Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2017

Diễn đàn kinh tế thế giới Davos 2017: Trước một thế giới bất định


Thái Bình

Diễn đàn kinh tế thế giới năm nay quy tụ hơn 3000 nhân vật là nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo các tập đoàn công nghiệp, công nghệ, định chế tài chính....Ảnh: Reuters


(TBKTSG) - Đến hẹn lại lên, khi năm mới bắt đầu thì giới tinh hoa toàn cầu lại tập trung về khu nghỉ dưỡng Davos trên đỉnh núi Alps ở Thụy Sỹ để bàn về những thách thức chính trị và kinh tế trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF). WEF năm nay diễn ra từ 17 đến 20-1-2017, quy tụ hơn 3.000 nhân vật là nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo các tập đoàn công nghiệp, công nghệ, các định chế tài chính, văn nghệ sĩ nổi tiếng...

Nhiều chuyên gia nhận định, dù năm nay kinh tế toàn cầu tốt hơn các năm trước - các chỉ số chứng khoán tăng đều, giá dầu bắt đầu hồi phục, kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu ổn định... - nhưng WEF chẳng những không phấn khởi mà còn bị bao trùm bởi nỗi lo âu sâu sắc trước tương lai bất định do sự trỗi dậy của các trào lưu chống toàn cầu hóa.

Ra đời cách đây 46 năm, WEF vẫn được coi là diễn đàn thường niên thúc đẩy thương mại tự do, với niềm tin rằng, toàn cầu hóa sẽ mang lại thịnh vượng cho mọi quốc gia. Nhưng năm 2016 vừa qua đã xảy ra những cú sốc “như địa chấn” (seismic shocks): trào lưu dân túy xuất hiện và nhanh chóng lan khắp các nước công nghiệp, bắt đầu từ vụ bỏ phiếu rời châu Âu ở Anh (Brexit), đến thắng lợi của ông Donald Trump ở Mỹ và đang nhắm tới các cuộc bầu cử ở Hà Lan, Đức, Pháp và Ý. Sự thay đổi này đe dọa cái trật tự dân chủ tự do tồn tại từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, đánh thẳng vào các nguyên tắc mà giới tinh hoa ở Davos luôn tin tưởng như thương mại tự do, chủ nghĩa đa phương, hợp tác để giải quyết những vấn đề lớn của thế giới... “Đang xảy ra một điều gì đó rất to lớn, toàn cầu, nhiều phương diện và chưa từng có trước đây. Nhưng chúng ta chưa biết nguyên nhân từ đâu và làm thế nào ứng phó với nó”, Moises Naim của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, nói lên nỗi hoang mang của WEF năm nay.

Trong bảy chủ đề chính mà WEF sẽ thảo luận, nổi lên hàng đầu vẫn là sự trỗi dậy của ông Donald Trump - người cổ xúy chủ nghĩa biệt lập và bảo hộ, chống toàn cầu hóa và tự do thương mại. Klaus Schwab, nhà sáng lập WEF, thừa nhận hiện trạng của thế giới và các định chế lãnh đạo nó đang bị đặt vấn đề, và ông đề nghị các nhà lãnh đạo cần bám sát những giá trị cốt lõi của nền dân chủ tự do và giải thích một cách thành thật cho dân chúng về bản chất của toàn cầu hóa. Tuy vậy, ông cũng thừa nhận, lấy lại niềm tin của công chúng vào các định chế chính trị hiện thời là nhiệm vụ khó khăn vô cùng.

Báo cáo của Tổ chức Oxfam tại WEF cho biết, toàn cầu hóa đã mang lại thịnh vượng nhưng chỉ cho một nhóm người ở chóp bu: tài sản của tám người giàu nhất hành tinh đã bằng tổng tài sản của hơn một nửa nhân loại cộng lại. Nỗi bất mãn của tầng lớp trung lưu và nghèo khó chính là mảnh đất màu mỡ cho những lý thuyết mị dân, biệt lập và bảo hộ thị trường.

Chính vì thế, WEF cho rằng, chủ nghĩa tư bản thị trường tự do phải được cải cách sao cho lợi ích được phân bổ đồng đều hơn. Dưới sự dẫn dắt của bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, WEF sẽ thảo luận về một cơ chế nhà nước bảo đảm thu nhập tối thiểu cho người dân bị mất việc và người nghèo ở bên ngoài tiến trình tăng trưởng kinh tế.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên tham dự WEF. Trong phát biểu tại phiên khai mạc, ông Tập kêu gọi hợp tác và toàn cầu hóa kinh tế, đồng thời cảnh báo mối đe dọa đối đầu, nghèo khó và chiến tranh nếu các quốc gia đi vào con đường biệt lập và bảo hộ, ám chỉ các tuyên bố của ông Trump. Trung Quốc đang cố gắng lấp đầy khoảng trống do Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bằng các hiệp định thương mại do Bắc Kinh dẫn dắt.

Biến đổi khí hậu và nguy cơ ông Donald Trump hủy bỏ những cam kết mà Chính phủ Mỹ đưa ra tại Paris năm ngoái sẽ đè nặng lên các phiên thảo luận do cựu Phó tổng thống Mỹ Al Gore điều phối. Theo nhận định trong báo cáo rủi ro 2017 của WEF, nguy cơ từ biến đổi khí hậu xếp thứ hai, chỉ sau chiến tranh hạt nhân, trong các mối đe dọa sự sinh tồn của hành tinh Trái đất.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại nhiều tiến bộ như trí tuệ nhân tạo, Internet của vạn vật, robot thông minh và xe tự lái. Tuy nhiên, những tiến bộ này có thể lấy đi công việc làm của hàng triệu người, xói mòn các quan hệ xã hội. Mối đe dọa từ tin tặc, an ninh mạng, “vũ khí hóa” các hệ thống trí tuệ nhân tạo cũng được thảo luận kỹ tại WEF năm nay.

Một nửa thời lượng của WEF sẽ bàn về đề tài phát triển và công bằng xã hội, nhưng xem ra tiếng nói của các nghệ sĩ như Shakira, Matt Damon, Forest Whitaker... kêu gọi ủng hộ các chương trình xây trường học, cung cấp nước sạch... sẽ không được quan tâm nhiều.
 

Bài đăng tại:http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/156225/

Không có nhận xét nào: