Thứ Tư, 1 tháng 11, 2017

Tứ giác Long Xuyên: liên kết để giải quyết thách thức chung

Huỳnh Kim

(TBKTSG Online) - Tuần rồi, lần đầu tiên lãnh đạo thành phố Cần Thơ và ba tỉnh An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang họp về đề án “Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên” (TGLX). TBKTSG Online phỏng vấn ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, xoay quanh câu chuyện này.



Ông Dũng cho biết Ban điều hành đề án đang tiếp tục hoàn thiện đề án để báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong tháng 10 này nhằm trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 12 tới.


TBKTSG Online: Thưa ông, vì sao phải đặt vấn đề liên kết phát triển bền vững trong tiểu vùng TGLX? Sự thiếu liên kết lâu nay diễn ra như thế nào?

- Ông Đào Anh Dũng: Các chuyên gia soạn thảo đề án đã chỉ rõ rằng, cũng như hai tiểu vùng khác ở ĐBSCL là Đồng Tháp Mười và bán đảo Cà Mau, TGLX (gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang) lâu nay mỗi tỉnh theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội riêng lẻ. Điều này dẫn đến nhiều chồng chéo, mâu thuẫn, không phát huy được sức mạnh chung. Thí dụ như sản phẩm trùng lắp, cạnh tranh không cần thiết; cơ sở hạ tầng thiếu kết nối, gây khó khăn trong vận chuyển nông sản.

Việc bố trí không gian phát triển cũng chưa hài hòa với lợi thế giữa các địa phương. Hệ thống cung ứng dịch vụ logistics cho ngành nông nghiệp còn rời rạc. Hệ thống đường thủy, đường bộ chưa thông suốt trong từng tỉnh và toàn vùng, làm gia tăng thời gian vận chuyển nông sản đến thị trường, làm tăng tỷ lệ tổn thất và chi phí vận chuyển.

Trong sản xuất nông nghiệp, công nghệ sơ chế sau thu hoạch, phương tiện kho bãi để chứa nông sản và kho lạnh, kho mát để trữ nông sản tươi sống ở những khâu trung gian vẫn còn thiếu và chưa liên kết. Ngoài ra, việc thiếu hợp tác trong chuỗi giá trị ngành hàng làm cho thị trường và giá cả nông sản luôn bấp bênh, thiếu ổn định, mất cân đối cung - cầu. Mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm nông nghiệp, nhất là gạo, cá tra, rau màu và một số sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi khác còn hạn chế. Đầu ra chủ yếu là bán sản phẩm thô, khả năng cạnh tranh của nông sản kém và chưa có thương hiệu.


Đề án chọn những lĩnh vực nào mà các địa phương trong tiểu vùng cần liên kết, thưa ông?

- Lĩnh vực liên kết được xây dựng dựa trên nhu cầu, trên việc xác định thế mạnh, yếu của từng địa phương trong TGLX với những mối quan tâm chung. Mục đích của các mối liên kết là nhằm tạo sự hợp tác, điều phối chung để hài hòa sự phát triển toàn vùng, tránh chồng chéo, mâu thuẫn, cạnh tranh không cần thiết; hợp lực để đạt hiệu quả cao hơn, tăng sức cạnh tranh chung và giải quyết những thách thức chung.

Do vậy, đề án đã chọn được bảy lĩnh vực liên kết chính. Đó là liên kết về quy hoạch, kế hoạch, bố trí không gian phát triển; liên kết về sản xuất và xúc tiến thương mại nông nghiệp, thủy sản; liên kết về phát triển du lịch; liên kết về quản lý nguồn nước, bảo vệ môi trường, đáp ứng đa mục tiêu và thích ứng biến đổi khí hậu; liên kết thu hút đầu tư; liên kết thiết lập hệ thống thông tin vùng và liên kết xây dựng thể chế chính sách cho tiểu vùng.


Vậy có thể hình dung việc tổ chức thực hiện ra sao?

- Liên kết này là nỗ lực lâu dài. Sẽ thành lập ban chỉ đạo liên tỉnh về liên kết tiểu vùng, gồm chủ tịch UBND bốn tỉnh, thành này. Các thành viên ban chỉ đạo sẽ bầu ra trưởng ban cho nhiệm kỳ năm năm. Mỗi địa phương sẽ thành lập tổ công tác gồm các sở, ban ngành, đoàn thể, do giám đốc sở nông nghiệp và phát triển nông thôn làm tổ trưởng. Sẽ xây dựng cơ chế, quy chế điều hành, hợp tác để thực hiện và phải rà soát, điều chỉnh theo từng giai đoạn năm năm. Sẽ tổ chức theo dõi tiến độ thường xuyên, đánh giá định kỳ để kịp thời điều chỉnh đề án cho phù hợp.

Được biết, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (International Union For Conservation Of Nature - IUCN) và Quỹ Khí hậu xanh (Green Climate Fund - GCF - thuộc Liên hiệp quốc) có hứa tài trợ nguồn vốn thực hiện đề án này, trị giá lên tới 150 triệu đô la Mỹ?

- Tại cuộc họp hôm 17-10 của Ban điều hành đề án, đại diện IUCN, Tiến sĩ Andrew Benedict Wyatt, Quản lý Chương trình ĐBSCL (Mekong Delta Programme Manager - thuộc IUCN) đã có ý kiến rằng nếu bảy lĩnh vực của đề án này phù hợp với mục tiêu hoạt động của IUCN và GCF trong các chương trình khung của Liên hiệp quốc liên quan tới sản xuất, đời sống, giáo dục, bảo tồn rừng, sức khỏe, nguồn nước, cơ sở hạ tầng... thích ứng với biến đổi khí hậu thì sẽ dễ được IUCN tài trợ; khoản tài trợ dự kiến là 100-150 triệu đô la Mỹ sau khi đề án được Chính phủ thông qua.

Tứ giác Long Xuyên (TGLX) là vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước, rộng hơn 500.000 héc ta. Vùng này sản xuất chủ yếu lúa, gạo, cá, hoa màu, trái cây; sản lượng lúa, gạo khoảng năm triệu tấn/năm.

Đây là vùng trũng tự nhiên ở đầu nguồn ĐBSCL, cùng với Đồng Tháp Mười, TGLX có chức năng điều tiết thủy văn quan trọng cho cả ĐBSCL. Vào mùa lũ, vùng này ngập tự nhiên đến ba mét nên hấp thu lượng lớn nước lũ, phù sa, tài nguyên thủy sản, giúp giảm ngập lụt cho các vùng hạ lưu. Đến mùa khô, nước lũ trong vùng trũng này bổ sung cho dòng chảy giúp cân bằng ranh giới mặn - ngọt cho các tỉnh ven biển.


* Đã đăng TBKTSG Online 23-10-2017:

Không có nhận xét nào: