Thứ Ba, 12 tháng 7, 2016

“Nút thắt” còn, đừng mong kinh tế ĐBSCL phát triển




Trung Chánh


“Nút thắt” còn, đừng mong kinh tế ĐBSCL phát triển. Trong ảnh là ban chủ tọa đang điều hành hội nghị “ĐBSCL- chủ động hội nhập và phát triển bền vững” diễn ra hôm nay 12-7, tại Hậu Giang. Ảnh: Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xem là khu vực có nhiều tiềm năng để hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và phát triển bền vững. Thế nhưng, theo một số nhà chuyên môn, để hiện thực hóa mục tiêu đó, nhất thiết phải giải quyết được những “nút thắt” đang tồn tại của vùng.

Phát biểu khai mạc hội nghị “ĐBSCL - chủ động hội nhập và phát triển” được tổ chức tại Hậu Giang hôm nay, 12-7, một trong những sự kiện chính trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL Hậu Giang năm 2016 (MDEC-Hậu Giang 2016), ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế của Bộ Công Thương, khẳng định: “ĐBSCL là khu vực còn nhiều tiềm năng và nguồn lực phát triển kinh tế ở nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và du lịch”.

Cụ thể, theo ông Anh, ĐBSCL có diện tích đất gần 40.000 km vuông, phù hợp phát triển ngành nông nghiệp; có nguồn lợi thủy sản đa dạng và chiếm đến 70% kim ngạch xuất khẩu cả nước; trữ lượng khí đốt khá lớn, khoảng 125 tỉ mét khối; có hơn 700 km bờ biển, khoảng 28.000 km sông ngòi là cơ sở cho việc hình thành hệ thống giao thông vận tải đường thủy, các cảng sông, cảng biển và phát triển du lịch.

Về lĩnh vực phân phối, ông Anh cho biết trong năm 2015, tổng mức bán lẻ của vùng chiếm 18,8% cả nước với hệ thống phân phối rộng khắp, gồm 1.751 chợ các loại (chiếm 20,21% cả nước), 60 siêu thị (chiếm 7,38% cả nước), 11 trung tâm thương mại (chiếm 6,79%), “và đây cũng là thị trường bán lẻ lớn thứ ba cả nước, chỉ sau vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Hồng”, ông cho biết.

Nhiều nút thắt

Tuy được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng theo một số nhà chuyên môn tại hội nghị, để khu vực ĐBSCL có thể chủ động hội nhập và phát triển bền vững, trước mắt phải giải quyết cho được những “nút thắt” đang tồn tại của vùng.

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, lưu ý ĐBSCL nên nhìn nhận thẳng vào những thách thức và tồn tại của vùng để có sự thay đổi phù hợp trong thời gian tới.

Cụ thể, về cơ cấu kinh tế, theo ông Lam, hiện nay khu vực nông nghiệp chiếm 33,1% cơ cấu kinh tế của vùng và hiện đang có sự dịch chuyển đúng hướng (giảm nông nghiệp, tăng công nghiệp và dịch vụ), “nhưng hiện nay cả 13 tỉnh/thành chuyên về nông nghiệp như ĐBSCL lại không có một khu nông nghiệp công nghệ cao nào để đẩy mạnh sản xuất, mà chủ yếu dựa vào tự nhiên là một điều rất không ổn”, ông cho biết.

Cũng theo ông Lam, về công nghiệp, qua 30 năm hoạt động xuất khẩu, nhưng ĐBSCL cũng chỉ quanh quẩn với những sản phẩm thô, chưa có sản phẩm giá trị gia tăng cao; còn dịch vụ, thì sức mua tăng nhưng doanh nghiệp trong nước chưa làm chủ được thị trường, mà chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài.

Đối với đầu tư Chính phủ, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI chinh nhánh Cần Thơ, trong bài viết gửi đến hội nghị, cho rằng mức đầu tư này chưa tương xứng với những đóng góp của vùng. “ĐBSCL tuy là vùng kinh tế còn khó khăn, dân số chiếm 21% và GDP chiếm 17,8% cả nước, nhưng đầu tư trở lại chưa tương xứng (tổng mức đầu tư của Chính phủ vào ĐBSCL chỉ 3.534 tỉ đồng đồng, chiếm 15,5% tổng vốn đầu tư cả nước) với sự đóng góp và nhu cầu phát triển”, bài viết của ông Dũng nêu rõ.

Trong khi đó, về nhân lực, theo ông Lam, dù lực lượng lao động của vùng là dồi dào, chiếm 20% so với cả nước, nhưng khi phân tích về chất lượng, kỹ năng và trình độ, thì ĐBSCL là vùng trũng của cả nước. “Ví dụ, tỷ lệ lao động tốt nghiệp nghề còn thấp, bình quân chỉ 2,64% so với bình quân cả nước là 5,05%, hoặc lao động tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp chỉ 4,47% so với bình quân cả nước là 7,8%”, ông Lam dẫn chứng.

Theo ông Lam, về giao thông, Chính phủ cần quan tâm đầu tư nhiều hơn cho vùng, nhất là dự án cao tốc Trung Lương- Cần Thơ hay kênh Quan Chánh Bố để tàu lớn vào ĐBSCL, bởi hiện những dự án này còn gặp nhiều khó khăn khiến lượng hàng đi trực tiếp từ cảng ĐBSCL ra nước ngoài là rất khó.

Trong khi đó, mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) một mặt là để giải quyết lao động, mặt khác là tiếp cận, nhận chuyển giao công nghệ và học cách quản lý. Nhưng, hiện nay thu hút FDI chỉ mới giải quyết được mỗi vấn đề lao động, việc làm thôi, theo ông Lam.

“Số lượng doanh nghiệp bình quân trên số dân của ĐBSCL hiện nay là 330 dân/doanh nghiệp, còn cả nước chỉ 200 dân/doanh nghiệp, trong khi một nền kinh tế mạnh không thể yếu về số doanh nghiệp như vậy”, ông Lam nêu vấn đề.

Đứng trước những vấn đề nêu trên, ông Lam kiến nghị Chính phủ nên hỗ trợ tối đa trong việc thực hiện đường cao tốc về đến Cần Thơ để tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa; nên có cơ chế chính sách đặc biệt trong thu hút FDI vào nông nghiệp; cần có chính sách phát triển doanh nghiệp trong vấn để khởi nghiệp để 5-10 năm tới có lực lượng doanh nghiệp cho vùng phát triển…

Trong khi đó, GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ, cho biết để giúp ĐBSCL chủ động hội nhập và phát triển, thì Nhà nước cần chuẩn bị cho từng thành phần kinh tế của vùng thoát khỏi nguy cơ tụt hậu trong hội nhập bằng cánh tăng cường khả năng cạnh tranh; có giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp vươn lên.

Bài đã đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/148744

Không có nhận xét nào: