Thị trường bất động sản
(BĐS) năm 2017 và 5 tháng đầu năm 2018 tăng trưởng tương đối ổn định, chưa có
biểu hiện cực đoan. Nhà đầu tư không bị cuốn vào những cơn “sốt nóng” làm mất
thanh khoản như một số năm trước. Lượng vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực
tiếp nước ngoài và đầu tư gián tiếp thông qua các hình thức liên doanh, mua lại
cổ phần dự án… đều tăng mạnh, ước đạt 3 tỉ USD. Trong đó, số tiền các nhà đầu
tư bỏ ra để mua lại các dự án lên đến hàng trăm triệu USD. Điều đó chứng tỏ,
thị trường BĐS Việt Nam đang hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Ông
Đỗ Viết Chiến - Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục
Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) - đã đưa ra nhiều dự báo về thị trường này…
|
|
Cụ thể, tính thanh khoản tăng ở hầu hết các
phân khúc sản phẩm; các giao dịch đã tăng trở lại và đang duy trì ở mức khá. Cơ
cấu hàng hóa BĐS từng bước được điều chỉnh hợp lý, hướng tới nhu cầu thực và
khả năng thanh toán thực của thị trường. Mặt bằng giá cả ngày càng ổn định, phù
hợp hơn với khả năng chi trả của số đông người dân. Lượng tồn kho BĐS liên tục
giảm. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp, các nhà đầu tư BĐS đã từng bước vượt
qua được thời kỳ khó khăn, đang tiếp tục phát triển. Nhiều dự án nhà ở, khu đô
thị mới, khu du lịch nghỉ dưỡng, kinh doanh dịch vụ thương mại với hệ thống hạ
tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ đã được hình thành, có tầm cỡ quốc tế,
làm thay đổi diện mạo, bộ mặt nhiều đô thị.
Tuy vậy, vẫn còn một số doanh nghiệp BĐS
triển khai dự án có quy mô, sản phẩm hàng hóa chưa phù hợp với yêu cầu thị
trường. Năng lực tài chính, quản lý còn yếu dẫn tới dự án chậm tiến độ, lãng
phí đất đai, nguồn lực. Một số chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm các quy định
pháp luật liên quan dẫn tới tranh chấp, khiếu kiện giữa chủ đầu tư với khách
hàng.
Đây cũng có thể là những điểm nghẽn chủ yếu
làm cản trở sự phát triển của thị trường BĐS Việt Nam hiện nay.
Có thể vẫn phát triển ổn định
Dự báo thị trường BĐS 2018 có thể vẫn giữ
được sự phát triển ổn định. Các phân khúc thị trường và sản phẩm BĐS sẽ có sự
tái cơ cấu hợp lý hơn. Tuy nhiên, thị trường cũng sẽ phải đối mặt với nhiều
thách thức, khó khăn về quan hệ cung cầu, tiếp cận quỹ đất đầu tư, đặc biệt là
khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng.
Năm 2018, thị trường sẽ chuyển mạnh sang phân
khúc du lịch nghỉ dưỡng và nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội. Dự báo thị
trường nhà ở trong ngắn hạn sẽ không có biến động lớn. Tuy nhiên, một số phân
khúc sản phẩm như đất nền, căn hộ có quy mô vừa và nhỏ... có thể có sự thay đổi
nhất định về giá cả tại một số khu vực, địa phương. Nơi có quy hoạch "đặc
khu", thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục phát triển.
Giá BĐS có thể sẽ tăng vì cơ bản hàng tồn kho đã bán hết. Nếu làm dự án
mới, doanh nghiệp phải làm từ đầu, mất nhiều thời gian. Trong bối cảnh thị
trường ngày một cạnh tranh theo hướng minh bạch hơn, lợi nhuận của các nhà phát
triển BĐS sẽ ở mức hợp lý, khoảng trên dưới 20%/năm.
|
Bất động sản nghỉ dưỡng dự báo sẽ tăng trong năm nay. Trong ảnh là
một góc khu nghỉ dưỡng Vinpearl Phú Quốc. Ảnh: H.KIM
|
Chính sách cho phép người nước ngoài mua nhà
tự do, không hạn chế về số lượng sẽ tác động tích cực đến BĐS năm 2018. Thị
trường sẽ chứng kiến xu hướng nhà đầu tư trong nước ra mua nhà ở nước ngoài và
người nước ngoài vào mua nhà, đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là đầu tư vào các
trung tâm thương mại lớn tại các đô thị lớn và các địa phương có hình thành đặc
khu hành chính – kinh tế.
Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài cũng
sẽ làm tăng tính cạnh tranh ở cả lĩnh vực phân phối và phát triển BĐS. Việc này
sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho người sử dụng và người mua nhà vì các công ty
phải luôn chịu áp lực phát triển từ một thị trường lớn nên phải tích cực tìm
kiếm giải pháp mới, cải tiến kinh doanh và sản phẩm.
BĐS nghỉ dưỡng sẽ tăng sức cạnh
tranh
Thị trường BĐS nghỉ dưỡng năm ngoái và đầu
năm nay đã phát triển hơn cả mong đợi. Các chủ đầu tư sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu
tư. Các sản phẩm sẽ tiếp tục được tiếp thị dưới nhiều hình thức khác nhau. Các
công cụ tài chính mới sẽ tiếp tục được thử nghiệm. Hàng trăm dự án nghỉ dưỡng
ra đời, đưa ra thị trường hàng ngàn căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp ở các loại hình
khác nhau.
Nhu cầu BĐS nghỉ dưỡng cũng tăng cao nhờ các
công cụ như condotel, hometel, timeshare... Một lượng tiền lớn được thu hút vào
để mua các sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng.
Dự báo năm 2018, với sự tham gia của nhiều
doanh nghiệp BĐS tên tuổi, có thể các sản phẩm BĐS giá rẻ sẽ bước vào cuộc đua
chất lượng sôi động hơn. Bởi vì Vinhome, FLC, Him Lam Land, Nam Long, Hưng
Thịnh, Dream Home, Kiến Á, CEO... đã cùng tuyên bố xây dựng sản phẩm theo hướng
này.
Các chuyên gia nhận định, sự tham gia của
nhiều doanh nghiệp BĐS uy tín sẽ khơi mào "cuộc chiến" về chất lượng
căn hộ, nâng tầm tiện ích, không gian sống, cũng như những giá trị cộng đồng.
Khách hàng chính là người được hưởng lợi và thị trường sẽ tự thanh lọc những
doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh. Chỉ có các chủ đầu tư đáp ứng được 3 tiêu
chí sau đây mới thành công. Đó là: sản phẩm tốt và đã hoàn thành đầu tư; quản
lý tốt, thân thiện với nhà đầu tư thứ cấp và khách hàng sử dụng dịch vụ; có
tiềm lực tài chính và thật sự mong muốn làm ăn lâu dài.
Bên cạnh đó, BĐS và du lịch luôn có sự phát
triển cộng hưởng lẫn nhau, phụ thuộc vào nhau và cùng chịu ảnh hưởng vào khá
nhiều chính sách chung của Nhà nước. Ngành du lịch Việt Nam đang trên đà tăng
trưởng trong những năm gần đây và BĐS nghỉ dưỡng cũng sẽ đồng hành, vừa đáp ứng
vừa kích thích nhu cầu du lịch. Ngành du lịch đang cần rất nhiều căn hộ nghỉ
dưỡng. Do đó, trong trung hạn không có khả năng xảy ra tình trạng dư thừa nguồn
cung BĐS nghỉ dưỡng.
Dòng vốn vẫn đang tiếp tục được đổ vào các
địa điểm du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc hay Sa Pa, Hạ Long... Thị
trường dự kiến sẽ đón nhận thêm nhiều nguồn cung mới và được đầu tư tích hợp
nhiều hạng mục tiện ích. Nguồn cung mới sẽ khiến thị trường cạnh tranh hơn.
HUỲNH
KIM (ghi)
* Đã đăng Báo Cần Thơ 4-7-2018: