du học sinh Lào học tập tại trường miễn phí 100% học phí, chỗ ở, học tiếng Anh và tiền ăn với tổng số tiền khoảng 10 tỉ đồng/năm.

Trả lời câu hỏi, các hoạt động này có được đưa vào chiến lược hay kế hoạch phát triển của nhà trường hàng năm hoặc dài hạn không, ông Nguyễn Tiến Dũng khẳng định: “Bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo, hoàn thiện cơ sở vật chất, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, Trường Đại học Nam Cần Thơ luôn xác định việc đóng góp cho cộng đồng, các hoạt động vì an sinh xã hội là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu xuyên suốt quá trình phát triển của nhà trường. Hoạt động này được triển khai sâu rộng từ Hội đồng Trường, Ban Giám hiệu đến các đơn vị phòng, ban, khoa, trung tâm và nhận được sự phản hồi tích cực, sự ủng hộ nhiệt tình từ tất cả các cá nhân’’.

Ông Dũng cũng cho biết, những hoạt động CSR của DNC đã tạo được thiện cảm với nhiều đơn vị hành chính, doanh nghiệp ở ĐBSCL. Nhiều phụ huynh, sinh viên, học sinh khi tìm hiểu về những hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội của DNC đã có thêm niềm tin về môi trường đào tạo vừa chất lượng, vừa nhân văn. Đặc biệt, tinh thần vì cộng đồng của DNC còn lan tỏa đến nhiều đối tác chiến lược, thúc đẩy họ sẵn sàng hợp tác, đóng góp, chung tay vì cộng đồng. Hằng năm, các đơn vị, doanh nghiệp đối tác của DNC đều đóng góp nhiều suất học bổng cho sinh viên có thành tích học tập giỏi, xuất sắc, các em có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại trường, trong đó câu chuyện giải quyết việc làm sau khi tốt nghiệp cho sinh viên DNC cũng được các đối tác quan tâm, tạo điều kiện.

Theo ông Dũng, mục tiêu cao nhất khi thực hiện các hoạt động phát triển, hoạt động vì cộng đồng là mang đến nhiều giá trị thiết thực, tốt đẹp cho xã hội, vì vậy DNC chắc chắn sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng hơn hoạt động CSR trong thời gian tới.

Trả lời KTSG Online về thông điệp cần truyền tải tới cộng đồng, đối tác, khách hàng qua các hoạt động phát triển bền vững / hoạt động cộng đồng của mình, TS.TS Nguyễn Tiến Dũng , Chủ tịch Hội đồng Trường DNC, chia sẻ: “Xã hội là một khối liên quan mật thiết với nhau, vì vậy, bên cạnh việc tự phát triển, các cá nhân, đơn vị cần góp phần vào quá trình xây dựng những giá trị bền vững, nâng cao đời sống về vật chất và tinh thần của thế hệ trẻ – những người chủ tương lai của đất nước, hoặc những người yếu thế giúp họ bắt kịp với nhịp sống hiện đại, để không ai bị bỏ lại phía sau. Chỉ có như vậy xã hội mới ngày càng tốt đẹp hơn”.

Hiện nay DNC đang đào tạo từ trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học cho hơn 19.000 học viên, sinh viên ở 42 ngành như dược, y, kế toán, tài chính – ngân hàng, quản trị kinh doanh, quản lý công nghiệp, bất động sản, quản trị dịch vụ du lịch, luật, quan hệ công chúng, kinh doanh quốc tế, marketing, quản lý đất đai, quản lý tài nguyên và môi trường, kỹ thuật công trình xây dựng, kiến trúc, kỹ thuật môi trường, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật hóa, công nghệ thực phẩm, công nghệ kỹ thụât ô tô… Đã có trên 8.000 học viên, sinh viên tốt nghiệp, góp phần cung cấp nguồn nhân lực cho thành phố Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL.

Đã đăng trên: KTSG Online

https://thesaigontimes.vn/hoat-dong-csr-noi-mo-hinh-doanh-nghiep-trong-truong-dai-hoc/