Lâu ngày gặp nhau
tại Cần Thơ, người bạn trung niên Sài Gòn hỏi:
- Dạo này ông sống
ra làm sao mà thấy không còn sôi nổi lãng mạn như xưa nữa? Tôi trả lời:
- Ngoài chuyện
biên tập bài vở của nghề báo thì dành thời giờ nhiều cho chuyện đọc sách báo và
suy nghĩ vẩn vơ.
- Suy nghĩ vẩn vơ
là suy nghĩ ra làm sao?
- Thí dụ như vầy:
có bị xì-trét vì áp lực công việc quá thì thử nhắm mắt lại, nhè nhẹ hít thở
thật sâu và tưởng tượng trái đất đang bay la đà trong vũ trụ chớ không phải nó
đang đứng im lìm bất động như cái bàn cái ghế cái nhà cái cửa quanh mình. Có
nghĩa là chính mình cũng đang là đà chuyển động trong mênh mông vũ trụ. Và có
nghĩa là ta đang tồn tại một cách quá ư tràn trề ý nghĩa với cuộc sống bao la
này.
- Ôi cái chuyện
này nó xưa như… trái đất rồi, sao phải suy nghĩ tới nó trầm trọng điêu linh như
vậy?
- Chính vì nó xưa
như trái đất mà ta thường hay lỡ quên mất nó đi để rồi cái thân mình cứ cuốn
theo xô bồ sự vụ việc hằng ngày tới chừng lên cơn xì-trét thì mới chợt nhớ ra.
- Những khi như
vậy, đầu óc mình có tỉnh táo hay không?
- Rất ư là tỉnh
táo say mê. Cảm thấy vạn vật quanh ta cũng đang kề vai sát cánh bềnh bồng sinh
sôi nẩy nở với ta như vậy. Và rồi trăm lần như một, ta cảm thấy nằng nặng
thương yêu cuộc sống này hơn. Mở mắt ra, nhìn lại công việc, ta nhè nhẹ nâng
niu nó, từ tốn giải quyết nó với một tấm lòng rộng mở, vị tha ghê lắm.
- Có vẻ như là một
kẻ mộng tưởng giữa cuộc sống kĩ thuật số tốc độ vô cùng thực tế bây giờ?
- Ngược lại, nó
giúp cho mình ngày càng bản lĩnh tự tại hơn xưa. Mình sống vững vàng hơn và nhẹ
nhàng hơn cái tuổi trẻ. Mình tự tin mà bước tới ngày mai. Như là dòng sông cứ
trôi đi, chảy đi không bao giờ dừng lại và không bao giờ lặp lại; dẫu có lúc
lặng lẽ hoặc thác ghềnh, sông vẫn cứ chảy trôi, từ một cội nguồn xa lắc để về
lại với biển khơi.
- Trời đất! Quả là
miên man suy ngẫm. Thế thì cái chuyện suy nghĩ vẩn vơ này nó liên quan gì tới
chuyện đọc sách mỗi ngày?
- Đọc sách ư? Tôi
nhớ có lần đọc bài “Đọc sách, một công việc… thực tế” của nhà văn Nguyễn
Danh Lam đăng trên báo Áo Trắng. Tôi
chia sẻ với nhà văn những điều tâm sự trong bài báo đó, bởi vì từ ngày còn là
học trò cho tới giờ tôi cũng là gã mê sách như mê cái đẹp. Tôi thích nhất cái
câu Nguyễn Danh Lam đã viết: “Kẽo kẹt đọc mỗi ngày, tôi học”.
Còn nó liên quan
ra làm sao với chuyện “nghĩ vẩn vơ” ư? Xin kể bạn nghe hai chuyện này.
Chuyện thứ nhất,
tôi vừa đọc xong cuốn “Người Quảng Nam” của nhà thơ
Lê Minh Quốc. Tôi cũng là dân gốc Quảng Nam, đã về “làm rể” đất Cần Thơ từ cả
chục năm rồi, vậy mà đọc xong cuốn sách đó, tôi đã nhẹ nhàng tự nhủ vẩn vơ như
vầy: Lâu nay mình hay lây cái bệnh tình cảm phân biệt địa phương mà quên mất
một chuyện hiển nhiên lịch sử là tất cả mọi người con dân nước Việt đang sống ở
châu thổ Cửu Long này đều có gốc gác từ bờ bắc sông Lam. Bởi vì đa phần tổ tiên
chúng ta ở đây là những người lưu dân miền Trung đi mở cõi phương Nam. Vậy thì
mình phải sống làm sao cho nó xứng với một đồng bằng nở nang từ hơn ba trăm năm
trước chớ?
- Còn chuyện thứ
hai?
- Bạn có nhớ bài
thơ chỉ có hai câu này không:
Trái đất ba phần tư nước mắt
Đi như giọt lệ giữa không trung
Theo nhà thơ Trần
Đăng Khoa thì tác giả bài thơ vô đề tuyệt bút này là Huy Cận; và chính Huy Cận
đã tặng cho thi sĩ Xuân Diệu, một bạn thơ thân thiết của mình, làm tác giả bài
thơ ấy.
Ở đây tôi xin phép
không luận bàn gốc gác bài thơ, mà chỉ xin la đà lãng đãng thưa rằng, nếu như
không đọc sách báo và không “nghĩ vẩn vơ” trong cuộc sống này thì chắc là tôi
đã khô héo đi bội phần bởi vì tôi chưa “chạm” được vào một bài thơ quá hay và
một câu chuyện quá đã như rứa.
Đã đăng Tạp chí Văn nghệ Cần Thơ Xuân Đinh
Dậu 2017:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét