Huỳnh Kim
Thứ Năm, 20/6/2019, 14:51
(TBKTSG) - Chuẩn bị cho hội thảo “Chung tay làm du lịch nông
nghiệp” do TBKTSG phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang và Đài Truyền hình Hậu Giang
tổ chức vào ngày 8-7 tới tại Hậu Giang, đoàn khảo sát thực tế Khu bảo tồn thiên
nhiên Lung Ngọc Hoàng đã đề xuất một góc nhìn kinh tế du lịch cho nơi này.
Xuống thuyền vô Lung Ngọc Hoàng. Ảnh: Huỳnh Kim |
Trong nguyên sơ Lung Ngọc Hoàng
Theo tài liệu lưu trữ, Khu
bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng được thành lập theo Quyết định số
13/2002/QĐ-TTg ngày 14-1-2002 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số
22/2011/QĐ-UBND ngày 20-6-2011 của UBND tỉnh Hậu Giang. Khu này rộng trên 2.805
héc ta, gồm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt trên 1.015 héc ta, phân khu phục hồi
sinh thái trên 937 héc ta và phân khu hành chính dịch vụ trên 852 héc ta.
Lung Ngọc Hoàng là khu bảo
tồn sinh cảnh tự nhiên tiêu biểu, độc đáo, sự đa dạng sinh học, nơi cư trú của
các loài sinh vật bản địa của hệ sinh thái đất ngập nước chuyển tiếp giữa phía
Tây sông Hậu và bán đảo Cà Mau. Về thực vật, các cánh rừng ngập nước trong lung
hiện có trên 330 loài, trong đó có 56 loài mới phát hiện. Đây là nơi nghiên cứu
khoa học, bảo vệ các thảm thực vật quý kết hợp phát triển du lịch sinh thái,
tái tạo các mảng sinh cảnh trên vùng đất ngập nước hiếm hoi còn sót lại của
đồng bằng sông Cửu Long. Về động vật, Lung Ngọc Hoàng hiện có 206 loài, trong
đó có nhiều loài đang nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới như rái cá lông
mũi, rùa nắp, rắn hổ mang và các loài quý hiếm như bạc má, cà cuốc, cò ốc,
giang sen, cò lạo xám, ác là, dơi chó, rái móng, chồn mực, cáo mèo, càng đước,
cua đinh, rùa vàng, ếch giun, cá còm...
Tài liệu này viết, Lung
Ngọc Hoàng thật sự là nơi phát triển du lịch sinh thái, bảo vệ các loài sinh
vật bản địa, đặc biệt là các loài động vật quý hiếm, tái tạo các mẫu sinh cảnh
cuối cùng còn sót lại của vùng đồng bằng ngập nước Tây sông Hậu và cung cấp
nguồn giống sinh vật tự nhiên cho các tỉnh phụ cận. Trong tương lai, Lung Ngọc
Hoàng sẽ là nơi nghỉ ngơi, giải trí cho du khách tham quan trong và ngoài nước.
Trước mắt, khu bảo tồn đang phát triển và mở rộng cảnh quan du lịch ở một số
phân khu nhưng không làm thay đổi hiện trạng, bảo đảm hòa hợp với thiên nhiên,
thân thiện với môi trường.
Du lịch nghiên cứu, học
tập sẽ thu hút học sinh, sinh viên vào kỳ nghỉ hè, có thể giúp họ hiểu thêm
địa lý, địa chất, lịch sử, môi trường, sinh học… vùng đất ngập nước. Du lịch
sinh thái thu hút khách đi bộ tham quan, khám phá thiên nhiên, tài nguyên động
vật, thực vật; tham quan rừng tràm 30 năm tuổi; hệ thống lung bàu ngập
nước... Du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng homestay giúp du khách trải
nghiệm thực tế đời sống văn hóa, sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của cộng
đồng, dân cư sinh sống tại địa phương. Du lịch giải trí có câu cá đồng, hái
rau rừng, thu mật ong, đặt lờ, đặt nơm bắt cá, chèo xuồng trên kênh rạch, cắm
trại…
“Đến Lung Ngọc Hoàng, du
khách có dịp đi xuồng nhỏ giăng câu, thả lưới, soi cá. Du khách sẽ gặp những
cánh đồng hoang vu xa tít tận phía chân trời với những bầy le le, cò trắng chập
chờn tung cánh giữa mênh mông hoang dã”, tài liệu giới thiệu về Lung Ngọc Hoàng
nhấn mạnh.
Một góc nhìn từ thực tế
Trong chuyến khảo sát trọn
buổi sáng hôm đó, dù mới chỉ đi qua một góc nhỏ giữa những cánh rừng ngập nước
hoang sơ Lung Ngọc Hoàng, ông Stiermann Martin, người Đức, Giám đốc khu nghỉ
dưỡng Ricefield Lodge ở xã Trường Long, huyện Phong Điền (Cần Thơ), đã nhiều
lần thốt lên hai tiếng “tuyệt vời”. Ông nói: “Tôi nghĩ Lung Ngọc Hoàng đẹp hàng
đầu Việt Nam. Tôi đã đi nhiều nơi ở Việt Nam nhưng chưa nơi nào tôi thấy có cảnh
quang tuyệt vời như thế này”.
Đoàn khảo sát Lung Ngọc Hoàng (HKim) |
Đứng trên tháp cao gần 20
mét, nhìn bao quát những cánh rừng tràm, ông Martin say sưa góp ý với các bạn
cùng đi. Ông nói như “sợ mất đi một Lung Ngọc Hoàng hoang sơ”. Theo ông Martin,
đây không nên là nơi kinh doanh du lịch bằng mọi giá, nhất là giá rẻ, với các
dãy nhà homestay. Đây cũng không nên là nơi phát triển loại hình du lịch với
công nghệ cao, mà phải giữ được sự tĩnh lặng, để có sự khác biệt trong sản phẩm
du lịch. Không nên có đoàn đông người, không nên ồn ào, không nên dùng xe gắn
máy, ô tô, thậm chí không nên chạy vỏ lãi có gắn máy mà nên dùng thuyền gỗ sử
dụng năng lượng mặt trời. Tất cả, để cho du khách có thể hưởng trọn vẹn sự tĩnh
lặng, vẻ hoang sơ của rừng, của gió, của chim trời, cá nước ở nơi đây.
Mr Stiermann Martin (phía trước) trong Lung Ngọc Hoàng (HKim) |
“Nếu không có sự chọn lọc,
ai cũng có thể đến đây với cái ồn ào, náo nhiệt và xả rác, thì nó sẽ phá hỏng
cảnh quang. Các anh, các chị phải xác định đón loại khách nào đến khu bảo tồn
này, chứ không thể đón tất cả các loại khách”, ông Martin nói. Và ông đề nghị,
sẵn sàng hợp tác với ngành du lịch Hậu Giang cùng ban lãnh đạo Lung Ngọc Hoàng
đưa khách cao cấp châu Âu nghỉ tại Ricefield Lodge ở Cần Thơ tới đây để “thưởng
thức Lung Ngọc Hoàng”, mỗi tour chỉ vài ba người khách.
Là người đề xướng chuyến
khảo sát, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Dịch vụ du lịch Vòng Tròn Việt
(TPHCM), ủng hộ ý kiến của ông Martin. Ông Huê nói: “Lâu nay anh Martin luôn
muốn tìm một điểm hoang sơ giữa đồng bằng để đưa khách đi chơi và hôm nay ảnh
biết được đây là chỗ tuyệt vời. Với cái nhìn của người châu Âu, ảnh thấy rằng
Lung Ngọc Hoàng hội đủ tất cả các yếu tố để phát triển loại hình du lịch sinh
thái cho khách yêu thiên nhiên với phân khúc cao cấp”.
Theo ông Huê, du khách cao
cấp châu Âu rất yêu thiên nhiên và sự tĩnh lặng của môi trường du lịch. “Hậu
Giang nên coi đó là điểm nhấn trung tâm để tổ chức các điểm dịch vụ xung quanh.
Nhưng phải theo nguyên tắc là bảo tồn, giữ được tài nguyên, chứ không phải vô
được cái lõi Lung Ngọc Hoàng rồi là xây nhà nghỉ, xây khách sạn”, ông nói.
Ông Phan Đình Huê cũng đề
nghị Ban Quản lý khu bảo tồn Lung Ngọc Hoàng và Trung tâm Thông tin xúc tiến du
lịch Hậu Giang cần đề xuất với UBND tỉnh về dịch vụ du lịch này. Theo ông Huê,
Hậu Giang có thể kinh doanh nhiều loại hình du lịch, nhưng nên chọn phát triển
du lịch nông nghiệp - nông thôn, trong đó nên chọn Lung Ngọc Hoàng là điểm tham
quan chính để “kích hoạt” phát triển du lịch địa phương.
Ông Lê Thanh Sơn, Phó giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng,
nói: “Nếu anh Martin muốn liên kết phát triển du lịch, chúng tôi phải làm đề án
để UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt thì mới có thể đón khách”. Còn ông Nguyễn Văn
Hoàng, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Hậu Giang, giải thích rằng
Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng chưa hình thành khu du lịch nên chưa
cho khai thác. “Chỉ các đoàn có qua tỉnh ủy hay trung tâm xúc tiến du lịch liên
hệ, thì có thể cho vô, chứ khách lạ không cho vào”, ông Hoàng nói.
Bông súng giữa Lung Ngọc Hoàng (HKim) |
BOX:
Kế hoạch số 100 của UBND tỉnh Hậu Giang ngày
26-11-2014 triển khai Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát
triển thành ngành kinh tế quan trọng” thực hiện Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy về
phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, xác
định: Phát triển Hậu Giang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, tiêu biểu về du
lịch sinh thái sông nước, sinh thái nông nghiệp của vùng ĐBSCL. Đến năm 2025,
thu hút 1 triệu lượt du khách, trong đó có 70.000 lượt khách quốc tế, doanh thu
hơn 1.400 tỉ đồng, tạo việc làm cho 4.200 người dân địa phương.
Riêng với Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên
nhiên Lung Ngọc Hoàng đến năm 2020, UBND tỉnh xác định, quy hoạch phát triển du
lịch sinh thái với loại hình dự kiến khai thác là nghỉ dưỡng, khám phá thiên
nhiên, giải trí, nghiên cứu khoa học. Để phát triển du lịch, những hạng mục về
hạ tầng và trang thiết bị cần được đầu tư là đường vào Lung Ngọc Hoàng, trạm
dừng chân, đường nội bộ, nhà điều hành, phòng họp, nhà nghỉ, ghe, thuyền, hệ
thống cấp nước, xử lý nước thải, điện…
* Đã đăng TBKTSG 20-5-2019:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét