Huỳnh Kim
Thứ
Năm, 15/8/2019, 16:54
(TBKTSG Online) – Triển lãm và Hội
nghị quốc tế chuyên ngành thủy sản hàng đầu Việt Nam (Aquaculture Vietnam 2019)
vào tháng 10 tới tại Cần Thơ sẽ đem đến cho nông dân, ngư dân, nhà quản lý và
doanh nghiệp ngành thủy sản Việt Nam những công nghệ mới và thông tin thị trường
cập nhật bổ ích.
Bà Rose Chitanuwat (UBM) và TS Nguyễn Việt Thắng (VINAFIS) chủ trì họp báo tại Cần Thơ sáng ngày 15-8-2019. Ảnh: Huỳnh Kim |
Đó là khẳng
định của các chuyên gia tại buổi họp báo ngày 15-8 tại Cần Thơ về sự kiện
Aquaculture Vietnam 2019 này.
Bà Rose
Chitanuwat – Giám đốc Chuỗi dự án tập đoàn UBM Asia, cho biết Aquaculture
Vietnam 2019 sẽ mang đến một chuỗi giá trị thủy sản toàn diện từ thức ăn, dinh
dưỡng, dịch bệnh, con giống, chế biến, thị trường dịch vụ, an toàn thực phẩm và
nuôi trồng thủy sản bền vững.
Theo bà Rose
Chitanuwat, triển lãm Aquaculture Vietnam 2019 sẽ thông qua việc hợp tác với
các cơ quan chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận, các doanh nghiệp và học viện để
quảng bá các kỹ thuật nuôi trồng tiên tiến, thân thiện với môi trường, mang lại
hiệu quả kinh tế cao nhưng vẫn có thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khách hàng.
“Thay vì các
đơn vị, doanh nghiệp, người nuôi trồng thủy sản phải mất công đi ra nước ngoài
để tìm hiểu, học hỏi như lâu nay thì nay chúng tôi mang đến Cần Thơ những công
nghệ, dịch vụ tốt nhất cho ngành thủy sản”, bà Rose Chitanuwat nhấn mạnh.
TS Lê Thanh
Lựu - Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững
(ICAFIS), cho biết trong 3 ngày triển lãm (từ 16 đến 18-10-2019), có các cuộc hội
nghị quốc tế chuyên ngành thủy sản Việt Nam với hơn 100 chuyên gia trong nước
và quốc tế đến trao đổi, thảo luận về những chủ đề được ngành thủy sản Việt Nam
và thế giới quan tâm, như chất lượng con giống, dịch bệnh, áp dụng khoa học kỹ
thuật mới trong nuôi trồng thủy sản, chế biến xuất khẩu, thị trường, dịch vụ và
phát triển bền vững.
TS Nguyễn Việt
Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS), cho rằng ngành thủy sản nước ta
“đang gặp vô vàn khó khăn” về tác động của biến đổi khí hậu, thị trường, giá cả,
thông tin, khoa học công nghệ liên quan tới sản xuất, chế biến, xuất khẩu và
tiêu thụ nội địa. Do vậy, theo ông Thắng, sự kiện triển lãm Aquaculture Vietnam
tháng 10 tới, sẽ góp phần giải quyết những vấn đề này.
Đối với
doanh nghiệp, đây là cơ hội quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm dịch vụ đến
với ngành thủy sản của cả nước, đặc biệt là 13 tỉnh thành khu vực đồng bằng
sông Cửu Long. Đối với nông dân và người nuôi trồng thủy sản thì đây là cơ hội
tốt để cập nhật kiến thức kỹ thuật, thông tin thị trường, tìm kiếm những sản phẩm
dịch vụ, công nghệ tốt nhất phục vụ sản xuất.
Ông Thắng nhắc
riêng chuyện cá tra trước giờ là “độc quyền“ của Việt Nam, nhưng nay thì Ấn Độ,
Trung Quốc đã tự nuôi được loại cá này. “Từ giờ phải giúp cho nông dân và doanh
nghiệp thủy sản chủ động được nguồn nguyên liệu, tăng chất lượng, giảm giá
thành, thích ứng kịp thời với cả thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa chứ
không phải cứ chạy theo sản lượng nữa”, TS Nguyễn Việt Thắng nhấn mạnh.
Tình hình phát triển
nuôi trồng thủy sản năm 2018 và sáu tháng đầu năm 2019
Năm 2018 và nửa đầu năm 2019, nghành
thủy sản đối mặt với những khó khăn thách thức ngoài tầm kiểm soát, như biến đổi
khí hậu; nắng nóng khô hạn kéo dài; giá cả suy giảm; thẻ vàng EU cho khai thác
thủy sản; chất lượng tôm và cá tra giống không ổn định, suy giảm; giá thức ăn
và năng lượng tăng. Ngoài ra còn một loạt vấn đề liên quan tới tổ chức sản xuất, chủ trương và
chính sách đối với nghành thủy sản đang
cần phải được tháo gỡ.
Năm 2018, tổng diện tích nuôi trồng đạt
1,3 triệu hecta, bằng 106% so với cùng kỳ 2017, sản lượng nuôi đạt 4,3 triệu tấn,
tăng 8,3% trong đó tôm các loại đạt 800
nghìn tấn, tăng 10,5%; cá tra đạt 1,42 triệu tấn, tăng 14,0%. Sản lượng cá biển
nuôi ước tinh đạt 32.000 tấn; nhuyễn thể đạt 320.000 tấn; tôm hùm 1.600 tấn,
cua ghẹ hơn 60.000 tấn... Số còn lại là các loài thủy sản nuôi trồng khác bao gồm
nhóm cá nước ngọt như cá rô phi, nhóm họ cá chép truyền thống, cá lóc, lươn…
Sáu tháng đầu năm 2019, sản lượng thủy
sản nuôi trồng đạt 1,92 triệu tấn, tăng 7,0% so với cùng kỳ năm 2018, đạt
100,7% so với kế hoạch. Trong đó, tôm ước
đạt 289.000 tấn, bằng 108,8% so cùng kỳ và đạt 33,7% so với kế hoạch cả năm
2019, cá tra đạt 684.000 tấn, bằng 107,5% so với cùng kỳ 2018 và 45,2% kế hoạch
cả năm.
Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu thủy sản
đạt 9 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,4%. Trong đó, cá tra đạt 2,26 tỉ đô la, tăng 26,4%;
tôm đạt 3,58 tỉ đô la, giảm 7,1% (tôm chân trắng 2,48 tỉ đô la, giảm 2,0%; tôm
sú 810 triệu đô la, giảm 7,8%); nhóm hải sản gồm cá ngừ 675 triệu đô la, tăng
13,9%; cá khác 1,52 tỉ đô la, tăng 15,5%; nhuyễn thể 785 triệu đô la, tăng
9,1%; giáp xác 145 triệu đô la, tăng 23,0%...
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng
đầu năm 2019 đạt 4 tỉ đô la Mỹ, tăng 0,6% với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tôm
các loại ước đạt 1,43 tỉ đô la (bằng 87,9% cùng kỳ), cá tra 991 triệu đô la (bằng
98,8% cùng kỳ), cá ngừ 380 triệu đô la, mực và bạch tuộc 311 triệu đô la, các
loại cá khác 769 triệu đô la, nhuyễn thể 45,4 triệu đô la...
Theo
VINAFIS, ICAFIS và UBM
·
Đã đăng
TBKTSG Online 15-8-2019:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét