Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2019

Mở đường ca nô du lịch dọc kinh xáng Xà No

Huỳnh Kim
Thứ Sáu,  30/8/2019, 09:55

(TBKTSG) - Tiếp theo sau hội thảo “Chung tay làm du lịch nông nghiệp” vừa tổ chức tại tỉnh Hậu Giang vào tháng trước, cuối tuần rồi bốn đơn vị tham gia hội thảo đã có chuyến đi bằng ca nô cao tốc dọc kinh xáng Xà No nối Cần Thơ với Hậu Giang nhằm khảo sát mở tour du lịch theo định hướng này.

Sắp có tour du lịch dọc kinh xáng Xà No?

Du lịch nông nghiệp Hậu Giang: Chung tay tạo nên sự khác biệt

Hậu Giang bàn cách chung tay phát triển du lịch nông nghiệp bền vững

Đoàn khảo sát du lịch trên kinh xáng Xà No ngày 25-8-2019.
Đoàn khảo sát có ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Dịch vụ du lịch Vòng tròn Việt (TPHCM), ông Stiermann Martin, Giám đốc khu nghỉ dưỡng RiceField Logde (Cần Thơ) cùng đại diện TBKTSG và Đài Truyền hình Hậu Giang. Ông Huê, ông Martin cũng là hai diễn giả chính và đã ký kết hai văn bản hợp tác làm du lịch với Hậu Giang tại hội thảo hôm 8-7 vừa qua.

8 giờ sáng, ông Stiermann Martin lái ca nô cao tốc đưa đoàn rời khu nghỉ dưỡng RiceField Logde ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, Cần Thơ ra đầu kinh xáng Xà No. Theo chương trình khảo sát, đoàn sẽ tham quan làng hoa Xáng Mới 30 tuổi; nhà máy xay xát lúa gạo có từ thời Pháp thuộc (dọc kinh Xáng Xà No hiện có khoảng 10 nhà máy như vậy); thăm hợp tác xã xoài cát hòa lộc VietGAP Bảy Ngàn rộng 20 héc ta, vùng trồng xoài lớn nhất Hậu Giang hiện nay; thăm những hộ dân làm nghề đóng ghe xuồng; thăm trang trại nuôi dê lấy sữa và sản xuất phô mai. Sau cùng là tham quan vùng trồng khóm Cầu Đúc ở Hỏa Lựu, Vị Thanh, nơi trồng khóm lớn nhất ĐBSCL với khoảng 2.000 héc ta.

Kinh xáng Xà No dài 40 km, từ ngã ba Vàm Xáng sông Cần Thơ đoạn ở huyện Phong Điền đi đến ngã ba sông Ba Voi (Hậu Giang) rồi đổ vào sông Cái Lớn (Kiên Giang) chảy ra biển Tây.

Kinh xáng Xà No được người Pháp thi công bằng cơ giới (xáng cạp) trong ba năm 1901-1903; mặt kinh rộng 60m, đáy rộng 40m, kinh phí 3,7 triệu franc.

Từ kinh xáng Xà No xẻ dọc, hàng loạt con kinh xáng xẻ ngang khác hình thành, đã giúp nhiều vùng đất hoang vu nhiễm phèn, mặn của riêng Hậu Giang và cả miền Tây sông Hậu hình thành nên “nền văn minh kinh xáng” và “con đường lúa gạo” nối cả vùng ĐBSCL với TPHCM bây giờ.

Ca nô cao tốc có lúc chạy 60 ki lô mét/giờ trên kinh xáng Xà No, nơi ít có ghe xuồng nhỏ mà đa phần là sà lan, tàu hàng lớn lưu thông kết nối Kiên Giang, Cà Mau, Hậu Giang, Cần Thơ... về TPHCM. Ở mỗi điểm tham quan đã định trước, ca nô dừng lại, các thành viên trong đoàn lên bờ tìm hiểu, trao đổi với bà con nông dân.

Trong chuyến đi này, ông Stiermann Martin nhận định rằng việc tổ chức du lịch dọc tuyến kinh xáng Xà No sẽ có nhiều tiềm năng là một tour du lịch nông nghiệp hấp dẫn, kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều du khách.

Bởi, ở đây có những điều kiện tự nhiên sông nước, có kinh tế nông nghiệp, thương mại, văn hóa, lẫn những con người thân thiện. “Ấn tượng nhất với tôi là thăm trang trại nuôi dê ở giữa đồng và gần sông nước. Tuyệt vời vì được đi qua những con đường nông thôn không có bê tông, được trải nghiệm, thưởng thức sữa dê tươi và phô mai do nông dân làm ra”, ông Martin nói thêm.

Là giám đốc một công ty du lịch tham gia chuyến đi tìm hiểu để mở tour, ông Phan Đình Huê nói ông quan tâm về cung đường, hạ tầng, dịch vụ, điểm tham quan và an ninh trật tự. Theo ông Huê, kinh xáng Xà No ít có ghe xuồng nhỏ và có bờ kè tốt, cho nên mở tour ca nô cao tốc không sợ gây sạt lở bờ sông như ở Cà Mau.

“Khách đi về trong ngày là ổn, giá tour 6-8 triệu đồng cho một đoàn từ 6-8 người, đây là tour phù hợp với du khách cao cấp”, ông nhận xét.

Theo ông Huê, cần có chuỗi dịch vụ từ điểm đầu kinh xáng Xà No đến điểm cuối bên bờ sông Cái Lớn, nối Hậu Giang với Kiên Giang. Còn hiện nay vẫn chưa có bến tàu cho ca nô, chưa có dịch vụ tham quan, nhà vệ sinh... phục vụ du khách cho tuyến này.

“Kinh xáng Xà No có thể tạo sản phẩm mới bán cho du khách cao cấp từ Cần Thơ đi Vị Thanh. Tuy nhiên, Hậu Giang cần đầu tư tiếp các nhu cầu cho du khách mà doanh nghiệp du lịch đặt ra để chung tay cùng bà con nông dân làm du lịch nông nghiệp”, ông nói.

Ông Stiermann Martin cũng nhận định tour này sẽ không phù hợp với du lịch phượt mà phù hợp hơn với du khách có thu nhập cao. Ông dự định sẽ đưa khách châu Âu nghỉ tại RiceField Logde đi tour này bằng ca nô cao tốc để họ trải nghiệm tất cả những điều tuyệt vời mà dọc tuyến kinh xáng Xà No mang lại.

Ông Martin góp ý, địa phương nên đầu tư để có những bến tàu du lịch, điểm tham quan. Và để phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, trước hết tỉnh Hậu Giang cần lập một trung tâm thông tin để cung cấp đầy đủ điểm du lịch, nơi lưu trú, hướng dẫn cách thức đi để du khách thuận tiện khi đến Hậu Giang. Trong trung tâm đó có nơi huấn luyện nông dân cách làm du lịch nông nghiệp bao gồm cả cách nấu ăn cho du khách.

         Đã đăng TBKTSG Online 30-8-2019:

Sắp có tour du lịch dọc kinh xáng Xà No?

Tin, ảnh: Huỳnh Kim
Thứ Hai,  26/8/2019, 18:15

(TBKTSG Online) - Thực hiện kết quả hội thảo “Chung tay làm du lịch nông nghiệp” tại Hậu Giang do TBKTSG và Đài Truyền hình Hậu Giang tổ chức ngày 8-7-2019, ngày 25-8 bốn đơn vị tham gia hội thảo đã đi khảo sát mở tour du lịch ca nô cao tốc trên kinh xáng Xà No nối Cần Thơ với Hậu Giang.

Trước đó 2 ngày, ông Đồng Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đã ký công văn “chấp nhận để đoàn chuyên gia tham gia Hội thảo “Chung tay là du lịch nônh nghiệp” đi khảo sát các vườn trái cây, các làng nghề, hộ dân có điều kiện làm du lịch cộng đồng dọc kênh xáng Xà No tại huyện Chậu Thành A, huyện Vị Thủy và thành phố Vị Thanh theo đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch Hậu Giang”. Sau đây là một số hình ảnh của chuyến đi.
Thêm chú thích

Đoàn kháo sát có ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty dịch vụ du lịch Vòng Tròn Việt (TPHCM), ông Stiermann Martin, Giám đốc Khu nghỉ dưỡng RiceField Logde (Cần Thơ) cùng đại diện TBKTSG và Đài Truyền hình Hậu Giang.

Ông Huê, ông Martin cũng là hai diễn giả chính, đã ký kết hai văn bản hợp tác làm du lịch với Hậu Giang tại hội thảo hôm 8-7 vừa qua.


Ông Stiermann Martin lái ca nô cao tốc đưa đoàn rời khu nghỉ dưỡng RiceField Logde ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, Cần Thơ ra đầu kinh xáng Xà No.

Ca nô có lúc chạy 60 km/giờ trên kinh xáng Xà No, nơi ít có ghe xuồng nhỏ mà đa phần là xà lan, tàu hàng lớn lưu thông kết nối Kiên Giang, Cà Mau, Hậu Giang, Cần Thơ... về với TPHCM. Rồi lại bỏ ca nô, lội bộ qua vườn, ruộng vào nhà trao đổi với bà con nông dân. Tới hơn 5 giờ chiều, đoàn mới quay về lại nơi xuất phát.



Trong trang trại nuôi dê lấy sữa và trên ruộng khóm Cầu Đúc ở Hậu Giang.


Ông Stiermann Martin và ông Phan Đình Huê trả lời TBKTSG và Đài Truyền hình Cần Thơ: “Kinh xáng Xà No rất lớn, đẹp, nổi tiếng, nhiều tàu lớn đi lại, nhiều người biết qua Internet nhưng chưa biết trong lĩnh vực du lịch. Với những điều kiện tự nhiên sông nước, kinh tế nông nghiệp, thương mại, văn hóa, lịch sử, con người thân thiện và những dự định làm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng của chính quyền tỉnh Hậu Giang, tiềm năng làm du lịch dọc tuyến kinh xáng Xà No là rất lớn”.

       Đã đăng TBKTSG Online 26-8-2019:


Tháng 10 sẽ có công nghệ và thông tin thị trường mới cho ngành thủy sản

Huỳnh Kim
Thứ Năm,  15/8/2019, 16:54

(TBKTSG Online) – Triển lãm và Hội nghị quốc tế chuyên ngành thủy sản hàng đầu Việt Nam (Aquaculture Vietnam 2019) vào tháng 10 tới tại Cần Thơ sẽ đem đến cho nông dân, ngư dân, nhà quản lý và doanh nghiệp ngành thủy sản Việt Nam những công nghệ mới và thông tin thị trường cập nhật bổ ích.

Bà Rose Chitanuwat (UBM) và TS Nguyễn Việt Thắng (VINAFIS) chủ trì họp báo tại Cần Thơ sáng ngày 15-8-2019. Ảnh: Huỳnh Kim

Đó là khẳng định của các chuyên gia tại buổi họp báo ngày 15-8 tại Cần Thơ về sự kiện Aquaculture Vietnam 2019 này.

Bà Rose Chitanuwat – Giám đốc Chuỗi dự án tập đoàn UBM Asia, cho biết Aquaculture Vietnam 2019 sẽ mang đến một chuỗi giá trị thủy sản toàn diện từ thức ăn, dinh dưỡng, dịch bệnh, con giống, chế biến, thị trường dịch vụ, an toàn thực phẩm và nuôi trồng thủy sản bền vững.

Theo bà Rose Chitanuwat, triển lãm Aquaculture Vietnam 2019 sẽ thông qua việc hợp tác với các cơ quan chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận, các doanh nghiệp và học viện để quảng bá các kỹ thuật nuôi trồng tiên tiến, thân thiện với môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng vẫn có thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khách hàng.

“Thay vì các đơn vị, doanh nghiệp, người nuôi trồng thủy sản phải mất công đi ra nước ngoài để tìm hiểu, học hỏi như lâu nay thì nay chúng tôi mang đến Cần Thơ những công nghệ, dịch vụ tốt nhất cho ngành thủy sản”, bà Rose Chitanuwat nhấn mạnh.

TS Lê Thanh Lựu - Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), cho biết trong 3 ngày triển lãm (từ 16 đến 18-10-2019), có các cuộc hội nghị quốc tế chuyên ngành thủy sản Việt Nam với hơn 100 chuyên gia trong nước và quốc tế đến trao đổi, thảo luận về những chủ đề được ngành thủy sản Việt Nam và thế giới quan tâm, như chất lượng con giống, dịch bệnh, áp dụng khoa học kỹ thuật mới trong nuôi trồng thủy sản, chế biến xuất khẩu, thị trường, dịch vụ và phát triển bền vững.

TS Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS), cho rằng ngành thủy sản nước ta “đang gặp vô vàn khó khăn” về tác động của biến đổi khí hậu, thị trường, giá cả, thông tin, khoa học công nghệ liên quan tới sản xuất, chế biến, xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Do vậy, theo ông Thắng, sự kiện triển lãm Aquaculture Vietnam tháng 10 tới, sẽ góp phần giải quyết những vấn đề này.

Đối với doanh nghiệp, đây là cơ hội quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm dịch vụ đến với ngành thủy sản của cả nước, đặc biệt là 13 tỉnh thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đối với nông dân và người nuôi trồng thủy sản thì đây là cơ hội tốt để cập nhật kiến thức kỹ thuật, thông tin thị trường, tìm kiếm những sản phẩm dịch vụ, công nghệ tốt nhất phục vụ sản xuất.

Ông Thắng nhắc riêng chuyện cá tra trước giờ là “độc quyền“ của Việt Nam, nhưng nay thì Ấn Độ, Trung Quốc đã tự nuôi được loại cá này. “Từ giờ phải giúp cho nông dân và doanh nghiệp thủy sản chủ động được nguồn nguyên liệu, tăng chất lượng, giảm giá thành, thích ứng kịp thời với cả thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa chứ không phải cứ chạy theo sản lượng nữa”, TS Nguyễn Việt Thắng nhấn mạnh.

Tình hình phát triển nuôi trồng thủy sản năm 2018 và sáu tháng đầu năm 2019
Năm 2018 và nửa đầu năm 2019, nghành thủy sản đối mặt với những khó khăn thách thức ngoài tầm kiểm soát, như biến đổi khí hậu; nắng nóng khô hạn kéo dài; giá cả suy giảm; thẻ vàng EU cho khai thác thủy sản; chất lượng tôm và cá tra giống không ổn định, suy giảm; giá thức ăn và năng lượng tăng. Ngoài ra còn một loạt vấn đề  liên quan tới tổ chức sản xuất, chủ trương và chính sách  đối với nghành thủy sản đang cần phải được tháo gỡ.

Năm 2018, tổng diện tích nuôi trồng đạt 1,3 triệu hecta, bằng 106% so với cùng kỳ 2017, sản lượng nuôi đạt 4,3 triệu tấn, tăng 8,3%  trong đó tôm các loại đạt 800 nghìn tấn, tăng 10,5%; cá tra đạt 1,42 triệu tấn, tăng 14,0%. Sản lượng cá biển nuôi ước tinh đạt 32.000 tấn; nhuyễn thể đạt 320.000 tấn; tôm hùm 1.600 tấn, cua ghẹ hơn 60.000 tấn... Số còn lại là các loài thủy sản nuôi trồng khác bao gồm nhóm cá nước ngọt như cá rô phi, nhóm họ cá chép  truyền thống, cá lóc, lươn…

Sáu tháng đầu năm 2019, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 1,92 triệu tấn, tăng 7,0% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 100,7%  so với kế hoạch. Trong đó, tôm ước đạt 289.000 tấn, bằng 108,8% so cùng kỳ và đạt 33,7% so với kế hoạch cả năm 2019, cá tra đạt 684.000 tấn, bằng 107,5% so với cùng kỳ 2018 và 45,2% kế hoạch cả năm.

Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 9 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,4%. Trong đó, cá tra đạt 2,26 tỉ đô la, tăng 26,4%; tôm đạt 3,58 tỉ đô la, giảm 7,1% (tôm chân trắng 2,48 tỉ đô la, giảm 2,0%; tôm sú 810 triệu đô la, giảm 7,8%); nhóm hải sản gồm cá ngừ 675 triệu đô la, tăng 13,9%; cá khác 1,52 tỉ đô la, tăng 15,5%; nhuyễn thể 785 triệu đô la, tăng 9,1%; giáp xác 145 triệu đô la, tăng 23,0%...

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2019 đạt 4 tỉ đô la Mỹ, tăng 0,6% với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tôm các loại ước đạt 1,43 tỉ đô la (bằng 87,9% cùng kỳ), cá tra 991 triệu đô la (bằng 98,8% cùng kỳ), cá ngừ 380 triệu đô la, mực và bạch tuộc 311 triệu đô la, các loại cá khác 769 triệu đô la, nhuyễn thể 45,4 triệu đô la...

Theo VINAFIS, ICAFIS và UBM

·        Đã đăng TBKTSG Online 15-8-2019:

Vietnam seeks to boost tourism with neighboring countries

By Huynh Kim
Thursday,  Aug 15, 2019,09:52 (GMT+7)

Representatives of the four regional countries pose for a group photo at the sixth meeting on GMS southern tourism corridor, held on August 14 in Can Tho City – PHOTO: HUYNH KIM

CAN THO - The Vietnam National Administration of Tourism (VNAT) on August 14 organized a conference in the Mekong Delta city of Can Tho to discuss cooperation to promote the southern tourism corridor with representatives from Thailand, Myanmar and Cambodia.

The southern tourism corridor plays a key role in the Greater Mekong Subregion (GMS) and is one of eleven major tourist routes in the GMS, Ha Van Sieu, deputy head of VNAT, said while presiding over the conference.

Since 2015, the four countries having 13 provinces located in the southern tourism corridor have joined forces to develop and promote tourism products, as well as propose relevant agencies to facilitate transforming the transport corridor into the tourism corridor, he said.

Addressing the event, Duong Tan Hien, vice chairman of Can Tho City, said that the city is one of the four Vietnamese localities, including Ba Ria-Vung Tau, Kien Giang, HCMC, in the southern key economic region that has taken part in the southern tourism corridor.

Besides this, Can Tho is home to many attractive destinations in the Mekong Delta such as Ninh Kieu Wharf, Cai Rang floating market, and many other historic-cultural sites. Moreover, the city’s tourism infrastructure facilities have been increasingly improved with a wide selection of four-to-five-star hotels and resorts meeting demand of tourists at home and abroad, the vice chairman added.

The representatives of the four countries at the conference also reviewed their cooperation activities, were briefed on new measures to boost the regional tourism growth, and discussed further collaboration plans for the years to come.

In particular, VNAT and the Can Tho Travel Association highlighted the upcoming event, Vietnam International Travel Mart (VITM) Can Tho 2019, due to kick off in the city from November 29 to December 1. Vietnam has invited the three neighboring countries to attend the event to bolster travel cooperation among the four GMS nations.

Nattakorn Asunee Na Ayudhuya, from Mekong Tourism Coordination Office (MTCO) located in Thailand, called on the four countries to promote tourism products on the online platform of MTCO that has gained over 22 million users globally, saying that this will be an effective way to encourage tourism growth.

Data from MTCO show that the four countries of the southern tourism corridor last year generated over US$96 billion in tourism revenues, with the number of international visitors exceeding 60 million arrivals, up 10% against the figure seen in 2017.




Huỳnh Kim
Thứ Tư,  14/8/2019, 15:49

(TBKTSG Online) - Ngày 14-8-2019, tại TP Cần Thơ, Tổng cục Du lịch đã tổ chức Hội nghị lần thứ 6 về Hành lang du lịch phía Nam với sự tham gia của đại diện cơ quan du lịch 4 nước Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và Văn phòng Điều phối du lịch Mekong bàn việc hợp tác phát triển du lịch giữa 4 nước này.

Đại biểu 4 nước dự Hội nghị Hành lang du lịch phía Nam lần thứ 6 chụp ảnh kỉ niệm tại Cần Thơ vào sáng ngày 14-8-2019. Ảnh: Huỳnh Kim
Chủ trì hội nghị, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, cho biết hành lang du lịch phía Nam là tuyến giao thông quan trọng của Tiểu vùng Mekong mở rộng, viết tắt là GMS; là 1 trong 11 tuyến du lịch chủ đạo của Tiểu vùng. 

Ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh: “Từ năm 2015 đến nay, 4 nước với 13 tỉnh thuộc Hành lang du lịch phía Nam đã nỗ lực hợp tác, liên kết phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá, hỗ trợ nhau tập huấn nâng cao năng lực, kiến nghị các ngành liên quan tạo thuận lợi đi lại nhằm chuyển đổi hành lang giao thông thành hành lang du lịch, hình thành tuyến du lịch liên quốc gia chất lượng cao, mang lại trải nghiệm phong phú, hấp dẫn”.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết Cần Thơ là 1 trong 4 tỉnh thành của Việt Nam (ngoài Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang và TPHCM) thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL đã tham gia Hành lang du lịch phía Nam. Cần Thơ là đô thị miền sông nước với nhiều điểm du lịch nổi tiếng như bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng cùng các di tích lịch sử - văn hóa độc đáo, hấp dẫn du khách. Theo ông Hiển, cơ sở hạ tầng du lịch Cần Thơ ngày càng được đầu tư, phát triển; hệ thống khách sạn, resort 4-5 sao của thành phố sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phát trển du lịch và phục vụ tốt du khách trong nước và quốc tế đến với Cần Thơ.

Tại hội nghị, đại diện ngành du lịch 4 nước đã cùng nhìn lại kết quả hợp tác từ Hội nghị lần thứ 5; nghe cập nhật điều kiện phát triển du lịch mới; các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới; các chính sách mới về việc tạo thuận lợi đi lại cho du khách đến với tuyến du lịch hành lang phía Nam. Hội nghị cũng đã thảo luận về việc hợp tác giữa các nước, các cơ quan du lịch địa phương, các doanh nghiệp trong năm 2020 và các năm tiếp theo.

Đại diện Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch TP Cần Thơ nhấn mạnh tới sự kiện Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam 2019 sẽ được tổ chức tại TP Cần Thơ từ ngày 29-11 đến 1-12-2019 (VITM Cần Thơ 2019). Việt Nam đã mời 3 nước bạn tham gia sự kiện này nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch, kết nối tour tuyến giữa 4 nước Tiểu vùng sông Mekong.

Đại diện Văn phòng Điều phối du lịch Mekong (Mekong Tourism Coordination Office - MTCO) đóng tại Thái Lan, ông Nattakorn Asunee Na Ayudhuya, kêu gọi ngành du lịch 4 nước tăng cường quảng bá sản phẩm du lịch nước mình trên trang “Nền tảng truyền thông” (flatform) của MTCO hiện đã có trên 22 triệu người trên thế giới sử dụng. Ông Nattakorn xem đây là phương thức hữu hiệu trong hợp tác phát triển du lịch ở hành lang phía Nam giữa 4 nước Tiểu vùng Mekong trong thời đại 4.0.

Theo MTCO, năm 2018, 4 nước Hành lang du lịch phía Nam đã đón 63,53 triệu lượt du khách quốc tế, tăng 10,6% so với năm 2017; du lịch nội vùng đạt 6,7 triệu lượt khách, chiếm 10,6% tổng khách quốc tế đến 4 nước; thu nhập du lịch đạt 96,2 tỉ USD.

Kết thúc Hội nghị này, với sự phối hợp của 3 Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tổng cục Du lịch tổ chức khảo sát cho đại biểu của 4 nước tìm hiểu về sản phẩm du lịch sông nước, du lịch đường sông và đường biển của Việt Nam từ ngày 14 đến 17-8-2019.


·        Đã đăng TBKTSG Online 14-8=2019:

Tìm giải pháp khi sông Mekong kiệt nước trong mùa mưa lũ

Dự báo Ðồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) sẽ gánh chịu hạn mặn nặng nề vào năm tới vì hiện nay thượng nguồn sông Mekong đang cạn dòng ngay trong mùa mưa lũ. PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu Trường Ðại học Cần Thơ đã trao đổi xoay quanh vấn đề này.


Thưa ông, tình hình kiệt nước trên thượng nguồn sông Mekong ngay giữa mùa mưa lũ năm nay nguyên nhân chính là do đâu?

-  Mùa mưa năm nay, đến gần cuối tháng 7 mà phía thượng nguồn sông Mekong chưa thấy dấu hiệu nước lũ đổ về như mọi năm. Số liệu đo đạc mực nước ở các trạm dọc sông cho thấy tất cả mực nước đều nằm rất thấp so với cùng thời kỳ năm ngoái. Có 2 nguyên nhân lý giải: Thứ nhất, năm nay hiện tượng El Nino trở lại khu vực, lượng nước mưa rơi khá thấp. Thứ hai, các chuỗi 8 đập thủy điện ở Trung Quốc đều đồng loạt tích nước vào các hồ chứa, lượng nước xả về hạ lưu rất ít. Ngoài ra, ở Lào, đập thủy điện Xayabury cũng đóng các cửa van để tích nước chạy thử các tổ máy. Điều này khiến nước về hạ lưu cực kỳ thấp.

►​ Tình hình đó tới nay đang ở mức có thể nói là nặng nhất trong vòng 100 năm nay, thưa ông?

 -  Đến thời điểm này, có thể nói mực nước tại các trạm đo thủy văn trên dòng chính sông Mekong đều cho thấy là thấp nhất trong gần 100 năm nay.

►​ Như vậy, 13 tỉnh thành ĐBSCL ở hạ nguồn, chắc chắn sẽ đón nhận một mùa khô hạn mặn dự báo là không thua năm 2016?

  -  Khả năng mùa khô sắp tới, 2019-2020, vùng ĐBSCL sẽ đón nhận một thời kỳ khô hạn khốc liệt, có thể nặng nề bằng hoặc cao hơn năm 2016, nếu từ nay đến cuối tháng 10 không có những trận bão lớn đổ bộ vào miền Trung và Hạ Lào để cứu hạn cuối mùa mưa.

Viễn cảnh mùa khô 2019-2020 ở ĐBSCL, khả năng xuất hiện một mùa lũ cực thấp, mực nước vào cuối tháng 8 đến tháng 9-2019 trên sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc có thể phá kỷ lục năm lũ thấp lịch sử 2016. Lũ cực thấp đồng nghĩa cái nghèo và cái khổ sẽ hiện hữu cho mùa khô 2019-2020. Phù sa gần như không còn về bao nhiêu, sạt lở và sụt lún sẽ nghiêm trọng hơn, đất trồng sẽ nghèo kiệt hơn. Chắc chắn trong các vụ mùa tới, người nông dân phải buộc sử dụng thêm nhiều phân bón hóa học và các loại nông dược nếu muốn duy trì năng suất và sản lượng như mọi năm. 

Nguồn lợi thủy sản sẽ giảm sút nghiêm trọng, nghề đan lưới, đánh bắt sản vật mùa lũ sẽ đối diện một sự thất thu lớn. Lũ cực thấp đồng nghĩa các độc chất trong đồng ruộng, sông rạch và vùng đô thị sẽ tích tụ. Mầm bệnh, chuột bọ sẽ tiếp tục hoành hành nhiều nơi.

Nếu các tỉnh đầu nguồn tiếp tục chạy theo làm lúa vụ 3 (vụ thu đông) thì sẽ làm vùng ven biển khan hiếm nước hơn, nước mặn sẽ theo thủy triều dấn sâu hơn vào đất liền và có nhiều nguy cơ nhiễm mặn cả những vùng nước ngọt trước đây như TP Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long và sẽ mở rộng ở các tỉnh còn lại. Tình trạng nguồn nước bị nhiễm mặn, ô nhiễm nước mặt do rác thải, độc chất tích tụ sẽ tăng nhu cầu khai thác nước ngầm làm tình trạng lún sụt đồng bằng thêm nặng nề.

Khô hạn ở Biển Hồ (Campuchia) tháng 7-2019. Ảnh: Trần Văn Tư

Khô hạn cũng sẽ làm gia tăng các vấn đề xã hội cho cả đồng bằng; thu nhập từ sinh kế nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản giảm sút sẽ khiến lực lượng lao động nông thôn chuyển dịch đến các vùng đô thị và công nghiệp. Điều này sẽ làm gia tăng tính phức tạp trong quản lý nguồn lao động, giao thông, nhà ở, việc làm, tai nạn, dịch vụ xã hội như y tế-giáo dục và các tệ nạn phát sinh.

►​ Các tỉnh thường có tâm lý, tới khi “lâm nạn” rồi mới tìm cách chống đỡ. Theo ông, trường hợp biết trước như vầy, ta nên chuẩn bị giải pháp ngắn hạn và dài hạn ra sao để ĐBSCL thích ứng với tình hình kiệt nước từ thượng lưu sông Mekong?

- Đúng ra, ngay từ đầu năm nay, các cơ quan quản lý tài nguyên và liên quan đến sản xuất nông nghiệp, dân sinh từ Trung ương đến các tỉnh phải có những dự báo sớm dựa vào các mô hình phỏng đoán trên thế giới và khu vực để có những chỉ đạo và khuyến cáo cho người dân.

Về ngắn hạn, như tình hình hiện nay, cần giảm các diện tích canh tác lúa ở những vùng gò cao, các vùng ven biển, chuyển một phần diện tích trồng lúa sang những cây trồng cạn ít tiêu thụ nước hoặc chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Khuyến khích và hỗ trợ nông dân tìm mọi cách trữ nước ở các vùng trũng như: lung đìa, ao hồ, các kênh mương… và các lu chứa, bể chứa nước mưa. Người dân cần sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.

Chính quyền nên xem khô hạn là dạng thiên tai cần trợ giúp. Có thể yêu cầu các ngân hàng cho nông dân vay tiền mua vật dụng trữ nước với lãi suất thấp hoặc không lãi, ngoài ra cần vận động các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp tham gia cung cấp phương tiện trữ nước cho cộng đồng.

Về dài hạn, cần vận dụng các biện pháp ngoại giao, luật pháp và kinh tế để yêu cầu các quốc gia thượng nguồn phải xem Mekong là dòng sông chung cho khu vực, các nước phải có trách nhiệm chia sẻ nguồn tài nguyên chung này. Ngược lại các nước hạ nguồn có thể tạo những điều kiện phát triển kinh tế giao thương cho các nước nói trên. Có thể kêu gọi các đầu tư phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời ở Thái Lan, Lào và Campuchia để có nguồn điện sạch, phi thủy điện, để bán cho Việt Nam và Thái Lan như một giải pháp win-win, các bên đều có lợi, tạo điều kiện cho phát triển bền vững cho cả khu vực.

►​ Xin cảm ơn ông!
HUỲNH KIM (thực hiện)

* Đã đăng báo Cần Thơ 1-8-2019: