Tiếng Sài Gòn khác tiếng Hà Nội và các vùng khác ra sao? Và vì sao nó khác như vậy? Nghe với nhau trong cuộc sống hằng ngày, mỗi người dễ có cách trả lời theo cảm nhận riêng. Nhưng nếu cố gắng đọc xong cuốn sách dày 308 trang, Tiếng Sài Gòn, của TS Huỳnh Công Tín (NXB Chính trị Quốc gia - tháng 11.2013), ta sẽ hiểu công sức mà tác giả dành cho câu chuyện này dường như là đi nương theo lời một ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy: “Tiếng nước tôi, bốn ngàn năm ròng rã buồn vui”.
Sách gồm 5 chương: Vùng đất và con người Sài Gòn; Hệ thống ngữ âm tiếng Sài Gòn; Tiếng Sài Gòn so với các phương ngữ khác; Vấn đề định vị và vai trò của tiếng Sài Gòn trong hệ thống tiếng Việt và Kết luận.
Chỉ riêng việc giải thích tên gọi Sài Gòn khi mở đầu chương 1, tác giả đã cất công tìm tòi từ bảy nguồn tài liệu dài theo dòng lịch sử Nam tiến của tiền nhân để viết được hơn 10 trang. Rồi ông chốt lại như vầy: “Các giả thuyết trên đều cố gắng lý giải tên gọi Sài Gòn bằng cơ sở của sự biến âm trong ngôn ngữ, nhưng không đưa ra những cơ sở lập luận đủ thuyết phục người đọc. Có điều, một ý tưởng chung được thừa nhận: địa danh Sài Gòn, dù là cách đọc trại âm của một hay nhiều ngôn ngữ nào đó (Khmer, Chăm hay một ngôn ngữ họ hàng…) đều cũng là cách phát âm của những cư dân Việt Nam đầu tiên đến khai phá vùng đất này”.
Tiếp đó, trong phần “Lược sử Sài Gòn”, có một đoạn văn như vọng lên tiếng nói của thời gian: “Thời kỳ cư dân Việt đến khai khẩn đất hoang lập ra những làng người Việt đầu tiên trên đất Nam bộ được tính từ năm 1620, khi Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên gả con gái là công chúa Ngọc Vạn cho quốc vương Chân Lạp Chey-Chesda làm hoàng hậu của vương triều Chân Lạp. Dưới sự bảo trợ của bà hoàng hậu này, cư dân Việt từ vùng Thuận - Quảng vào sinh sống làm ăn ở lưu vực sông Đồng Nai ngày càng đông lên”.
Đi vào phân tích hệ thống ngữ âm của tiếng Sài Gòn, tác giả đã mổ xẻ tỉ mỉ từ cấu trúc của âm tiết đến các thành phần của âm tiết như thanh điệu, thủy âm, âm điệu, chính âm, chung âm... Trong chương này, tác giả nhận định: “Tiếng Sài Gòn là một bộ phận của tiếng Việt. Nó chia sẻ với tiếng Việt toàn dân những thuộc tính ngữ âm chung, làm cho nó được sử dụng có hiệu quả khi giao tiếp với cư dân các địa phương khác, đủ để người Việt ở các địa phương này nhận diện nó là một thứ tiếng mẹ đẻ của mình; nhưng đồng thời cũng cho họ nhận thấy có những đặc trưng ngữ âm và từ vựng không thấy có trong tiếng của họ”.
Ở nội dung so sánh tiếng Sài Gòn với các phương ngữ khác cũng như chuyện xác định vai trò của tiếng Sài Gòn trong hệ thống tiếng Việt, tuy vẫn có cả chục trang thuần kỹ thuật về phương ngữ học, nhưng ráng đọc, ta sẽ có được một kiến thức nền về những chuyện này. Và ta có thể chia sẻ với nhận xét của nhà nghiên cứu ngôn ngữ Hoàng Thị Châu mà tác giả trích dẫn: “Nhân dân dựa vào thanh điệu để nhận ra phương ngữ, do đó mà gọi là “giọng Bắc”, “giọng Nam”, “giọng miền Trung”. Tiếng Việt có ba vùng thanh điệu mà về âm hưởng có thể phân biệt được ngay khi mới thoáng nghe” Còn đây là khái quát của chính tác giả: “Xét về nhiều bình diện, tiếng Sài Gòn được nhìn nhận là phương ngữ trung tâm (bán phương ngữ) của vùng đồng bằng Nam bộ”.
Tới đây, mời bạn thử đọc to lên và tự mình lắng nghe giọng điệu riêng của đoạn văn này: Tôi đứng núp sau lùm bông phướn, tay cầm chắc ngọn roi tre, vững lòng chờ. Hễ bóng đen nào lao tới nạp mình là tôi khệnh cho một cây, lập kỳ công bất hủ!. Đây là văn trích từ tác phẩm Đồng Quê của nhà văn Phi Vân, một trong những đoạn văn rặt “tiếng Sài Gòn” mà TS Huỳnh Công Tín chọn để khảo sát khi viết tác phẩm này.
* Bài đã đăng Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 28-11-2013:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét