Thứ Năm, 15 tháng 2, 2018

Một chuyến “vi hành” đặc biệt

Huỳnh Kim

Tối 18-12-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi thăm “Hội quán nông dân” ở xã Tân Thuận Tây - TP. Cao Lãnh, nơi có mô hình kết nối nông dân với thị trường.
Tối hôm đó, sau khi kết thúc Diễn đàn về rau củ quả và logistics phục vụ nông nghiệp tại Đồng Tháp, anh Sáu Sen, tên thân mật của Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan, rủ tôi cùng “vi hành” một chuyến đặc biệt. Lên xe rồi anh Sáu mới nói ảnh đưa đoàn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thăm hội quán của bà con nông dân trước khi khai mạc Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Đồng Tháp vào sáng hôm sau. Đoàn xe rời UBND tỉnh, len lách trên những con đường làng quanh co rợp bóng xoài dưới ánh đèn điện. Độ gần nửa tiếng sau, anh Sáu nói: “Tới rồi, bên kia sông cái là đất An Giang, còn đây thuộc xã Tân Thuận Tây của thành phố Cao Lãnh”.

Chúng tôi theo sau đoàn của Thủ tướng và mấy vị bộ trưởng, bước vào sân một ngôi nhà cổ. Đây là tụ điểm của hai hội quán có tên là Tân Quê và Thuận Tân. Khoảng sân rộng đã có hơn một trăm bà con nông dân thành viên của hai hội quán này bày sẵn xoài, nhãn, mận... chờ đón khách. Thủ tướng vui vẻ bắt tay, hỏi thăm bà con rồi dừng trước thúng xoài cát, cầm săm soi mấy trái xoài mập ú, trò chuyện rất vui về trái xoài với một chị chủ nhà vườn. Sau đó, Thủ tướng và đoàn ngồi nghe anh Sáu Sen, Bí thư tỉnh, anh Võ Văn Lợi, chủ nhiệm hội quán Thuận Tân và thầy Thích Thiện Xuân giới thiệu ngắn về câu chuyện làm ăn của các hội quán này. Ngay tối bữa đó, nhà báo Đức Tuân đã đưa tin trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ về cuộc gặp này:

“Đây là mô hình đang làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người nông dân.Tỉnh Đồng Tháp là địa phương đầu tiên ở ĐBSCL thành lập mô hình hội quán, quy tụ nông dân bàn phương án sản xuất nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường tiêu thụ.Từ hội quán đầu tiên thành lập ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành vào tháng 6-2016, đến nay toàn tỉnh có 27 hội quán với khoảng 1.000 thành viên tham gia…Hầu hết các hội quán tập hợp những nông dân cùng sản xuất chung một ngành nghề như lúa, xoài, chanh, cam, quýt, hoa kiểng, sản xuất khô, trồng khoai môn, nuôi lươn, làm bột… tham gia để sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm ăn giỏi. Các nhà khoa học, nhà chuyên môn về nông nghiệp đã đến trao đổi với nông dân về những kỹ thuật sản xuất mới, phương pháp giảm giá thành, tăng năng suất, chất lượng; liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết, hội quán là không gian để bà con cùng nhau hợp tác, cùng nhau tiến xa như người ta hay nói “muốn đi xa thì phải cùng đi”. Lãnh đạo tỉnh, chuyên gia tư vấn, nhà khoa học cũng đến hội quán sinh hoạt với bà con. Các doanh nghiệp cũng đến đây để “cùng ngồi chung con thuyền vươn ra thế giới” với người nông dân.

Phát biểu trước hơn 100 hội viên của hai hội quán, Thủ tướng bày tỏ vui mừng được chứng kiến một hình thức sinh hoạt mới của người nông dân ĐBSCL. Hội quán giúp bà con bày tỏ tâm tư nguyện vọng, tình cảm, trao đổi thông tin, không chỉ về sản xuất, kỹ thuật mà cả về vấn đề an sinh xã hội, cả về hạ tầng, an ninh trật tự, qua đó tình làng nghĩa xóm gắn bó hơn.Đánh giá cao kết quả bước đầu của mô hình hội quán, là một hình thức tốt tập hợp nông dân, Thủ tướng kỳ vọng thời gian tới các hội quán sẽ đi vào hoạt động tốt hơn, tìm lời giải cho những vấn đề như “nâng cao chất lượng xoài, nhãn khu vực này thế nào, nâng cao năng suất ra sao” hay nếu có sản lượng lớn thì có thể đặt vấn đề chế biến tốt hơn hay chỉ xuất thô như thế này. “Tất cả những vấn đề này chúng ta thảo luận, đặt vấn đề có những quy trình canh tác, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng để của chúng ta giữ mãi thương hiệu xoài Cao Lãnh”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng mong chính quyền địa phương tăng cường hỗ trợ bà con tốt nhất để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, giữ vững an ninh trật tự, phát triển thương hiệu nông sản. Từ đó, xây dựng cộng đồng dân cư vững mạnh, văn hóa.Chúc mô hình hội quán của Đồng Tháp thành công hơn nữa, Thủ tướng đề nghị địa phương nghiên cứu mô hình hợp tác xã kiểu mới để hỗ trợ cho bà con tốt hơn, chứ hợp tác xã kiểu mới không phải là ép vào, đánh trống ghi tên mà xuất phát từ quyền lợi, sự tự nguyện của bà con”.

Sáng hôm sau, 19-12-2017, trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Đồng Tháp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc tới câu chuyện hội quán này. Thủ tướng kể với gần 500 đại biểu trong và ngoài nước dự hội nghị: “Hôm qua tôi đã cùng lãnh đạo các bộ đến thăm hỏi, nói chuyện với các thành viên hội quán ở thành phố Cao Lãnh và được biết, thông qua mô hình này, bà con cùng chia sẻ, cùng bàn chuyện làm ăn, cùng học tập những công nghệ, kỹ thuật, kiến thức mới, với tình cảm hàng xóm láng giềng thương yêu giúp đỡ nhau”. Rồi ông đặt vấn đề: “Vậy chúng ta rút ra bài học gì trong phát triển?” và tự trả lời: “Từ khóa “liên kết” đã trở thành tâm điểm của những thành tích, thành công của Đồng Tháp”.

Chắc rằng bà con nông dân ở hai hội quán này cũng như hết thảy bà con nông dân Đồng Tháp đồng tình với nhận định trên của Thủ tướng khi nghe ông phân tích tiếp như vầy: “Cụ thể, tỉnh đã liên kết sản xuất và thị trường với trọng điểm là sản xuất để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Từ đó, Đồng Tháp có sản lượng lúa xếp thứ 3 cả nước, nhiều loại trái cây, rau quả nổi tiếng, một số sản phẩm có thương hiệu. Đặc biệt là liên kết giữa vùng nguyên liệu, ứng dụng khoa học và người nông dân qua mô hình hội quán nông dân, đặt người nông dân ở vị trí trung tâm. Liên kết còn thể hiện qua chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp, bằng việc Đồng Tháp đã kiên trì thay đổi từ nhận thức đến hành động trong bộ máy công quyền, từ ứng xử theo kiểu xin - cho thành đồng hành với doanh nghiệp, có nhiều sáng tạo trong triển khai chương trình khởi nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển sản phẩm đặc thù của địa phương. Vì thế, trong nhiều năm liền, Đồng Tháp luôn trong tốp đầu về chỉ số PCI. Đồng Tháp cũng là địa phương khởi xướng, cùng với Long An, Tiền Giang, xây dựng triển khai đề án liên kết phát triển tiểu vùng Đồng Tháp Mười. Đặc biệt, Đồng Tháp khởi xướng liên kết qua dịch vụ logistic và hạ tầng giao thông. Cùng các liên kết khác, tinh thần cùng thắng, tinh thần Đồng Tháp “muốn đi xa hãy cùng đi” đang tổ chức thực hiện hết sức nghiêm túc ở nơi đây”.

Tiếp đó, Thủ tướng đã “chốt lại” câu chuyện liên kết này ở dạng khái quát hơn, gợi mở hướng làm ăn mới cho Đồng Tháp nhưng cũng bắt đầu từ những điều cụ thể mà nay ta gọi là “tài nguyên bản địa”. Thủ tướng nói: “Đồng Tháp cần liên kết tài nguyên bản địa với công nghệ và kiến thức rộng khắp của toàn cầu. Thương hiệu của Đồng Tháp từ tự nhiên, con người, lịch sử đang tạo ra sức hấp dẫn. Đồng Tháp cần nhân nó lên bằng sức mạnh tri thức và công nghệ 4.0 của thế giới. Sen của Đồng Tháp không chỉ là món ăn mà còn là một trải nghiệm với chiều dài về cảm xúc, văn hóa và những đặc trưng khác biệt. Hội quán nông dân của Đồng Tháp không phải chỉ là một mô hình liên kết nông dân mà cần phát triển thành chuỗi giao dịch hiện đại, nơi các công nghệ về thương mại điện tử, tương tác trực tuyến, giúp các ý tưởng, thương vụ thăng hoa. Đồng Tháp là nơi thích ứng để nói về ứng dụng các xu hướng công nghệ này”.

…Tối bữa đó, ngay sau chuyến “vi hành” đặc biệt về, tôi đã chuyển email gởi tặng anh Sáu Sen chùm ảnh đi thăm hội quán được chụp vội bằng điện thoại trong ánh đèn đêm bên bờ sông Tiền se lạnh với lời nhắn ấm áp: “Tối nay hay quá anh ơi!”.


* Bài đã đăng báo Đồng Tháp Xuân Mậu Tuất 2018.

Không có nhận xét nào: