Đặng Quỳnh Giang
(TBKTSG) - Buổi sáng vừa vào tới công ty, mở e-mail nội bộ (outlook) đã thấy e-mail của chủ tịch công ty gửi lúc 2:15 sáng.
Sếp của chúng tôi vẫn luôn như thế - miệt mài, tất bật với công việc, với công ty, gần như không kể thời gian. Tám tiếng làm việc chính thức ở văn phòng theo luật lao động Việt Nam chưa bao giờ là đủ với ông. Ông phải làm thêm tại công ty bằng cách đi sớm, về trễ và làm thêm cả những lúc ở nhà, vào những thời điểm mà người khác dành cho sự nghỉ ngơi, cho người thân, cho gia đình.
Chúng tôi báo cáo, trao đổi công việc với cấp trên theo nhiều cách khác nhau: nói chuyện trực tiếp tại bàn làm việc của họ, trình bày trong những cuộc họp, gọi điện thoại hoặc qua e-mail công ty. Về nguyên tắc và trên thực tế, các vấn đề được báo cáo đều phải có phản hồi bằng những định hướng hoặc quyết định của sếp. Ở công ty, ông không có nhiều thời gian để kiểm tra, làm việc qua e-mail, nên gần như việc này sẽ được ông thực hiện lúc ở nhà, hoặc sau khi nhân viên đã rời khỏi văn phòng.
Công ty chúng tôi là một tập đoàn toàn cầu và hiện được xếp hạng là một trong hai vị trí tốt nhất trên thế giới trong lĩnh vực hoạt động của mình. Nhưng mục tiêu duy trì vị thế, yêu cầu cải tiến liên tục và phát triển không ngừng luôn tạo ra vô vàn áp lực, sức ép cho những người lãnh đạo. Nhiệm kỳ của người đứng đầu công ty ở Việt Nam là ba năm. Sau thời gian đó, có thể họ sẽ được luân chuyển hoặc gia hạn, nhưng không quá hai nhiệm kỳ.
Tôi có điều kiện làm việc với một số vị lãnh đạo công ty. Ban đầu khi mới từ Nhật đến nhậm chức, ai cũng khỏe mạnh, hồng hào, phong độ. Nhưng như một quy luật, sau một thời gian ngắn, tóc họ điểm bạc, họ gầy hơn và xuống sắc rõ rệt. Từ đó tôi mới thấm thía hết cái giá và sứ mệnh của những người lãnh đạo. Họ không chỉ phải chịu trách nhiệm với hội đồng quản trị, cổ đông, nhân viên, mà còn chịu sức ép tạo ra từ chính bản thân họ.
Người đứng đầu công ty tại Việt Nam là một người hết sức quyền năng. Tại đây, chúng tôi có năm nhà máy với gần ba ngàn công nhân viên, mặc dù công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao và chủ yếu sử dụng máy móc thiết bị. Các nhà máy ở Việt Nam chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng doanh thu của tập đoàn, do chúng tôi là cứ điểm sản xuất quan trọng nhất trên toàn thế giới. Dù vậy, lúc nào ông chủ tịch cũng toát lên sự khiêm nhường, bình dị.
Tháng nào, Chủ tịch cũng có một thông điệp cho toàn thể công nhân viên. Lần gần nhất ông muốn gửi gắm ba vấn đề, trong đó có nội dung được nhấn mạnh nhất: “Hãy luôn suy nghĩ rằng nguyên nhân là do ở bản thân mình. Dù có việc gì đi chăng nữa thì cũng hãy nghĩ là do bản thân mình chưa tốt. Hãy từ bỏ cách suy nghĩ nguyên nhân là do người khác hoặc do hoàn cảnh. Hãy luôn nghĩ và tự đặt câu hỏi: bản thân mình có chỗ nào chưa tốt không, có việc gì mình còn chưa làm được và có thể làm tốt hơn hay không”. Thái độ không đổ thừa, không biện hộ, không thoái thác trách nhiệm đã và đang dần trở thành một nét văn hóa đặc trưng trong công ty chúng tôi.
Có một thông điệp nữa, ông chưa bao giờ nói ra nhưng chúng tôi cảm nhận được: làm lãnh đạo là để gánh vác trách nhiệm, thực hiện nghĩa vụ, để lo toan và đứng mũi chịu sào. Đó là một vị trí vinh quang nhưng hết sức vất vả, chứ không phải làm lãnh đạo để sử dụng, lạm dụng quyền lực cho việc hưởng thụ và lo vun vén cho lợi ích cá nhân.
Người Nhật đang thay đổi bởi cường độ lao động của họ, ở một góc độ nào đó, khiến cho con người ta phải luôn gồng mình, nỗ lực. Phải rồi, con người không chỉ có công việc mà còn có cuộc sống, có gia đình, và ngoài lao động, con người cần dành thời gian nghỉ ngơi, hưởng thụ. Nhưng chúng ta thử nghĩ mà xem, nếu muốn sung túc, giàu có và phát triển bền vững thì có cách nào khác nếu không chịu làm việc chăm chỉ, hiệu quả và tử tế. Người lãnh đạo phải luôn tiên phong thực hiện sứ mệnh và yêu cầu đó.
Bài đăng tại:
http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/155937/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét