Hoàng Anh & Thoại Hà
Bob Dylan được đánh giá là bậc thầy ngôn ngữ qua âm nhạc bởi ông "viết thơ cho tai" với ca từ có sức sống tự thân như một tác phẩm thi ca.
Ngày 13/10, giải Nobel Văn học lần đầu tiên được trao cho một nhạc sĩ. Giải thưởng dành cho Bob Dylan khiến một số nhà văn, nhà thơ tỏ ra không hài lòng. Tiểu thuyết gia Jodi Picoult nói: "Tôi mừng cho Bob Dylan, nhưng điều này đồng nghĩa tôi cũng có thể thắng giải Grammy?". Nhà văn Rabih Alameddine viết trên Twitter: "Bob Dylan thắng Nobel Văn học giống như Mrs Fields được trao ba sao Michelin". Ba sao Michelin là cấp độ cao nhất của một giải thưởng uy tín về nấu ăn còn Mrs Fields là thương hiệu bánh cookies nổi tiếng.
Song song đó, Bob Dylan nhận được nhiều tán dương. Trên Twitter, Tổng thống Mỹ Obama viết: "Chúc mừng một trong những nhà thơ yêu thích của tôi - Bob Dylan - với một giải Nobel cực kỳ xứng đáng". Ông Bill Clinton nói Bob Dylan có "những ca từ đầy quyền lực, thông thái, chạm đến trái tim và tâm hồn". Nhà văn Toni Morrison vui mừng nhận xét giải Nobel năm nay đã có sự lựa chọn đầy ấn tượng dành cho nhạc sĩ sinh năm 1941.
Câu hỏi "Vì sao giải Nobel Văn học năm nay lại trao cho một nhạc sĩ?" được không ít người đặt ra.
Viện Hàn lâm Thụy Điển đánh giá Bob Dylan đã "tạo ra những biểu đạt thi ca mới bên trong truyền thống ca khúc vĩ đại của nước Mỹ".
Thư ký thường trực Viện Hàn lâm - bà Sara Danius - cho rằng điều khiến Bob Dylan được trao Nobel Văn học là chất thi ca trong tác phẩm của ông. Nhạc sĩ được so sánh với Homer và Sappho - đều là những đại thi hào thời Hy Lạp cổ đại. Họ sáng tác các văn bản giàu tính thi ca để biểu diễn cùng nhạc cụ. Trong cuộc phỏng vấn nhanh sau họp báo với Guardian, bà Sara Danius gọi Bob Dylan là "một nhà thơ vĩ đại trong truyền thống văn chương tiếng Anh".
Chủ nhân Nobel Văn học 2016 - Bob Dylan. |
Tác phẩm âm nhạc của Bob Dylan biểu đạt sáng tạo nghệ thuật bậc thầy. Ở đó, chất văn xuôi, thơ ca, nhạc dường như tổng hòa, tạo nên một hình thái biểu đạt vừa thú vị vừa thách thức độc giả.
Tiểu thuyết gia Salman Rushdie nhận định: "Từ Orpheus (nhà thơ, nhạc sĩ huyền thoại người Hy Lạp) đến Faiz (nhà thơ người Pakistan, từng được bốn lần đề cử cho giải văn chương Nobel), chúng ta thấy rằng âm nhạc và thơ ca có sự gắn kết rất chặt chẽ. Bob Dylan là người kế thừa xuất sắc truyền thống du ca, hát thơ cổ. Đây là lựa chọn tuyệt vời".
Ca từ của Bob Dylan có đời sống độc lập với âm nhạc. Đúng như nhận xét của nhà văn Joyce Carol Oates: "Âm nhạc và ca từ ám ảnh của ông luôn được coi như văn chương trong ý nghĩa sâu xa nhất". Sáng tác của ông in đậm chất thơ từ cách gieo vần, láy câu, láy từ và độc đáo ở tư tưởng, ý nghĩa truyền tải qua câu chữ.
Dù là kể về bất công xã hội, một câu chuyện tình hay nỗi sợ hãi chiến tranh, về Chúa trời, Bob Dylan đều lồng vào đó vốn kiến thức sâu rộng. Lời ca của ông đầy ắp hình ảnh, cả ẩn dụ lẫn hiện thực, gợi suy tưởng, pha trộn giữa triết lý phương Đông và phương Tây.
Ví dụ, nếu bị tước đi giai điệu, bài Blowin’ in the Wind - ca khúc phản chiến nổi tiếng của Bob Dylan - hoàn toàn có thể là một tác phẩm thi ca với đầy đủ thi pháp so sánh, liên tưởng, hiệp vần...
How many roads must a man walk down
Before you call him a man?
How many seas must a white dove sail
Before she sleeps in the sand?
Yes, and how many times must the cannonballs fly
Before they’re forever banned?
The answer, my friend, is blowin’ in the wind
The answer is blowin’ in the wind
Tạm dịch:
"Bao nhiêu con đường phải bước qua
để xứng danh là một con người?
Bao nhiêu sải biển phải bay qua
trước khi bồ câu trắng được thiếp mình trên cát?
Và bao nhiêu lần bom rơi đạn lạc
trước khi được vĩnh viễn yên bình?
Câu trả lời, bạn tôi ơi, đang cuốn đi trong gió
Câu trả đang cuốn đi trong gió".
Bob Dylan vốn là một người yêu đọc sách. Các nhà phê bình, nhà nghiên cứu hoặc các nhà "Dylan học" (Dylanologist) từng có nhiều bài viết phân tích sự ảnh hưởng của tác phẩm kinh điển, văn chương đến âm nhạc Bob Dylan.
Chẳng hạn, xét ở mảng ca khúc được cho là đậm chất tôn giáo của nhạc sĩ này, Giáo sư John C.Schafer (tác giả cuốn Trịnh Công Sơn - Bob Dylan: như trăng và nguyệt, NXB Trẻ) từng nhận định, nền tảng sáng tác của Bob Dylan thấm đẫm cuốn Kinh Thánh - cuốn sách căn bản của văn hóa chính thống Mỹ.
Nhiều chất liệu văn học, từ nhân vật đến ý tưởng, đã đi vào ca khúc của Bob Dylan như: Tweedle Dee and Tweedle Dum (nhân vật trong tác phẩm của Lewis Carroll), Blood on the Tracks (ảnh hưởng từ văn hào Anton Chekhov), Talkin’ John Birch Paranoid Blues (từ Arthur Conan Doyle), Ballad of a Thin Man (từ F. Scott Fitzgerald)... Trong khi đó, ca từ của Dylan được cho là ảnh hưởng từ thi ca Arthur Rimbaud, Paul Verlaine, Ezra Pound...
Bob Dylan được mệnh danh là "lãng tử du ca" hát về đấu tranh nhân quyền và phản chiến. |
Giải thưởng cho Bob Dylan cũng dễ hiểu khi Nobel Văn chương vốn luôn dành tôn vinh thành tựu trọn đời của các tác giả.
Trong những năm 60 của thế kỷ trước, tại Mỹ, Bob Dylan đã được xem là một thần tượng văn hóa, là tiếng nói phát ngôn cho lương tâm của một thế hệ trước các vấn đề xã hội, là người viết bài ca phản chiến (dù ông luôn phản đối việc gắn những điều này cho mình).
Blowin' in the Wind hay The Times They are A-Changin' được xem là các ca khúc chủ đề của những phong trào đấu tranh nhân quyền và phản chiến nổi tiếng những năm 1960.
Hơn 55 năm qua, tầm vóc của Bob Dylan vượt thoát ra khỏi những gì mọi người (vì yêu quý) gắn cho ông. Nhạc sĩ luôn nhìn nhận bản thân là một nghệ sĩ, người sáng tạo nghệ thuật muốn chạm đến mọi mặt của đời sống và tinh thần hơn là chỉ sáng tác vì chủ đề chính trị hay tôn giáo cụ thể nào đó.
Bob Dylan có một đời sống bí mật và kín tiếng. Ở ông là một sự quyện hòa của những phẩm chất mâu thuẫn, đối nghịch nhau nhưng cũng thật tương đồng. Điều này được phản ánh qua nhiều tác phẩm của ông. Chúng vừa dễ hiểu, đơn giản, cũng phức tạp (không phải ai yêu Bob Dylan có thể thấu hiểu hết ca từ của ông), dịu dàng và gắt gỏng, tình cảm và lạnh lùng, đau khổ và hân hoan, nước mắt và nụ cười...
Từ lâu, người ta đã tranh cãi về việc Bob Dylan là nhạc sĩ hay nhà thơ. Và rồi, câu trả lời dường như thỏa hiệp nhưng cũng đúng nhất: "Bob Dylan là Bob Dylan". Ở tuổi 75, ông vẫn miệt mài cống hiến trong âm nhạc. Dylan hiếm khi tham gia các cuộc phỏng vấn. Khi Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố giải, ông vẫn đang lưu diễn và có lịch chơi nhạc ở khách sạn Cosmopolitan, Las Vegas, Mỹ đêm 13/10. Cho đến cuối giờ chiều cùng ngày, ông vẫn chưa bình luận về giải thưởng.
Bài đăng tại:
http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/vi-sao-ca-si-nhac-si-bob-dylan-duoc-trao-nobel-van-hoc-2016-3483355.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét