41 câu chuyện trong tập bút ký Sống và viết ở đảo quốc Sư Tử (NXB Tổng hợp TP.HCM và Thời báo Kinh tế Sài Gòn, tháng 3.2013) của Lê Hữu Huy, như những nhịp cầu nối đôi bờ Việt Nam - Singapore. Những câu chuyện này được viết dưới dạng “thư Singapore” trong vòng 10 năm qua, đã đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn và một số tờ báo khác ở Việt Nam.
Tác giả từng làm trưởng đại diện của Vietcombank tại Singapore từ năm 1997, sau đó lấy bằng thạc sĩ về Đông Nam Á tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và hiện là giám đốc Công ty tư vấn Vietnam Global Network, chuyên phục vụ nhu cầu giao lưu và tìm hiểu thị trường của doanh nghiệp Việt Nam tại đảo quốc này.
Từ công việc thường gắn với dòng thời sự ở Singapore hoặc Việt Nam, tác giả viết nên những câu chuyện liên quan tới các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, đời sống… giữa hai đất nước. Ở mỗi chuyện, tác giả hay có những bình luận nhẹ nhàng và sâu sắc, có thể làm cho người đọc, nhất là những ai đang tính sang Sing học tập hay làm ăn, phải ngẫm nghĩ để rút ra “bài học” cho mình.
Thí dụ trong bài Chuẩn và không chuẩn, tác giả kể: “Nhờ nói giọng miền Nam, nhiều lần tôi được mời đọc các chương trình quảng cáo bằng tiếng Việt sản xuất tại Singapore. Trong lúc đó, những “đối thủ” khác của tôi có giọng Bắc hay giọng Nam quá “chuẩn” thì lại quá nghiêm trang nên không thể thuyết phục khách hàng”. Từ trải nghiệm này, tác giả chia sẻ: “Đến Singapore, bạn phải làm quen với cách nói tiếng Anh của người Hoa, người Mã Lai, người Ấn, người Myanmar, người Indonesia và cũng chẳng có gì xấu hổ nếu mình nói tiếng Anh của người Việt, nghĩa là chưa “chuẩn””. Tiếp đó, tác giả bình luận: “Chính phủ Singapore vẫn luôn mời gọi tài năng nước ngoài đến đây sinh sống lập nghiệp và những người biết tiếng Anh và giỏi về ngôn ngữ sẽ có lợi thế. Tuy nhiên, những ai có tư duy xem nặng bằng cấp, quá đề cao cái “chuẩn” sẽ có ngày phải trả giá. Bởi lẽ, những tiến sĩ hay thạc sĩ Harvard hay Oxford một ngày nào đó không chứng tỏ được khả năng làm việc hay đóng góp vào phát triển kinh tế hay xã hội của Singapore thì cũng sẽ được mời đi chỗ khác. Nhưng điều quan trọng hơn hết là chính phủ Singapore luôn muốn tạo ra những luật chơi sòng phẳng trên một sân chơi công bằng, chuẩn hay chưa chuẩn đều được, miễn là có tài năng và đóng góp”.
Ở một câu chuyện khác, Khởi đầu nan, đừng vội!, kể chuyện một nam sinh viên Việt Nam, sau khi tốt nghiệp cử nhân ở NUS, chỉ xin được việc làm đi bán hàng trong một siêu thị Sing và quyết định nghỉ việc sau 4 tháng vì cho rằng không thỏa đáng. Tư vấn cho bạn trẻ này, tác giả tâm sự: “Có lẽ tuổi thơ vất vả và nhận thức về giá trị giúp tôi xem bản thân mình, một tân thạc sĩ NUS và cũng từng làm trưởng đại diện của một ngân hàng lớn, coi việc đứng bán hàng trong siêu thị là một kinh nghiệm quý báu vì đó là cơ hội tiếp cận khách hàng một cách sinh động và cụ thể nhất”. Liền đó, tác giả viết: “Tôi tâm đắc với câu châm ngôn của đại văn hào Victor Hugo: “Quand on n’a pas ce qu’on aime, on aime ce qu’on a” (Khi không có cái mà ta thích, hãy thích cái mà ta có)”.
Hay như trong bài Hội nhập để làm gì?, tác giả kể chuyện một nữ sinh Việt Nam, sau 6 năm du học tại Sing bằng học bổng của chính phủ nước này, đã tự hào thấy “mình là người Singapore”. Đến nỗi, chính Thủ tướng Lý Hiển Long đã ca ngợi, nhân kỷ niệm quốc khánh nước này hồi tháng 8.2012, rằng: “Khi trở thành sinh viên Đại học Quản trị Singapore, cô đã được bản địa hóa đến mức nếu không biết tên, bạn có thể sẽ không biết cô ấy từ đâu đến”. Cuối câu chuyện này, tác giả liên hệ tới chính mình để trả lời cho câu hỏi ban đầu: “Cuộc sống khắc nghiệt ở Singapore buộc tôi mỗi sáng thức dậy phải nghĩ đến chuyện kiếm tiền, nhưng những đồng tiền của tôi sẽ vô nghĩa nếu tôi không biết sử dụng chúng để làm những chuyện có ý nghĩa, để trở thành một người Việt Nam đàng hoàng, xứng đáng, vinh danh cho xứ sở quê hương mình cho dù đang ở bất cứ nơi nào trên thế giới”.
Còn nhiều câu chuyện đáng đọc nữa ở tập sách dày gần 200 trang của một doanh nhân trẻ đang sống xa nhà. Đúng như ở lời giới thiệu, những người làm sách đã nhấn mạnh: “Thư Singapore của Lê Hữu Huy giúp chúng ta hiểu người và hiểu ta hơn. Hiểu người để cố gắng theo kịp người; hiểu ta để khỏi phải rơi vào hai thái cực: tự tôn hoặc tự ti, và để quý trọng hơn nữa tấm lòng cùng những nỗ lực vượt qua bao trở ngại để sống tử tế trên xứ lạ của nhiều người con xa xứ”. ■
* Mời đọc thêm tại báo Thanh Niên 16.4.2013:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130416/nhip-cau-sing-viet.aspx