Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2019

Mở đường ca nô du lịch dọc kinh xáng Xà No

Huỳnh Kim
Thứ Sáu,  30/8/2019, 09:55

(TBKTSG) - Tiếp theo sau hội thảo “Chung tay làm du lịch nông nghiệp” vừa tổ chức tại tỉnh Hậu Giang vào tháng trước, cuối tuần rồi bốn đơn vị tham gia hội thảo đã có chuyến đi bằng ca nô cao tốc dọc kinh xáng Xà No nối Cần Thơ với Hậu Giang nhằm khảo sát mở tour du lịch theo định hướng này.

Sắp có tour du lịch dọc kinh xáng Xà No?

Du lịch nông nghiệp Hậu Giang: Chung tay tạo nên sự khác biệt

Hậu Giang bàn cách chung tay phát triển du lịch nông nghiệp bền vững

Đoàn khảo sát du lịch trên kinh xáng Xà No ngày 25-8-2019.
Đoàn khảo sát có ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Dịch vụ du lịch Vòng tròn Việt (TPHCM), ông Stiermann Martin, Giám đốc khu nghỉ dưỡng RiceField Logde (Cần Thơ) cùng đại diện TBKTSG và Đài Truyền hình Hậu Giang. Ông Huê, ông Martin cũng là hai diễn giả chính và đã ký kết hai văn bản hợp tác làm du lịch với Hậu Giang tại hội thảo hôm 8-7 vừa qua.

8 giờ sáng, ông Stiermann Martin lái ca nô cao tốc đưa đoàn rời khu nghỉ dưỡng RiceField Logde ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, Cần Thơ ra đầu kinh xáng Xà No. Theo chương trình khảo sát, đoàn sẽ tham quan làng hoa Xáng Mới 30 tuổi; nhà máy xay xát lúa gạo có từ thời Pháp thuộc (dọc kinh Xáng Xà No hiện có khoảng 10 nhà máy như vậy); thăm hợp tác xã xoài cát hòa lộc VietGAP Bảy Ngàn rộng 20 héc ta, vùng trồng xoài lớn nhất Hậu Giang hiện nay; thăm những hộ dân làm nghề đóng ghe xuồng; thăm trang trại nuôi dê lấy sữa và sản xuất phô mai. Sau cùng là tham quan vùng trồng khóm Cầu Đúc ở Hỏa Lựu, Vị Thanh, nơi trồng khóm lớn nhất ĐBSCL với khoảng 2.000 héc ta.

Kinh xáng Xà No dài 40 km, từ ngã ba Vàm Xáng sông Cần Thơ đoạn ở huyện Phong Điền đi đến ngã ba sông Ba Voi (Hậu Giang) rồi đổ vào sông Cái Lớn (Kiên Giang) chảy ra biển Tây.

Kinh xáng Xà No được người Pháp thi công bằng cơ giới (xáng cạp) trong ba năm 1901-1903; mặt kinh rộng 60m, đáy rộng 40m, kinh phí 3,7 triệu franc.

Từ kinh xáng Xà No xẻ dọc, hàng loạt con kinh xáng xẻ ngang khác hình thành, đã giúp nhiều vùng đất hoang vu nhiễm phèn, mặn của riêng Hậu Giang và cả miền Tây sông Hậu hình thành nên “nền văn minh kinh xáng” và “con đường lúa gạo” nối cả vùng ĐBSCL với TPHCM bây giờ.

Ca nô cao tốc có lúc chạy 60 ki lô mét/giờ trên kinh xáng Xà No, nơi ít có ghe xuồng nhỏ mà đa phần là sà lan, tàu hàng lớn lưu thông kết nối Kiên Giang, Cà Mau, Hậu Giang, Cần Thơ... về TPHCM. Ở mỗi điểm tham quan đã định trước, ca nô dừng lại, các thành viên trong đoàn lên bờ tìm hiểu, trao đổi với bà con nông dân.

Trong chuyến đi này, ông Stiermann Martin nhận định rằng việc tổ chức du lịch dọc tuyến kinh xáng Xà No sẽ có nhiều tiềm năng là một tour du lịch nông nghiệp hấp dẫn, kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều du khách.

Bởi, ở đây có những điều kiện tự nhiên sông nước, có kinh tế nông nghiệp, thương mại, văn hóa, lẫn những con người thân thiện. “Ấn tượng nhất với tôi là thăm trang trại nuôi dê ở giữa đồng và gần sông nước. Tuyệt vời vì được đi qua những con đường nông thôn không có bê tông, được trải nghiệm, thưởng thức sữa dê tươi và phô mai do nông dân làm ra”, ông Martin nói thêm.

Là giám đốc một công ty du lịch tham gia chuyến đi tìm hiểu để mở tour, ông Phan Đình Huê nói ông quan tâm về cung đường, hạ tầng, dịch vụ, điểm tham quan và an ninh trật tự. Theo ông Huê, kinh xáng Xà No ít có ghe xuồng nhỏ và có bờ kè tốt, cho nên mở tour ca nô cao tốc không sợ gây sạt lở bờ sông như ở Cà Mau.

“Khách đi về trong ngày là ổn, giá tour 6-8 triệu đồng cho một đoàn từ 6-8 người, đây là tour phù hợp với du khách cao cấp”, ông nhận xét.

Theo ông Huê, cần có chuỗi dịch vụ từ điểm đầu kinh xáng Xà No đến điểm cuối bên bờ sông Cái Lớn, nối Hậu Giang với Kiên Giang. Còn hiện nay vẫn chưa có bến tàu cho ca nô, chưa có dịch vụ tham quan, nhà vệ sinh... phục vụ du khách cho tuyến này.

“Kinh xáng Xà No có thể tạo sản phẩm mới bán cho du khách cao cấp từ Cần Thơ đi Vị Thanh. Tuy nhiên, Hậu Giang cần đầu tư tiếp các nhu cầu cho du khách mà doanh nghiệp du lịch đặt ra để chung tay cùng bà con nông dân làm du lịch nông nghiệp”, ông nói.

Ông Stiermann Martin cũng nhận định tour này sẽ không phù hợp với du lịch phượt mà phù hợp hơn với du khách có thu nhập cao. Ông dự định sẽ đưa khách châu Âu nghỉ tại RiceField Logde đi tour này bằng ca nô cao tốc để họ trải nghiệm tất cả những điều tuyệt vời mà dọc tuyến kinh xáng Xà No mang lại.

Ông Martin góp ý, địa phương nên đầu tư để có những bến tàu du lịch, điểm tham quan. Và để phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, trước hết tỉnh Hậu Giang cần lập một trung tâm thông tin để cung cấp đầy đủ điểm du lịch, nơi lưu trú, hướng dẫn cách thức đi để du khách thuận tiện khi đến Hậu Giang. Trong trung tâm đó có nơi huấn luyện nông dân cách làm du lịch nông nghiệp bao gồm cả cách nấu ăn cho du khách.

         Đã đăng TBKTSG Online 30-8-2019:

Không có nhận xét nào: