Rác thải, và gần đây là phế liệu, đang ngày càng “phình” ra ở huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, khiến du khách ngán ngẩm và cả người dân địa phương cũng bức xúc. Nhiều ý kiến lo ngại rằng điều đó sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thu hút du lịch lẫn đời sống dân cư ở huyện đảo xinh đẹp này.
Bãi rác chính trên đảo Phú Quốc |
Vựa phế liệu Ngọc Lợi ỏ Dương Đông |
Cũng tại Sao Biển, hôm 9-9-2014, hai du khách trẻ người Đức, Nadine và Jonas, góp ý: “Phú Quốc cần thận trọng đừng để phát triển du lịch quá nhanh. Tôi nghĩ đây sẽ là vấn đề đối với thiên nhiên đáng yêu trên đảo. Tụi tôi yêu những bờ biển ở Phú Quốc lắm nhưng thật đáng tiếc là chỗ nào cũng có rác”.
Vựa phế liệu trong hẻm khu phố 1 |
Còn nhớ bữa đó (9-9-2014), đi một vòng quanh thị trấn Dương Đông, chúng tôi thấy có hơn một chục vựa phế liệu trên những trục đường du lịch chính. Như ở đoạn chưa đầy 200 mét lề đường Trần Hưng Đạo (khu phố 7) đã có 3 vựa phế liệu, chứa đủ thứ từ sắt thép, tôn thiếc, ve chai, bao bì… Đường ở đây không có lề, nhưng có chỗ người ta quăng bao phế liệu ra mé lộ, xe chạy phải né nói chi người đi bộ. Trong một con hẻm chật chội thuộc khu phố 1 cũng có một vựa phế liệu chất cao nghệu.
Ông Nguyễn Văn Bé, 81 tuổi, dân cố cựu ở thị trấn Dương Đông, nói: “Đường Trần Hưng Đạo thẳng xuống sân bay hầu như không có cống, nước thoát chảy tràn qua lộ. Dân làm nhà, sửa chữa đụng đâu thải đó, cát, gạch, sỏi… tràn hết ra đường”. Ông Bé cho biết nhu cầu xây nhà nghỉ, khách sạn, resort càng tăng (tăng khoảng 500 phòng trong vòng một năm vào lúc đó và sẽ tăng 2.000 phòng trong hai năm tiếp theo) thì rác thải và phế liệu càng ngổn ngang mà không thấy ai quản lý.
Sáng hôm sau, dạo quanh bãi biển Bà Kèo nơi có các khu nghỉ dưỡng và khách sạn san sát nhau, xém chút nữa tôi giẫm phải xác một con chuột cống. Nhiều thứ rác thải đô thị khác cũng theo sóng biển tấp lên bờ cát mỗi ngày trong khi người thu dọn làm không sạch. Còn theo lời ông Phùng Xuân Mai, Tổng giám đốc Khu nghỉ dưỡng Sài Gòn - Phú Quốc, “Hiện nay nước thải ở hầu hết các cơ sở sản xuất, khách sạn, khu nghỉ dưỡng đều xả hết ra sông ra biển”. Về đơn vị mình, ông Mai kể: “Mỗi ngày ở đây có khoảng 70 mét khối nước sinh hoạt thải ra đều được xử lý thành nước thải loại A, chưa đủ tưới cho 3 hecta cây xanh và bãi cỏ của khu resort”. Không có nhiều lắm những doanh nghiệp tự lo xử lý chất thải như vậy ở Phú Quốc.
Trong khi Phú Quốc chưa có nhà máy xử lý rác thải thì có một bãi rác tập trung cho cả đảo ở gần Gành Dầu, mỗi ngày nhận từ 70 - 80 tấn rác. Bãi rác rộng 50 hecta ấy lại nằm trùm lên khu đất của một dự án du lịch 200 hecta. Rác được đổ tràn từ rừng ra mé lộ, bốc mùi hôi thối. Đáng tiếc là bãi rác này lại nằm ngay ở cửa ngõ khu phức hợp Vinpearl Phú Quốc rộng 304 hecta cách đó không xa.
Chiều hôm đó, khi được hỏi về chuyện thời sự này, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, ông Huỳnh Quang Hưng, cho biết: “Chúng tôi đang kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác tại Phú Quốc, có thể trong năm nay sẽ có”.
Một vựa phế liệu trên đường Trần Hưng Đạo, PQ, ngày 9.9.2014
Đã sáu tháng trôi qua, giờ thì theo lời ông Phạm Mỹ ở khu nghỉ dưỡng Sao Biển: “Người dân và du khách bức xúc lắm, không biết bao giờ Phú Quốc xử lý xong chuyện rác thải này? Nguy nhất là các vựa phế liệu nó phình ra ngày càng nhiều. Ở các vựa này, có nơi giờ thành chỗ giấu những thùng nhớt ăn cắp từ một căn cứ quân đội để tuồn ra bán lẻ ngoài đường. Không còn là chuyện rác thải mà nguy cơ cháy nổ trong các khu dân cư luôn rập rình vì chẳng thấy ai trang bị bình chữa cháy cả”./.
* Bài đã đăng báo Sài Gòn Tiếp Thị ngày 13-3-2015:
http://www.sgtiepthi.vn/dau-dau-chuyen-rac-thai-o-phu-quoc/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét