Tại lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) vào sáng nay, 31-3, PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng ĐHCT, cho biết để góp phần phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhà trường sẽ mở rộng hợp tác quốc tế.
Trả lời chúng tôi, PGS.TS Hà Thanh Toàn nói: “Muốn đạt được mục tiêu góp phần phát triển vùng ĐBSCL và cả nước trong thời gian tới, ĐHCT phải mở rộng hợp tác quốc tế; đây cũng là kết quả hoạt động từ 50 năm qua của nhà trường”.
Theo Hiệu trưởng Hà Thanh Toàn, đến nay, ĐHCT đang hợp tác với hơn 120 viện, trường và tổ chức quốc tế. Trong vòng 20 năm gần đây, các dự án hợp tác quốc tế đã đóng góp cho trường hơn 70 triệu đô la Mỹ; có một số dự án lớn như chương trình “Nâng cấp Khoa Nông nghiệp ĐHCT” từ viện trợ của Chính phủ Nhật Bản (khoảng 23 triệu đô la); chương trình MHO của Chính phủ Hà Lan (khoảng 19 triệu đô la); chương trình VLIR của Chính phủ Bỉ (khoảng 18 triệu đôa la); chương trình Trung tâm Học liệu của Tổ chức Atlantic Philanthropy (khoảng 8 triệu đô la)…
Thí sinh ĐBSCL tại ĐH Cần Thơ trong mùa tư vấn tuyển sinh tháng 3-2016 |
Riêng chương trình “Mekong 1000” (đào tạo 1000 cán bộ khoa học kỹ thuật sau đại học ở nước ngoài cho 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL do ĐHCT khởi xướng và đảm trách từ năm 2005), đã có 575 ứng viên (521 thạc sĩ, 54 tiến sĩ) đã và đang được đào tạo tại 163 viện, trường thuộc 24 quốc gia trên thế giới. “Có thể nói, đây là bước đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ĐBSCL”, ông Toàn nói.
ĐHCT cũng đang tham gia Mạng lưới Đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network - AUN); trường đã tổ chức đánh giá nhiều chương trình hợp tác đào tạo, trong đó có 3 chương trình đào tạo đạt chuẩn AUN-QA.
Mới nhất, ĐHCT đang tiếp nhận Dự án Nâng cấp trường ĐHCT, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản trị giá 105,9 triệu đôla Mỹ. Ông Toàn cũng cho biết, Chính phủ Nhật Bản cũng vừa phê duyệt viện trợ không hoàn lại Dự án Hợp tác kỹ thuật với Trường ĐHCT với kinh phí một triệu đô la/năm, kéo dài 5 năm.
Theo PGS.TS Hà Thanh Toàn, nội dung hợp tác quốc tế tới đây của trường là thuộc các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và cải thiện đời sống nhân dân vùng ĐBSCL.
Theo đó, trường sẽ nâng chất lượng, trình độ chuyên môn giảng dạy, mở rộng ngành nghề đào tạo theo nhu cầu xã hội, thu hút sinh viên quốc tế. Trong đó, có các chương trình nghiên cứu liên kết vùng, đa ngành nghề; nghiên cứu tổng hợp kinh tế - xã hội; nghiên cứu về giáo dục, biến đổi khí hậu.
Vẫn theo ông Toàn, cùng với hợp tác quốc tế, ĐHCT tiếp tục hợp tác với các đơn vị trong nước về nghiên cứu và đào tạo vì nhà trường đang là thành viên của nhóm các trường khối nông - lâm - ngư, mạng lưới Vifinet (thủy sản), khối các trường đào tạo kinh tế và các trường đại học kỹ thuật.
“Thực hiện các dự án này cũng nhằm mục đích xây dựng trường ĐHCT trở thành một trong những trường hàng đầu ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2020”, PGS.TS Hà Thanh Toàn nhấn mạnh.
Nhìn lại 50 năm qua, Hiệu trưởng Hà Thanh Toàn cho biết, ĐHCT đã đào tạo hơn 90.000 kỹ sư, cử nhân, bác sĩ hệ chính quy và hơn 40.000 kỹ sư, cử nhân hệ ngoài chính quy; hơn 6.100 thạc sỹ và tiến sỹ. “Lực lượng này là nguồn nhân lực quan trọng của đất nước; nhiều người đã trở thành cán bộ khoa học đầu ngành, nhà quản lý, nhà sản xuất và kinh doanh giỏi tại các tỉnh, thành ở ĐBSCL và cả nước”, ông Toàn nói.
Đến nay, ĐHCT là trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, gồm 16 khoa, 3 viện nghiên cứu, 18 trung tâm, 15 phòng ban chức năng. Hiện trường có 96 chuyên ngành đào tạo đại học với khoảng 56.000 sinh viên, trong đó có 32.000 sinh viên chính quy. Ngoài đào tạo đại học, ĐHCT cỏn có 38 chuyên ngành đào tạo thạc sỹ và 15 chuyên ngành đào tạo tiến sỹ, với gần 4.000 học viên đang theo học.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét