Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2015

ĐBSCL: Loay hoay tìm cách bán nông sản



Nông dân nghèo ở Đồng Tháp mưu sinh trong mùa lũ


(TBKTSG Online) - Đại diện 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL tại hội nghị tổng kết năm 2015, triển khai nhiệm vụ 2016 của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ sáng nay, 11-12,  tiếp tục đề nghị trung ương sớm có chính sách phù hợp để vùng này bán được lúa gạo, thủy sản, trái cây nhằm cải thiện đời sống nông dân.

Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, ông Nguyễn Phong Quang, khi mở đầu hội nghị, đã “kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương hỗ trợ thông tin cho các địa phương trong vùng trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, đặc biệt là vấn đề tiêu thụ lúa gạo, thủy sản, trái cây khi tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).”

Ông Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Kiên Giang, cho biết ba năm nay xuất khẩu của Kiên Giang không đạt chỉ tiêu; riêng năm nay tỉnh sản xuất được hơn 4,64 triệu tấn lương thực, hơn 677.000 tấn thủy sản “nhưng tiêu thụ khó khăn, giá cả thấp, đời sống người dân chưa được cài thiện”.

Ông Nghị nhìn nhận sản xuất của Kiên Giang chưa bài bản từ quy hoạch đến thị trường và cho biết “Kiên Giang rất muốn sản xuất lớn nhưng hạ tầng điện, nước, thủy lợi… chưa đáp ứng”. Ông đề nghị: “Chính phủ cần có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư lớn vào sản xuất nông nghiệp và hạ tầng”.

Ông Trần Quốc Trung, Bí thư Thành ủy thành phố Cần Thơ, “đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương có dự báo thị trường, có cơ chế như thế nào để ĐBSCL xuất khẩu hai mặt hàng chủ lực là gạo và thủy sản. Nếu không duy trì và phát triển được hai mặt hàng này thì sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế chung của toàn vùng”.

Trước đó, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan, cho biết ông rất tâm đắc với ý kiến của một doanh nghiệp Hàn Quốc khi tìm cơ hội đầu tư tại Đồng Tháp: “Mọi sự hỗ trợ của nhà nước đều vô nghĩa nếu người nông dân không thay đổi”.

Ông Hoan kể ông thường hỏi bà con nông dân rằng vì sao xoài Thái Lan, quít Trung Quốc vượt hàng ngàìn cây số qua bán tại chợ ở Đồng Tháp mà giá lại rẻ hơn xoài và quít của Đồng Tháp. Theo ông, nông dân Đồng Tháp làm được như họ thì sẽ thoát nghèo.

Ông Hoan cho biết Đồng Tháp đang làm thí điềm nhiều mô hình nhằm giúp nông dân “tự chủ, tự lực có kiến thức thay vì đào tạo nghề cho nông dân như cách Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang làm ở các trường nghề”.

“Đồng Tháp cũng có mô hình hợp tác xã thuê đất của nông dân và cho doanh nghiệp mua cổ phần trong hợp tác xã”. Những việc làm này, theo ông Lê Minh Hoan, gần như chưa có chủ trương từ trung ương vì chưa có luật, nhưng tất cả nhằm giúp nông sản tiêu thụ được nông sản sao cho có lợi nhất.

Trong khi đó, theo ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang: “Từ năm 2008 tới nay, An Giang đều được mùa nhưng mất giá, với cả lúa gạo và cá tra”. Lý do chính, theo ông Thạnh, là vì thiếu thị trường tiêu thụ.

Dẫn kinh nghiệm thành công trong hợp tác với nông dân của công ty Lộc Trời và kinh nghiệm đầu tư làm lúa xuất sang Nhật của một công ty Nhật tại An Giang, ông Vương Bình Thạnh nói: “Phải xác định thị trường tiêu thụ cho sản xuất của ĐBSCL; người nông dân sản xuất ra phải biết bán cho ai”.

Ông Thạnh đề nghị: “Muốn liên kết, cốt lõi là từ doanh nghiệp. Do vậy, phải có chính sách thoáng hơn để doanh nghiệp đầu tư mạnh hơn vào nông nghiệp”.

Cần hỗ trợ ĐBSCL ứng phó với BĐKH


Theo ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang, có bốn việc đang ảnh hưởng lớn tới sản xuất và đời sống người dân Hậu Giang, nhất là nông dân, gồm biến đổi khí hậu, liên kết vùng, đầu tư nước ngoài (FDI) và đào tạo nghề.

Ông Chánh nói, Hậu Giang đã báo động thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt và xâm nhập mặn sớm hơn mọi năm; liên kết vùng thì chưa có chính sách cụ thể; FDI vào đồng bằng ít vì hạ tầng yếu và chưa có chính sách thu hút phù hợp; đào tạo nghề cho nông thôn thì thầy nhiều hơn trò.

“Trường nghề quá nhiều, bộ nào cũng có trường; chiêu sinh không được, còn chương trình đào tạo thì không thiết thực”, ông Chánh nhấn mạnh.

Ông Nghị thì cho rằng chuyện liên kết vùng chưa chú ý tới tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Ông cho biết Kiên Giang vừa bị thiệt hại hơn 30.000 héc ta lúa do xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt, và nói: “Kiên Giang đề nghị Chính phủ đầu tư cấp nước cho các vùng này,… nếu không vài năm tới sẽ thiếu nước ngọt”.

Ông Nguyễn Phong Quang kiến nghị Chính phủ  có cơ chế đặc thù giúp ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và đàm phán với chính phủ các nước thượng nguồn sông Mekong về ảnh hưởng của việc xây đập thủy điện.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, nhấn mạnh các hiệp định thương mại tự do Việt Nam gia nhập đang đòi hỏi Việt Nam phải cải cách sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản ĐBSCL.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sớm rà soát Nghị định 210 của Chính phủ về đầu tư vào nông nghiệp để sửa đổi, bổ sung các quy định phù hợp với điều kiện riêng của vùng ĐBSCL.

Ông cũng yêu cầu bộ này cũng sớm trình Chính phủ Nghị định về hợp tác xã nông nghiệp để kịp ban hành.

Bài đã đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/139737

Không có nhận xét nào: