Vào rừng U Minh Thượng
Vườn Quốc gia U Minh Thượng rộng hơn 8.000ha thuộc 2 xã An Minh Bắc và Minh Thuận (huyện U Minh Thượng). Cuối tuần rồi, chúng tôi thuê “nửa tour vỏ lãi” (giá 500.000 đồng), len lách qua những vạt tràm, đi tới hồ Hoa Mai ở giữa rừng rồi quay về, mất gần nửa buổi sáng. Lâu lâu thấy chim, cò, dơi giật mình bay lên khi chiếc vỏ lãi rồ ga trên những con rạch đặc quánh lục bình tai tượng. Thỉnh thoảng gặp vài người đàn ông cắm xuồng quăng câu ở hai bên bờ rạch. Chị Ái Nhi, hướng dẫn viên du lịch, nói ngày nào cũng có vài chục người dân địa phương vào thuê xuồng cắm câu, kêu là dân “câu kinh tế”, giá tour 400.000 đồng/ngày; họ câu cá trê, cá lóc là chính, về bán ra chợ. Còn nếu là khách du lịch, đa số từ Sài Gòn, Cần Thơ… tới, thuê cần và xuồng đi câu thì kêu là dân “câu du lịch”, câu xong nấu nướng tại chỗ. Vườn này chỉ đón khách theo giờ hành chính, hết giờ là khóa cửa.
Du khách nghe giới thiệu về Vườn Quốc gia U Minh Thượng |
Trước khi ra đây, tại nhà triển lãm, chị Ái
Nhi đã giới thiệu về tài nguyên khu vườn này. Theo chị, Vườn U Minh Thượng được
xem như một bảo tàng thiên nhiên về hệ sinh thái đất ngập nước đặc trưng của
ĐBSCL. Hiện đây là một trong số ít nơi còn tồn tại đất than bùn ở Nam bộ. Trên
than bùn, còn lại những cảnh quan tự nhiên của rừng U Minh xưa với những cây
tràm cổ thụ, đường nước cổ, dòng nước đỏ.
Thảm thực vật ở đây có 254 loài, trong đó có 70 loài hiếm và 8 loài rất hiếm như mốp, bèo tấm nhọn, nắp ấm, bí kỳ nam, luân lan, bàng long sâm… Trong vườn có 32 loài thú, trong đó có 8 loài quý hiếm như cầy giông sọc, rái cá vuốt bé, rái cá lông mũi, mèo cá… Chim có 184 loài, có 12 loài quý như đại bàng đen, quắm trắng đầu đen, già sói, giang sen, dô nách nâu, còng cọc, diệc lửa… Trong vườn còn có 64 loài cá, 208 loài côn trùng, 16 loài bò sát và 8 loài dơi.
Trưa hôm đó, đoàn khách 10 người thưởng thức ngon lành mấy món đặc sản sạch là cá lóc nướng, lẩu lươn, gà xé phay, rau muống luộc kèm xị rượu đế ngâm trái giác, với giá hơn 1,5 triệu đồng.
Du khách đang xuống vỏ lãi vào rừng U Minh Thượng trên một con rạch đặc quánh bèo tai tượng |
Từ thành phố Rạch Giá, mỗi ngày có cả trăm đoàn khách đi máy bay hoặc tàu cao tốc ra huyện đảo Phú Quốc, nơi đang rần rần chuyện mở đô thị, làm kinh tế. Đây là hòn đảo lớn nhất nước, nằm trong quần đảo Phú Quốc thuộc Khu DTSQTG Kiên Giang.
Theo Ban Quản lý Khu DTSQTG Kiên Giang, Vườn Quốc gia Phú Quốc và Khu Bảo tồn Biển Phú Quốc là hai khu bảo tồn duy nhất ở Việt Nam nằm ở biển Tây. Ở đây có 5 hệ sinh thái đặc trưng là cây lá rộng, rừng tràm ngập nước theo mùa, rừng ngập mặn, rạn san hô và thảm cỏ biển. Thực vật Phú Quốc có khoảng 1.164 loài, trong đó có 45 loài quý hiếm như trai, hoàng đàn, trầm hương… và 54 loài đặc hữu như cù đèn, trèn, huỳnh đàn… Gần đây, người ta còn phát hiện mấy loài lan quý là lan hài vân, lan nhẵn diệp và ái lan mỹ diệp.
Đi dưới những những cánh rừng đại ngàn Phú Quốc, khách còn được giới thiệu về hệ động vật đa dạng trên đảo. Đó là 221 loài động vật rừng có xương sống trên cạn, 28 loài thú, 132 loài chim, 61 loài bò sát và lưỡng thê, trong đó có 26 loài quý hiếm như hổ mây, chồn bay, voọc bạc Đông Dương, khỉ mặt đỏ, hồng hoàng, diều cá đầu xám, cắt mỏ nhọn… Ở Phú Quốc còn có ba loài động vật đặc hữu nổi tiếng là chó xoáy, thằn lằn chân ngón và cá trê suối mà du khách ra đảo thường muốn biết.
Khi xuống biển, khách sẽ được khám phá những rạn san hô và thảm cỏ biển qua những tour lặn biển. Có tới 260 loài san hô và 9 loài cỏ biển ở Phú Quốc. Trong hai hệ sinh thái này, có 166 loài rong biển, 258 loài động vật gồm 154 loài cá, 47 loài thân mềm, 25 loài da gai; đặc biệt là cá cơm, nguyên liệu chính làm ra sản phẩm nước mắm Phú Quốc nổi tiếng. Ở các thảm cỏ biển Phú Quốc, đang sinh tồn các loài quý hiếm như bò biển, vích cỏ, đồi mồi, rùa da, ốc nhảy đỏ lợi, trai ngọc môi đen…
Lên núi Kiên Lương
Quay trở vào đất liền, đi tiếp lên miệt Kiên Lương ở phía Bắc Rạch Giá, du khách tiếp tục khám phá hệ thống núi đá vôi Kiên Lương, là hệ sinh thái núi đá vôi còn sót lại duy nhất ở miền Nam. Theo Ban Quản lý Khu DTSQTG Kiên Giang, các nhà khoa học cho rằng không thể tìm thấy ở khu vực nào khác trên trái đất này, có cùng diện tích với núi đá vôi Kiên Lương mà có thể chứa đựng một số lượng lớn các loài đặc hữu quý hiếm, bị đe dọa trên toàn cầu như thế.
Trong 867 loài của hệ thực vật ở đây, có 21 loài đang bị đe dọa diệt vong trong nước, trong đó có 4 loài đang bị diệt vong trên toàn cầu là trầm hương, thiên tuế tròn, săn đào và gụ mật.
Các nhà khoa học cũng đã thống kê ở Kiên Lương có 758 loài động vật không xương sống và 162 loài có xương sống, phần lớn là các loài đặc hữu Đông Nam Á. Có 4 loài quý hiếm là voọc bạc Đông Dương, rái cá cùi, sóc đỏ và dơi. Ngoài ra có 61 loài chim, trong đó có hai loài đang bị đe dọa là sếu đầu đỏ và sả mỏ rộng. Ở đây còn có 65 loài ốc núi và 42 loài bò sát lưỡng thê. Đặc biệt gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện thêm 32 loài đặc hữu mới, hầu hết chúng đều thuộc những loài nguy cấp trên toàn cầu.
Hiện nay, tỉnh Kiên Giang đang cùng các ngành chức năng trong và ngoài nước cố gắng bảo tồn ba khu dự trữ sinh quyển này gắn với hoạt động du lịch và lễ hội. Nỗi lo lớn nhất của người trong cuộc là tốc độ đô thị hóa đang phát triển từng ngày ở Kiên Giang có thể ảnh hưởng xấu tới môi trường tự nhiên nơi đây.
Bài, ảnh: HUỲNH KIM
* Đã đăng Báo Cần Thơ ngày 1-7-2018:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét