Huỳnh Kim
Chủ Nhật, 27/1/2019, 21:54
(SGTT Xuân AL) - Bông điên điển được nhiều người gọi
là “mai vàng mùa lũ” vì màu vàng tươi của nó giống như màu hoa mai khoe sắc mỗi
dịp xuân về. Loài hoa vừa bình dân vừa bác học này là khởi nguồn của bao nhiêu
kỷ niệm đẹp, chuyện tình lãng mạn và được dùng để chế biến các món ăn cho cả
người nghèo lẫn người giàu.
1. Một ổ rơm loi thoi nối với cái chái nhà lá
bằng một chiếc xuồng, giữa bộn bề sóng nước Tịnh Biên, An Giang. Một đám điên
điển còi cọc lơ thơ bông vàng cách ổ rơm cũng độ một chiếc xuồng. Cái gò cao
nhất, cái “giang sơn tránh lũ” của ba chị em, lúc ba mẹ đi giăng câu ngoài đồng.
Con chị chừng mười ba tuổi, mặc cái áo cổ lá sen, cái quần đen sũng nước, ánh
mắt sáng mà buồn; hai đứa em trai nhỏ hơn chị độ bốn, năm tuổi, tóc vàng hoe,
thằng anh ở trần, thằng em cười cái miệng có duyên giống chị.
Bữa nay trời êm gió, từ sáng tới giờ ba chị
em phát hiện trong ổ rơm có hai chú chuột chạy lũ, ba đứa chơi trò mèo bắt
chuột. Mỗi đứa một góc ổ rơm, cứ rình chờ con chuột nào trốn bên kia hổng xong
chạy ra bên này là túm đuôi. Chuột cứ chui ra chui vào ổ rơm. Ba chị em cứ làm
mèo vờn chuột. Ổ rơm muốn sụm xuống luôn. Hết thảy mệt đừ, hai con chuột bò hết
nổi mà hai thằng em không tha. Tự nhiên con chị sợ hai chú chuột chết, không
cho em chơi nữa. Bèn rủ em đẩy xuồng ra hái bông điên điển.
Cụm điên điển giờ chỉ còn mươi nhánh bông
vàng vừa nở. Bữa nào cũng hái, làm sao bông kịp trổ cho đầy. Hai đứa em trai,
đứa móc xuồng, đứa níu bông cho chị hái. Chẳng bao lâu mà cũng lưng rổ. Tự
nhiên con chị thấy tiếc mấy nhánh non, rung rinh những cánh bông vàng trong
nắng như đàn bướm nhỏ đang bay. Nó nhớ cô giáo thích mặc áo vàng lên lớp. Mà nó
cũng thích màu vàng như cô giáo lớp năm. Nó nheo mắt nhìn xa xăm qua bên kia
cánh đồng trắng nước, chỗ cái xóm đó, trường của nó cũng đang ngâm mình trong
lũ cả tháng nay rồi. Anh mắt nó bỗng sáng lên rồi lại buồn hiu hắt.
“Thôi đừng hái nữa Út ơi! Để đó mai nó trổ tiếp. Ba má sắp về rồi!”. Con
chị can thằng em út chực bẻ nốt cái nhánh bông điên điển vàng tươi như cánh
bướm vàng.
2. Loài “mai vàng mùa lũ” ấy, đẹp như câu ca
dao, vừa bình dân vừa bác học; người nghèo người giàu ai cũng thích, nhất là
khi thưởng thức các món ăn từ những cánh bông vàng.
Văn thơ, rồi bao chuyện tình lãng mạn cũng
sinh thành từ đây. Và giờ bông điên điển không chỉ nở trong mùa nước nổi, bông
bây giờ đã nở quanh năm.
Từ năm 2015, nhiều bà con nông dân ở huyện
Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) đã trồng điên điển, có lúc giá bán tới 60.000
đồng/kg. Họ nói điên điển dễ trồng, không cần phân thuốc, không tốn công chăm
sóc lại cho thu nhập khá, trồng vào mùa khô bán được giá gấp ba, bốn lần mùa
lũ. Còn ở hai huyện Phú Tân và Châu Phú của tỉnh An Giang, giờ đây vào mùa khô,
nhiều bờ kinh vàng rợp màu bông điên điển.
Báo An Giang hồi tháng 10-2014, từng dẫn lời
một nông dân: “Điên điển là cây trồng chơi nhưng ăn thiệt. Từ lúc trồng đến 4
tháng là hái bông gần 4 tháng, mà lại bán được giá, không ế hàng. Khi cây cằn
cỗi, cứ hạ xuống cách gốc 1m, bón phân dưỡng, sau đó tiếp tục thu hoạch. Bông
điển điển bán rất chạy không chỉ ở các chợ, siêu thị, thôn xóm mà được bạn hàng
vô bọc xuất bán sang các địa phương, nhất là ở đảo Phú Quốc. Thân cây điên điển
phơi khô làm củi đốt, còn hột bán 200.000 đồng/kg nhưng không đủ đáp ứng nhu
cầu”.
Bạn đồng nghiệp của tôi tên là Mỹ Hạnh còn
viết về bông điên điển thiết tha: “Không phải hoa điên điển mà là bông điên
điển, đến cách gọi cũng rất Nam bộ, thân thương. Bông điên điển có vị nhẫn,
bùi, ngọt, ăn giòn nên hòa quyện với món nào cũng ngon. Từng chùm bông tươi rói
được tuốt nhẹ, nâng niu, trộn ghém ăn sống hay nhúng lẩu, nấu canh chua, đổ
bánh xèo, ăn kèm bún… đều hấp dẫn. Người miền Tây khéo ở chỗ, thực phẩm nào
nhiều, ăn không hết thì nghĩ đến việc làm khô, đem muối để ăn lâu dài. Bông
điên điển trông mong manh vậy mà cũng muối chua được, biến hóa thành món ăn
mới, ngon đáo để”.
Còn trong y học, theo Lương y Đinh Công Bảy,
lá điên điển nấu nước để uống, được xem như chất tẩy xổ, làm dịu đau, trục giun
sán và kháng sinh, chống viêm sưng…
“Thôi đừng hái nữa Út ơi! Để đó mai nó trổ
tiếp. Ba má sắp về rồi!”.
Ôi, cái tình bông điên điển!
* Đã đăng SGTT Xuân
âm lịch 2019 & TBKTSG Online 27-1-2019:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét