Cách đây 20 năm, Nguyễn Quang Thân rời Hải Phòng lên Hà Nội “lót ổ” để 3 năm sau Dạ Ngân từ Cần Thơ ra, làm một cuộc trùng phùng của một đôi nhà văn 11 năm xa cách. 15 năm Hà Nội, hai người có khoảng 10 đầu sách và nhiều giải thưởng văn chương, tiếp tục làm thành một cặp đôi bền bỉ với ngòi bút và thương hiệu của mình. Nghỉ hưu ở tuần báo Văn nghệ với chức Trưởng ban Văn xuôi, nhà văn Dạ Ngân kéo chồng xuôi Nam ngay, lần này thì chị đã khéo “lót ổ” sẵn từ mấy năm trước. Vẫn cảnh nhà chung cư nhưng họ có vẻ bằng lòng với cuộc sống đạm bạc hiện nay và vẫn tiếp tục chắc tay với nghề văn nghề báo, chỉ mong cho cuộc đời tử tế hơn…
Gặp gỡ vợ chồng nhà văn Dạ Ngân & Nguyễn Quang Thân:
TBKTSG: Tết này là cái Tết thứ hai về sống ở Sài Gòn. Anh chị thấy cuộc sống đô thị quanh mình có điều gì đáng suy ngẫm không?
- DẠ NGÂN: Thật sự những tháng đầu tôi bị sốc. Vì Sài Gòn đã rất giống Hà Nội, Sài Gòn không như hình dung của tôi. Nói đúng hơn, Sài Gòn đang mất dần hồn cốt và phong độ vốn có của nó. Sự đồng nhất giữa Hà Nội với Sài Gòn khiến cho tôi thấy bất an và tiếc nuối. Về nhiều mặt, Sài Gòn còn bị xập xệ đi nhiều: kiến trúc lộn xộn, môi trường ô nhiễm nặng, hạ tầng cơ sở kém chất lượng, rác rến nhiều lên, tính chuyên nghiệp của nhiều ngành nghề kém đi, phong cách con người pha tạp nặng. Cuộc sống đô thị là thế này sao? Xin đừng đổ cho cho cuộc sống đô thị. Tại vì chúng ta quy hoạch theo tư duy tiểu nông, tại vì chúng ta thiếu kỷ cương, tại vì chúng ta không tôn trọng chính mình và chính nơi mình sinh sống. Nhưng cũng đừng đổ tại dân đông mật ít ruồi nhiều, đừng đổ làn sóng nhập cư không kiểm soát nổi. Mọi sự do chúng ta dở trắng dở đen và bản thân các vị cầm cân nẩy mực cũng vẫn tư duy nhiệm kỳ khiến người dân bị quay tít trong một cái guồng bon chen, hối hả, chộp giật.
- NGUYỄN QUANG THÂN: Ở Hà Nội chúng tôi cũng có một căn hộ trong chung cư Kim Giang, nơi tôi đã viết tiểu thuyết “Con ngựa Mãn Châu”, kịch bản “Cây bạch đàn vô danh” và rất nhiều truyện ngắn, bài báo. Kim Giang là chung cư thời những năm 80, nhà cao nhất cũng chỉ có 4 lầu, cầu thang và lối đi hẹp, nhà nào cũng cố lấn thêm phía trước phía sau thành “chuồng chó”, “chuồng bò”. Trong khu có một chợ nhỏ, có đủ thứ hàng hóa nhưng phần nhiều là hàng loại 2, muốn mua hàng xịn phải “lên phố” hay “vào Hà Nội” như người ta hay nói.
Vào Sài Gòn, hai vợ chồng cũng vẫn sống trong một căn hộ của chung cư Thanh Đa, vẫn những ngôi nhà cao nhất cũng chỉ 4 tầng lầu, được xây từ những năm 70, do một nhà thầu Đức thiết kế và thi công. Nay thì khu chung cư vẫn sáng sủa, nhà cửa vẫn chắc chắn, nhưng cũng bị biến dạng nhiều “theo kiểu Hà Nội”, nghĩa là công viên bên dưới bị xóm liều và nhà để xe lấn gần hết, nhà nào cũng có cái chuồng chó phía sau. Chợ ở đây cũng không to hơn chợ Kim Giang là bao và hàng hóa cũng thế, những món hàng loại 2 cho người ít tiền.
Con gái tôi nói: “Con có cảm tưởng như bố mang cả khu Kim Giang ở Hà Nội theo mình”. Tôi nói: “Con ơi, đó là giao lưu văn hóa”. Quả thật, sau gần ba mươi lăm năm đất nước thống nhất, Sài Gòn đã “Hà Nội” hơn trước khá nhiều. Còn về sự dữ dằn trên đường phố, ở đây có đỡ hơn ngoài kia. Nhưng đó là chưa đuổi kịp đó thôi và chắc là sẽ đuổi kịp một ngày không xa nữa.
TBKTSG: Nhưng đâu thể nói đời sống đô thị làm tha hóa tâm hồn con người ta; rằng chỉ có hướng về nông thôn, về thuở thiếu thời thì ta mới được “trong lành”?
- DẠ NGÂN: Nông thôn ngày xưa nếu soi qua Nam Cao và Ngô Tất Tố thì có trong lành không? Nông thôn bây giờ đã có “Cánh đồng bất tận” làm chuẩn rồi. Tôi không nghĩ người ta hướng lòng mình về nông thôn là vì nơi ấy nhiều trong lành hơn đô thị. Đơn giản vì nông thôn là nhau cuống, nông thôn là tuổi thơ, nông thôn là ký ức, nông thôn là nguồn cội và nông thôn là chỗ khiến sợi dây trắc ẩn trong chúng ta dễ rung lên, thế thôi.
Các nhà vĩ mô phải bắt đầu lại cho nông thôn và cho cả đô thị. Hai mảnh đất ấy ở ta đều bị xáo trộn, tùy tiện và lợi dụng. Nhất định phải có kỷ cương cho đô thị và nhất định phải có những người nông dân hớn hở với đất đai và công việc làm ăn của mình. Làm được như vậy sẽ có đô thị lành mạnh và nông thôn vui tươi, con đường ấy chắc còn xa lắm bởi cái kiểu nửa nạc nửa mỡ của nước mình.
- NGUYỄN QUANG THÂN: Kỷ cương không phụ thuộc vào nông thôn hay thành thị mà là não trạng của một xã hội. Nếu chịu đọc báo sẽ thấy nông thôn cũng đang có đủ màu sắc thường được báo chí ta hăng hái đưa tin: cướp, hiếp, giết và điếm (mại dâm), chỉ có thưa hơn, ít tập trung hơn vì dân cư sống rải rác hơn. Rối loạn kỷ cương kéo dài do “thượng bất chính hạ tắc loạn”, do thói đạo đức giả và thiếu tôn trọng sự thật, nói dối, nói không làm hoặc nói một đàng làm một nẻo. Đặc biệt là thiếu thượng tôn pháp luật ở cả hai phía: người dân (không tuân thủ pháp luật) và công quyền (sử dụng pháp luật không nghiêm minh).
Chắc chắn không thể đổ vấy cho kinh tế thị trường. Bao nhiêu nước người ta có kinh tế thị trường hàng mấy trăm năm nay mà kỷ cương có bị đảo lộn đâu? Ngược lại thì có. Vì kinh tế thị trường biết tôn trọng pháp luật, tôn trọng trí thức, biết trả tiền xứng đáng cho công sức lao động, không thể mua bán quyền lực vô tội vạ. Do đó mà giữ được kỷ cương.
TBKTSG: Dường như đang có một chuyển động âm ỉ: xã hội đang ráo riết làm giàu bằng mọi cách mà ít chăm sóc cho cái nếp sống hướng thiện hơn?
- DẠ NGÂN: Có nên đổ cho đồng tiền và cách người ta làm ra tiền không? Hãy xem các doanh nghiệp tư nhân người ta kiếm tiền. Mồ hôi và cả nước mắt chứ. Nhưng vì xã hội ta cứ lồ lộ những tầng nấc kẻ giàu không lương thiện cho nên môi trường tinh thần của người dân bị nhiễm bẩn đó thôi. Ai đang giàu không bằng mồ hôi, ai ráo riết và bất chấp, người dân biết cả nhưng họ làm được gì nào? Và như đã nói, khi nào xã hội trong lành, ắt sẽ có văn minh và nhân ái.
- NGUYỄN QUANG THÂN: Ở nước ta, cũng như nhiều nước, đều có hai loại người giàu hay “làm giàu”: loại chân chính bằng tài năng và sức lao động (cả lao động chỉ huy hay trí óc) của bản thân. Loại kia, là do ăn cắp, ăn cướp đủ kiểu như tham nhũng, bóc lột, mafia, buôn bán quyền lực…
Giàu có ngày nay có thể không đồng hành với vô đạo đức như một định mệnh. Một số nhà giàu thuộc loại 1 vẫn có lương tâm, họ làm ra tiền để được hưởng một cuộc sống cao cấp cho bản thân, con cháu nhưng cũng đồng thời kiếm công ăn việc làm cho bao nhiêu người khác, giúp phát triển nền kinh tế quốc gia. Không ít người giàu cóp nhặt suốt đời để có một đống của cải rồi làm từ thiện, cho lại người nghèo.
Loại thứ hai thì khỏi phải nói. Chính họ là thủ phạm chính của tình trạng suy thoái đạo đức, bôi bẩn văn hóa, làm tội ác ngày thêm trầm trọng trong xã hội ta ngày nay. Vậy mà nhiều khi họ cũng được giải, được tặng bằng khen huy chương hay thăng tiến vù vù trên nấc thang chức vụ đấy. Kỷ cương đang rối mà!
TBKTSG: Sao người ta có thể giết người chặt xác; xua chó cắn chết một bà già mót cà phê; thích đón nhận những danh hiệu này nọ trong những cuộc “tôn vinh” ồn ã; nhiều đại gia doanh nhân chỉ thấy sức mạnh đồng tiền... Vì sao cái ác, cái vô cảm, cái thói háo danh đang có nhiều đất sống hơn trong xã hội bây giờ?
- DẠ NGÂN: Bây giờ mà yếu bóng vía thì không dám đọc báo nhiều, nhất là các loại báo của ngành công an vì quả thật, người ta dễ giết nhau quá chừng. Bây giờ ra đường bị chèn hay bị va quệt cũng không dám phản ứng mạnh vì mình có thể bị “xử lý” bằng dao ngay. Xã hội quá bất an và bát nháo, không rõ các vị vĩ mô có cải trang để đi thực tế không? Dân chúng không yên, lòng người tao tác mà mở tivi ra là thấy lễ lạt thành tích và các loại danh hiệu, quá phù phiếm, quá phi lý, nhưng nếu kêu thì có thấu không và có thay đổi được gì không?
- NGUYỄN QUANG THÂN: Rất khó trả lời câu hỏi “tại sao?” vì nó quá nhạy cảm. Ai cũng biết nhưng không mấy ai chịu nói hoặc là tìm được cách nói một sự thật đã thành hiển nhiên. Đuổi được mấy cô bướm đêm ở cầu Thị Nghè thì dễ nhưng rất khó lột mũ áo của mấy ông quan tòa chạy án, ăn hối lộ. Bắt cá bé vì sợ cá lớn, tắm từ bụng xuống vì sợ cảm toàn thân. Vậy đó!
TBKTSG: Vậy thì anh chị đang “tải” những câu chuyện “văn hóa xã hội” ấy vào những tác phẩm văn học hoặc những bài báo của mình ra sao?
- DẠ NGÂN: Chúng tôi xem viết báo là trách nhiệm công dân. Nhưng tản văn bây giờ cũng phải uốn éo, mượt mà, đố dám viết như Lỗ Tấn hay Giả Bình Ao bên Tàu đấy. Và không phải bài báo nào cũng được in nguyên hay là được xuất hiện vì các tòa báo cũng có cái trần của họ. Còn văn chương ư, không phải nhà văn nào cũng an tâm ngồi viết những thứ để cất vào hộc tủ, ấy là chưa nói đến chuyện có cảm hứng để viết hay không nữa. Chúng ta hay kêu sao ngành nghệ thuật nào cũng tàng tàng, xập xệ, vậy có được bao nhiêu văn nghệ sĩ thực sự có cảm hứng làm nghề trong hoàn cảnh này?
- NGUYỄN QUANG THÂN: Albert Camus, một nhà văn lớn của Pháp có nói một câu chí lý: “Chức năng của nhà văn là phát biểu không ngừng”. Tôi chỉ biết phát biểu, bằng cách của nhà văn, qua nhân vật, tác phẩm và những bài báo. Người nghe, người đọc tôi là độc giả thân yêu của tôi. Tôi không phải quan lại mà có nhiệm vụ viết sớ. Có thể tôi không thể viết hết những điều mình nghĩ nhưng không gì có thể bắt tôi viết ra những điều khác với điều mình nghĩ. Tôi không muốn phản bội bản thân mình. Tôi nghĩ đó là phần hồn quan trọng nhất trong nhân cách một nhà văn.
TBKTSG: Anh Nguyễn Quang Thân thường viết về số phận của người trí thức Việt Nam. Anh có thể nói qua một chút về những tác phẩm này - có cuốn được dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp; và anh đang trăn trở gì về người trí thức trong xã hội bây giờ?
- NGUYỄN QUANG THÂN: Trí thức không lao động cơ bắp, không sống bằng lao động cơ bắp (trừ thời bao cấp thường phải nuôi heo, dán hộp, vấn thuốc lá hay đạp xích lô). Trí thức thường dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm, mảnh khảnh như cây sậy. Nhưng trí thức có sức mạnh hơn người là “suy nghĩ”. Tôi muốn nói đó là những suy nghĩ độc lập, sáng tạo. Tất nhiên đã là người thì ai cũng suy nghĩ. Nhưng với trí thức, “suy nghĩ” là một nghề. Có những thời suy nghĩ ế ẩm, không có giá nên trí thức thường nghèo. Triết gia nghèo đã đành nhưng thiên tài phát minh như Edison cũng không giàu. Khi người ta không cần những suy nghĩ độc lập, khi người ta không muốn mạo hiểm với những sáng tạo chưa được thử thách, khi người ta bằng lòng và tự mãn thậm chí kiêu ngạo nữa với những suy nghĩ cũ rích, có sẵn thì trí thức trở thành vô duyên, thực tế là vô dụng.
Bi kịch xẩy ra khi trí thức không được sống bằng suy nghĩ của mình. Anh chàng tiến sĩ hóa học của truyện “Vũ điệu cái bô” của tôi phải đi giữ trẻ để kiếm sống (vì ai cũng phải ăn cái đã) thì đó là bi kịch của anh ta và của cả xã hội. Bi kịch cũng xẩy ra khi trí thức không được đóng góp cho xã hội bằng cái nghề suy nghĩ của mình. Ý tưởng sáng tạo của anh ta không ai mua, không ai chấp nhận, không ai nghe, đó là nỗi đau khổ lớn nhất của trí thức. Nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết của tôi có những nhân vật trí thức như thế. Họ rất khó thích nghi với một xã hội có quá nhiều nan vấn với một người ham suy nghĩ.
Cuốn tiểu thuyết “Ngoài khơi miền đất hứa” của tôi được nhà xuất bản Philippe Picquier ở Pháp dịch sang tiếng Pháp và xuất bản năm 1997, nhân vật chính là một trí thức lắm nỗi truân chuyên, từng vào tù vì tình bạn và thường xuyên gặp bế tắc trong cuộc sống. Cuốn tiểu thuyết này đã bán hết và năm 2004, Hội đồng Aquitaine có mời tôi sang Bordeaux một tháng để gặp độc giả cuốn sách. Vì sách đã bán hết nên người ta phải photocopy cho những cuộc thảo luận. Hình như đề tài trí thức, số phận những nhân vật trí thức rất được độc giả nước ngoài quan tâm, ít nhất đó là điều tôi rút ra ở quê hương của triết gia Pascal, người đã nói một câu nói nổi tiếng: “Con người là một cây sậy nhưng là một cây sậy biết suy nghĩ”. Còn “Vũ điệu cái bô” cũng đã được dịch và in ở Pháp (bản dịch của Phan Huy Đường) và ở Mỹ (bản dịch của Rosemary Nguyễn), tôi không biết dư luận nghĩ thế nào nhưng một tiến sĩ khoa học đi giữ trẻ chắc cũng làm họ ngạc nhiên dù đó là sự thật của một thời.
TBKTSG: Còn chị Dạ Ngân thì hay viết về số phận những con người bình thường trong gia đình, nhất là người phụ nữ, nổi bật là tiểu thuyết “Gia đình bé mọn”. Chị có thể nói thêm về họ ở trong xã hội bây giờ?
- DẠ NGÂN: Trong tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi những số phận phụ nữ đi từ chiến tranh ra. Tôi thấy họ vẫn tiếp tục hy sinh và phi thường trong hậu chiến và cả bây giờ. Hãy nhìn vào từng gia đình và một đám đông phụ nữ mà xem. Người phụ nữ Việt Nam rất tự tin, dũng cảm và can cường. Ngay cả việc họ đi lấy chồng ngoại hay mưu sinh bằng con đường làm gái, họ vẫn có phẩm chất hy sinh một cách can cường theo quan niệm của họ. Tôi ngưỡng mộ đối tượng quen thuộc của mình và tôi luôn thấy mắc nợ họ.
Ba năm trời kể từ khi khởi động,“Gia đình bé mọn” bản tiếng Anh mới được phát hành ở Mỹ vào cuối năm 2009 vừa qua. Tôi không có thông tin về đánh giá cuốn sách của giới phê bình ở bên đó nhưng nhiều Việt kiều gặp hoặc thư cho hay bản dịch rất hay và họ phải tìm nguyên tác để đọc và so sánh xem nó thế nào. Theo tôi thế là thành công rồi. Không phải tác giả nào cũng may mắn được một bản dịch hay.
TBKTSG: Anh chị đang dự tính gì trong năm nay?
- DẠ NGÂN: Tháng 3 này tôi sẽ ra mắt bạn đọc 2 đầu sách thể loại tản văn. Và “Gia đình bé mọn” tái bản lần thứ 5. Tôi vẫn đang nghén một cuốn tiểu thuyết về hậu chiến mà không biết khi nào thì mới rảnh rang hẳn được chừng 6 tháng để hoàn thành nó. Vì sao? Vì tuần nào cũng phải viết báo, viết để sống và viết để tồn tại, viết vì niềm vui công dân nữa chứ. Rất khó phân thân vì dù sao mình cũng già rồi, vừa chậm vừa cầu toàn, khó quá. Chỉ mong cho cuộc đời tử tế hơn.
- NGUYỄN QUANG THÂN: Có sách mới không khó, có sách làm nên một cái gì mới mẻ mới thật sự khó khăn trong tình hình văn học hiện nay.
_____________________________________________
Đã đăng trên TBKTSG số Tân Niên 2010
Mời đọc thêm tại:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét