Lần đầu tiên "Diễn đàn nhân dân khu vực Mekong" (do Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, Quỹ Phục hồi sinh thái, Trung tâm Con người & thiên nhiên và Trường Đại học An Giang phối hợp tổ chức tại An Giang ngày 11-11) đã thông qua Tuyên bố chung về tác hại của các đập thủy điện trên sông Mekong gửi chính phủ các nước lưu vực Mekong.
Chúng tôi không muốn xây đập trên sông Mekong
Dự Diễn đàn này có các đoàn đại biểu đại diện cộng đồng người dân địa phương và 10 tổ chức quốc tế ở Việt Nam, Thái Lan, Campuchia. Trước đó, họ đã chia sẻ thực tế tác hại của đập thủy điện tại địa phương của mình.
Bà Huỳnh Kim Duyên ở Cà Mau cho biết, do lượng phù sa về giảm, ở U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời… đất sụt giảm, mất rừng, nước ngọt về ít. Nay thì mới tháng 8, "nước mặn đã xâm thực vào sinh kế người dân". Bà Duyên đề nghị: "Chính phủ các nước phải hạn chế thấp nhất việc xây đập trên sông Mekong vì sẽ làm ảnh hưởng đến đời con, đời cháu chúng ta. Chính phủ cần tổ chức những cuộc tham vấn với người dân trong cộng đồng về năng lượng, nguồn nước, sinh kế của người dân".
Ông Trương Văn Khôi, đại diện cộng đồng ấp Vàm Nao, xã Tân Trung, huyện Phú Tân (An Giang) kể, xưa mùng 5-5 nước từ thượng nguồn bắt đầu đổ về mang theo phù sa đỏ đục và cá tôm nuôi sống 30% người dân trong ấp làm nghề đánh bắt cá trên sông. Nhưng từ năm 2005 đến nay, nước thấp, các loài cá suy giảm rất nhiều, 80% dân bỏ nghề, bỏ đi nơi khác. "Có thể là do tác động từ việc xây đập thủy điện trên sông Mekong", ông Khôi nói.
Ông Long Sochet ở tỉnh Pursat (Campuchia), nói từ khi xây đập Sesan ở Bắc Campuchia thì rừng ở đó được chủ công trình khai thác, còn dân cư phải ra đi. Ông cũng cho biết do tác động của đập Sesan và đập Xayaburi bên Lào, mực nước trên hồ Tongle Sap đã giảm 3 mét so với trước, chất lượng nước thay đổi, nguồn cá suy giảm trong khi có tới 95% người dân ở khu vực Biển Hồ sống nhờ vào nguồn cá. "Dân ở làng nổi trên Biển Hồ vì không có sở hữu đất đai nên bị ảnh hưởng rất lớn đến đời sống", ông nói.
Các đại biểu nhân dân Thái Lan, Campuchia và Việt Nam dự “Diễn đàn nhân dân khu vực Mekong” ngày 11-11-2015
tại An Giang.
|
Theo ông Chirasak Inthayod ở tỉnh Chiang Rai (Thái Lan): "Người dân đã nghe chuyện xây đập thủy điện ở Trung Quốc từ 10 năm trước. Nay thì nguồn nước trên sông đã thay đổi, mực nước không bình thường, nguồn cá cũng không còn dồi dào như trước nữa".
Còn với ông Channarong Wongla, người dân tỉnh Loei, Đông Bắc Thái Lan: "Chúng tôi đã thấy hậu quả của đập Xayaburi xây trên sông Mekong. Người dân đánh bắt cá không còn nhiều như xưa, được rất ít cá. Người dân không đủ thu nhập để đưa con em tới trường, vào học đại học. Chúng tôi muốn người dân có tiếng nói, muốn sinh viên được biết, được học về thực trạng sông Mekong hiện nay".
Thay mặt đoàn cư dân địa phương Thái Lan, ông Channarong Wongla đã đọc bản tuyên bố riêng của đoàn mình, nhấn mạnh: "Chúng tôi đang gánh chịu hệ quả của những con đập đã xây dựng và sắp xây dựng. Chúng tôi không muốn xây đập trên sông Mekong. Chúng tôi muốn dừng xây đập. Chúng tôi muốn các bên của các chính phủ gặp trực tiếp với người dân. Chúng tôi muốn những nghiên cứu về các dự án thủy điện phải minh bạch, có tham khảo và lắng nghe ý kiến của người dân, đặc biệt với là đập Don Sahong".
Phải bảo vệ các dòng sông
Bản Tuyên bố chung có tiêu đề: "Tiếng nói của người dân: Thông điệp gửi tới chính phủ các nước thuộc lưu vực sông Mekong về đập thủy điện". Tuyên bố nêu rõ: "Các đập được xây dựng trên dòng chính sông Mekong và các dòng sông khác trong khu vực đã gây ra những thay đổi tới hệ sinh thái, đe dọa cuộc sống, sinh kế và kinh tế tại lưu vực sông Mekong. Những người dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em là những người bị tác động và ảnh hưởng nhiều nhất bởi những thay đổi đó. Các đập thủy điện cũng là tác nhân khiến biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng hơn. Những đập thủy điện gây tác động ảnh hưởng bao gồm Pak Mun, Yali, Nam Theun 2, Theun-Hinboun, Xayaburi và một số đập khác trên sông Lan Thương, thượng nguồn sông Mekong thuộc lãnh thổ Trung Quốc".
Tuyên bố nhấn mạnh: "Chúng tôi đã chứng kiến và gánh chịu những tác động nghiêm trọng do đập thủy điện gây nên. Đối với chúng tôi, những cộng đồng sống ven sông, những người trải nghiệm từng thay đổi nhỏ của mực nước sông thì không có nghi ngờ gì về việc những con đập đó sẽ gây tác hại nghiêm trọng tới các thế hệ hiện tại và tương lai. Chính vì vậy, không nên xây dựng những con đập này.
Nông dân Campuchia đánh bắt cá trên sông Sesan. Ảnh: SUTHEP |
Chúng tôi thực sự lo lắng về đập thủy điện Don Sahong tại Lào khi nó dự kiến xây dựng tại khu vực được coi là tối quan trọng cho cá di cư từ thượng nguồn tới hạ nguồn của sông Mekong. Việc xây dựng đập sẽ gây giảm sụt nghiêm trọng về loài cá và lượng cá tại toàn lưu vực sông. Vị trí hiện tại của con đập đặc biệt nguy hiểm đối với các loài cá khổng lồ sinh sống tại sông Mekong và cá heo Irrawaddy.
Ngoài ra, đập thủy điện Don Sahong sẽ tác động tiêu cực tới ngành nông nghiệp và ngành thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long. Bất chấp những mối nguy hại con đập này có thể gây ra, Chính phủ Lào vẫn tiếp tục ủng hộ việc xây dựng con đập này mà không lắng nghe ý kiến từ những người dân địa phương trong khu vực.
Chúng tôi chưa bao giờ nhận được các thông tin liên quan đến các đập thủy điện một cách đầy đủ, chưa bao giờ được tham vấn một cách cẩn trọng và chúng tôi cũng không có cơ hội được tham gia vào quá trình ra quyết định với các dự án này. Chúng tôi đã bị buộc phải đối mặt với các tác động không ngừng tăng lên của các dự án thủy điện. Đã đến lúc, Chính phủ các nước cần lắng nghe tiếng nói và tôn trọng quyền quyết định đối với tương lai của các dòng sông và cuộc sống của chúng tôi".
Do đó, Tuyên bố yêu cầu "tổ chức đối thoại trực tiếp giữa chính phủ các nước thuộc lưu vực Mekong và đại diện các cộng đồng thông qua các diễn đàn nhân dân: các chính phủ cần tham gia diễn đàn công khai để lắng nghe và hiểu thêm về các tác động của các đập thủy điện tới người dân. Diễn đàn này sẽ sớm được tổ chức và có sự tham gia của đại diện các cộng người dân sinh sống ở vùng hạ lưu sông Mekong".
Đồng thời, theo tuyên bố, cần tiếp tục có các nghiên cứu để các bên liên quan hiểu một cách đầy đủ về giá trị của các dòng sông, những tác động xã hội và môi trường do các dự án thủy điện gây ra. Các nghiên cứu này cần được các nhà nghiên cứu độc lập thực hiện, có sự tham gia đầy đủ của tất cả các cộng đồng bị ảnh hưởng và cần có đủ thời gian để thu thập thông tin nhằm đưa ra quyết định phù hợp về các dự án này. Nếu các nghiên cứu này đưa ra các bằng chứng về tác động tiêu cực ảnh hưởng tới các nguồn lợi của người dân, các dự án thủy điện phải ngừng xây dựng.
"Cần có các nghiên cứu và hành động khẩn cấp đối với đập thủy điện Don Sahong vì nó nằm ở vị trí rất nhạy cảm đối với nguồn cá sông Mekong. Tổn thất và tác động của dự án này cần phải được công bố đầy đủ và rộng rãi, đồng thời được các chính phủ thuộc vùng hạ lưu sông Mekong thừa nhận", bản tuyên bố viết.
Cuối cùng, bản Tuyên bố khẳng định: "Một lần nữa chúng tôi muốn nhắc lại với các chính phủ rằng: Chúng tôi, những người dân từ lưu vực sông Mekong muốn bảo vệ các dòng sông cho các thế hệ con cháu mai sau. Chính vì vậy, chúng tôi cần được tham gia vào quá trình ra quyết định ảnh hưởng tới các dòng sông này."
Bài đã đăng tại:
http://www.baocantho.com.vn/?mod=detnews&catid=63&id=171481
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét