Quang cảnh hội thảo tại Cần Thơ hôm nay, 30-8-2016. Ảnh: Huỳnh Kim |
(TBKTSG Online) - Trong khi thế giới đang chia sẻ kinh nghiệm xây dựng khả năng chống chịu (resilience) của đô thị với biến đổi khí hậu thì 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn lo bê-tông hóa đô thị và ngăn lũ ở thượng nguồn là chính.
Nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh như vậy tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu (BĐKH) ở đô thị vùng ĐBSCL” tổ chức tại Cần Thơ hôm nay, 30-8.
PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Trưởng khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Đại học Cần Thơ), cho rằng “tác dụng ngược” của giải pháp thích ứng và chống chịu với BĐKH ở ĐBSCL lâu nay là việc đầu tư cho bê-tông hóa đô thị ở mỗi tỉnh và việc ngăn lũ thượng nguồn ở cấp vùng.
Chiếu hình ảnh sơ đồ ngăn lũ dày đặc ở đầu sông Tiền, sông Hậu như việc làm bờ bao, đê sông, cống, đập… ông Trung nói việc này chỉ làm cho các tỉnh hạ lưu thêm thu hẹp dòng chảy, giảm vùng trữ nước, tăng cột nước, tăng vận tốc dòng chảy, làm xói lở đáy sông và bờ sông. Còn việc bê-tông hóa đô thị thì làm giảm thấm, tăng chảy tràn, xói ngầm, ngập cục bộ, hư hỏng cơ sở hạ tầng… ảnh hưởng ngày càng nhiều đến dịch vụ, chất lượng cuộc sống người dân đô thị.
Trong khi đó, cũng theo ông Trung, đô thị vùng ĐBSCL vẫn đang từng ngày chịu tác động của cả thiên tai và nhân tai. Đó là chế độ lũ lụt thay đổi do BĐKH và do các công trình thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong; rồi dòng chảy mùa kiệt suy giảm trong khi xâm nhập mặn tăng. Ngoài ra, chất lượng nước sông đang biến động khó lường do giảm phù sa, tăng mặn, phèn và tăng ô nhiễm.
“Gần đây có ý kiến dự báo ĐBSCL sẽ không còn lũ lụt trong vài năm tới. Chưa chắc! Vì với BĐKH khó lường như hiện nay, mưa lũ đang tăng ở thượng nguồn dẫn tới việc xả lũ các đập thủy điện ở đó thì ĐBSCL sẽ lại bị ngập nặng”, ông Trung nói.
Ông Trung khẳng định: “Nếu tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo kiểu bê-tông hóa đô thị và tiếp tục ngăn lũ ở thượng nguồn mà không đầu tư cho việc tăng khả năng chống chịu với BĐKH thì đô thị ở ĐBSCL sẽ không thể nào tồn tại thích ứng”.
Ông Trung dẫn tiếp một loạt giải pháp mà ông cho là “cần có tầm nhìn mới về quy hoạch và quản lý ĐBSCL”. Ở đầu nguồn nên tạo vùng trữ lũ dọc theo sông và kênh rạch chính. Nên có các vùng bảo tồn và chỉ sản xuất hai vụ lúa; xây dựng khu sinh thái, nuôi trồng thủy sản kết hợp tạo cảnh quan làm du lịch. Với đô thị thì nên xây dựng “đô thị xanh”, thí dụ tăng được lượng trữ nước mưa trong tán cây, thấm xuống đất hay nên có công trình trữ nước mưa.
Ông Trung cho biết Đại học Cần Thơ đang cùng thành phố Cần Thơ và tỉnh Trà Vinh làm một số dự án theo hướng này, trong đó có việc nghiên cứu xử lý quan hệ giữa việc khai thác nước ngầm, lún đất với xâm nhập mặn.
Theo thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, Chánh Văn phòng Điều phối công tác BĐKH (CCCO) TP. Cần Thơ, có một “thách thức” trong hoạt động của CCCO: “Các cấp lãnh đạo cơ quan địa phương chưa hiểu CCCO là để hỗ trợ cơ quan mình trong các hoạt động thích ứng với BĐKH, mà có khi lại coi các CCCO là đối thủ của mình!”.
Ông Vinh nói tiếp: “Chia sẻ, học hỏi và đối thoại là cách làm có hiệu quả để nâng cao năng lực xây dựng và thực hiện hoạt động ứng phó cho cán bộ cơ quan các cấp trong việc xây dựng khả năng chống chịu với BĐKH ở đô thị vùng ĐBSCL”.
Theo TS. Trần Văn Giải Phóng ở Viện Nghiên cứu chuyển đổi môi trường và xã hội (ISET), từ nguồn tài trợ của Quỹ Rockefeller (Mỹ), hơn 10 triệu đô la Mỹ đang được ISET triển khai vào 18 dự án trong lĩnh vực này từ năm 2008 cho năm thành phố ở Việt Nam là Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ, Huế và Lào Cai.
Ông cho biết ISET đã làm dự án mô hình ngập lụt phục vụ quy hoạch đô thị ở Đà Nẵng và Quy Nhơn. Ở Cần Thơ thì có dự án quản lý sạt lở bờ sông, dự án quan trắc mặn và dự án phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết trong bối cảnh BĐKH. Tất cả các dự án này đều đi ngược lại với việc bê-tông hóa và ngăn lũ lụt.
Đại diện ISET cũng cho biết Đà Nẵng và Cần Thơ là hai thành phố vừa được “Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu” (100 Resilient Cities) - do Quỹ Rockefeller sáng lập, công nhận là thành viên. (mời xem thêm: http://www.thesaigontimes.vn/147712/Can-Tho-chinh-thuc-tham-gia-mang-luoi-100-RC.html).
Hai “bài học kinh nghiệm” của việc xây dựng khả năng chống chịu với BĐKH ở đô thị ĐBSCL, theo TS. Trần Văn Giải Phóng, là “cách tiếp cận Resilience sẽ giúp các bên liên quan đánh giá vấn đề tổng thể hơn, phù hợp hơn với bối cảnh đô thị”; và “Lôi kéo các nhóm tổn thương tham gia”.
Bài đã đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/150752/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét