(TBKTSG Online) - Theo kế hoạch của chủ đầu tư - Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), sáng ngày 17-11-2013, nhà thầu chính là Tập đoàn Prysmian Powerlink SRL (Ý) sẽ bắt đầu kéo cáp ngầm 110 kV xuyên biển Hà Tiên – Phú Quố, tuyến cáp ngầm xuyên biển dài nhất Đông Nam Á. Đây là hạng mục cuối cùng trong dự án đưa điện lưới quốc gia từ đất liền ra đảo Phú Quốc (Kiên Giang).
Việc lắp đặt đoạn cáp ngầm đầu tiên sẽ được thực hiện tại vùng biển xã Hàm Ninh (Phú Quốc), sau đó kéo vào bờ biển Hà Tiên tại xã Thuận Yên. Tuyến cáp ngầm 110 kV này dài 55,8 ki lô mét, là tuyến cáp ngầm xuyên biển dài nhất Đông Nam Á hiện nay. Đây là loại cáp ngầm 3 lõi, tiết diện 630 mi li mét vuông, trị giá 1.932 tỉ đồng.
Đại diện nhà thầu Prysmian Powerlink SRL cam kết sẽ xong việc lắp đặt cáp ngầm và đấu nối vào ngày 13-1-2014 để kịp cung cấp điện cho dân đảo Phú trước Tết Nguyên đán 2014.
Riêng phần lưới điện 110 kV trên đảo gồm đường dây 7,6 ki lô met và trạm biến áp 110/22 kV – 40 MVA do các nhà thầu trong nước thực hiện, đã hoàn thành. Trong đất liền, EVN SPC cũng đã đầu tư đường cáp ngầm 110 kV Kiên Lương – Hà Tiên, trạm biến áp 110/22 kV Hà Tiên, đóng điện từ tháng 2-2013.
Tổng mức đầu tư của dự án này là 2.336 tỉ đồng, từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng của EVN SPC.
Lâu nay, dân Phú Quốc mua điện từ nhà máy Diesel Phú Quốc với giá cao gần gấp ba lần so với đất liền. Tuy vậy nguồn điện luôn thiếu dù sản lượng đã tăng từ 5,8 triệu kWh lên 64,5 triệu kWh trong 10 năm qua. Theo Sở Công thương tỉnh Kiên Giang, năm ngoái, ngành điện phải bù lỗ 157 tỉ đồng do phát điện bằng dầu ở Phú Quốc.
Theo quy hoạch, 10 năm tới, đảo du lịch Phú Quốc sẽ đón từ 2 - 3 triệu lượt khách mỗi năm (năm ngoái, đón gần 500.000 du khách). Nhu cầu tiêu thụ điện trên đảo Phú Quốc do vậy sẽ tăng nhanh; từ nay đến năm 2015 là 1.386 kWh/người/năm, năm 2020 là 2.614 kWh/người/năm, đến năm 2030 khoảng hơn 4.200 kWh/người/năm.
Rải & chôn cáp dưới đáy biển ra sao?
Cáp được rải và chôn đồng thời xuống dưới đáy biển. Máy chôn cáp được kéo bởi tàu chủ di chuyển tới trước theo tuyến đã được thiết kế bằng các neo điều khiển hướng theo hệ thống định vị toàn cầu GPS. Hệ thống ống phun nước cao áp (hoặc lưỡi cày, bánh xích tùy theo cấu tạo cơ cấu đào của mỗi máy) trên 2 thân cày đặt hai bên thân cáp tạo nên rãnh cáp ở phía trước có độ sâu theo chế độ cài đặt.
Máy chôn cáp thực hiện rải cáp và chôn cáp đồng thời |
Cáp được thả xuống đáy rãnh (hoặc tì trượt xuống đáy rãnh đối với loại máy chôn cáp có cơ cấu đào dạng lưỡi cày hoặc bánh xích) ở phía sau. Máy chôn cáp di chuyển về phía trước, tiếp tục phun nước cao áp tạo rãnh, đồng thời lượng đất cát xói lở sẽ được ống phun định hướng đẩy về phía sau lấp đầy rãnh cáp.
Sơ đồ nguyên lý |
Quá trình này được thực hiện liên tục và đồng thời. Độ sâu chôn cáp có thể điều chỉnh bằng hai chân trượt phía trước, tối đa có thể chôn sâu 3m so với mặt đáy biển tùy thuộc công suất của máy. Quá trình thực hiện được giám sát, kiểm soát, điều khiển liên tục.
Phương pháp này có ưu điểm là giảm thiểu hư hỏng cáp ngầm, tuy nhiên chi phí đầu tư cao do công nghệ phức tạp.
* Mời xem thêm tại TBKTSG Online 15-11-2013:
http://www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/sukien/105716/Ngay-17-11-keo-cap-ngam-xuyen-bien-dai-nhat-Dong-Nam-A.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét