Lạc Long
Quang cảnh hội thảo Mekong Startup tại Cần Thơ. Ảnh: Lạc Long |
(TBKTSG Online)- Hôm qua 30-6, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ tổ chức hội thảo “Giải pháp khởi nghiệp thành công cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và TP. Cần Thơ”.
Chương trình khởi nghiệp khu vực ĐBSCL này mang tên “Mekong Startup” giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến 2030.
Theo TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, Cần Thơ là thành phố trung tâm ĐBSCL, có hạ tầng tốt cho khởi nghiệp như hệ thống vườn ươm doanh nghiệp, các trung tâm giáo dục, đào tạo nghề, nguồn nhân lực được đào tạo cơ bản, có hệ thống thông tin kết nối và dịch vụ đô thị nhưng hiện Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL đang thiếu liên kết và chưa có chương trình khởi nghiệp dài hạn.
Do vậy, Mekong Startup nhắm tới 5 mục tiêu cụ thể: Hình thành trung tâm khởi nghiệp với 100 chỗ làm việc giai đoạn 2016-2017, kết nối các vườn ươm tạo thành mô hình “đô thị khởi nghiệp” tại Cần Thơ đến 2020; tạo dựng 1.000 doanh nghiệp mới trong các lĩnh vực về công nghệ, quản trị từ nay đến năm 2020; giải quyết trên 5.000 lao động có chuyên môn trực tiếp tham gia cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và 20.000 lao động kỹ năng làm việc gián tiếp; hỗ trợ đầu vào và kết nối đầu ra cho vườn ươm Việt Nam – Hàn Quốc (KVIP), Vườn ươm Đại học Cần Thơ và các khu ươm tạo khác; hỗ trợ đăng ký 50 bằng sáng chế (sở hữu trí tuệ) trong giai đoạn 2016-2020 và 500 bằng sáng chế giai đoạn 2020 – 2030.
Ngoài nhiệm vụ xây dựng tinh thần khởi nghiệp để thế hệ trẻ phát huy ý tưởng sáng tạo và kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, Mekong Startup sẽ tạo sự kết nối giữa các địa phương, lấy Cần Thơ làm trung tâm để xây dựng mô hình liên kết có hệ thống, trong đó VCCI đóng vai trò dẫn dắt và phối hợp thực hiện.
Hoạt động của Mekong Startup gồm hỗ trợ, ươm tạo, đào tạo và hiện thực hóa các sản phẩm, dịch vụ ươm tạo để ứng dụng vào thực tiễn xã hội cho toàn vùng. Cụ thể sẽ có các hội thảo về khởi nghiệp và các cuộc thi khởi nghiệp; lập Quỹ tín thác hỗ trợ ý tưởng sáng tạo (Angel Trust Fund); tuyển chọn đưa vào ươm tạo và hỗ trợ ý tưởng cho các doanh nhân khởi nghiệp (startup-er); xây dựng Trung tâm ươm tạo VCCI và khai thác phát triển dự án từ ươm tạo.
Ông Võ Hùng Dũng cho biết riêng với Trung tâm ươm tạo VCCI, giai đoạn 1 (2016 – 2017), VCCI Cần Thơ sẽ sử dụng diện tích mặt bằng văn phòng hiện tại để đầu tư Trung tâm ươm tạo quy mô nhỏ, đáp ứng ngay nhu cầu sử dụng cho các nhà khởi nghiệp trẻ. Dự kiến giai đoạn 2016 – 2017 có khoảng 100 startup-er làm việc tại trung tâm này với sự hỗ trợ của các chuyên gia. Giai đoạn 2 (2018 - 2030), kiến nghị TP. Cần Thơ hỗ trợ đất để VCCI Cần Thơ đầu tư xây dựng Trung tâm ươm tạo quy mô lớn (rộng khoảng 5.000 m2).
Tổng kinh phí cho chương trình Mekong Start-up này dự toán là 45,29 tỉ đồng, chủ yếu từ nguồn huy động đóng góp của xã hội.
Ông Võ Hùng Dũng cũng cho biết trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, VCCI Cần Thơ sẽ xây dựng website Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp; Diễn đàn và Fanpage (Facebook) chương trình hỗ trợ khởi nghiệp và hệ thống thư viện điện tử E-Learning (Electronic Learning).
Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, cho biết Cần Thơ xác định khởi nghiệp là “mồi lửa” đột phá thúc đẩy doanh nhân trẻ lập nghiệp làm giàu cho mình và đóng góp cho sự thịnh vượng của Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung.
Theo ông Nguyễn Thanh Dũng, đến nay, thông qua các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, TP. Cần Thơ đã tạo lập được môi trường đầu tư an toàn, ổn định và hiệu quả với trên 15.500 doanh nghiệp thuộc các loại hình với tổng số vốn đăng ký kinh doanh 96.633,5 tỉ đồng hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu… chiếm 26% doanh nghiệp cả vùng ĐBSCL.
ĐBSCL hiện có gần 30.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 7,7% tổng số doanh nghiệp cả nước và tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 10%, chỉ bằng một nửa tốc độ tăng trung bình của cả nước.
Phần lớn doanh nghiệp hoạt động trong ngành thương mại (khoảng 43%) và công nghiệp chế biến (20%), kế đến là xây dựng (15%). Doanh nghiệp nông nghiệp, thủy sản chiếm hơn 6% và vận tải khoảng 4%.
Doanh nghiệp theo loại hình công nghệ thì nhóm doanh nghiệp có công nghệ thấp chiếm trên 75% và có xu hướng tăng. Nhóm ngành công nghệ trung bình chiếm ít hơn 20%, nhóm ngành công nghệ cao chỉ chiếm hơn 2%, là một trong những nguyên nhân chưa tạo năng suất cao trong sản xuất.
(Nguồn: VCCI Cần Thơ)
Bài đã đăng tại: