|
Ông Nguyễn Đức Kiên |
(TBKTSG Online) - Sau hai ngày cùng đoàn Quốc hội giám sát
việc thực hiện hai dự án BOT về giao thông tại thành phố Cần Thơ, trưa ngày
21-3, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trưởng đoàn,
đã trả lời báo chí xoay quanh hiệu quả của các dự án này… TBKTSG Online lược
ghi.
Ông đánh giá về hai dự án này ra sao?
- Ông NGUYỄN ĐỨC KIÊN: Ở địa bàn thành phố Cần Thơ có hai
dự án BOT do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chỉ đạo. Đó là dự án tuyến Quốc lộ 91
nối Cần Thơ với Quốc lộ 80 qua An Giang và Kiên Giang; và tuyến Quốc lộ 1 đoạn
từ Cần Thơ đi Phụng Hiệp (Hậu Giang). Qua giám sát ban đầu của đoàn giám sát
của Quốc hội thì thấy cả hai dự án này đều đang phát huy hiệu quả rất tốt đối
với phát triển kinh tế-xã hội ở địa bàn Cần Thơ; nó cũng thể hiện được vai trò
Cần Thơ là trung tâm động lực phát triển của miền Tây Nam bộ.
Nhưng việc đặt trạm thu phí trên hai tuyến đường mới này
đang gây ra không ít bức xúc cho người dân, thưa ông?
- Vấn đề đặt ra như đại diện của Hiệp hội Vận tải An Giang đã nêu đúng là
bất cập. Đó là việc đặt trạm thu phí ở cuối Quốc lộ 91 ngay chỗ nút giao của
Quốc lộ 80 từ Kiên Giang lên. Nếu xe về hướng Cần Thơ đi tiếp các tỉnh khác thì
không ảnh hưởng. Còn nếu xe đi tiếp vào Long Xuyên của An Giang để lên cửa khẩu
biên giới với Campuchia thì phải nộp phí, mặc dù họ chỉ sử dụng có vài trăm mét
trên tuyến nối BOT này.
Từ thực tế này, đoàn giám sát đã trao đổi với Bộ GTVT, thành phố Cần Thơ và
nhà đầu tư cần có biện pháp hài hòa. Thí dụ, ở cuối tuyến Quốc lộ 80, nếu xe
muốn rẽ đi vào Long Xuyên, chỉ cần lấy thẻ đưa vào trạm T2 thì không phải trả
tiền. Còn nếu xe rẽ đi xuống trạm T1 thì tới đó mua vé là bình thường.
Khoảng cách giữa hai trạm thu phí BOT được quy định là 70
km. Nhưng thực tế có nơi chỉ cách nhau 40 km như giữa hai trạm T1 và T2 của dự
án Quốc lộ 91B và trạm T1 cách trạm Cần Thơ đi Phụng Hiệp 60 km, nên giải quyết
ra sao?
- Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn đối với quốc lộ trên một tuyến chứ Bộ
Tài chính không nói là với một nút giao của nhiều dự án như thế phải tính
khoảng cách là 70 km. Đành rằng quy định này chưa hẳn là đúng bởi vì với dự án
đầu tư của nhà nước thì 70 km là được. Thế nhưng, nếu trên đoạn 70 km ấy có hai
nhà đầu tư tư nhân cùng đầu tư thì phải chấp nhận là họ làm đến đâu phải được
quyền hoàn vốn đến đấy. Và lúc này cơ quan quản lý nhà nước phải biết phối hợp
để đảm bảo hài hòa quyền lợi của nhà đầu tư và của người sử dụng. Chứ không
phải trách nhiệm của nhà nước là không cho đặt trạm thu phí BOT nữa.
Thưa ông, trước những thực tế bất cập như vậy, tới đây,
Quốc hội sẽ giải quyết ra sao?
- Quốc hội đặt ra đoàn giám sát để đi tìm hiểu thực tế cái gì được và cái gì
chưa được. Trên cơ sở báo cáo của đoàn giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ
thảo luận. Có những vấn đề nào của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Quốc hội sẽ xử
lý. Những thẩm quyền nào thuộc Chính phủ, thuộc cơ quan điều hành thì Quốc hội
sẽ có văn bản giám sát gửi các bộ, các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện. Với
địa phương cũng vậy, nếu có vấn đề gì bất cập thì chúng tôi sẽ gửi văn bản để
địa phương điều chỉnh.
Quan điểm của riêng ông về việc giải quyết cho hài hòa
lợi ích của các bên trong vấn đề này ra sao?
- Nghị quyết của Đảng năm 2012 đã chỉ rõ là thực hiện nền kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó vốn đầu tư công của nhà nước có tính chất
là vốn mồi, vốn định hướng đối với các dự án hạ tầng cơ sở. Ở đây phải nói rõ,
BOT cũng là một trong các phương thức huy động các nguồn vốn xã hội để đầu tư
phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chúng ta đang trong quá trình thay đổi nhận thức về cách ứng xử của cơ quan
quản lý nhà nước đối với các nhà đầu tư. Quan trọng hơn, chúng ta phải thay đổi
cả nhận thức đối với việc, khi mà thực hiện một dịch vụ có chất lượng cao hơn
so với mặt bằng dịch vụ thông thường thì chúng ta phải có trách nhiệm hoàn trả
chi phí để bảo trì được công trình hạ tầng ấy cho nhà đầu tư hoàn được vốn.
Hiện nay chúng ta đang làm như thế.
Có ý kiến cho rằng dự án đường giao thông BOT nên làm hẳn
tuyến đường mới tốt hơn thay vì cải tạo tuyến đường cũ như hai dự án ở Cần Thơ.
Ý ông ra sao?
- Với địa hình miền Tây, làm dự án hoàn toàn mới so với cải tạo lại tuyến
đường cũ, phương án nào tốt hơn và có lợi cho người dân thì làm chứ không thể
máy móc là làm BOT thì phải làm mới. Với một nền đất yếu và hệ thống kênh rạch
dày đặc của miền Tây, nếu biết kết hợp hài hòa giữa vận tải đường bộ với vận
tải đường thủy nội địa thì tốt hơn.
Từ 2013-2016, Bộ Giao thông vận tải đã đầu tư hai dự án BOT tại thành phố
Cần Thơ với tổng nguồn vốn huy động từ khu vực tư nhân là 3.869 tỉ đồng. Trong
đó, riêng dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn km 14+000 đến km 59+889, tổng
chi phí 607,477 tỉ đồng, có 2.710 hộ dân được bồi thường 364,215 tỉ đồng. Còn
lại thuộc dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ – Phụng Hiệp, trong đó có 186 hộ
dân được bồi thường 32,5 tỉ đồng.
Trên tuyến Quốc lộ 91 nhà đầu tư đặt hai trạm thu phí T1 và T2 cách nhau
khoảng 40km. Trên tuyến Cần Thơ – Phụng Hiệp có 1 trạm thu phí. Mức phí cho ô
tô các loại, từ 35.000 đồng đến 200.000 đồng ở mỗi trạm.
Đã đăng báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 21-3-2017:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét